Biển Đông: Bước tiến mới dọn đường của Trung Quốc? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Biển Đông: Bước tiến mới dọn đường của Trung Quốc?


Có thể thấy trong chính sách, từ các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc từ 2012 đến nay, từ các bố trí lực lượng quân sự, từ việc quân sự hóa ở biển Đông, và eo biển Đài Loan, có thể thấy Trung Quốc đã sẵn sàng tấn công Đài Loan và tấn công Việt Nam ở biển Đông (Trường Sa).


Tháng 10/2019, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau hơn ba tháng khảo sát ở đây

Giới phân tích nói với BBC Trung Quốc có thể đang dọn đường cho hành động bất ngờ và quyết đoán hơn ở Biển Đông và khu vực.

Đi kèm với các tuyên bố, quyết định gây tranh cãi về thành lập các đơn vị hành chính trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, Trung Quốc đồng thời tiến hành nhiều hành động quyết đoán trên thực địa. Có thể kể đến việc Trung Quốc điều tàu thăm dò và hải cảnh xuống Biển Đông, tập trận hải quân ở vùng biển khu vực, cho xuất hiện tàu hải quân ở eo biển Đài Loan, thậm chí có động thái gây chú ý ở Biển Hoa Đông, gần Nhật Bản.

Các động thái này báo hiệu một đổi mới nâng cấp “dọn đường” trong kế hoạch và ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực trong giai đoạn mới, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 chưa chấm dứt. Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và có liên quan, quan tâm phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác và đề phòng, theo một số ý kiến từ giới quan sát và phân tích an ninh, chính trị khu vực.

Không loại trừ khả năng nào

Nhận định tình hình trên hôm 20/4/2020 từ Hà Nội, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt:




“Tôi nghĩ rằng dùng chữ bàn đạp cũng có thể được, nhưng đây có thể nói là những mũi tiến công dọn đường, chuẩn bị cho những chiến dịch mới của Trung Quốc, mạnh mẽ hơn, lớn hơn mà khả năng của nó có thể là dùng quân sự, có thể là dùng phối hợp với các biện pháp dân sự, kinh tế, kỹ thuật mà thường được gọi là chiến tranh mềm. Để mà gây sức ép buộc các nước khác thừa nhận yêu sách phi lý của họ.”

Liên quan tới hai điểm đang được quan tâm về an ninh, quân sự ở khu vực và trên Biển Đông hiện nay là Trường Sa và eo biển Đài Loan, Tiến sỹ Trần Công Trục nói tiếp:

“Đây là những điểm rất đáng quan tâm, đáng suy nghĩ mà theo tôi chúng ta không loại trừ khả năng Trung Quốc bất ngờ có hành động quân sự đồng thời hoặc liền chuỗi ở hai điểm này, bởi vì Trung Quốc như mọi người biết, trong khi họ thực hiện các chiến lược của mình, thì họ thường áp dụng kế sách dương đông – kích tây, rồi gây rối loạn nhiều nơi, để mà họ có thể đục nước béo cò v.v…

“Lần này, chỉ riêng chuyện họ di chuyển các con tàu để gọi là “nghiên cứu” đó, xuống biển Đông và nam Biển Đông và dưới danh nghĩa là tự do hàng hải, theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển, thế nhưng họ đi nhưng mà không phải để mà đi chơi.


Một tàu thăm dò Hải Dương của Trung Quốc /Getty Images

“Họ sẽ làm cái gì đấy, nhưng có thể gây ra một sự chú ý, đánh lạc hướng nào đó, để họ tiến hành một hoạt động mạnh mẽ hơn khác, ở vùng khác, trong đó vấn đề eo biển Đài Loan cũng không thể loại trừ khả năng này.”

Liệu có “nuốt nổi?”

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, bình luận:

“Người Mỹ có một câu nói là Trung Quốc đang cắn một miếng rất là lớn, nhưng không có thể nuốt nổi.

“Chính với Đài Loan bây giờ, Đài Loan cũng có thái độ rất là cương quyết đối với Trung Quốc và họ cương quyết hơn những năm trước.

“Và những chuyện gì xảy ra ở trong khu vực đó thì cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, chưa nói là ảnh hưởng đến các nước khác.




“Cho nên đe dọa Đài Loan còn chưa được, huống chi là cùng một lúc lại phô trương với tất cả các nước ở trong khu vực và ven Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã phô trương quá nhiều và điều đó sẽ có tác hại cho Trung Quốc về xa về dài.

“Tôi cho rằng Việt Nam đến nay phản ứng vừa phải, nhưng vẫn còn dè dặt, mà tôi nghĩ Việt Nam không cần phản ứng thẳng với Trung Quốc.

“Nghĩa là phản ứng như vậy cũng đã là đầy đủ rồi, bây giờ Việt Nam nên đem những vấn đề vừa xảy ra trước công luận của thế giới, mà đặc biệt ở vùng châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

“Bởi vì dầu sao đi nữa, Việt Nam cần vận động các nước láng giềng của mình để đương đầu với Trung Quốc, còn các nước khác ngoài khu vực như là Ấn Độ, Úc, Mỹ, Nhật Bản, cái đó là vấn đề lâu dài, bây giờ họ rất là bận tâm nhiều chuyện khác.


HOANG DINH NAM/Getty Images

“Thì vận động gọi là cũng được rồi, nhưng mà nay là cơ hội cho Việt Nam vận động thêm các nước láng giềng của mình để có một để có một cuộc đương đầu tốt hơn đối với Trung Quốc.”

Trung Quốc đạt kết quả?

Cùng ngày 20/4, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nói với BBC:

“Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hành động theo khung Ấn – Thái Dương (Indo-Pacific), ngoài ra, Nhật, Úc hoạt động trên cơ sở đồng minh chiến lược của Mỹ.

“Các nước Asean, thì có bốn nước có tranh chấp quyền ở Biển Đông, những nước này đang cùng với toàn bộ 6 nước khác trong Asean đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, không có kết quả mong muốn.




“Chính sách chia để trị của Trung Quốc nhiều năm nay có vẻ có một số tác dụng, tuy nhiên từ 2016, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Philippines, Malaysia và Việt Nam đã có một số hợp tác để chống lại việc độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

“Đến nay, tất cả các nước, kể cả Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, đều theo đuổi các biện pháp hòa bình.

“Trung Quốc luôn coi các tính toán và hành động của họ đối với Biển Đông là khả thi. Đến nay, các hành động dựa trên vũ lực của Trung Quốc, chiếm giữ các đảo, đắp đảo, quân sự hóa ở biển Đông một cách phi pháp, các hoạt động phi pháp khác, đều có kết quả như Trung Quốc mong muốn.

“Cộng đồng quốc tế theo tôi chưa hề có các biện pháp khả thi nào để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước có tranh chấp ở Biển Đông đến nay, mới chỉ có Philippines khởi kiện Trung Quốc, nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) 2016 cho Philippines không được Trung Quốc công nhận và tuân thủ.


HOANG DINH NAM/Getty Images

“Tuyên bố Tứ Sa và tuyên bố Lưỡi Bò đều mập mờ và đều là công cụ pháp lý mập mờ của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Tuyên bố Tứ Sa sử dụng vài thuật ngữ trong UNCLOS 1982 cho có vẻ có tính pháp lý, nhưng thực chất không có ý nghĩa pháp lý gì. Năm 2017, Trung Quốc thêm Đông Sa vào đường Lưỡi Bò, trong đó đã có Trung Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Ngoài ra, không có gì khác.

Đã sẵn sàng “tấn công”?

Về tình hình liên quan Trường Sa, eo biển Đài Loan, đặc biệt các diễn biến mới đây trên Biển Đông và khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp:

“Có thể thấy trong chính sách, từ các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc từ 2012 đến nay, từ các bố trí lực lượng quân sự, từ việc quân sự hóa ở biển Đông, và eo biển Đài Loan, có thể thấy Trung Quốc đã sẵn sàng tấn công Đài Loan và tấn công Việt Nam ở biển Đông (Trường Sa).




“Tuyên bố lập hai huyện ở biển Đông ngày 17/4/2020 đương nhiên có liên quan đến các chuẩn bị dùng vũ lực để đánh chiếm chủ yếu ở Trường Sa bất cứ lúc nào Trung Quốc thấy có thể.

“Việt Nam đã lập hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào tháng 12/1982. Đấy là một thủ tục pháp lý, đồng thời là một biểu tượng cần thiết về chủ quyền. Khác hoàn toàn với hành động tương tư của TQ ngày 17 tháng Tư.

“Việt Nam đã chuẩn bị đáp ứng mọi tình huống trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó có các quan hệ liên quan đến biển Đông. Truyền thống Việt Nam cho thấy, nếu Việt Nam bị xâm lược, Việt Nam sẽ bảo vệ đất nước, giáng trả và đánh đuổi xâm lược.”

Tin cho hay, sau khi Trung Quốc thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo đặt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng, cổng thông tin và trang mạng của Chính phủ Việt Nam hôm 20/4 dẫn một tuyên bố nói:

“Ngày 19/4/2020, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.”


© Quốc Phương
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad