Những quan niệm sai lầm về viêm phổi Vũ Hán - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Những quan niệm sai lầm về viêm phổi Vũ Hán


Hiện nay, cả nước ta lao vào chống dịch. Cả hệ thống chính trị được huy động, và mọi người dân đều quan tâm đến vụ này. Chính điều này làm cho phần lớn người dân có quan niệm, rằng bệnh Viêm phổi Wuhan, do Wuhan coronavirus gây ra, nguy hiểm lắm lắm.

Hình minh họa: Những quan niệm sai lầm về viêm phổi Vũ Hán

Có bạn kể câu chuyện cười, rằng ông kia bị ho, lo lắng quá đi khám. Khám xong về nói với bạn mình, rằng may quá, ông không bị viêm phổi Wuhan, mà chỉ bị ung thư phổi thôi. Mặc dù đó là câu chuyện cười, và hơi tàn nhẫn một chút, nhưng nó phản ánh rất đúng suy nghĩ lệch lạc của số đông người dân về bệnh viêm phổi Wuhan.

Sự nguy hiểm của viêm phổi Wuhan không nằm ở chỗ mắc căn bệnh này, vì thực sự thì đa số người bệnh (khoảng 81% số người mắc) tự vượt qua một cách dễ dàng. Thậm chí, khi phân tích các dữ liệu của tàu Diamond Princess, người ta thấy có đến 51% số người nhiễm hoàn toàn không có triệu chứng gì. Ở tuổi trên 60, có tới 83% số người nhiễm không có bất cứ triệu chứng gì.

Viêm phổi Wuhan không khác gì mấy so với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, do khả năng lây lan nhanh, và tỉ lệ tử vong, dù rất nhỏ, nhưng cao hơn khá nhiều so với cảm cúm thông thường. Tỉ lệ bệnh nặng đến mức cần chăm sóc đặc biệt cũng khá cao so với cảm cúm thông thường (hiện ở Việt nam có 57 người nhiễm, 3 người trong số này đã cần phải thở máy, tỉ lệ bệnh cần chăm sóc đặc biệt tạm thời là 5,2%), nhưng thường người bệnh nặng và tử vong thuộc nhóm lớn tuổi, có nhiều bệnh mãn tính đi kèm.

Và điều nguy hiểm nhất, là vì những lí do trên, nó làm cho hệ thống y tế bị quá tải nếu xảy ra trên diện rộng, nhiều người nhiễm, dẫn đến mất kiểm soát, mất khả năng điều trị những ca nặng, và tăng tỉ lệ tử vong.

Có người nói, đôi khi phải nhìn nhận, rằng những người bị nhiễm Wuhan coronavirus bây giờ là những người may mắn, vì nếu khi dịch bùng phát, thì họ sẽ không được quan tâm nhiều như bây giờ. Điều này nghe rất có lí.





Nếu chỉ có vài trăm ca nhiễm, hệ thống y học điều trị của Việt nam có thể đáp ứng được khả năng cứu chữa, điều trị những ca nặng, khi chỉ có vài chục ca nặng. Nhưng nếu có khoảng chục ngàn ca nhiễm, số ca nặng, cần đến máy thở, cần hồi sức đặc biệt, lên đến 520 ca, thì chắc chắn là hệ thống y học điều trị của Việt nam sẽ sụp đổ.

Cho nên, hiện nay, chiến lược chống dịch của Việt nam là hạn chế lây lan, hạn chế số người nhiễm. Khoanh vùng dịch, cách li là các biện pháp giúp cho chiến lược này tốt nhất. Vừa qua, hệ thống y học dự phòng của Việt nam đã hoạt động rất tốt, tư vấn cho chính quyền, và trực tiếp thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan rất hiệu quả.

Tuy nhiên, khi thực hiện cách li càng triệt để, thì hệ thống huy động càng rầm rộ, các biện pháp bảo đảm cách li càng khắt khe… dẫn đến việc người ta nghĩ rằng bệnh viêm phổi Wuhan rất là nguy hiểm cho cá nhân người bị nhiễm.

Xin khẳng định một điều: Viêm phổi Wuhan không nguy hiểm cho cá nhân người bị nhiễm so với nhiều căn bệnh khác, như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp… những căn bệnh mà hiện có khá nhiều người bị.

Viêm phổi Wuhan nguy hiểm cho cộng đồng khi nó bùng phát và lan rộng, do nó làm cho hệ thống y học điều trị bị quá tải, dẫn đến mất kiểm soát.

Do vậy, cần hiểu đúng về nó hơn, để tránh hoang mang thái quá. Hãy cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của Wuhan coronavirus trong cộng đồng.


© Bs Võ Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad