30 Tháng Tư, nhớ tới một lớp người… - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

30 Tháng Tư, nhớ tới một lớp người…



Hình minh họa: Ba mươi tháng Tư, ngày miền Nam thua trận

Ba mươi tháng Tư, ngày miền Nam thua trận

Chúng ta vẫn hay nói thế, là một điểm mốc của ra đi, và ở lại. Đi và ở lại, thành vấn đề.

Ba mươi tháng Tư, năm xưa, chúng ta hay nhắc nhớ đến lá thư thời thượng của Thủ Tướng Sirik Matak. Lá thư mang cái tiết tháo rất Đông Phương, khi ông từ chối lời mời của nước Mỹ, để không ra đi với người Mỹ, mà ở lại với xứ Chùa Tháp của ông và rồi chết dưới tay kẻ thù Khmer Đỏ.

Quả vậy, cứ mỗi dịp tưởng niệm ngày 30/4, đồng hương lại đem đăng tải và dịch trên báo lá thư từ chối đi Mỹ của ông gửi đại sứ John Gunther Dean, để tôn vinh ông như một anh hùng. Trong bức thư quá nổi tiếng ấy –mà nhà báo và bình luận gia chính trị Gabriel Schoenfeld xem như một trong những tài liệu quan trọng nhất của cả thời kỳ chiến tranh Việt Nam– có một cụm chữ mà không ai dịch đúng, từ dịch giả Phạm Kim Vinh (trong Tháng Tư Đen, Vietnam xuất bản, 1988) đến những bản dịch trên mạng, trong câu: “But mark it well that, if I shall die here on the spot and in my country that I love, it is too bad [tôi nhấn mạnh] because we are all born and must die one day”. Tiếng Pháp: “Mais, notez-le bien, si je meurs ici, dans mon pays que j’aime, tant pis, car nous sommes tous nés et nous devons mourir un jour” (Olivier Todd, Cruel Avril, nxb Robert Laffont, 1987, tr. 274).

Phạm Kim Vinh dịch cụm từ “too bad” và “tant pis” thành “cũng chẳng sao” (sđd, tr. 225). Chết cho quê hương mình yêu dấu đâu phải là chuyện nhỏ, mà “cũng chẳng sao” ư? Còn trên mạng thì được dịch: “đó là điều tệ hại” hoặc tương tự. Chết cho đất nước như thế, tại sao lại là “điều tệ hại”? Chứng tỏ người ta không hiểu rõ tâm tư của tác giả, Sirik Matak, và lý do khiến ông, mặc dù nói cứng như vậy, vào phút chót đã chạy vào lãnh sự quán Pháp để rồi bị đẩy ra nộp giao cho bọn Khmer Đỏ và sau đó bị giết.

Quả vậy, too bad và tant pis, theo nghĩa thông thường và cảnh huống (contexte) của bức thư phải được dịch là “mặc kệ tôi”: “... Nếu tôi phải chết ngay tại đây, trên đất nước của tôi mà tôi yêu mến, thì cũng mặc kệ tôi, bởi vì tất cả chúng ta được sinh ra và phải chết một ngày...”




“Mặc kệ tôi” hàm chứa một sự bất cần, và nhất là ở đây, một sự uẩn ức, đối với đối tượng của bức thư, tức là chính phủ Mỹ –đã quyết định bỏ rơi Cam Bốt. Nghĩa là, tôi có chết thì cũng mặc kệ tôi, các người đừng thương tiếc làm gì, đừng nhỏ giọt nước mắt cá sấu, v.v.. Điều này rất “người” (human), nghĩa là hợp với tâm trạng chán chường, bất lực và ngôn từ bực bội của một nhà lãnh đạo một nước yếu đang thấy mình bị phản bội bởi một đồng minh mạnh hơn.

Giận người đã đành, mà còn giận chính mình đã cả tin vào người Mỹ: “I have only committed the mistake of believing in you, the Americans”. Câu đó làm tôi nhớ bài diễn văn năm xưa của ông đã được nghe trong buổi họp. Ông đã đúng khi nghi ngờ người Mỹ. Người Mỹ đã phản bội ông, quốc gia của ông thật sự. Rõ ràng, trắng trợn. Cũng như đã phản bội kháng chiến quân Cuba năm 1961 trong vụ Bay of Pigs, Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, quốc vương Shah của Iran năm 1979, và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đồng minh lâu đời, tháng 2/2011... Ví dụ còn nhiều.

Cũng vì vậy mà Sirik Matak mới từ chối đề nghị giúp đỡ ra đi bởi chính phủ Mỹ trong một lá thư riêng gửi cho nhân dân Mỹ qua ông đại sứ Mỹ. Vấn đề chỉ là cá nhân giữa ông và Mỹ. Như thế, không có nghĩa, và không có đoạn nào ám chỉ, ông sẽ từ chối mọi sự giúp đỡ, nếu có, nếu cần, của những tòa đại sứ khác, chẳng hạn. Thế thôi. Có như vậy người ta mới hiểu tại sao ông đã xin tỵ nạn trong lãnh sự quán Pháp.(1)

Chúng ta ngậm ngùi, tiếc rẽ.

Phải chi mình cũng có những người Lãnh đạo như ở nước người ta! Ở lại.

Lãnh đạo của chúng ta. Họ thế nào?


30 tháng Tư, 1975

Hàng hàng lớp lớp người bỏ nước ra đi. Lãnh đạo, cũng có trong số đó. Sao cho khỏi. (Đa số các Tướng lãnh đều được đồng hóa trong vai trò Lãnh đạo.) Và nhiều, rất nhiều người trong đám họ đã ra đi.

Sự ra đi của họ, bị coi là đào ngũ.

Đứng đầu, phải kể, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.

Chúng ta hãy nghe một vị khoa bảng bàn về các lãnh đạo một thời:

“Bức thư với giọng nhẹ nhàng, lịch sự mà vô cùng cay đắng, kiêu hãnh của một nhà lãnh đạo anh hùng, có khí phách, có trách nhiệm, không đào ngũ trước khi tai họa giáng xuống. Một bản cáo trạng hùng hồn về sự phản bội, (của nước Mỹ,) qua những câu bình dị, nhưng làm nhức nhối tâm can.




“Bức thư tuyệt vời, so với bài diễn văn của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Chúng ta, những người lớn tuổi, còn nhớ buổi tối 21/4/1975, trong giờ tổ quốc lâm nguy, ông đã lên tivi, lúc thì đanh thép lúc thì nghẹn ngào, để tố cáo Mỹ như thế nào về việc cúp viện trợ cho Việt Nam, nghĩa là bỏ rơi Miền Nam, nào là “Hoa kỳ nuốt lời hứa. Bây giờ còn ai tin lời của người Mỹ?” nào là “chúng ta không thương lượng với Mỹ để có vài triệu đô la giống như chúng ta đi trả giá ngoài chợ cá”, v.v.. (xem các báo cũ Việt Nam và Mỹ như The New York Times, Los Angeles Times, v.v..). Đặc biệt, câu cuối cùng: “Tôi từ chức, nhưng tôi không đào ngũ. Tôi sẽ trở về với quân đội, chiến đấu sát cánh với các chiến hữu.” Năm ngày sau, ông rời khỏi Sài Gòn.” (1)

Ý là, ông Nguyễn văn Thiệu đào ngũ.

Và tác giả Kim Thanh nói tiếp:

“Một số phận, hai nhân vật. Bức thư của Thủ Tướng Sirik Matak tuyệt vời, trên cả tuyệt vời. Cho nên đã được Henry Kissinger đọc cho Quốc Hội Mỹ, để họ nghe thấm thía thêm nỗi nhục nhã và hối hận, biết đâu! Cho nên được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ như một tài liệu. (1)

Một số phận.

Cả tin vào nước bạn đồng minh. Để mất nước.


Hai nhân vật

Dĩ nhiên, Thủ Tướng Sirik Matak, của Campuchia, là một.

Và cái kết thúc đau đớn của đời ông, chúng ta ngậm ngùi khi nhớ lại. Lại là một tiếp nối của lòng cả tin vào bạn, bạn ngoại quốc.

Ngoài nước Mỹ, như ông đã vì sự phản bội của họ,từ chối lời mời. Mà ông đã tin.

Ông cũng tin vào những nhà ngoại giao một nước khác. Ông và gia đình xin Tỵ nạn chánh trị tại một Tòa Đại sứ nước ngoài.

Khi ông nhắm vào niềm tin này như cái phao cuối cùng của đời ông để ông và gia đình ông sống còn. Nước Pháp mà ông đặt tất cả niềm tin, hy vọng, đã một lần nửa chẳng những giết chết niềm tin vào tình người, nơi con người dễ tin dễ mến như ông. Họ còn để cho quân Khmer Đỏ giết toàn bộ, ông và gia đình ông. Khi giao nộp ông cho Quân Khmer Đỏ …

..., tiếp theo bức thư tuyệt mệnh ấy, vào ngày 17/4/1975, ông hoàng, cựu Thủ tướng Sirik Matak đã chạy vào lãnh sự quán Pháp, cùng với hai cận vệ –điều mà ít ai biết, chú ý hay còn nhớ– và những viên chức cao cấp của chế độ: Ung Boun Hor, chủ tịch Quốc Hội Cam Bốt, Long Boret, thủ tướng đương nhiệm, công chúa Mam Manivane, gốc Lào, vợ thứ sáu của Sihanouk, con gái, con rể, và hai cháu ngoại của bà, và nhiều người khác, không dưới 100. Dù không được mời. Dù bị xua đuổi thẳng thừng, thô bạo, và giao nộp cho Khmer Đỏ ba hôm sau, để tất cả bị giết sạch, kể cả đàn bà con nít, bởi loài thú hung hãn mang hình người.(1)


Nhân vật thứ hai

…Năm ngày sau, ông rời khỏi Sài Gòn trong một chiếc Mercedes bịt kín, do một đoàn xe CIA hộ tống dưới quyền chỉ huy của Frank Snepp (cf George J. Church, “Saigon: The final 10 days”, Time Magazine, 4/24/1995), ra phi trường, có đại sứ Martin đứng chờ, để đi Taiwan trên chiếc máy bay C-130 sơn đen, với 15 tấn hành lý, và nếu ta tin lời Gabriel Kolko (The Guardian, Oct 2, 2001) “có hai va-li lớn đầy vàng”, hoặc David Lamb của tờ Los Angeles Times, “với số vàng trị giá 15 triệu dollars” (and USD 15 million in gold).(1)




Những mô tả trên, không dành cho ai khác hơn Vị Tổng Tư lệnh một thời của chúng ta. Ông Nguyễn Văn Thiệu. Với một số ngộ nhận, qua thời gian (Như với số vàng trị giá 15 triệu Mỹ kim mang theo (16 tấn vàng?)

Mà nếu vạn nhất, không đào ngũ.

Có nên ở lại để chết như Thủ tướng Sirik Matak!?

Không đào ngủ, không chết như Sirik Matak.

Ông, nếu lại phải làm việc với người nước ngoài. (Phải có, như một điều kiện ắt có và đủ, cho công cuộc làm mới đất nước.) Phải có khác. Ít ra , khác trước.

Khác. Vì không thể quá tin vào nước ngoài. Một hệ lụy, nhân quả.


Lại nhắc về Ba Mươi Tháng Tư….

Các Tướng lãnh chịu trách nhiệm vùng IV, Quân khu 4, Tướng Lê Văn Hưng, Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tướng Trần Văn Hai và nhất là Tướng Tư Lệnh Quân khu IV, Tướng Nguyễn Khoa Nam, họ chứng tỏ có trách nhiệm. Họ chứng tỏ có tình đồng đội. Họ chứng tỏ có lòng thương dân. (Một trái ngược thật rõ với các cấp chỉ huy của phía bên kia.) Khi họ chấp nhận buông súng. Để các thuộc cấp của họ về nhà. Để dân chúng không vì các ông mà lâm vào chết chóc. Và họ tự xữ lấy họ. Họ, những người ở lại.

Những Tướng lãnh chết theo thành. Không là tướng của “Nhất tướng công thành vạn cốt khô.”

Nhưng,... Những vị ra đi. Có vị trở về.

Tướng Hoàng Cơ Minh. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.

Trong nhiều cuộc hành quân Đông Tiến, những chiến hữu của ông và chính ông đã hy sinh trên đường về nhằm giải thoát đồng bào khỏi sự cai trị nghiệt ngã của Cộng Sản Việt Nam.

Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh, QLVNCH. Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam.

Cùng với ông có những đồng chí đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng như ông Cao Thế Dung, ông Trung Tá Phan Vũ Điện (Không Quân,) nhà giáo Hà Trung Liêm, nhà văn Tưởng Năng Tiến,…

Tổ chức cũng có căn cứ quân sự và hoạt động bên ngoài Việt Nam. Chưa thể xâm nhập về trong nước.

Có những vị xem ra có ý định trở về. Ông Nguyễn Văn Thiệu…

Tại sao lại “xem ra có ý định trở Nhân vật thứ hai về? “

Ông Nguyễn Văn Thiệu, sau một thời gian im hơi lặng tiếng, có lúc ông xuất hiện đây đó. Ông kêu gọi đồng bào cùng ông dành lại đất nước. Khỏi tay VC.

Phần lớn, ông có đám đông của ông. Những vị Quân (nhân,) Công (chức,) Cán (bộ,) Chính (quyền) VNCH. “ Quân Công Cán Chính.”

Những vị này, trong cộng đồng của chúng ta, họ đông lắm. Những hoạt động của họ với ông Nguyễn Văn Thiệu. Có hay Không? Chúng ta kiểm chứng được.

Ngay với người không tham gia hay không cùng ông làm việc. Khéo ra, chúng ta cũng biết được một vài tông tích, ngọn ngành.




Với một người đang hoạt động trong chính trị dòng chánh, chính trị nước Mỹ, ở ngay San Jose này. Người này qua sự từ khước, không chấp nhận vị thế Tổng Thống của ông Thiệu. Với một cách thế rất lịch sự, nhưng rõ ràng. Anh từ chối xưng hô với ông Thiệu như là Tổng thống, chỉ xin được gọi là bác vì (thấy có) số tuổi cao.

Nó là một bằng chứng.

Phải không? Của những “ người thật, việc thật.” Trong lần ông Thiệu tiếp xúc nhóm người Việt, Trẻ, ở San Jose. Có anh.

Đến nay, anh bạn trẻ vẫn cho thấy có nhiều tiềm năng. Hy vọng hoạt động trong lãnh vực Cộng Đồng và “ Dân cử” sẽ đưa đến những khả thi có lợi cho anh (Anh Nguyễn Xuân Hiệp) và cho Cộng Đồng.


Với tin tức

Đồng bào biểu tình chống sự xuất hiện của ông Nguyễn Văn Thiệu. Tin và hình ảnh đầy trên những bản tin các Đài truyển hình Hoa kỳ. Fox, CBS #5, Abc #7,NBC,…vào các ngày….(2)

Nhìn cảnh nghệ sĩ Hùng Cường, hùng hổ, giận dữ thóa mạ cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu với thái độ, lời lẻ… không mấy hợp, nhất là giữa hai người lớn với nhau.

(Vạn dĩ, có lúc Nghệ sĩ Hùng Cường nghĩ lại. “Thằng cha” này điên sao tự nhiên chường mặt ra cho mình chửi? Để chơi sao?) (2)

Hình ảnh cho thấy cái quá đáng. Trong một cuộc chống đối ông Thiệu của đồng bào. Sao khỏi có lúc, mình phải nghĩ lại.

Như có người, nay, không khỏi hối hận khi nhớ ra mình đã từng “mắng nhiếc” tướng Hoàng Cơ Minh lừa bịp….


Một lớp người!

Các tướng lãnh VNCH, các nhà lãnh đạo đất nước. Một lần bị du cho những cái không mấy tốt đẹp. Tham nhũng, bất tài, bán nước, đào ngũ,…

So ra họ hơn hẵn những người của miền Bắc chiến thắng. Những người chiếm lĩnh những vị thế cai trị đất nước hiện nay. Những người này cai trị “ tồi” hơn lúc họ cai trị. Đối đãi với đồng bào “tồi” hơn lúc họ đối đãi với đồng bào gấp trăm ngàn lần.Với đất nước, những người bên thắng cuộc còn tệ hại đến cái mức không thể kể họ là người cộng sản nửa. Không còn là một giai cấp, một thành phần của dân chúng. Mà chỉ là bọn Ác với dân, một lủ tiếm quyền, do ác mà đè đầu được dân.

So với các vị lãnh đạo miền Nam Việt Nam trước đây, những người cai trị đất nước hiện nay đã hiện nguyên hình. Bọn cướp đội lớp,…

Trong lúc đó những người “Tôi cố bám lấy đất nước tôi. Bằng sức người khô cạn,…Bằng…sức người đầu đội trăm tấn bom, tim ghi ngàn dấu đạn.” (Nhạc Nguyễn Đình Toàn.)


Họ đã làm gì?

Có phải trận chiến đó chấm dứt ngay sau ngày 30 tháng Tư, 1975? Phong trào Phục Quốc, một điểm mốc khác. Trong nước, đó là lúc, ở Đà Nẳng có học sinh Nguyễn Kim Hoàng. Và ở Rạch Giá có thủy thủ Võ Hoàng Oanh tự in truyền đơn, tự mình đi rải để chống lại Việt Cộng. (Chính họ kể lại với anh em sau khi đến Mỹ.)

Ở Biên Hòa, giữa hai người bạn học, trường Ngô Quyền, Sơn Đen bỏ các cuộc vui anh vẫn có với cái giọng ca ngọt lịm, rũ Lý Khánh Hồng tham gia tổ chức nhóm phục quốc của anh.

Vì các hoạt động đó, sau này anh (Sơn Đen) bị Công an bắt. Ít lâu sau anh trốn khỏi trại giam Xuyên Mộc rồi vượt biên.

Ở Sài gòn, Đoàn Kế Tường, cùng các bạn của anh…..

“... Là lúc nhiều người trẻ, như Đoàn Kế Tường, một cây viết mới nổi của Báo Sóng Thần, và bạn bè ông, họ in và phát tán truyền đơn, cùng Lời Kêu gọi…của tổ chức “ Dân Quân Phục Quốc.”

Đêm 22 tháng 10 năm 1975, theo lời kể của Đoàn Kế Tường, người bạn đến nhà, còng tay bắt ông là Huỳnh Bá Thành. Huỳnh Bá Thành, hay Họa sĩ Ớt của báo Điện Tín, là bạn binh xập xám của Tường. Trước 75, khi Tường cộng tác với Sóng Thần. Trong đêm đó, người bạn thân khác của Tường, Dương Đức Dũng, cùng Thái Sơn và giáo sư Lê việt Cương cũng bị bắt. Vì cùng chung một hoạt động.(3)

Cũng là lần bị bắt đó. Với một người bạn tù sau này. Đoàn Kế Tường lại kể rằng :Người còng tay bắt ông, ông kể, là Đỗ hữu Cảnh, tức thiếu tá Ba Sơn, Công an thành phố. Trước 75 là Luật sư ở Sài gòn. Một người bạn thân.

Thân đến mức, trước đêm bị bắt. Tường rũ người bạn ra bến Bạch Đằng uống rượu và nhờ bạn : “Mai tao vào bưng, có mệnh hệ chi thì nhờ mi lo cho vợ con tao.” Hai người cùng khóc. Người bạn thề sẽ làm điều bạn mình nhờ.

Nửa khuya đêm đó, người bạn này chỉ huy Công an đến còng tay Tường ngay tại nhà. (Đinh Quang Anh Thái; Ký, Người Việt Books xuất bản, 2018, tr.130.)


Vụ nhà thờ Vinh Sơn

Lực lượng Dân Quân Phục Quốc được mô tả “do Thượng sĩ Nguyễn Việt Hưng thành lập vào tháng 8- 1975. Một số linh mục di cư đã tham gia như linh mục Nguyễn Hữu Nghị, nhà thờ An Lạc, linh mục Nguyễn Quang Minh, nhà thờ Vinh sơn... Lực lượng này còn thu nhận một số sĩ quan trốn học tập cải tạo như Trung tá Phạm Văn Hậu, trung tá Trần Kim Định và một nhân viên CIA với tên Nguyễn Khắc Chính. Ông Nguyễn Việt Hưng được cho là đã tự phong cho mình “quân hàm” Thiếu tướng. Với chức vụ Tư lệnh quân đoàn biệt chính và Biệt khu thủ đô. (3)

Ngày 10 tháng 2, 1976, Nguyễn Việt Hưng và Trần Kim Định bị bắt.

Đêm 12 rạng sáng 13 tháng 2 năm 1976. Tiếng súng nổ dòn dả ở khu nhà thờ Vinh Sơn.

Lực lượng An Ninh Thành phố tấn công vào nhà thờ Vinh Sơn.

Những gì có thể biết được. Và ai cũng biết. Chỉ có thế.

Sau đó. Nhà nước cho biết thêm.

Những người cố thủ trong nhà thờ chống trả mãnh liệt với cả súng và lựu đạn. Làm chết một cán bộ an ninh tên Ràng.

Mãi tới gần sáng, lực lượng bao vây mới khống chế được nhà thờ. Thu được các thiết bị phát thanh và in tiền giả. Bắt giử hai linh mục. Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Quang Minh.(3)

Cũng từ tài liệu cùng nguồn này, Huy Đức đọc và phổ biến trong Bên Thắng Cuộc :

Ngày 6 tháng 4, 1976, chính quyền quyết định tấn công vào nơi được coi là “sào huyệt của bọn phản cách mạng,” đặt trong khu rừng của Tùng Nghĩa, Lâm Đồng, bắn chết sáu người, bắt sống “Chủ tịch Trần Duy Ninh và tám tên khác.”

Ngày 8 tháng 4, 1976, bốn mươi ba mục tiêu ở Sài gòn đồng loạt bị tấn công: “bắt thêm năm mươi tên, thu giữ điện đài, hai máy in bạc giả, một máy phát điện, toàn bộ máy móc để xây dựng đài phát thanh, tám mươi súng các loại, 100 kg thuốc nổ TNT và một số tài liệu phản động.”(3)


Vụ Chùa Già Lam

Về phía Phật giáo. Người người đều biết vụ “Chùa Già Lam.”

Có đến hai án Tử hình đã dành cho hai vị Tu sĩ Phật Giáo trong vụ này. Qua các phiên xử vào cuối tháng 9 năm 1988, với tội danh:

• Tàng trữ vũ khí và tàng trữ tài liệu phản động.

• Tổ chức kháng chiến vũ trang để lật đổ nhà nước CHXHCNVN.

Và, để có thể có những phiên xử này. Từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 1 tháng tư 1984. Chùa Già Lam đã bị bao vây.

• Lục xét. Bắt đi các Đại Đức Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu và Thích Nguyên Giác.

Ông Huỳnh Kim Quang, một người trong những người đang điều hành tờ Việt Báo, ở Mỹ hiện nay, cho biết, với chi tiết, rõ hơn. Trong ngày lục xét Chùa Già Lam. CSVN chỉ bắt đi Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Thích Nguyên Giác.

Riêng Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, lại bị bắt ở Thiền Viện Vạn Hạnh trên đường VÕ di Nguy, Phú Nhuận. Không phải tại Già Lam.

Họ cũng,

• Bắt Thầy Thích Như Minh, cùng với Ni cô Thích nữ Huệ Khương tại Viện Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh.

Và,

• Bắt giữ Sư cô Thích Nữ Trí Hải ở chùa Diệu Pháp, một tịnh xá mới lập ở Hố Nai. Để làm chỗ cư trú cho tăng ni vào lúc ấy.

Ai cũng biết. Các Thầy Tuệ Sỹ, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Sư cô Thích Trí Hải là những nhà nghiên cứu Phật Học có tiếng tăm, được trọng vọng, là những viên ngọc quý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Và là những đệ tử tâm đắc được Sư Ông Thích Trí Thủ, vị sư được âu yếm gọi là “Ôn,” của Già Lam, thương yêu.

Hòa Thượng Trí Thủ, vào lúc đó, đang được chế độ trọng vọng mong lôi kéo được Hòa Thượng tham gia Mặt Trận Tổ Quốc của họ. Nên ngay khi họ bắt giử những học trò yêu dấu của Hòa Thượng. Họ đã mời HT Trí Thủ nghe một cuộn băng thu âm sẵn. Trong đó một tăng sinh của chùa Già Lam đã lên tiếng tố cáo Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trí Siêu và Sư Cô Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo tổ chức phản động.

Về việc một “tăng sinh,” trong cuốn băng thu âm, Ông Huỳnh Kim Quang cho biết thêm. Ông Pha đã hoàn tục và không còn là học tăng của Già Lam. Ngay sau biến cố 1977-1978, lúc Thầy Tuệ sỹ bị bắt với vụ Lực Lượng Việt Nam Tự Do của thầy. Ông Huỳnh Kim Quang nhấn mạnh, chính ông đã có mặt ở chùa Già Lam thời gian đó.

Biết được những học trò của mình đã bị những người cầm quyền bắt giữ, nghe nói, HT Trí Thủ lâm cơn tai biến mạch máu não, nhà nước đưa đi chữa trị, và chẳng bao giờ người trở về Chùa Già Lam của người nữa!

Vụ xử, mãi đến cuối tháng 9 năm 1988 mới xảy ra, nhằm xử Tuệ Sỹ, Trí Siêu và 17 tăng, ni, cùng một số sĩ quan QLVNCH.

Hai án tử hình nhà cầm quyền tuyên phạt hai ông Tuệ Sỹ và Trí Siêu sau đó được giảm khinh. Thời gian những vị ấy phải trải qua những nhà tù của chế độ, dài. Đủ dài, để nhiều người biết.

Những người này đã từng sống cùng trại tù và cùng thời với các ông. Ta đã nghe kể lại. Nếu không nhiều, thì ít lắm cũng một lần, cái lần qua lối kể khả tín của nhà văn Hoàng Hải Thủy khi ông kể về ông Trí Siêu mà ông biết ở trong tù. Khi ông nhắc về vụ án qua lời kể của một người có liên hệ mật thiết với giáo hội Phật Giáo, ông Đính… và qua tiếp xúc với những tăng sinh Già Lam vì dính líu vụ này bị nhốt cùng thời với ông. (Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu,on-line.)

Có điều ít ai chú ý hoặc tỏ ra biết gì về những người được liệt kê như những “sĩ quan QLVNCH” trong cái tổ chức kháng chiến vũ trang để lật đổ nhà nước CHXHCNVN nói trên.

Vụ này chỉ được biết, công khai, vào những ngày tháng tư năm 1984. Khi Chùa Già Lam bị vây bủa, tấn công, ruồng bắt người. Lúc đó, ai cũng thấy.

Với riêng tôi, vụ Chùa Già Lam tự mình vũ trang chống lại nhà nước Cộng Sản. Chúng tôi được nghe nói tới, biết tới, sớm hơn. Từ những năm 1979 - 80. Với một ít chi tiết, ít ra là về thành phần và khuynh hướng của một số quân nhân có tham gia vụ này.

Lúc đó, người dân Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, Bà Rịa, Phan Thiết,… đều đồn với nhau. Người ta nghe đồn có người do vào rừng để kiếm sống đã gặp Phục Quốc Quân.

Khi nghe đồn, ở Thuận Hải, giữa Phan Thiết- Bình Tuy. Khi nghe đồn, ở trong núi Thị Vãi, giữa Bà Rịa- Long Khánh. Khi nghe đồn, ở Hố Nai!

Ở đâu xa khó biết. Ở Hố Nai. Bạn chung lớp thời trung học của tôi, ông bắc kỳ di cư Vũ Trung Ngạn (bắc kỳ Tân Mai) lôi ông bắc kỳ Xưởng, cũng chung lớp, dân Hố Nai ra với bằng chứng, dân Hố Nai nhà ông ấy có thấy truyền đơn của Phục Quốc…

Tôi hỏi anh S. một người tôi “quen.” Chắc tụi nó gạt mình để bắt... thêm?

Anh trả lời tôi. Gặp Phục Quốc Quân thì không chắc. Nhưng truyền đơn thì có.

Ở Thuận Hải, thì, Hàm Tân và ở đây, Hố Nai… do Phật giáo.

- Phật giáo mà ở Hố nai? Phật giáo nào?

- Quảng Hương Già Lam với… có anh em tụi tui.

- Ông sư Trí Thủ với mấy anh?

- Không, mấy Thầy trẻ…..

Chuyện “mấy thầy Trẻ” Quảng Hương Già Lam và mấy ông “Cần Lao, Ngô Đình Cẩn” chống Cộng chung!? Có là mơ!

Cho đến 1984. Mơ, có vẻ thật.

Ra tòa, phản động không chỉ có những thầy của Già lam.

Còn có hàng chục quân nhân nữa.

Có ai trong đó thuộc nhóm anh S.?

Mãi đến sau này. Qua bài viết “Nói chuyện với người bị án tù chung thân” của tác giả Tuệ Chương đăng trên Báo Việt Nam, San Jose, các ngày 29 tháng 8, 30/8, 4/9, và 5/9/2019. Người ta được biết:

Cầm đầu phía quân sự của “vụ chùa Già lam” là ông Phan Văn Ty, một cựu sĩ quan Biệt Động Quân, con cụ “Đốc Hy,” người miền Trung, gốc Quảng Trị.

Bác sĩ Phan Hy (Đốc Hy) là một Phật tử thuần thành rất gần gủi với sư ông Trí Thủ và chùa Già lam.

Ông Tuệ Chương cho biết, qua lời kể của ông Phan Văn Ty, người đứng đầu phía quân sự của vụ Già Lam, các quân nhân, gồm cả ông Ty, và một số bạn ông ngay sau 30 tháng Tư, tập hợp thành một nhóm chống lại Việt Cộng. Một trong những hoạt động của nhóm các ông ấy là tổ chức đưa người vượt biên như một biện pháp kinh tài. Để có phương tiện hoạt động hữu hiệu.

Và trong một lần đưa người vượt biên thất bại. Cái thất bại này lại dẫn đến sự hợp lực giữa những quân nhân và các thầy ở Già Lam .

Lần đưa người vượt biên không thành đó có một thầy trẻ của Già lam trong đám người được các ông Ty và bạn ông cố đưa đi mà không thành. Cách tổ chức của các ông được thầy trẻ này ghi nhận và báo lại với các thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu…

Cũng ông Tuệ Chương cho biết, ông Ty và các bạn ông đản trách mặt quân sự trong tổ chức. Các ông có cả thảy ba “căn cứ.”

Căn cứ 1 ở vùng Rừng lá.

Ai từng xuôi Nam ra Bắc trên Quốc lộ I của đất nước. Khởi đi từ Sài gòn, qua Biên Hòa, ra khỏi Long Khánh sẽ đến Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy. Qua đám rừng lá ở Hàm Tân, đi nữa sẽ đến Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Thuận Hải.) Rừng Lá, một địa danh gắn liền với những vụ chặn đường xe cộ của Việt Cộng trước năm 1975.

Nơi đây, 30 tháng Tư 75, là một nút chặn, cắt đứt đường về của bao nhiêu đơn vị quân đội VNCH từ miền Trung muốn vào Nam.

Căn cứ 2 ở Suối Lạnh.

Từ Hố Nai 2, đi vô phía rừng theo con đường xe be cũ, độ 5 cây số thì tới.

Ở đây, một đồng đội củ của ông Phan Văn Ty lãnh trách nhiệm chỉ huy. Là cựu đại úy Tôn thất Kỳ, người vượt trại tù cãi tạo, và là con của (cựu) sĩ quan tùy viên của ông Ngô Đình Cẩn. (Đại úy Tôn Thất Độ.)

Căn cứ 2 cũng có cách tổ chức cùng hoạt động như căn cứ 1 trước đó. Hay căn cứ 3 sau này.

Các công tác,... kể cả rải truyền đơn khu định cư Hố Nai 1, 2 và 3.

Căn cứ 3 ở Cây Gáo.

Qua khỏi Hố Nai 4, rẻ trái, đường vào Trị An. Đi một đoạn năm sáu cây số. Rẻ phải, vào căn cứ 3,…

Ba căn cứ. Chỉ có căn cứ 2 không bị vỡ lở.

Căn cứ 1. Sau hai năm hoạt động, bị lộ. Do người vợ của một anh em tố giác. Đưa đến án tử hình cho ông Trần Thắng Tài, bạn thân thiết của ông Ty. Ông Tài bị xử bắn năm 1978, ở Thuận Hải. Các người khác, 10 năm tù trở lên.

Căn cứ 3 bị lộ, đưa đến việc ông Ty và các bạn ông ở Sài gòn bị bắt giữ.

Căn cứ 2 nơi ông Tôn Thất Kỳ và anh em của ông chịu trách nhiệm, không bị bể. Nhưng đành phải “tan hàng.”….

Theo ông Ty, hai năm sau khi Căn cứ 3 vỡ lở, Việt cộng mới bắt các thầy của Già lam….

Trên đây, một số các hoạt động phục quốc có tính điển hình trong nước và ngoài nước, các tổ chức phục quốc, như đã sơ lược bên trên khi đề cập đến các Tướng lãnh miền Nam. Công cuộc Phục Quốc với những vị Tướng trên ở hải ngoại, mọi người đều có dịp biết đến. Ít hay nhiều, sẽ không mất thì giờ nhắc lại.

Cái cần nhắc tới. Một khía cạnh thật đặc biệt ít người nhận thấy.

Giới trẻ. Giới trẻ và công cuộc phục quốc ở ngoài nước.

Vào lúc này. Người chú ý đến thời cuộc sẽ phải thấy một hiện tượng chưa hề thấy xảy ra trước đây. Những tụ tập của nhiều người trẻ quanh một cơ quan truyền thông cống Cộng.

Ở Pháp, tờ Nhân Bản, của những sinh viên Việt Nam, trong Tổng Hội SVVN ở Pháp.

Ở Nhật, Nguyệt San gười Việt Tự Do, của Sinh viên VN ở Nhật.

Cả hai tờ cùng có rất sớm. Ngay sau 30 tháng Tư 1975 không bao lâu.

Giống với tờ Nhân Bản ở Pháp, tờ Người Việt Tự Do cũng kêu gọi giải phóng Việt Nam. Câu nói đầu môi, mà cũng trong tâm tưởng họ, lúc đó “Mai này ta cùng về Việt Nam.”

Cả hai nhóm người trẻ này họ giữ vai trò vận động và trực tiếp hình thành hai tổ chức đấu tranh vũ trang chống lại Việt cộng. Mặt trận “Trần Văn Bá” và mặt trận Hoàng Cơ Minh (MT HCM).

Ở Hoa kỳ, mãi về sau, khi làn sóng vượt biên đưa được những người Việt đến Mỹ, những người được dịp sống với VC trong khoảng thời gian tròm trèm năm năm biết được những điều đáng biết. Để biết phải làm gì… nên làm.

Một nhóm anh em, gồm ba tay viết, một tay chạy bàn. Bốn người đầu tiên thành lập cái nhóm Nhân Văn, San Jose là Tưởng năng Tiến, Võ Hoàng, Thượng Văn, và Lý khánh Hồng.

Sau, có thêm Lôi Tam, Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều cây viết trẻ lẫn những người trẻ trong các công việc tổ chức, tác động,… như Hoàng Phủ Cương ,Phan Ni Tấn, Phan Tấn Hải, Lê Đại Lãng, Trung Hậu, Nguyễn Nam An, Nguyễn xuân Hiệp (Hy Yên,) Từ Đà Thành, Bùi Quốc Khánh, như Nguyễn Anh Minh, Phi Ngọc Anh, Trần Hồ Chũng, Hoàng Ngọc Anh, Vũ Quang Trân, Hoàng đắc Quảng, Lê Xuân Hùng, Bùi Ngọc Thiện , Ngô Duy Bùi, Lữ Anh Minh,...

Nhóm chuyên chú vào:

• Lý luận văn học, chính trị, đấu tranh tư tưởng chống lại kẻ thù cộng sản

• Kêu gọi cùng tham gia đấu tranh vũ trang giành lại đất nước

• Sinh hoạt, tổ chức, đẩy mạnh tổ chức và cơ cấu cần cho công cuộc…

Với nỗ lực làm việc, nhóm Nhân Văn hãnh diện có năm thành viên đóng góp công sức của mình trong ba tổ chức đấu tranh chống Cộng khác nhau, trong cùng thời, trong khi Nhân Văn vẫn giữ được các hoạt động của nhóm.

Ở Pháp, một thời gian sau, sau nữa, mới có một tập hợp của những (người trẻ) trí thức. Nhóm Thông Luận với Nguyễn Gia Kiểng,… Chuyên nghiên cứu, lý luận. Đề nghị những thay đổi (cần thiết.) Tuyệt không bạo động. Không hô hào đấu tranh vũ trang.

Một tập hợp của những người trẻ khác. Không qua một tờ báo nhưng qua hoạt động giáo dục. Nhóm Thanh Niên Thiện Chí, với công tác dạy tiếng Việt, Trường Việt Ngữ Văn Lang. Nhóm không thoát khỏi cái nhìn của nhiều người với những chú trọng từ nguyên ủy chính trị của những người sáng lập ra nhóm. Cái dấu ấn của Nhóm Phục Hưng, mà các ông Trần Văn Sơn, Trần Văn Thung mang theo mình từ những ngày đối lập ở Hạ Viện VNCH, ở công cuộc thành lập MT HCM,… mới đây.

Với thời gian và các biến chuyển chính trị thế giới, đấu tranh vũ trang không còn được xem là khả thi.

Nhưng giai đoạn “ Phục Quốc” cả ở quốc nội lẫn hải ngoại đã có những người hy sinh, đã có những người luôn đeo đuổi mộng ước đem lại tự do, no ấm cho đồng bào của mình. Họ là những người dân, dân Việt lo cho người Việt…

Họ, một lớp người…

Như các vị đạo cao, đức trọng. Quý thầy Tuệ Sỹ, Trí Siêu,… Phật giáo.

Như các linh mục, vụ “ nhà thờ Vinh Sơn.”

Như Trần văn Bá, như Võ Hoàng, như Lê chí Dũng,… những người tuy đã vượt thoát, hay không còn bị vướng mắc trong sự cai trị hà khắc của những người cộng sản VN.

Họ vì nghĩa đồng bào, vì tình yêu Tổ quốc. Lại trở về chiến đấu để mong đem lại yên vui cho đồng bào của mình. Và, họ đã hy sinh. Trong chiến trận. Hay bị bắt, bị giết.

Lúc họ phải chiến đấu với các lực lượng phối hợp, chẳng phải riêng chỉ có CSVN. Mà là hợp đồng những lực lượng CS Quốc tế. Cả Việt cả Lào, cả Trung quốc cả Liên xô…

Họ hy sinh ngay từ những ngày đầu.

Hy sinh bản thân họ. Hy sinh tình gia đình. Tình dành cho những đứa con thân yêu.

Võ Hoàng có những Võ Hoàng Quân, Võ Quân Kha, cả bé “ET,” bé Nguyên, mới “ ăn thôi nôi” khi anh dứt áo ra đi…

Họ, nhiều người đã như, Tưởng Năng Tiến, quên đi mưu cầu lợi ích bản thân. Những vị thế nghề nghiệp, muốn là có ngay. Những hệ lụy job thơm, bổng hậu, “good benefit,” là những cái trong tầm tay… Càng có sớm càng lợi,… Đặc biệt, quên đi những chí tình của những người, mà nếu, không vì “phục quốc,” mái ấm gia đình sẽ là những cái có trước mắt.

Những chí tình cả đời, may ra mới gặp một lần,…Mà quên,…

Bởi, chỉ nghĩ, đường về khu chiến…

Những Minh, Khánh, Hiệp, Hoàng, Dũng,Thạc, Anh (trắng,) Anh (đen,)… sống nơi đây mà lòng ở VN. Những người trẻ đóng góp công sức cho nỗ lực dành lại đất nước. Ngay từ những ngày đầu, mới đặt chân lên nước Mỷ…

Những người nêu tên kể trên là một vay mượn cần có cho một điển hình của một lớp người đấu tranh đòi Dân Chủ, đánh dấu điểm mốc cho những hoạt động, chánh yếu là của những người dân trong nước. Những Lê Thị Công Nhân, những Trần Huỳnh Duy Thức,...

Ở mốc điểm này, các hoạt động của đồng bào hải ngoại trở nên thứ yếu, có tính hỗ trợ dựa vào cái “ lớn mạnh” của “cộng đồng” bên ngoài, đóng góp cho cuộc đòi Dân Chủ cho đồng bào.

Còn có những người làm cho Cộng đồng chúng ta ở ngoài nước có sức mạnh. Họ làm được một thì Cộng đồng mạnh một. Họ làm được đến đâu, Cộng đồng ta leo đến đấy. Họ là những đứa con của Cộng đồng đi vào chính trị dòng chính Hoa Kỳ. Những người hoạt động hành lang (lobby) những người hoạt động trong luồng dân cử.

Từ cái nhìn đó. Xin cùng chúng tôi nhìn lại một vài khuôn mặt trẻ điển hình,


Tiến sĩ Đỗ Hùng

Ở San Jose, khó lòng mà nói bạn không biết anh Đỗ Hùng.

Riêng tôi. Cái năng động của anh là một điểm then chốt khiến tôi tìm gặp anh ngay khi có dịp. Dạo đó, anh rất trẻ. So với tôi.

Anh chỉ mới là một sinh viên. Sinh hoạt của anh cũng chỉ mới trong lãnh vực sinh viên.

Tôi tìm gặp anh nhân một kêu gọi của anh để đồng bào cùng anh (hay nhóm sinh viên của anh) làm một cuộc tập hợp. Khoảng năm 1981, lúc tôi mới định cư.

Đến nơi, là nhà riêng của ông Vũ Huynh Trưởng, tôi là người thứ ba tham dự. Người thứ nhì, cô Vũ Quỳnh Hương, sinh viên. Dạo đó, cô chưa là nhà văn nữ Quỳnh Hương. Ông Trưởng, chủ nhà nhưng không dự họp. Kêu gọi dĩ nhiên không thành với chỉ ba người.

Với thời gian, sinh viên Đỗ Hùng trong khi miệt mài với sinh hoạt cộng đồng, đĐã có lúc là Chủ Tịch Cộng Đồng, đã có lúc nổi bật trong “Trận chiến Little Saigon,” trong “Recall Madison Nguyen.”

Qua anh, người ta thấy, anh là đứa con của Cộng đồng. Một đứa con của cái cộng đồng mà những Policy makers gồm có anh trong đó, có LS Quang Minh, một người du học nay làm việc với cộng đồng. Nên anh rặt khuôn, có hết những điểm tốt lẫn chưa hẵn là tốt của cộng đồng.

Ở anh, cái quyết liệt của Cộng đồng, mỗi khi Cộng đồng đụng độ với một “kẻ thù” nào. Cũng là cái quyết liệt của anh.

Anh. Cái người, là người tôi gặp nhiều năm trước đây. Những năm mà Cộng đồng non trẻ của dân San Jose chúng tôi còn ít ỏi, còn quá mới mẻ trong những sinh hoạt chánh trị. Năm mà anh dẫn đầu một nhóm sinh viên. Trong đám đông năm đó còn có đồng bào, còn có nhóm anh em Nhân Văn của chúng tôi. Chúng tôi xuống đường chống đối với bọn đảng viên Đảng Cộng Sản Hoa kỳ ở San Jose.Dạo đó, những anh em sinh viên nhóm anh Đỗ Hùng, với Đỗ Hùng, chuyên viên biểu tình.

Cái quyết liệt của anh là cái quyết liệt của một chuyên viên biểu tình. Người cầm đầu một đám đông, với cái uy thế đè bẹp đối phương. “Theo tôi, tiến lên và đè bẹp chúng.”

Là một người trẻ của Cộng đồng. Vẫn năng động. Chỉ tiếc không làm cách nào anh khiến chúng ta, trong mong ước, có thể vui mừng, nhìn rõ những tiến độ của những tiềm năng mà Cộng đồng sẽ có trong tương lai đổi mới, cái đổi mới từ anh, từ Cộng đồng. Phải có như tiến bộ.


Anh Nguyễn Xuân Hiệp

Lại xin mời trở lại với cuộc xuống đường của Cộng đồng San Jose chống CS hoa kỳ năm xưa. Để cho bọn Cộng sản Mỹ nếm mùi lo sợ, anh em tôi thỉnh thoảng tràn lên như những đợt sóng, thế mạnh, với tiếng reo hò vỡ lở, Down With Communist! Down With...!

Với khí thế của một đám đông ít khi họ thấy. Cái khéo léo có tổ chức, cái hừng hực rực lửa của đám đông đã làm cho họ sợ.

Họ sợ, nên cầu cứu đến lực lượng cảnh sát bảo vệ họ. Và ,... Đến lực lượng Cảnh sát cũng không thể đoán được chuyện thực hư. Chúng tôi, lúc ôn hòa, trình bày quan điểm với người Mỹ qua đường, lúc ồ ạt xông lên. Xong, rút ra xa…

Phía Nhân Văn chúng tôi, anh em tôi, những người trước đây sinh hoạt với Thanh Niên Quốc Gia họ rất quen với công tác biểu tình. Đặc biệt, với công tác này, qua nhận xét của riêng tôi, khi chúng tôi có đám đông của mình. Đám đông ấy phải được Nguyễn Xuân Hiệp dẫn dắt và làm bùng lên thành cơn sóng thần. Khó có ai khác. Anh có cái khả năng bùng sáng và cái trào dâng mãnh liệt trong đám đông. Ít ai có.

Nguyễn Xuân Hiệp đó, người không muốn xưng hô với ông Nguyễn Văn Thiệu như một tổng thống. Mà chỉ như một người lão thành, là Bác. Như tôi đã thưa qua bên trên.

Là thành viên Tổ Chức Thanh Niên Quốc Gia, rồi một anh em Nhân Văn, rồi thân hữu Nhóm Thông Luận.

Bây giờ sinh hoạt như một đại diện của một Dân Biểu Liên Bang Hoa kỳ, địa hạt San Jose.

Cộng đồng cần có cái nhìn đúng về vai trò những người này. Chúng ta sẽ có cơ may cất cánh.

Cộng đồng phải nhìn, những đứa con đang làm cho mình công tác này là những đứa con cầu tự.

Họ làm cho ta những việc mà trước đây ta không làm nổi.

Không thể nghĩ ngược lại. Như có người vẫn nghĩ.

Không thể ràng buộc họ. Không thể bắt họ phải chịu món nợ ân tình khi ta giúp họ hay bầu (vote) cho họ. Để rồi nhất nhất việc gì họ cũng phải theo ý của ta.

Cái mà nhất nhất ta bắt buộc họ theo ta, là hãy “như”“ một người Việt Nam.

Muốn có điều đó. Chúng ta phải làm gương để họ noi theo.

Làm chánh trị Mỹ còn cần có khoảng trống để compromise, để deal…

Ta cũng cần phải deal với họ, những đứa là con của Nguyễn Anh Minh, cháu của bác Hiệp, bác Hồng, bác Bảy Kiệt, bác Tám Tông, là đoàn sinh của Trưởng Du, trưởng Hợp trong Hướng Đạo VN. Là “đại ca” của nữ phóng viên “Thảo …nè” nữ phóng viên họ Nguyễn, của cơ quan truyền thông nổi tiếng Bloomberg.

Những Lâm “Đầu bự” đó, bây giờ là giờ của họ. Dù họ chỉ mới tập tểnh trong vai trò phụ tá cho Nghị Sĩ Tiểu Bang… Đơn vị SJ. GO. Lâm, GO….

Bên ngoài, ở mốc điểm này, còn có ai, gồm những ai? Những nhà nghiên cứu văn hóa, kinh tế, xã hội, những người hoạt động về Văn hóa, Xã hội,... Họ viết bài, họ làm báo, làm phát thanh, làm Truyền hình, sinh hoạt trong những tổ chức thanh niên, học sinh,…

Những tên tuổi có trong danh sách này. Người ta ngờ ngợ. Xem ra mình thấy ở đâu đó rồi.

Thưa đúng. Đúng như ta đã thấy tên của họ, lần mà họ tham gia những cuộc đấu tranh cho VN . Đấu tranh vũ trang.

Bây giờ họ đấu tranh văn hóa, đấu tranh dành lại Tự Do qua đòi Dân Chủ cho đồng bào.

Thì cũng Đỗ Quý Toàn, Đỗ Thông Minh, Đặng Phùng Quân, cũng Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng Phan Tấn Hải, Phan Ni Tấn, Tưởng Năng Tiến, Lê Đại Lãng,Vũ Quang (Trân)… có thêm những Trần Trung Đạo,... những tiếp sức thật mạnh mẽ về sau. Những Lê Đình Y-Sa, nối bước theo chân những người cha cả đời muốn thấy Việt Nam một “ Minh Châu Trời Đông,” bài hát nằm lòng trong anh Lê Đình Điểu,…

Họ,…

Những người làm cái việc “ Gìn vàng giữ ngọc.” và trao lại cái gia tài ấy cho đời sau.

Mong định hình được cái kiểu sống. Qua đó người dân ta có yên vui,…

Nỗ lực đó. Có đáp ứng? Có gì cần phải rà soát lại hay không?

Đó là mục đích của nhìn lại các điểm mốc trên con đường Quang phục Quê hương.


Trường hợp Dũng ‘Lôi Hổ’

Những năm vừa qua đây. Chúng ta thấy ở trong nước. Nơi mà cái cách cai trị người dân nghiệt ngã tới mức không làm gì cả cũng có thể bị công an bắt. Mà ở đồn công an ra là (có khi, nhiều khi) phải vào nhà xác, vì mình tự giết mình. “Không phải là công an đánh chết người. Tuyệt đối không.” “Công an nhân dân không giết dân.” (Sic.)

Họ chỉ để người dân chết và nói theo cái cách mà từ lâu lắm khi ông bà ta bắt đầu phải nghe cái bọn … “nói dối như Vẹm.” Họ không biết vì sao,… Cơ chứ!

Với bối cảnh đó, một thiếu niên ở trong nước, anh Nguyễn Viết Dũng ngang nhiên khoác vào người bộ quân phục của người chiến sĩ VNCH. Mà còn là của binh chủng nổi danh, Binh Chủng Lôi Hổ, Lực Lượng Đặc Biệt.

Dĩ nhiên. Tôi không trình bày tiếp, ai cũng biết là Dũng bị bắt. Bị bỏ tù.

Cứ nhìn xem các thanh niên như Nguyễn Viết Dũng ở trong nước như hiện nay. Họ sinh ra khi không còn bản Quốc ca của chúng ta. Họ sinh ra khi chúng ta vô cùng bối rối và đau xót, tự mình từ bỏ bộ quân phục của mình. Ít ra, nó có xảy ra, trong và sau những ngày sau 30 tháng Tư, 1975…

Họ, những Nguyễn Viết Dũng, có nối kết nào để mặc lấy bộ quân phục VNCH, hát Quốc ca VNCH?

Chẳng qua đó là những biểu tượng của một lớp người. Lớp người đó, theo họ, là lớp người có lối sống mà họ nên theo. May mắn thay cho chúng ta.

Mà cũng đắng cay,…

Họ, những Nguyễn Viết Dũng, qua lối sống mà họ đang sống, nó làm họ tức giận, thấy mình bị lừa. Để tỏ rõ sức chống đối. Họ muốn sống ngược lại.

Nên họ theo cả những gì chúng ta đã để mất. Cái đắng cay,….vì những cái đó..

Làm hại cả đời họ!

Chúng ta, quả không hề muốn các em cháu chúng ta bị tù đày.

Ngoài các giá trị mang tính biểu tượng đó.

Chúng ta còn có với đời sống thật sự, hằng ngày, bao nhiêu là giá trị khác.

Các em, cháu đồng ý với chúng ta, nhìn ra, nó là điều tốt và nên làm. Các em sẽ làm những điều đó hàng ngày, hàng giờ.

Dễ làm, vì là chuyện của đời sống hàng ngày….

Không thể nói các em làm những điều tốt đẹp, dù những cái đó không hề có trong xã hội họ đang sống, đi nữa, là các em chống chế độ.

Mà càng sống với những tốt đẹp nhiều chừng nào khi các điều đó là cái tốt đẹp của một thời người chế độ cũ chúng ta đã sống. Xã hội này trở về giống với xã hội cũ…

Cái xã hội không có cái Ác. Chắc chắn không Ác như xã hội hiện nay. Không ích kỷ như xã hội hiện nay. Không biết tới cái quyền của mình như xã hội hiện nay. Những cái quyền chính đáng mà mình có, Quyền được đối xử như một người. Không thể nào cứ để “bọn chúng” coi ta như cái gì… cũng không sao …

Vì thế. Xin đề nghị. Xin mọi người. Xin hãy là gương tốt. Bằng hành động.

Là đại sứ của lối sống tử tế, thương người, đàng hoàng, không gian trá, biết nhận lỗi, biết sửa đổi,…..như một người miền Nam đã sống.

Không bao giờ, ở đây thì sắp hàng. Về VN thì giành nhau từ chỗ đứng, chỗ ngồi.

Không bao giờ về VN để sống như một người “khôn ngoan” ai sao ta vậy. Cái “ ta vậy” đó là cái cách ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Phạm Duy,… sống khác với những gì các ông ấy vẫn sống khi về VN.

Ở VN người ta bị tước hết cả mọi thứ.

“Chữ trinh còn một chút này,…” Sao …Nở lòng nào, đánh vỡ luôn cái hãnh diện ngầm của những người không còn vũ khí nào trong tay .

Họ chỉ còn cái hãnh diện của những người sống cùng thời với những người như các ông. Một thời họ đã khóc cười theo các ông….

Khi về VN…. xin đừng như…

Xin đừng làm… để người trong nước thấy và có cái so sánh.

Đưa đến một kết luận tiêu cực. Tụi Việt kiều còn vậy. Thì Phường , thì Xã nó coi mình hổng nhằm nhò gì cũng phải thôi….

Nên, mọi người Việt Nam, trong và ngoài nước, xin cùng con em làm những điều xem ra vô hại. Nhưng có thể dễ dàng, làm được và cùng làm. Phải có người làm cái điều mình mong người khác làm.

Chúng ta có thiếu là thiếu những người cùng làm với nhau. Một điều tốt... Thiếu những người thấy một người làm một điều tốt mà dám cảm phục ra mặt. Để giúp người đó còn đủ niềm tin làm tiếp ý hướng tốt, cái chúng ta vẫn mong người khác làm. Bây giờ có người làm.


Những người như Tuấn Khanh

Tôi thường tự đặt câu hỏi rằng, một trí tuệ như đại công thần Nguyễn Trãi, khi đón Lê Thái Tông ở Chùa Côn Sơn, ắt đã biết lành ít dữ nhiều. Vậy sao Nguyễn Trãi không cúi đầu van xin, không quỳ xin sống?

Người có thể viết một bản văn, đã xua được cả một đạo quân phương Bắc lại không cất lời thuyết phục vua?

Chắc chắn vì Nguyễn Trãi không thể sống hai vai. Kẻ sĩ có thể mang nhiều giai đoạn của thời thế trong đời mình, nhưng chỉ có một bộ mặt để ngẩng lên và cất tiếng cười ngạo nghễ với đời.

Thầy Thích Tuệ Sỹ cũng ghi lại những câu chuyện như vậy, và trong bài Trí Thức Phải Nói, thầy viết: “Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược”.

May mắn thay, tôi biết viết, biết đọc, và hơn nữa, tôi là người Việt Nam. Giờ thì tôi chỉ còn phải cố gắng tập để mình không khiếp nhược, và giới thiệu sự không khiếp nhược đó cho những người chung quanh, đặc biệt trước thời đại cái ác ngày càng lộ nguyên hình.

Ai đó đã gửi đến một câu hỏi cho tôi “Người Việt hiện nay cần nhất là điều gì?”

Đó là câu hỏi rất lớn, mà cũng rất nhỏ. Người Việt hôm nay đã có đủ tất cả, và thậm chí dư thừa hơn ngày trước rất nhiều. Từng bữa ăn của đầu thập niên 1980, gia đình tôi phải dành miếng thịt ít ỏi có được cho bà ngoại, đau yếu quanh năm. Nhưng những đứa trẻ hôm nay đang phát ốm vì được ép ăn quá nhiều thịt. Không những vậy, hãnh tiến nhiều hơn, chia rẽ nhiều hơn và thù hận vì lý tưởng cũng được tổ chức công phu hơn ở cấp nhà nước.

Người Việt cần nhất điều gì? Tôi chỉ xin chọn một điều, đó là người Việt trở về là người Việt, biết chọn lẽ phải và sự thật, biết nổi giận trước cái ác và biết nhục khi còn bao biện trong việc quỳ gối trước cường quyền.

(Tuấn Khanh, “Làm người Việt không dễ”)

Chúng ta hãy bù đắp vào cái lỗ hổng của sợ hãi khi phải làm người Việt. Để trở về là người Việt đã là điều không dễ, như trên; thành một thứ dễ làm. Bằng cái cách coi lại các giá trị phải theo.

Những trường hợp như ông Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cây viết được đọc và trọng vọng trong nước, nhờ vào người đọc không mấy quan tâm vào những giá trị mà cuộc sống của ông đã đưa đẩy để ông có chúng.

Là một bác sĩ. Về hưu. Có thì giờ và có tri thức. Ông viết những ý nghĩ của ông về những điều mà ai có thì giờ nhàn rỗi cũng sẽ nghĩ qua. Bằng một lối viết rất ư là “ hợp khẫu vị miền Nam,” Có khi người đọc thấy. Gần như ý nghĩ của ông là những lan man, theo một tựa bài của Trịnh Công Sơn:

Gió heo may đã về,…

Cũng vui. Ai thích thì đọc. Nhất là khi sống thảnh thơi.

Đã hẵn. Bằng chứng. Sách ông viết, “Best-seller!”

Ông có ý kiến về nhạc vàng, nhạc đỏ. Về nhạc Bolero. Hệt như bất cứ người miền Nam nào. Cái thắng thế của nhạc miền Nam. Nhân bản, thành thật, hợp lòng người. Hơn hẵn khi so với nhạc miền Bắc. Ông cũng nói vậy.

Nhưng. Ông đi từ bước đầu, từ cái ác mà ông đã thỏa hiệp với những tên ác cùng chế độ, lúc ông chọn bên. Trong khi ông được đào tạo thành Bác sĩ từ nền Giáo dục miền Nam.

Không có sự xét đoán đó. Dĩ nhiên ông quả là một người thành công. Đáng kính nể. Nhất là lại có tri thức. Mọi chuyện như không có gì trái khuấy.

Cùng cách đó, những Huỳnh Tấn Mẫm, những thành viên của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, trong cuốn phim do ông tây Hồ Quyết Thắng phỏng vấn họ. Họ hãnh tiến nói về những sai trái của chế độ, như những gì chỉ có họ mới biết , như bất cứ người dân nào trong chúng ta. Họ không hề là họ của một thời đã đưa đẩy họ vào cái ghế hiện nay.

Bởi xã hội không truy cứu họ. Nên họ vẫn cứ là những khuôn mặt rạng rỡ, của những người hôm nay chỉ ra cái sai trái của người cầm quyền. Những người này không khác gì họ. Họ và người cầm quyền hệt như nhau. Họ là một. Chỉ có cái là lúc nào. Lúc tụi này hay tụi kia, có quyền.

Mà cũng bởi xã hội chả truy cứu gì đến những vị cha mẹ của đàn con cháu. Mình sống ra sao. Con cháu mình sống ra sao. Cái gì làm nên cái xã hội mà mình coi là suy đồi? Xã hội tự nó là xã hội? Mình ở trong đó như không thể nào có chọn lựa?

Chỉ vì có sự không phân biệt phải trái. Trái cũng được. Phải cũng được. Tệ hơn nữa. Miễn là mình bảnh, coi được. Hay miễn có lợi cho mình. Nó nói sai cũng sao đâu.

Đặt lại giá trị, những giá trị mình mong con em mình sống sẽ khác. Ai cũng chọn nó.

Nói là chọn. Có khó gì. Chỉ là khi mình thấy điều đúng mà tán đồng….

Ai cấm anh tán đồng với người anh thấy đúng.

Vì vậy mà có việc Nhớ lại một lớp người.

Viết gửi các cháu tôi, Đạo, Yên,
và những “ Lê Đại Lãng,”

(30 tháng Tư 2020)



© Lý Khánh Hồng
    Far East News
Chú thích:
(1) “ Phnom Penh, ngày ấy còn đâu?” . Kim Thanh, On-line.
(2) có trong DVD “ Quảng Trị, Trận thư hùng Nam Bắc,” Dỉa 3, “ Vị Tổng tư lệnh,” IRCC, hội phi lợi nhuận. Phạm phú Nam thực hiện. www.VietSanJoseMuseum.com.)
(3) Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ chí Minh, 1975-1995, cuốn I.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad