Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất và nước hòa nhau - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất và nước hòa nhau


Sông Cửu Long cạn dòng đã là một Chính Đề của Miền Nam, của đất nước! Miền Nam sẽ Thịnh Vượng lâu dài hay Miền Nam sẽ nghèo đói, chậm tiến triền miên trong thảm họa?

Hình minh họa: Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đất và nước hòa nhau. Ảnh vanews edited

Đuôi sông Cửu Long khi đổ ra biển tạo nên một vùng đất phì nhiêu bậc nhất thế giới. Nơi đó, đất và nước hòa vào nhau tạo nên môi trường cực kỳ giàu có về dinh dưỡng, dưới sông tôm cá vẫy vùng, trên bờ hạt thóc rơi xuống là thành cây lúa trĩu bông, dọc sông ven biển rừng tràm, rừng đước mênh mông… Hàng trăm năm nay, nói tới xứ sở này người ta nói tới những cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi do lưu dân người Việt, người Hoa Minh Hương, người Khmer… cùng nhau mở cõi để lại sự trù phú cho cháu con… Môi trường giàu có và dễ sống đó khiến tánh tình con người rộng rãi, nghĩa khí, bao dung, độ lượng. Miền Nam tiếp xúc với phương Tây rất sớm, cho nên tầng lớp trí thức nơi này hấp thu nét đẹp của văn hóa phương Tây như tính kỷ luật xã hội, tinh thần khoa học khách quan, lòng tôn trọng con người tạo nền móng cho xã hội dân chủ thực sự…

Miền Nam ngày mới mở được chia làm sáu đơn vị hành chánh nên gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm ba tỉnh Miền Đông và ba tỉnh Miền Tây. Các tỉnh này có địa giới lớn nhiều so với tỉnh bây giờ. Bài này viết về ba tỉnh Miền Tây, theo địa giới hành chánh thời đó trải dài từ bờ Nam sông Tiền chạy xuống Cà Mau, Rạch Giá. Vùng này được tưới bằng nước của đuôi sông Cửu Long, gồm sông Tiền, sông Hậu cùng vô số các con sông nhỏ, kênh, rạch tạo mạng lưới thủy chằng chịt. Đó là chưa kể các con sông nhận nước gián tiếp hay có liên hệ chặt chẽ với hệ thống này như sông Vàm Cỏ…

1) Quá khứ trù phú

Thế hệ ông nội tôi, sinh những năm cuối thế XIX đầu thế kỷ XX kể về những đàn sấu dưới sông quậy bùn, những con cọp mất dần nơi hoang dã thỉnh thoảng vô làng bắt chó. Làng mạc lúc đó hoang sơ, nóc gia rải rác, cả nhà xúm lại trên nhà sàn ban đêm ngó khe cửa thấy cọp ngồi trên sàn bên ngoài vách. Đất này sình lầy, cọp thúi móng, sáng ra chậm chậm chạy khỏi làng… Xin nói thêm, mùa nước nổi đất dọc sông Hậu thường bị ngập nên nhà thường là nhà sàn.

Thế hệ cha mẹ tôi, sinh những năm 1910 – 1920 kể về cảnh bến sông tấp nập, đò ngang đông đúc. Dinh ông chánh, như trụ sở ủy ban nhân dân ngày nay, sang trọng, văn minh, thầy thông thầy ký mặc đồ tây trắng… Dọc sông có một cái “xẹc”, tức cercle, nghĩa là một câu lạc bộ thể thao, chiều chiều giới thượng lưu ra dạo bộ hóng gió hay chơi tơ-nít… Chính cái xã hội thượng lưu này, với tiềm lực kinh tế và tri thức của nó, là nơi theo phong trào Thanh Niên Tiền Phong rất sớm và sau này giúp nhiều vào cuộc kháng chiến chống Pháp.




Lục tỉnh đất đai màu mỡ, nông nghiệp phát triển giàu có. Chủ điền lớn được xếp hạng hẳn hoi. Giàu có cấp huyện một năm thu hoạch hai ba chục ngàn giạ. Cấp tỉnh khoảng ba bốn chục ngàn giạ. Còn cấp Nam Kỳ thì năm chục ngàn giạ trở lên…

Có không ít điền chủ giàu nứt đố đổ vách do chăm chỉ tiện tặn mua đất đai, lần hồi đời con tiếp nối thành điền chủ lớn. Những chủ điền này còn gần gũi với tá điền, cả về nếp sinh hoạt lẫn tình cảm. Đất Nam Kỳ, người siêng năng chí thú dễ giàu, con người thoát dần sự bó buộc trong vòng phong kiến… Chung rượu không phải phân chia giai cấp, mà kết tình anh em. Khi thất mùa đói kém, chủ điền mở kho lẫm cho bà con tứ xứ… Miền đất mới bà con dung nhau, khách thương hồ đem nghĩa khí lang bạt khắp cõi Nam Kỳ, mỏi cánh thì dừng lại tát đìa, lùa vịt, đặt lọp, ăn ong… Tới đây thì ở lại đây, chừng nào tốt rễ xanh cây hãy về. Chim trời, cá nước, lúa đồng… thiếu ăn đâu mà sợ! Cơm chiều no bụng, họ nằm võng ư ử ngâm nga nhớ ông cha thời mở cõi. Chỉ hai ba đời trước, có xa gì đâu các tiên hiền mộ dân lập ấp, khẩn hoang, cái phảng, cái leng còn dựng góc nhà sàn!

Nông dân Miền Tây Nam Kỳ biết dòng chảy từng sông lớn, sông nhỏ, biết từng doi đất, từng vàm, từng khúc sông, từng cồn đất mới nổi. Mùa nước nổi cồn chìm, mùa khô cồn hiện ra cỏ phất phơ xanh. Miền Tây không phân biệt đất và nước, ranh giới đất và nước thay đổi chẳng những theo con nước lớn ròng, mà còn khác nhau trong những tháng nước nổi, nước tràn bờ, nước rút… Mỗi năm một mùa nước nổi, tháng bảy nước nhảy khỏi bờ, nước tràn trề một vài tháng trên những cánh đồng bạt ngàn cùng phẩm vật vô giá của sông Cửu Long: phù sa. Phù sa trầm tích mấy chục ngàn năm tạo nên Miền Tây, mỗi năm phù sa đem tới những cánh đồng sự màu mỡ trẻ trung… Người Miền Tây như cây đước cây bần, lấy sức sống từ đất trời sông nước… để từ đó phát triển ra bốn phương trời. Con cháu họ sau này dù thành nhà trí thức, nhà công nghệ tầm vóc quốc tế như các ông Nguyễn Duy Xuân, Phạm Hoàng Hộ… vẫn giữ trong lòng màu nước đục phù sa. Đó là nguồn gốc sâu xa của bộ sách đồ sộ và nổi tiếng Cây cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, nguồn gốc của trường Đại học Cần Thơ, và xa hơn, của những thành phố Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Mỹ Tho… sung túc và yên bình phát triển trong tiếng vỗ ru của sông nước hiền hòa.

2) Hiện tại bấp bênh

Chín năm chống Pháp, Miền Tây có xáo trộn, cốt cách vẫn đầy. Hai mươi năm nội chiến từng ngày, vườn tược bỏ hoang, giao thông đứt đoạn, tình người Miền Tây vẫn đượm…

Sau những biến chuyển khiến lòng người chia lìa, anh em đẩy nhau vào trại cải tạo, ngăn sông cấm chợ, các cửa biển yên lành trước kia thành nơi dân chúng lũ lượt bỏ nước ra đi, Miền Tây lần hồi bắt đầu trở lại sung túc nhờ phẩm vật của sông nước: lúa, trái cây, tôm cá. Và một món quà đặc biệt: cá tra! Trong hai mươi năm, ngành kinh tế cá tra lớn mau và giúp Miền Tây trù phú, năm 2019 xuất khẩu hai tỉ đô la Mỹ! Cùng với các sản vật khác, sự giàu có của Miền Tây nói riêng, Nam Kỳ Lục Tỉnh nói chung, là sự giàu có của cả nước!




Tuy nhiên, cách đây khoảng trên chục năm bà con Miền Tây bắt đầu thấy sông nước Miền Tây đổ bệnh. Cho dù rất gần đây báo chí Việt Nam mới nói nhiều, các nhà khoa học đã gióng chuông báo động từ cuối thế kỷ trước. Với những người con Miền Tây, chỉ cần ngó màu sông sắp vào mùa nước đổ, họ biết năm nay nước đổ sớm hay trễ, phù sa ít hay nhiều. Những khuôn mặt đen sạm nắng gió vui mừng khi nước nâu đục phù sa, lo âu khi nước ít đục hơn. Mỗi năm, nước càng bớt đục, cùng lúc mặn từ cửa biển xâm nhập vào sông sâu hơn. Mấy năm lại đây, có lúc nước trong, dù chưa xanh, trong gần như sông Vàm Cỏ! Điều này cho thấy con sông không còn màu mỡ. Và muối mặn đã vào tận Cần Thơ, thủ phủ Miền Tây! Và có những nhánh sông đã qua đời!

Người dân chất phác hiện nay của chín nhánh Cửu Long có biết đâu hai mươi lăm năm trước đó, năm 1995, Việt Nam đã từ bỏ quyền phủ quyết trong Ủy hội sông Mekong! Đồng bằng sông Cửu Long không hưởng lợi gì hết từ các đập thủy điện cách nó hơn ngàn cây số, trái lại là nơi chịu thảm họa tàn phá lớn nhất, thậm chí đồng bằng có thể bị xóa sổ! Nếu không giữ quyền phủ quyết, đồng bằng sông Cửu Long lấy gì để tự vệ trước những quốc gia, những thế lực vì quyền lợi của họ mà không đếm xỉa tới quyền lợi đồng bằng sông Cửu Long?

Những người nhìn xa trông rộng đã thấy trước, từ ngày đó, nguy cơ rất lớn, lưỡi hái rất sắc, đã treo lơ lửng trên đầu người dân Lục Tỉnh! Họ đã nhìn thấy trước những con sông Miền Tây cạn nước! Xin các anh chị đọc những bài viết của bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh, của những người cùng chí hướng bảo vệ sông Cửu Long và châu thổ của nó, để thấy rõ hơn điều này.

Những người thay mặt Việt Nam bỏ phiếu đồng ý bỏ quyền phủ quyết của Việt Nam là những ai? Họ có hiểu biết cặn kẽ về lịch sử địa chất hình thành nên sông Cửu Long, hiểu biết cặn kẽ về mọi nguồn lực của hệ thống sông ngòi của nó, chính là ngọn nguồn mang lợi ích tràn trề cho Miền Tây? Họ có hiểu biết về nguồn cội của cách tổ chức xã hội Miền Tây, về tâm lý học, dân tộc học Miền Tây? Họ có tấm lòng của con dân Miền Tây không?

3) Tương lai có thể thịnh vượng?

Sông Cửu Long cạn dòng đã là một Chính Đề của Miền Nam, của đất nước! Miền Nam sẽ Thịnh Vượng lâu dài hay Miền Nam sẽ nghèo đói, chậm tiến triền miên trong thảm họa?

Do tâm lý dân tộc, nhiều người Việt cho rằng Trung Quốc là nguồn gốc của Chính Đề nói trên. Thực ra thì Trung Quốc, dù là tác nhân quan trọng tàn phá lưu vực thượng nguồn, chặn lượng phù sa về hạ nguồn nhưng chưa phải là tất cả. Còn những tác nhân khác…




So sánh bản đồ vệ tinh cũng thấy trong 25 năm rừng Việt Nam, nhất là trên vùng núi Trường Sơn, bị tàn phá như thế nào. Chính Việt Nam đã đối xử như thế nào với nguồn nước của các phụ lưu xuất phát từ rặng Trường Sơn đổ vào Cửu Long?

Đồng bằng sông Cửu Long có được đầu tư bồi đắp xứng đáng với nguồn lợi sông Cửu Long mang lại? Có đủ để duy trì sự khai thác bền vững không?

Việt Nam đã có chiến lược chung cho toàn Miền Nam đối phó với tai họa đã rất gần này chưa? Đã có một qui hoạch tổng thể giúp Miền Nam ứng phó các vấn nạn và xây dựng môi trường sống vững bền cho các thế hệ sau chưa?

Có nhiều điều thực tế trả lời câu hỏi trên, trong đó hình ảnh rõ rệt nhất là 100 km đường cao tốc ở Miền Nam so với hơn 1.000 km đường cao tốc ở Miền Bắc!

Người viết bài này tin rằng với phương tiện của khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện nay, Miền Nam có những chọn lựa chiến lược khả thi cho sự phát triển lâu dài. Giải pháp cho Chính Đề không chỉ nằm trong khoa học, công nghệ, mà quan trọng hơn là nằm ở nơi cao hơn: cách tổ chức xã hội, chính trị của đất nước!

Vấn đề ở tầm vóc quốc gia, giải pháp phải ở tầm vóc quốc gia. Để có giải pháp cho Chính Đề của Miền Nam, cùng lúc phải có giải pháp cho Chính Đề của Việt Nam. Việt Nam cần một sự lãnh đạo chính đáng và xứng đáng với tầm vóc Việt Nam. Chính thị phải là một sự lãnh đạo quốc gia, một sự lãnh đạo mà tầm cao vượt khỏi tư duy vùng miền, tư duy phe phái. Sự lãnh đạo hướng về lợi ích toàn quốc gia, coi sự phát triển của bất kỳ vùng nào cũng là sự phát triển của quốc gia. Có phải một sự lãnh đạo như vậy chỉ có thể được chọn lựa bởi toàn dân qua một cuộc ứng bầu cử minh bạch và trung thực?

Chọn được sự lãnh đạo đó, có Chính Đề nào của quốc gia không thể giải quyết được, kể cả vấn đề cạn dòng sông Cửu Long?

Ngày 20 tháng 3 năm 2020


© Lê Học Lãnh Vân
    Văn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad