Việt Nam cần chủ động trong cuộc chiến truyền thông về Biển Đông - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Việt Nam cần chủ động trong cuộc chiến truyền thông về Biển Đông


Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, Philippines hôm 17/4/2015. AFP

Trung Quốc có tham vọng chiếm đoạt biển Đông từ rất lâu. Từ những năm 1950, thấy được những lợi ích từ biển và đại dương, Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Trung Quốc cũng ủng hộ chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý, cho dù năm ấy các quốc gia vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn này. Những năm 1980, tướng Lưu Hoa Thanh - Đô đốc Hải quân Trung Quốc lúc đó, đã vạch ra chiến lược tiến ra biển cho Hải quân Trung Quốc.

Với tham vọng đó, Chính quyền Trung Quốc phải tìm được lý do để thuyết phục người dân Trung Quốc. Chính vì vậy, Chính quyền Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ không rõ ràng về mục đích và nguồn gốc để thực hiện tham vọng. Đó chính là bản đồ “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng. Tuy nhiên, bản đồ này chỉ thực sự chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế trong hai công hàm ngày 7/5/2009 của Trung Quốc gửi lên Liên Hợp Quốc. Mặc dù không có cơ sở pháp lý nào, nhưng Trung Quốc vẫn chủ trương dùng sức mạnh của mình để nó thực hiện nó trong thực tế. Các học giả Trung Quốc gửi đi khắp nơi các giải thích khác nhau về “đường lưỡi bò” đó. Một trong các luận điểm quan trọng mà phía Trung Quốc hay sử dụng, cho là “đường lưỡi bò” thể hiện “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông.

Năm 2013, “tuyệt vọng” trước sự hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt sau sự kiện Philippines mất kiểm soát tại Bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Aquino III đã khởi kiện Trung Quốc tại một Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Năm 2016, sau ba năm thụ lý, Toà trọng tài đã ra phán quyết, theo đó, cái gọi là “yêu sách về quyền lịch sử” đối với các vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là vô giá trị do không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Chính quyền Trung Quốc đã “không tham gia”; “không thừa nhận” và “không áp dụng” đối với Phán quyết này.




Tổng thống Philippines đương nhiệm Duterte rất thân thiết với Trung Quốc, không muốn nhắc tới Phán quyết này. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Ngoại giao Philippines khi gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc phản đối Báo cáo về ranh giới thềm lục địa của Malaysia vẫn tiếp tục viện dẫn Phán quyết. Điều đó cho thấy, Phán quyết sẽ luôn là “nỗi đau nhức nhối” của Trung Quốc.

Do đó, để xoá nhoà Phán quyết này, Chính quyền Trung Quốc đã và đang sử dụng chiến dịch truyền thông để chống lại Phán quyết, đồng thời tô vẽ cho hình ảnh của Trung Quốc. Người Trung Quốc tỏ ra rất giỏi về truyền thông đánh vào tâm lý như vậy. Với các chiến dịch truyền thông liên tục, “mưa dầm thấm lâu”, Trung Quốc tin rằng họ có thể “đổi trắng thay đen” được.

Đã có rất nhiều ví dụ về việc Trung Quốc tuyên truyền như vậy. Ngay gần đây, việc Trung Quốc đổ vấy virus Vũ Hán sang cho Hoa Kỳ là một ví dụ tiêu biểu.

Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn đổ vấy nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng trên biển Đông cho các quốc gia khác. Cụ thể là Trung Quốc luôn khẳng định rằng tình hình trên biển Đông là ổn định. Việc Hoa Kỳ xuất hiện tại khu vực biển Đông mới là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Trong khi tất cả mọi người đều biết, “biển Đông dậy sóng” chính là do các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

Để tiếp tục “hiện thực hoá” “đường lưỡi bò” tai tiếng và vô lý này. Trung Quốc đã dùng sức mạnh của mình đe doạ và uy hiếp các hoạt động của các quốc gia khác ngay tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Năm 2019 vừa qua, Trung Quốc đã cho tàu hải cảnh cùng các tàu dân quân biển quấy phá trên vùng biển của Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Các quốc gia đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc rất quyết liệt. Tuy nhiên, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “đổ vấy” cho các quốc gia khác, hòng “biến không thành có”, thông qua các chiến dịch truyền thông của mình.




Ngày 3/2/2020, một Think Tank của Trung Quốc là SCSPI đã đăng một báo cáo khẳng định rằng nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm phạm trái phép vùng biển xung quanh đảo Hải Nam của Trung Quốc nhằm mục đích do thám. Nhiều báo chí quốc tế đã dẫn lại thông tin từ báo cáo này.

Đến ngày 5/3/2020, Think Tank này tiếp tục ra báo cáo thứ hai. Trong báo cáo này, họ đưa ra dữ liệu để khẳng định rằng, có 311 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của Trung Quốc, bao gồm cả khu vực đảo Hải Nam.

Think Tank này trong phần giới thiệu cho biết họ thuộc Trường đại học Bắc Kinh. Trường đại học Bắc Kinh là một trong những trường đại học công lập lớn nhất của Trung Quốc. Và vì thế, không khó mà đoán biết được sức mạnh thực sự của Think Tank này cùng với những liên hệ với Chính quyền Trung Quốc.

Có một nhóm nghiên cứu tự phát ở Việt Nam có tên tiếng Việt là Dự án Đại sự ký biển Đông (SCSCI) tranh luận về các cáo buộc cũng như kiểm tra các dữ liệu mà SCSPI của Trung Quốc đưa ra. Vì là nhóm tự phát, với nguồn lực vô cùng hạn chế, cho nên Dự án Đại sự ký biển Đông chưa thể kiểm tra hết các dữ liệu mà phía SCSPI cung cấp.

Phía Dự án Đại sự ký biển Đông sau khi kiểm tra khoảng 5% số dữ liệu mà phía SCSPI cung cấp thì chưa phát hiện được nguồn dữ liệu này có vấn đề gì.




Qua trao đổi với một số nguồn có liên hệ trực tiếp với ngư dân Việt Nam thì được biết thực tế, có một số tàu cá của ngư dân Việt Nam có vào vùng biển của Trung Quốc. Có hai lý do mà ngư dân cho biết khi họ mang tàu cá đi vào trong vùng biển của Trung Quốc. Đó là:

  1. Thông thường, các khu vực biển này, nếu thuộc vùng biển của Trung Quốc thì lực lượng chấp pháp Trung Quốc ngăn cản các tàu cá từ nước khác xâm nhập rất quyết liệt. Thậm chí ngay tại các khu vực mà phía Việt Nam cho là thuộc vùng biển của Việt Nam thì nhiều tàu cá Việt Nam thời gian trước đây cũng bị nhiều tàu chấp pháp Trung Quốc bắt giữ hoặc đâm chìm. Tuy nhiên, hiện nay, các tàu cá Việt Nam có thể đi vào vùng biển của Trung Quốc một cách khoải mái, không bị ngăn cản gì.
  1. Khi đi vào các vùng biển của Trung Quốc để bán cá, ngư dân Việt Nam sẽ thu được lợi nhuận cao hơn bởi vì mặt bằng giá cả các loại hải sản của Trung Quốc cao hơn ở Việt Nam.

Như vậy, với bối cảnh nhiều báo cáo từ EU cho thấy tình trạng đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam (IUU) không giảm. Cộng với việc bỗng dưng các lực lượng Trung Quốc rất “bao dung” với các tàu cá Việt Nam được “thoải mái” vào sâu trong vùng biển của Trung Quốc. Rất có thể đây là một chiến thuật “cao tay” từ Trung Quốc. Một mặt, họ ngầm “tạo điều kiện” cho các tàu cá Việt Nam vào sâu trong vùng biển Trung Quốc. Mặt khác, cơ quan chức năng Trung Quốc thu thập dữ liệu các tàu cá này làm bằng chứng cáo buộc trước quốc tế là các tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc không ngoại trừ mục đích do thám.

Đứng trước tình hình này, thiết nghĩ, Chính quyền Việt Nam cần thực hiện hai việc sau:

  1. Cần phải thông báo cho các ngư dân Việt Nam biết được các tác hại đối với hình ảnh Việt Nam của việc xâm nhập vào các vùng biển của Trung Quốc. Khi Chính quyền Trung Quốc đột ngột thay đổi thái độ thì sự an toàn của các ngư dân sẽ bị đối mặt với nguy hiểm khó có thể biết trước.
  1. Các cơ quan chức năng Việt Nam, hàng năm thường thông tin là có hàng ngàn tàu cá “lạ” xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, trong đó có các tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin chỉ chung chung như vậy. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần cung cấp rõ thông tin cụ thể từng tàu cá vi phạm này, để phía Việt Nam có thể sử dụng thông tin để cung cấp cho quốc tế nếu thấy cần thiết.


© Trương Gia Kiệm
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad