Ăn Theo virus Vũ Hán: Bầy khủng long hút máu nông dân - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Ăn Theo virus Vũ Hán: Bầy khủng long hút máu nông dân



Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/3/2016: nông dân đóng bao gạo ở tỉnh Hậu Giang

Do sức ép của dư luận và các doanh nghiệp, hậu trường màn kịch cấm xuất gạo bảo đảm an ninh lương thực trong đại dịch hạn hán đã hé lộ. Tổng Công ty Lượng thực 1, Tổng Cục Dự trữ quốc gia tác động cấm xuất để dìm giá gạo, Bộ Tài Chính, Tổng Cục Hải Quan đắc lực tham gia vở diễn. Muốn thật sự bảo đảm an ninh lương thực cần thanh tra ngay hai con khùng long này. Bác Tổng muốn nung lò chuẩn bị cho đại hội 13 thì đây chính là cơ hội tốt. Ít nhất 13 tỉnh đảng bộ, hơn 80 triệu nông dân sẽ vô cùng biết ơn và tôn phò người nào trảm tham quan, cứu nguy cho giá lúa.

Gần đây báo chí trong nước phê phán một số người ăn mặc tươm tất, chạy xe máy tay ga đến nhận quà từ thiện cho người nghèo trong mùa dịch virus Vũ Hán và gọi đây là nhũng “ký sinh trên lưng người nghèo”. Lạm dụng lòng tốt, ăn chặn của người nghèo thật là hành vi bất nhẫn đáng trách nhưng đó chỉ là hành vi cá biệt, cơ hội sự tham vặt của cá nhân. Kinh tởm hơn, khủng khiếp hơn, có những tổ chức, cơ quan được giao quyền lực, trách nhiệm quản lý vĩ mô những vấn đề hề trọng của quốc gia lại chớp thời cơ đại dịch, dựng chiêu bài, danh nghĩa vì an ninh lương thực o ép nông dân, doanh nghiệp trên quy mô cả nước để trục lợi. Đó là cốt lõi sâu xa bên trong chuyện lằng nhằng cho, cấm xuất khẩu gạo.

Thừa 3 triệu tấn gạo cứ “sợ” thiếu ăn

Gần một tháng qua, cuộc tranh luận gay gắt cấm hay cho xuất khẩu gạo diễn ra trên dư luận báo chí, mạng xã hội và ngay trong chính phủ. Cao điểm từ ngày 23-3 khi chính phủ chỉ thị ngừng xuất khẩu gạo và ngay ngày sau đó Bộ Công Thương xin dừng cấm.




Phía đề nghị cấm xuất khẩu gạo nêu lý do phải bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện hạn mặn xâm nhập Miền Tây và đại dịch virus Vũ Hán. Tổng Cục Hải Quan đưa ra thông tin sốt nóng, chỉ trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc đã mua của ta lượng gạo bằng 600% so cùng kỳ 2019. Nạn thiếu gạo thời bao cấp vẫn còn là mối ám ảnh của nhiều ngươi, thảm họa đại dịch và hạn mặn đang là thời sự, yếu tố Trung Quốc và con số 600% rất ấn tượng nên thoạt đầu đề xuất này được nhiều người đồng tình.

Ngày 23-3 chính phủ chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo lập tức trên thị trường nội địa, giá lúa giảm hơn 500 đồng/kg người nông dân chưa kịp mừng đã rơi vào điệp khúc lúa được mùa mất giá. Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực ở các tỉnh phía Nam cũng lao đao vì ách tắc không thể xuất hàng theo hợp đồng đã ký với nước ngoài. Gạo lúa bị ùn ứ từ đồng ruộng đến kho bãi của doanh nghiệp, thậm chí cả bến cảng.

Nhưng các doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh Long An, An Giang đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho xuất gạo vì lúa đông xuân đang trúng mùa, giá gạo thế giới đang tăng mà trong nước bị khê đọng hạ giá không tiêu thụ được. Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng gạo ùn ứ trong kho bãi và ngay các bến cảng của các doanh nghiệp là trên 1,3 triệu tấn.

Về con số Trung Quốc mua tăng 600% so với năm 2019, nghe thật lớn nhưng thực tế chỉ là 20.000 tấn, rất nhỏ so với khả năng, sản lượng gạo hàng hóa của Việt Nam. Do năm 2019 Trung Quốc có khách hàng mới mua gạo của ta rất ít.

Nhiều nhà kinh tế như Nguyễn Đức Thành nguyên Thành viên tổ tư vấn chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ,Vũ Kim Hạnh nguyên TBT báo Tuồi trẻ, hiện phụ trách Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hồ trơ doanh nghiệp (BSA) lên tiếng ủng hộ việc xuất khẩu gạo trong thời cơ giá gạo thế giới đang tăng.




Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân người cha đỡ đầu hàng trăm giống lúa của Việt Nam khẳng định “Chúng ta biết rất rõ lượng lúa gạo Việt Nam hiện có sau vụ đông xuân trúng mùa, dù đã dành lại 1,5 triệu tấn dự phòng cho an ninh lương thực, vẫn dư ra ít nhất trên 3 triệu tấn gạo trong kho và bồ lúa của dân, trong khi hiện giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao là dịp để cho nông dân bán lúa giá cao. Hai tháng nữa miền Tây Nam Bộ lại bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu, vì vậy Việt Nam khó có thể thiếu gạo” (1)

Cơ hội khẳng định vị thế cường quốc gạo!

Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích hệ quả tích cực của việc xuất khẩu gạo trong thời điểm dịch bệnh không chỉ có lợi cho người dân mà còn nâng vai trò vị thế và hiệu quả kinh tế quốc gia “ Không cho các doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo cho Philippines, Indonesia, Trung Quốc... trong lúc họ đang cần, không chỉ chúng ta mất cơ hội bán gạo giá cao mà còn mang tiếng là quốc gia không có tinh thần giúp đỡ các nước trong lúc khó khăn.

Tôi vẫn đề xuất Chính phủ cho xuất trên 3 triệu tấn gạo bởi theo tính toán kỹ lưỡng của chuyên gia, chúng tôi nghĩ rằng là một cường quốc về xuất khẩu gạo, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được an ninh lương thực, đồng thời có dư để giúp các quốc gia thiếu gạo trên thế giới.

Trong đại dịch COVID-19, không riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại. Nền kinh tế đi vào khủng hoảng khiến chính phủ mỗi nước phải tốn kém rất nhiều nguồn lực, tung ra nhiều chính sách kích cầu để vực dậy nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành công chính là "cú hích" giúp doanh nghiệp có lãi, ngân sách nhà nước cũng có lợi.”


Thủ tướng run tay, xuất nhỏ giọt

Ngày 31-3 Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chính thức đề nghị cho xuất khẩu gạo những vẫn còn có ý kiến không đồng tình




Trước những đề xuất mạnh mẽ này, Thủ tướng kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc dùng dằng mãi đến ngày 10-4 mới cho xuất khẩu gạo với mức độ nhỏ giọt 400.000 tấn trong tháng 4, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4/2020. ..… (2)

Với người dân, quyết định này là niềm vui không trọn vẹn. Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, bày tỏ ý kiến xác đáng là “Tôi mừng vì Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của chuyên gia, chính quyền và doanh nghiệp cho phép xuất khẩu gạo trở lại, tuy nhiên quyết định cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 mới chỉ tháo gỡ được một phần cho doanh nghiệp. Còn bà con nông dân trồng lúa của miền Tây Nam Bộ lại một lần nữa chưa được hưởng trọn niềm vui trúng mùa được giá. Theo tôi, quyết định chỉ cho xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vì sợ ta thiếu gạo trong thời COVID-19 là chưa hợp lý. ,,,”


Hình minh hoạ. Người nông dân trồng lúa ở ngoại thành Hà Nội hôm 2/3/2016 AFP
Tại sao xuất khẩu gạo thời điểm này thật sự an toàn, ích nước lợi dân nhưng người ta cố tình cản trở và ai có lợi trong việc cấm xuất khẩu gạo? Phó Giáo sư, Tiên sĩ Nguyễn Đức Thành đã chỉ rỏ đích danh kẻ thủ lợi “Theo tôi Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota lúc này. Tất cả chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước như Hải quan, VFA, VinaFood, v. v… đồng thời gây thiệt hại và phân hóa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường bị đẩy lùi hàng chục năm”. (3)

Cấm xuất vì Vinafood 1 lỡ ký hợp đồng giá rẻ!

Đây là nhận định chính xác và dũng cảm nêu đúng bản chất thực trạng Việt Nam hàng chục năm qua. Mặc dù luật doanh nghiệp cho phép hàng trăm công ty xuất khẩu gạo nhưng quyền lực trong hoạt động này vốn nằm trong tay hai Tổng Công Ty Lương Thực Miền Bắc (Vinafood 1) và Miền Nam (Vinafood 2) những doanh nghiệp nhà nước do các cựu quan chức được đảng bổ nhiệm. Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA cũng do chính các quan chức này lãnh đao.




Các Vinafood được ưu tiên ký kết xuất khẩu các hợp đồng chính phủ, ưu tiên chỉ định cung cấp lương thực cho Tổng Cục dự trữ quốc gia được tham gia các cuộc họp chính phủ trong lĩnh vực có liên quan... Trong trường hợp này, Vinafood 1 là doanh nghiệp duy nhất có mặt trong cuộc họp đưa đến quyết định cấm xuất khẩu gạo ngày 23-3.

Lý do Vinafood 1 tác động chính phủ cấm xuất khẩu gạo được nhà báo Mai Bá Kiếm cựu Thư Ký Tòa soạn báo Phụ Nữ TP. HCM viết trên Fb như sau: “Số là năm 2019, Vinafood 1 xuất gạo cho Cuba và Malaysia với giá 355 USD/tấn, rồi ép giá thu mua của nông dân: 4.200 đ/kg lúa 504, nên lời to! Quen ăn trên mồ hôi nông dân, đầu năm 2020, Vinafood 1 ký HĐ bán gạo cho Cuba - giá 365 USD/tấn, Malaysia giá 334 USD/tấn, tổng cộng 490.000 tấn.

Ai dè, năm 2020, nông dân giảm diện tích trồng lúa 504 để chồng lúa thơm. Nên đầu tháng 3/2020, giá lúa 504 lên 5.100 đ/kg - 5.300 đ/kg, quy gạo phải 380 USD/ tấn. Vinafood 1 cầm chắc lỗ 400 tỷ đồng, nên xúi bộ Công thương xin Thủ tướng dừng xuất khẩu gạo, để giá lúa trong nước giảm!”
(4)

Không phải lần đầu những con khủng long vì lợi ích riêng tác động cấm xuất khẩu gạo ngay lúc giá thế giới đang tăng mà các nhà kinh tế, các doanh nghiệp đã nhiều lần nhắc nhở tiền lệ tương tự vào năm 2008. Chính quyết sách sai lầm này không chỉ gây thiệt hại hàng trăm triệu đô la giá trị xuất khẩu năm đó mà còn làm giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Lan cùng chủng loại từ 70 đến 80 USD/tấn.

Tổng Cục dự trữ trống kho vì ưu ái sân sau

Không chỉ Vinafood 1, con khủng long thứ hai cũng cần cấm xuất khẩu gạo để ép giá nông dân trục lợi là Tổng Cục dự trữ quốc gia. Được chính phủ giao chỉ tiêu dự trữ lương thực tống cộng 280.000 tấn gạo nhưng vào giữa tháng 3 khi kiểm tra các kho của Tổng Cục mới chì có 8000 tấn gạo. Giá gao nội địa lúc này đã lên cao hơn giá trước đó nên Tổng Cục cũng có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu, cần cấm xuất gạo để hạ giá gạo trong nước. ’Đau đớn thay, đỡ đầu và tiếp sức cho âm mưu hút máu nông dân ấy là Bộ Tài Chính được chính phủ giao trách nhiệm phối hợp quản lý xuất khẩu gạo và bảo đàm an ninh lương thực.




Ngay trong ngày 10-4, ngày chính phủ cho xuất khẩu gạo, âm mưu cấm để ém giá bất thành, Bộ Tài Chính đã có công văn đề nghị kéo dài thời gian cấm xuất khẩu gạo, lần này không còn nhân danh an ninh lương thực mà lộ liễu hơn là để cứu Tổng Cục Dự trữ Quốc gia và các doanh nghiệp sân sau. Do việc mua gạo dự trữ quốc gia đang khó khăn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương dừng xuất khẩu gạo tẻ đến giữa tháng 6. Dư luận cho rằng với công văn này Bộ Tài Chinh đã ngáng chân Bộ Công Thương,


Hình minh hoạ. Người bán gạo tại một cửa hàng ở Đà Nẵng hôm 14/3/2018 Reuter
Trong văn bản, Bộ Tài chính cho rằng kế hoạch Thủ tướng giao mua dự trữ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ loại thường. Các doanh nghiệp đã bỏ thầu và trúng thầu cung cấp khoảng 178.000 tấn. Tuy nhiên, khi thấy nhu cầu xuất khẩu gạo tăng, một số doanh nghiệp lại trì hoãn ký hợp đồng, không thương thảo dù đã trúng thầu.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Các mặt hàng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn được xuất khẩu bình thường. Sau khi cơ quan dự trữ quốc gia đã mua đủ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục để xuất khẩu linh hoạt.

Ưu tiên mua gạo ở nơi thiếu gạo!

Thực tế qua kiểm kho, Tổng cục dự trữ mới nhập được hơn 7000 tấn gạo trên chỉ tiêu đã giao. Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước. ngày 11/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã phải thông báo về việc hủy kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Lý do các nhà thầu từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ (5)




Vì sao đã được giao thầu gần 1 tháng mà các doanh nghiệp này mới chỉ thức hiện được hơn 0,2% khối lượng, các doanh nghiệp này là ai?. Nhà báo Mai Bá Kiếm đã lý giải, “theo thói quen, Tổng cục Dự trữ Nhà nước “mở thầu” cho cả chục “DN sân sau” tại “3 tỉnh thiếu gạo” trúng thầu là: Lạng Sơn, Hà Nam, Hà Tĩnh.

Giá "lúa thường" lên 5.000 đ/kg, các “DN sân sau” phải “bỏ cọc (tiền bảo lãnh thực hiện HĐ) chạy lấy người”. Cục Dự trữ gom “cọc” được 803.272.000 VNĐ, mua được hơn 160 tấn gạo, đủ bảo đảm an ninh lương thực trong vòng… một nốt nhạc!”


Vì sao tại vựa lúa ĐBSCL có trên 180 DN kinh doanh lương thực đều không được giao thầu, cơ quan Dư trữ quốc gia lại giao cho DN thuộc ba tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Hà Tỉnh đều là miền Núi lúa không đủ ăn nhiều năm phải cứu đói, xa địa bàn thu mua sản phẩm.

Thực hiện nhiệm vụ dự trử quốc gia mà bê trễ, lơi lỏng như vậy rõ là nguy hiểm. Hợp đồng cung ứng lương thực dư trữ quốc gia là lĩnh vực an ninh lương thực, sao điều kiện hủy bỏ quá dễ dàng? Luật sư Trần Hồng Phong đã bình luận rằng "Biện pháp khắc phục vi phạm" chỉ là thu số tiền bảo lãnh dự thầu là quá nhẹ. Vì nếu họ xù thầu, dẫn đến ảnh hưởng an ninh lương thực là ko thể chấp nhận được, tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng. Chả lẽ Nhà nước phải xuất tiền ra mua chăng?”

Cần cho củi vào lò!

Vì sao Bộ Tài Chính lại bảo kê cho sai phạm của cơ quan dự trữ quốc gia và các doanh nghiệp hủy thầu? Chỉ vì 160.300 tấn gạo chưa được nhập kho lưu trữ quốc gia mà 1.434.000 tấn gạo hiện đang nằm chờ xuất khẩu phải bị ách lại liệu có phải là cách điều hành vì lợi ích quốc gia?!

Rõ là việc xuất khẩu gạo không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực. Với cung cách mượn danh nghĩa an ninh lương thực để cho doanh nghiệp sân sau trục lợi của Tổng Cục Dự trữ quốc gia, thì dù lượng gạo hàng hóa dư thừa hàng năm không phải là 6,7 triệu tấn như hiện nay mà có lên đến vài ba chục triệu thì đất nước vẫn có nguy cơ mất an ninh lương thực.

Tác nhân gây rối loạn ách tắc hoang mang, mất an toàn vừa qua chính từ hai con khủng long Vinafood 1 và Tổng Cục dự trữ quốc gia. Muốn thật sự bảo đảm an ninh lương thực cần thanh tra ngay hai con khủng long này. Bác Tổng muốn nung lò chuẩn bị cho đại hội 13 thì đây chính là cơ hội tốt. Ít nhất 13 tỉnh đảng bộ, hơn 80 triệu nông dân sẽ vô cùng biết ơn và tôn phò người nào trảm tham quan, cứu nguy cho giá lúa.

Dung dưỡng kéo dài guồng máy, cơ chế quản lý điều hành việc xuất khẩu gạo hiện nay vừa duy trì bất công, nông dân nghèo khổ nuôi béo bầy khủng long hút máu vừa tự đánh mất vai trò thế mạnh cường quốc lương thực trên trường quốc tế. Không lẻ gì với sản lương xuất khẩu đứng thứ nhì thứ ba thế giới mà giá gạo Việt Nam cứ đeo đít giá gạo Thái Lan với khoảng cách 70-80 USD tấn, Cứ nhìn bài học từ bóng đá, thay huấn luyện viên mọi thứ sẽ thay đổi.


© Gió Bấc
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad