Nợ công của Việt Nam có thực sự trong mức an toàn? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Nợ công của Việt Nam có thực sự trong mức an toàn?


Những con số về các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn còn rất “tù mù”. Rất nhiều thông tin không được công khai, minh bạch. Rất nhiều khoản nợ liên quan đến Trung Quốc không hề được công khai, hoặc đưa tin một cách nhỏ giọt. Khi người dân biết thông tin là đã “bể ra một cục nợ to đùng”

Hình minh họa: Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và Dollar Mỹ

Hơn 150 quốc gia nợ tiền Trung Quốc

Hồi tháng trước, Tạp chí Kinh doanh của đại học Harvard, Hoa Kỳ có bài phân tích “Thế giới nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền”.

Trong bài viết này, dựa trên các tài liệu thống kê từ gần 2000 khoản cho vay cùng với gần 3000 khoản trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 2017, các tác giả cho biết, sau hai thập kỷ phát triển kinh tế, hiện nay Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất trên thế giới với số tiền cho vay khoảng 1500 tỉ USD. Trên 150 quốc gia trên thế giới là con nợ của Trung Quốc. Các tác giả cũng cho biết, hầu hết các khoản tiền cho nước ngoài vay, đều là từ Chính phủ Trung Quốc và các định chế thuộc chính phủ, ví dụ như các ngân hàng hoặc các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc. Hầu hết các khoản cho vay này đều là đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng và khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, không giống các chủ nợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay OECD, các thông tin về các khoản nợ này luôn được giữ kín đối với các nước đang nợ Trung Quốc.

Các tác giả cũng nhận thấy có nhiều. Các tác giả nhận thấy có khoảng 50% các khoản cho vay từ Trung Quốc không nằm trong các báo cáo công bố chính thức, như vậy không nằm trong hệ thống dữ liệu của WB, IMF hay bất cứ hệ thống tín dụng quốc tế nào. Những khoản cho vay không có dữ liệu công khai như vậy lên tới hơn 200 tỉ USD vào năm 2016.




Việc không có các thông tin về các khoản nợ như vậy, sẽ dẫn tới nhiều khoản nợ được “giấu kín” (Hidden Debts) và từ đó sẽ dẫn tới những rủi ro “tiềm ẩn” (Hidden Risks) đối với các quốc gia vay nợ Trung Quốc.

Các khoản nợ “giấu kín” như vậy sẽ dẫn tới việc các quốc gia sẽ khó theo dõi và tính toán được khoản nợ thực sự của quốc gia mình. Các định chế để giám sát “nợ công” như vậy sẽ bị ngăn trở, và đương nhiên, tiến trình trả nợ vay sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác, có thể cả vấn đề chủ quyền quốc gia cũng như chính trị sẽ bị đe doạ bởi các khoản nợ này.

Câu chuyện nợ công của Việt Nam

Hình minh hoạ. Tấm biển ở công trường xây dựng một nhà máy lọc dầu và kho ở thành phố cảng biển Hambantota, Srilanka hôm 24/3/2019. Đây là cảng biển do Trung Quốc đầu tư AFP
Theo các thông tin từ Chính phủ Việt Nam thì nợ công Việt Nam vẫn đang nằm trong giới hạn an toàn. Theo đó: “Dữ liệu Bộ Tài chính cung cấp cho biết dự kiến nợ công năm 2018 là 58,4% GDP; nợ Chính phủ là 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách là 15,9%. Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP…”

Một số tờ tuy không chuyên về kinh tế như tờ Quân Đội Nhân Dân còn khẳng định chắc nịch: “Qua các đợt đánh giá bền vững nợ hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá cao việc triển khai hiệu quả cam kết củng cố tài khóa và biện pháp tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ nợ công của Chính phủ Việt Nam. Các tổ chức này đánh giá, nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam hiện ở mức bền vững. Yếu tố này cũng góp phần quan trọng để các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian gần đây.” Báo này còn khẳng định thêm: “Như vậy, có thể khẳng định rằng, nợ công của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, các cán bộ, đảng viên cần nắm vững tình hình, tuyên truyền cho người thân, bạn bè và quần chúng. Để từ đó củng cố niềm tin về sự phát triển ngày càng bền vững của nền kinh tế nước ta, tránh bị tác động tiêu cực bởi các thông tin không khách quan, xuyên tạc sự thật nhằm mục đích xấu.”

Vậy thực sự nợ công của Việt Nam ra sao? Thực sự an toàn để mọi người dân có thể kê cao gối ngủ vì “mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo”?




Nợ công được tính như thế nào?

Theo quy định của Khoản 2 Điều 1, Luật quản lý nợ công năm 2017 thì “Nợ công được quy định trong Luật này bao gồm: a) Nợ chính phủ; b) Nợ được Chính phủ bảo lãnh; c) Nợ chính quyền địa phương". Quy định như trên, giữ nguyên từ Luật quản lý nợ công năm 2009 không thay đổi. Theo quy định trên, Nợ công bao gồm ba khoản: i) Nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của pháp luật. Nợ chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

ii) Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của DN, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. iii) Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (UBND cấp tỉnh) ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành”.

Tuy nhiên, cách tính nợ công phổ biến của quốc tế lại có phạm vi rộng hơn nhiều. Theo Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nợ công không chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương mà còn bao gồm các nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc chính phủ, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở tất cả các cấp chính quyền và một số khoản nợ ngầm định khác.

Hình minh hoạ. Tấm biển ở công trường xây dựng một nhà máy lọc dầu và kho ở thành phố cảng biển Hambantota, Srilanka hôm 24/3/2019. Hình minh hoạ. Logo Vinashin tại văn phòng ở Hà Nội hôm 19/7/2010
Theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt - Chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc thì: “Khu vực công (public sector) theo định nghĩa của Hệ thống Tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc 2008 bao gồm cả Chính phủ và DNNN nên có thể coi nợ công là tổng của nợ chính phủ và nợ của DNNN. Thông tin này là cần thiết, dù Việt Nam vẫn chỉ chú ý đến nợ chính phủ (được gọi là nợ công), nhưng nếu DNNN nào phá sản thì việc trả nợ là do Chính phủ chịu trách nhiệm, dù Chính phủ tuyên bố không có trách nhiệm và nếu giả thiết cho phá sản, đất và tài sản công sẽ bị tịch biên và thuộc về chủ nợ. Vì thế khi phân tích về nợ công, không thể bỏ qua nợ của DNNN.”

Đồng ý kiến với TS Vũ Quang Việt, TS Nguyễn Đức Kiên - Nguyên là Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Việt Nam, hiện nay đang giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, cũng cho rằng: “những số liệu về nợ công được tính theo quy định của Luật Quản lý nợ công chưa phản ánh số nợ công thực sự của đất nước…theo Bộ Tài chính, ngoài các khoản nợ nêu trên, còn các khoản nợ khác của NSNN. … điểm đáng lo ngại nhất là các khoản nợ tiềm ẩn từ các DNNN (implicit contingent liabilities), dù theo quy định của Luật Quản lý nợ công thì nợ của DNNN không được hạch toán vào nợ công. Tuy nhiên, khả năng đe dọa nợ công của khu vực DNNN lại nằm ở chỗ khu vực này luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ. Khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ (điển hình là vụ Vinashin). Tất cả các hình hình thức ngân sách “mềm” này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng. Và với việc NSNN liên tục bội chi, để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, Nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ gia tăng.”

TS Vũ Quang Việt ước tính nợ công Việt Nam năm 2016 vào khoảng 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP. Và với mức nợ cao như vậy, dẫn tới lãi suất cao, khả năng trả nợ sẽ giảm. Kinh tế khó lòng mà phát triển mạnh, nếu không nói là có thể bị rơi vào khủng hoảng.




Như vậy, nếu không tính nợ của DNNN thì nợ công ở Việt Nam được coi là tạm ổn, nhưng nếu thực sự tính cả khoản nợ của DNNN thì nợ công của Việt Nam đang ở mức nguy hiểm.

Điều này cũng thể hiện rõ lo âu của nhiều Đại biểu Quốc hội Việt Nam, như Tướng Đỗ Bá Tỵ: “cần tính đến xử lý hậu quả khi không đưa nợ của DNNN vào nợ công vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên về bản chất, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm các khoản nợ này trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.”

Thực tế, Chính phủ Việt Nam vẫn phải đứng ra trả nợ cho các DNNN, hoặc nếu DNNN phá sản, thì tất cả tài sản đó cũng là tài sản của nhân dân Việt Nam đóng góp vào. Như vậy tình hình nợ công của Việt Nam không “sáng sủa” như một số báo chí đưa tin, chưa kể thời điểm này và sắp tới là đỉnh điểm cho các khoản nợ công đã đến thời hạn phải trả.

DNNN Việt Nam nợ ra sao?

Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) về kết quả sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty vừa được cơ quan này hoàn tất tiếp nhận cuối năm 2018. 19 tập đoàn này có số nợ tính đến năm 2018 là 1,3 triệu tỉ đồng.

TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên đại học Bristol, Anh Quốc nhận xét: “Đọc thông tin trong “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên” năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn, tôi lo ngại khi đọc tới vấn đề nợ của doanh nghiệp Việt Nam. Sách trắng cho biết tổng số nợ của doanh nghiệp năm 2017 gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của họ. Đáng chú ý hơn, doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ 4,1 lần, cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (2,3 lần) và doanh nghiệp FDI (1,6 lần).




Những con số này là rất đáng quan ngại khi ta đặt chúng trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang đua nhau phát hành trái phiếu, nhất là doanh nghiệp bất động sản, và những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ doanh nghiệp và nợ cá nhân đang được đưa ra ở nhiều nền kinh tế, từ Mỹ cho đến Trung Quốc hay Úc.” Hay nói ngắn gọn, tình trạng nợ của DNNN của Việt Nam đang ở mức báo động nghiêm trọng.

Tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam trích từ Báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh chính phủ năm 2018 mới được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, cho biết: “Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,7 tỉ USD, trong đó 23,6 tỉ USD vốn vay nước ngoài, 4,1 tỉ USD vốn vay trong nước”. Tờ báo này còn cho biết thêm là biết nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh do khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ, đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc phải tái cơ cấu do nợ quá hạn cao, hoặc Chính phủ phải dùng nguồn tiền từ Quỹ Tích lũy trả nợ quốc gia trả nợ thay. Trong số đó, ngành điện chiếm tỉ trọng bảo lãnh lớn nhất.

EVN nợ ai? bao nhiêu?

Tập đoàn điện lực Việt Nam, “quả đấm thép” trong ngành điện, một ngành mà gần như độc quyền trong tay Nhà nước Việt Nam.

Báo chí cho biết, EVN nợ nước ngoài vào khoảng 217.971 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo chí không cho biết EVN nợ nước nào?

Hình minh hoạ. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc đầu tư ở tỉnh Bình Thuận
Một Báo cáo của nhóm Green ID về các tài chính cho các dự án nhiệt điện than cho biết, Trung Quốc là quốc gia cấp vốn lớn nhất cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam. “Trong thời gian qua Việt Nam đã huy động được gần 40 tỷ USD để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than và ước tính cần huy động thêm 46 tỷ USD nữa để hoàn thành kế hoạch phát triển nhiệt điện than tới năm 2030. Như vậy Việt Nam đã đi được nửa chặng đường huy động vốn. Trên nửa chặng đường đã qua, nguồn tài chính được xác định chủ yếu là vốn vay nước ngoài. Với 8,3 tỷ USD, Trung Quốc là quốc gia cấp vốn vay nhiều nhất cho nhiệt điện than ở Việt Nam. Nhật Bản (3,7 tỷ USD) và Hàn Quốc (3 tỷ USD) lần lượt đứng vị trí thứ 2 và thứ 3. Nguồn vốn được cung cấp chủ yếu qua các cơ quan tín dụng xuất khẩu của những quốc gia này, bao gồm Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim), Công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-sure) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Bên cạnh các cơ quan tín dụng xuất khẩu, ngân hàng thương mại các nước cũng giữ vai trò rất quan trọng, trong đó bốn ngân hàng của Trung Quốc (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc) chiếm tới 80% nguồn tài chính của nhóm các ngân hàng thương mại.”

Việt Nam có khả năng vỡ nợ với chủ nợ Trung Quốc?



Cho đến nay, còn rất nhiều điều phải bàn về vấn đề nợ công của Việt Nam. Theo giải thích của Chính phủ Việt Nam thì dường như nợ công không có gì đáng ngại. Nhưng thực sự thì không phải như vậy. Mặc dù số nợ của DNNN không được đưa vào Luật quản lý nợ công, nhưng thực tế, Chính phủ Việt Nam vẫn đang phải “è cổ” ra trả nợ cho đám con “hư” này.

Những con số về các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn còn rất “tù mù”. Rất nhiều thông tin không được công khai, minh bạch. Rất nhiều khoản nợ liên quan đến Trung Quốc không hề được công khai, hoặc đưa tin một cách nhỏ giọt. Khi người dân biết thông tin là đã “bể ra một cục nợ to đùng”. Mọi người vẫn chưa quên dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng vốn vay từ Trung Quốc, chưa biết bao giờ chạy, nhưng đã phải trả lãi hàng trăm tỉ. Hay các dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Đặc biệt gần đây, xuất hiện rất nhiều dự án nhiệt điện than vay vốn từ Trung Quốc. Điều này có thể sẽ dẫn tới những khoản nợ khổng lồ trong bối cảnh EVN đang “nợ như Chúa Chổm”. Thế giới đã chứng kiến quá nhiều bài học từ vay nợ Trung Quốc mà không kiểm soát đầy đủ dẫn tới khả năng “vỡ nợ” rất lớn. Và từ nợ nần, sẽ dẫn tới các vấn đề chủ quyền biển đảo, quan hệ đối ngoại bị chi phối.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải thông tin rõ ràng về các khoản nợ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đồng thời tiếp cận các kinh nghiệm quốc tế về xác định các khoản nợ vay, cũng như phương án trả nợ. Nếu không, khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trong Hiến pháp Việt Nam chỉ là một khẩu hiệu suông.

* Bài phản ảnh quan điểm riêng của tác giả.


© Trần Văn Phúc
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad