Vụ Đồng Tâm có tiềm năng tai hại đến phát triển kinh tế VN thế nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Vụ Đồng Tâm có tiềm năng tai hại đến phát triển kinh tế VN thế nào?


Ở bất kỳ nước nào trên thế giới, khi lính và cảnh sát đụng độ với dân gây chết người, thì đó luôn là điều nghiêm trọng làm cho cả nước lắng lo. Đó chính là lý do chúng ta cần quan tâm đúng mức về việc đụng độ chết người ở Đồng Tâm, Hà Nội, ngày 9/1/2020 vừa qua.

Hình minh họa: vanews edited

Vụ này đặc biệt đáng chú ý với cộng đồng thế giới vì nó xảy ra ngay trong lòng Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam, ngay dưới mũi của các lãnh đạo cao cấp nhất nước, chẳng chỉ là nơi nào đó không ai biết đến như là Khai Phóng ở Năm Căn, Cà Mau.

Đối với thế giới, có lẽ thế giới chẳng cần biết đúng sai, vì họ chẳng biết ai đúng ai sai. Họ chỉ cần biết là khi chính quyền đụng độ dân gây ra chết người, thì đó là quản lý tồi tệ, cũng như một công ty mà chủ công ty và nhân công đụng độ nhau chết người, thì tự khắc chẳng ai muốn ký hợp đồng gì hay mua bán gì với công ty đó, vì chủ tớ giết nhau thì đó là công ty tồi, chẳng cần biết ai đúng ai sai.

Trước hết, điều đó có nghĩa là, những vấn đề đổ máu ngay trong lòng thủ đô trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội ở VN. Ảnh hưởng nhanh nhất là ảnh hưởng vào các nhà đầu tư nước ngoài. Đa số nhà đầu tư không muốn đầu tư vào một quốc gia có bạo động, vì họ chẳng muốn đầu tư của họ có thể bị mọi người đánh nhau và đốt nhầm lúc nào. Về phương diện tinh thần, cũng chẳng nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào một đất nước mà chính quyền và dân giết nhau. Tại sao tôi phải đầu tư vào đó? Thế giới thiếu gì nơi bình an và dễ thương để tôi đầu tư?

Thứ hai, nhà nước và dân giết nhau thì thường có nghĩa là tòa án nước đó bất lực, chẳng ai trong nước muốn dùng tòa án để giải quyết mọi tranh chấp, họ chẳng tin tòa án, họ tin vào sức mạnh của riêng họ để bảo vệ công lý của họ hơn. Có nghĩa là, các nhà đầu tư rất sợ đầu tư vào một quốc gia mà chính người dân và quan chức chính phủ chẳng ai tin tòa án. Nếu mình đầu tư mà có chuyện tranh cãi, mình không dám nhờ tòa án, thì mình chết đứng rồi. Làm ăn gì được nữa?

Thứ ba, chính vì lý do không dám tin tòa án, các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam thì hợp đồng đầu tư nhất định phải có điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế, và thường đòi chính phủ Việt Nam phải đồng ý chịu trách nhiệm pháp lý cho mọi cuộc tranh chấp. Đây chính là điều khoản ISDS – Investor-state dispute settlement mà các nước tiên tiến đòi hỏi phải có trong các Hiệp định thương mại với Việt Nam, để cho phép các nhà đầu tư là công dân của nước họ kiện chính phủ VN trực tiếp (mà chính phủ VN không có quyền kiện lại họ), như là Hiệp định thương mại Việt Mỹ và Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, và hàng chục các hiệp định quốc tế khác mà VN đã ký.

ISDS là “killer” đối với các quốc gia đang lên (chậm tiến) như VN, vì những trọng tài quốc tế trong các ISDS thường thiên vị về phía các quốc gia tiên tiến và có thành kiến đối với các quốc gia chậm tiến, và do đó họ xử những bản án phạt nước chậm tiến thường lên đến cả tỉ hay chục tỉ trăm tỉ đô la. VN cũng đã nếm mùi ISDS rồi, và Việt Nam sẽ tiếp tục nếm mùi nặng hơn trong những năm sắp tới.

Mọi vấn đề cho Việt Nam tới từ một thất bại rất căn bản, nặng nề và nghiêm trọng trong giao thương quốc tế: Hệ thống tòa án Việt Nam chẳng ai dám tin.

Vụ Đồng Tâm này cho cả thế giới thấy điều đó: Hệ thống tòa án Việt Nam không đáng tin. Cả Bộ Quốc Phòng, Công An và dân Đồng Tâm chẳng ai tin tòa, chẳng ai muốn nhờ tòa án can thiệp, và chỉ muốn dùng sức mạnh vũ lực của chính mình để bảo vệ công lý cho mình. Các nhà đầu tư nước ngoài chẳng ai muốn đầu tư ở VN để phải dùng vũ lực của mình bảo vệ đầu tư của mình. Họ muốn dùng tòa án công minh và đáng tin.

Hơn nữa, trong vụ này, rõ ràng là Bộ Quốc Phòng và Công An dùng vũ lực phi pháp, vi phạm nghiêm trọng hình luật Việt Nam, mà hệ thống thông tin báo chí truyền thanh truyền hình cả nước, rất rõ ràng là chỉ nói một chiều bênh vực Bộ Quốc Phòng và Công An. Dù là báo chi tự nguyện nói thế hay bị ra lệnh phải nói thế, thì vấn đề rất dễ thấy đối với thế giới: Không có phản biện ở VN. Bộ Quốc Phòng và Công An phạm luật Việt Nam rõ ràng và nghiêm trọng như thế (ở mọi nước trên thế giới, đó đều là vi phạm hình luật cực kì nghiêm trọng, cho nên thế giới thấy rất dễ), làm chết dân VN như thế, ngay trong thủ đô như thế, mà báo chỉ cả nước bênh vực những nhóm bạo động vi phạm luật VN trắng trợn như thế, và chính phủ họ cũng chẳng làm gì cả như thế, thì mình là người nước ngoài vào đầu tư chỉ là con cá nằm trên thớt đợi chết, chẳng nghĩa lý gì với họ cả, chẳng mong có công lý cho mình ở VN nếu mình có tranh chấp gì với họ.

Ngay cả Liên Minh Âu Châu (EU) đang thảo luận về việc Quốc hội EU có nên thông qua Hiệp Định Thương Mại EU – VN hay không, thì đụng vụ Đồng Tâm, họ lại càng quan tâm về hệ thống pháp lý VN và khả năng VN bảo vệ nhân quyền, nên đã yêu cầu gặp Bộ Công An để hỏi cho rõ về vụ Đồng Tâm. Nếu Bộ Công An không biết cách ứng xử với EU, thì có khả năng cao là Quốc Hội EU sẽ không thông qua Hiệp định.

Mình (tác giả bài này) đã nhiều lần bị các nhà đầu tư nước ngoài định đầu tư ở VN rút lui khi VN có tranh chấp đất đai, vì họ sợ đầu tư xong rồi sẽ bị tranh chấp đất đai, thì công ty chỉ có sụp tiệm.

Tóm lại, vụ Đồng Tâm và những vụ tương tự là vấn đề lớn cho phát triển kinh tế đất nước.

Nhưng vấn đề cũng luôn là cơ hội để Chính phủ VN cho thế giới thấy VN là một quốc gia trọng luật, làm đúng luật pháp theo tiêu chuẩn quốc tế, và tòa án VN đáng tin, hay ít nhất là Chính phủ đang cố gắng hết sức để tòa án VN trở thành đáng tin, đối với người VN cũng như đối với thế giới.

Nếu Chính phủ thông minh thì vẫn có thể đổi vấn đề trở thành cơ hội.

Bộ Quốc Phòng và Công An có vi phạm Luật Hình Sự trong vụ Đồng Tâm ngày 9/1/2020?

Ngày 9/1/2020 cuộc tranh chấp đất đai giữa Bộ Quốc Phòng và nông dân Đồng Tâm đưa đến bạo động và giết người. Ai có lỗi?

Chúng ta có hai bên tranh chấp Bộ Quốc Phòng và dân Đồng Tâm. Không bên nào được phép dùng vũ lực và bạo động. Bộ Quốc Phòng không có quyền mang lính và súng ống vào xây hàng rào trên đất tranh chấp, và Công an không có quyền hỗ trợ Bộ Quốc Phòng trong hành vi phạm luật như vậy. Bộ Quốc Phòng phải nhờ tòa án xác minh ai có quyền gì trên đất, và tòa sẽ ra lệnh cho ai chấp hành bản án của tòa. Tự động dùng lính tráng súng ống trên đất tranh chấp mà dân đang ở và đang trồng trọt là phi pháp, vì phạm Điều 318 Bộ Luật Hình Sự về tội gây rối trật tự công cộng “có tổ chức, dùng vũ khí” với mức hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Ít nhất là các tướng lãnh đạo trực tiếp chỉ huy vụ này, tướng quốc phòng cũng như tướng công an, nên được luật pháp quốc gia truy tố hình sự.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.


Dân Đồng Tâm bị người mang vũ khí vào đất mà họ xem là nhà thì họ có quyền dùng vũ lực để tự vệ và bảo vệ đất nhà, như là chủ nhà dùng vũ lực chống lại trộm cướp trong nhà hay trong vườn mình.

Hành vi gây rối trật tự công cộng của Bộ Quốc Phòng và Công an ngay từ đầu đưa đến việc giết người, và đó là vi phạm Điều 123 Bộ Luật Hình Sự về tội giết người, mà “liền trước đó… thực hiện một tội phạm rất nghiệm trọng” là tội gây rối trật tự công cộng có tổ chức và dùng vũ khí, với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 123. Tội giết người

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.


Các tướng quốc phòng và tướng công an trong vụ này cần phải được truy tố ra tòa hình sự.


© Luật sư Trần Đình Hoành
     Washington DC, USA

1 nhận xét:

  1. Tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ của quân đội

    Trả lờiXóa

Post Bottom Ad