Động cơ nào khiến chính phủ vận hành với tốc độ cao? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Động cơ nào khiến chính phủ vận hành với tốc độ cao?


Ông Trịnh Đình Dũng - một trong các Phó Thủ tướng của Việt Nam – vừa ra lệnh cho Hội đồng Thẩm định Nhà nước “khẩn trương thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao” (1).

(Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ)

Sự kiện vừa kể cho thấy, bất kể khuyến cáo của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn không thể buông bỏ khao khát về… tốc độ cao trong giao thông nói chung và giao thông đường sắt nói riêng.

Trước áp lực của công luận, giữa năm 2010, Quốc hội Việt Nam từng gạt bỏ Dự án Đường sắt cao tốc (2) nhưng năm năm sau, chính phủ Việt Nam tuyên bố, sẽ thay kế hoạch xây dựng Đường sắt cao tốc bằng kế hoạch xây dựng Đường sắt… tốc độ cao (3)!

Giữa năm ngoái, Dự án Đường sắt tốc độ cao tiếp tục khuấy động dư luận sau khi Liên danh Tư vấn cho dự án này giới thiệu Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi. Trong khi Bộ GTVT khẳng định, cần đến 58,7 tỉ Mỹ kim thì Bộ KHĐT cho rằng chỉ cần chi 26 tỉ Mỹ kim…

Lúc đó, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Việt Nam phải tổ chức một cuộc hội thảo về “giải pháp công nghệ cho đường sắt tốc độ cao” (4): Xây dựng tuyến đường sắt cho tàu chạy với tốc độ 200 km/h hay 360 km/h?

Một trong những phản biện đáng chú ý nhất vào thời điểm ấy là từ ông Lã Ngọc Khuê - từng là Giảng viên Đại học GTVT, rồi Thứ trưởng Bộ GTVT – đại diện cho một chuyên gia về giao thông, kinh tế.

Trong Thư ngỏ khoảng 20 trang, nhóm chuyên gia này đã phân tích khá cặn kẽ cả những điểm bất thường về pháp lý lẫn những yếu tố sẽ khiến Dự án Đường sắt cao tốc cho tàu chạy với tốc độ 360 km/hvừa bất khả thi về phương diện tài chính, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro nên sẽ không hiệu quả. Đó là chưa kể sẽ tạo ra nguy cơ khiến Việt Nam bị phụ thuộc vào các đối tác ngoại quốc, tạo thành hình thế cực đoan, bất cân đối về năng lực vận tải của đường sắt trên trục Bắc Nam. Họ khuyến cáo việc mở rộng, phát triển hệ thống đường sắt ở Việt Nam chỉ nên ngừng ở mức thiết kế cho các đoàn tàu chở khách theo dạng tốc hành di chuyển trong phạm vi khoảng 200 km/h, các đoàn tàu khách liên tỉnh di chuyển trong phạm vi khoảng 130 km/h, các đoàn tàu chở hàng di chuyển trong phạm vi khoảng 100 km/h và tiếp tục tận dụng các đầu máy diesel, hệ thống đường ray hiện hữu, không “điện khí hóa” tràn lan…

Theo các chuyên gia, mở rộng và phát triển hệ thống đường sắt ở Việt Nam phải: Không vẽ với, bám sát năng lực hiện có và sẽ có. Bảo vệ quyền lợi và khả năng làm chủ của Việt Nam, không để ngoại nhân thâu tóm toàn bộ hợp đồng, khiến Việt Nam trở thành phụ thuộc (5).

Tuy nhiên những thông tin mới nhất liên quan đến Dự án Đường sắt tốc độ cao cho thấy, chính phủ Việt Nam vẫn mê mải đuổi theo ý tưởng “thắt lưng, buộc bụng”, vay mượn 58,7 tỉ Mỹ kim để xây dựng tuyến đường sắt cho tàu chạy với tốc độ… 350 km/h và điện khí hóa toàn bộ hệ thống đường sắt. Các cuộc thảo luận, thu thập góp ý nhằm tìm “giải pháp công nghệ cho đường sắt tốc độ cao” hồi năm ngoái dường như chỉ nhằm một mục tiêu: Hạ nhiệt, giảm áp lực dư luận. Về cơ bản, Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi về Dự án Đường sắt tốc độ cao vẫn thế, chính phủ vẫn tiếp tục vận hành với… tốc độ cao, kể cả thúc Hội đồng Thẩm định Nhà nước “khẩn trương” để trình báo cáo này cho Thủ tướng vào đầu tháng 5 theo đúng kế hoạch.

***

Bởi chính phủ vẫn chưa làm gì trong khi hàng triệu gia đình nông dân vỡ nợ, phá sản do nông sản, thủy sản ứ đọng, thối rữa, vì con đường xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc bị nCoV gây tắc nghẽn…

Bởi đến giờ, chỉ có một số cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nóng ruột, tự chuyển động, tìm cách giải cứu nông dân, cũng vì không đành lòng nhìn nông dân Việt ngắc ngoải, Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam mua dưa giúp họ rồi đem phát miễn phí cho dân chúng thành phố Hà Nội (6),…

Bởi chính phủ vẫn chưa nói gì khi kênh rạch, ruộng đồng ở đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn chưa từng thấy (tính từ bờ biển, phạm vi xâm nhập của nước biển đã lên đến hàng trăm cây số). Hàng triệu người đối diện với đói, khát...

Và bởi còn vô số những chuyện cần nghe chính phủ nói, cần thấy chính phủ làm nhưng chỉ thấy chính phủ “khẩn trương” với các dự án kiểu như Dự án Đường sắt tốc độ cao, thành ra dù muốn hay không cũng phải hỏi: Động cơ nào mới khiến chính phủ có thể vận hành, thậm chí vận hành với tốc độ rất cao, rất đúng kế hoạch? Nếu các mục tiêu “quốc thái, dân an” hay “dân giàu, nước mạnh” trở thành thứ yếu, thậm chí là chuyện tầm phào thì Việt ngữ có từ nào để gọi tập thể vốn đang được gọi là chính phủ hay không?


© Trân Văn
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad