Loại bỏ độc quyền ngành điện: Điểm nghẽn ở đâu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Loại bỏ độc quyền ngành điện: Điểm nghẽn ở đâu?


Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Luật điện lực sửa đổi từ năm 2013 đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang 3 giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả giai đoạn chuyển đổi đầu tiên cũng bị cho là chưa hoàn toàn được thực hiện.

Điểm nghẽn ở đâu?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 06/3, nhận định:

Phải tách truyền tải điện, là nhà nước quản lý chứ không phải EVN quản lý, cái đó nước nào cũng vậy, gọi là độc quyền nhà nước vì ảnh hưởng an ninh quốc gia. Nhưng đến bây giờ EVN vẫn nắm cơ quan truyền tải đó.

-TS. Ngô Đức Lâm
“Luật điện lực mới sửa đổi đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang 3 giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên tiến độ đó cho đến hiện nay là chậm, nên trung ương muốn tiến độ nhanh lên, để người dân mua muốn mua điện ở đâu cũng được, mua theo giá cạnh tranh… Nhưng bây giờ thì chỉ gọi là phát điện cạnh tranh, nhưng cũng chưa hoàn hảo vì chưa phải các loại đem vào cạnh tranh. Ví dụ điện BOT vẫn nằm ngoài khu vực cạnh tranh.”

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, khi việc bán buôn điện nếu thật sự cạnh tranh, thì sẽ có nhiều người tham gia mua đi bán lại điện. Nhưng hiện nay, theo ông, chỉ có một mình EVN làm chuyện đó, không có công ty tư nhân đi buôn điện bán lại, mà chỉ là những công ty con của EVN buôn điện từ Tổng công ty để bán lại với giá cao hơn.

Vì vậy, hiện cạnh tranh ngành điện không có, vẫn độc quyền. Thị trường điện lực chưa có. Khi thị trường điện lực không có thì sẽ còn nhiều khuất tất bên trong. Cạnh tranh là biện pháp tốt nhất trong quản lý.




Trao đổi với RFA hôm 06/3 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:

“Để khắc phục được bao cấp thì theo tôi phải vận dụng được đầy đủ các yếu tố về cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, xem xét việc công khai giá cả và hình thành giá cạnh tranh trên thị trường, phải có đối tác cạnh tranh với nhau, để tránh độc quyền. Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạnh lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau.”

Ảnh minh họa. Photo courtesy of EVN
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ví dụ, điện mặt trời và điện gió của Việt Nam hiện nay có tiềm năng, nhưng vấn đề là sự kết nối và chi phí của việc kết nối hiện chỉ do EVN quản lý. Theo ông, đây là điểm nghẽn cần giải quyết để có thể khai thác đầy đủ. Bởi vì tiềm năng điện mặt trời của miền Nam và miền Trung là rất lớn.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm đưa ra giải thích rõ hơn về việc phải tách truyền tải điện:

“Phải tách truyền tải điện, là nhà nước quản lý chứ không phải EVN quản lý, cái đó nước nào cũng vậy, gọi là độc quyền nhà nước vì ảnh hưởng an ninh quốc gia. Nhưng đến bây giờ EVN vẫn nắm cơ quan truyền tải đó. Một vấn đề nữa là điều độ điện lực, là cơ quan điều phối các nhà máy điện về mặt kỹ thuật, phải tách khỏi EVN để đảm bảo công bằng khách quan. Nhưng hiên nay hệ thống này vẫn nằm trong EVN. Cho nên nói tóm lại tính độc quyền của EVN còn rất cao.”

Nhà nước chiếm trên 90% tỷ suất điện

Cơ quan đầu não của Việt Nam trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhìn nhận, ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế, không đảm bảo mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn…




Trước thực trạng này, Bộ Chính trị nhấn mạnh, phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Tư nhân thì rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, điện gió, mặt trời… nhưng công suất quá nhỏ. Vì vậy có rất nhiều nhà đầu tư vào rồi, nhưng vì tỷ lệ quá nhỏ, về công suất chỉ khoảng 10% thôi. Nên cán cân vẫn nghiên về EVN là chính.

-TS. Ngô Đức Lâm
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, tỷ lệ tư nhân sản xuất điện trong nước hiện nay vẫn quá thấp. Ông nói thêm về các hình thức đầu điện hiện nay ở Việt Nam:

“Một là hoàn toàn của EVN đầu tư, thứ hai là TKV – Tập đoàn than khoáng sản VN, thứ ba là bên Dầu khí Việt Nam đầu tư. Vẫn là các tập đoàn nhà nước nhưng không phải chỉ có điện lực của EVN. Ba tập đoàn nhà nước này chiếm tỷ lệ sản xuất điện trên 90%, trong đó EVN từ 50 đến 55%. Còn tư nhân thì rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, điện gió, mặt trời… nhưng công suất quá nhỏ. Vì vậy có rất nhiều nhà đầu tư vào rồi, nhưng vì tỷ lệ quá nhỏ, về công suất chỉ khoảng 10% thôi. Nên cán cân vẫn nghiên về EVN là chính.”


Liệu với tỷ lệ tư nhân đầu tư buôn bán sản xuất điện quá thấp như hiện nay, thì khi hoàn tất quy hoạch ngành điện theo Luật điện lực, có thể loại bỏ bao cấp, độc quyền?

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nhận định:

“Lúc đó EVN cũng cổ phần hóa, không phải của EVN nữa, tư nhân tham gia đầu tư vào điện lực cùng EVN, tức là EVN không còn độc quyền nữa, hội đồng quản trị do nhiều cơ quan đầu tư vào, chứ không phải chỉ EVN. Hội đồng quản trị sẽ bầu người lãnh đạo khác chứ không phải người của EVN. Hiên nay EVN là thống soái.”

Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền ngành năng lượng, Bộ Chính trị còn nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng phải tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường… và những vấn đề này phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad