"Nước Mỹ sinh ra không phải để đóng cửa": TT Trump đứng trước quyết định lớn nhất trong nhiệm kỳ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

"Nước Mỹ sinh ra không phải để đóng cửa": TT Trump đứng trước quyết định lớn nhất trong nhiệm kỳ


Đã gần đến thời hạn cuối của lệnh cách ly xã hội, Tổng thống Trump cho rằng, đã đến lúc phải tính các phương án về mở cửa lại nền kinh tế.


Hình minh họa: "Nước Mỹ sinh ra không phải để đóng cửa": TT Trump đứng trước quyết định lớn nhất trong nhiệm kỳ

Đại dịch Covid-19 đã lan nhanh một cách chóng mặt, ra tới trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mức độ tàn phá được coi là ghê gớm nhất, với các tâm dịch của thế giới từ Trung Quốc, chuyển qua châu Âu và đến nước Mỹ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, kể từ khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (13/3), khi số liệu mới cho thấy nước Mỹ có chưa đầy 2.000 ca nhiễm và dưới 50 ca tử vong, nay đã lên trên 500.000 ca nhiễm và hơn 20.000 ca tử vong. Tổng thống Trump cũng đã phải ban hành lệnh về tình trạng thảm họa ở 50 bang và vùng lãnh thổ - Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn nước Mỹ bị đặt trong tình trạng thảm họa ở cùng một thời điểm.

Đời sống xã hội và người dân nước Mỹ bị đảo lộn, trong khi phần lớn nền kinh tế bị ảnh hưởng bới các hạn chế và qui định về cách ly xã hội để phòng chống dịch. Tổng thống Trump và cả nước Mỹ đang phải đau đầu xử lý bài toán kép: Làm sao vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa giải cứu nền kinh tế - Điều mà Tổng thống Trump gọi là: Quyết định lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình.

Nước Mỹ giật mình trước cơn địa chấn tàn khốc mang tên Covid-19

Khi xuất hiện các cảnh báo đầu tiên về đại dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc, châu Âu và nước Mỹ vẫn còn đang không khí lễ hội và hân hoan đón chào năm mới. Nhưng Covid-19 đã nhanh chóng trở thành đại dịch ở Trung Quốc. Nước này đóng cửa Vũ Hán và ngay sau đó là toàn bộ Hồ Bắc với 60 triệu dân vào tuần thứ ba của tháng Một. Dịch bệnh sau đó lan sang Hàn Quốc, Italy, Iran…





Ngày 19/1, nước Mỹ công bố ca nhiễm đầu tiên; 31/1, Mỹ công bố tình trạng y tế khẩn cấp và hạn chế việc đi lại với Trung Quóc (khi đó Mỹ có 9 ca nhiễm). Nhưng ngay cả lúc này, chính quyền Mỹ vẫn cho đây là một nguy cơ nhỏ, chỉ như cúm thông thường, tự tin vào nền y tế Mỹ và khả năng hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình.

Trong suốt tháng 2, các hoạt động chung và bầu cử ở Mỹ vẫn tiến hành bình thường. Ngày 28/2, Trump vận động tranh cử ở Nam Carolina, vẫn còn gọi cảnh báo về dịch Covid-19 là "trò đùa xấu", là kích động của phe Dân chủ (trong khi đó, dịch bệnh đã hoành hành ở nhiều nước: Trung Quốc có khoảng 79.000 ca nhiễm, 2.800 ca tử vong, Hàn Quốc hơn 3.000 ca, Italy hơn 1.000 ca; còn Mỹ mới 68 ca nhiễm và 1 tử vong).

Ngay cả khi cử Phó Tổng thống Pence chủ trì nhóm công tác chính phủ về ứng phó với dịch Covid-19, vào ngày 26/2, Trump vẫn cho rằng: Nguy cơ đối với nước Mỹ là rất thấp. Đến ngày 9/3, Trump vẫn tweet: "Năm ngoái có 37.000 người Mỹ tử vong vì cúm thông thường. Trung bình hàng năm có từ 27.000 đến 70.000 ca tử vong. Có đóng cửa gì đâu, cuộc sống và kinh tế vẫn tiếp tục. Nay mới 546 ca nhiễm nCov với 22 ca tử vong. Nên lưu ý điều này".

Đến giữa tháng 3, nước Mỹ tuy mới phát hiện hơn 1.700 ca nhiễm và hơn 40 ca tử vong (lúc này, Mỹ hầu như chưa có thử, xét nghiệm chung), nhưng trên thế giới đã có trên 137.000 ca nhiễm, với hơn 5.000 ca tử vong, trung tâm dịch bắt đầu chuyển sang châu Âu (với Italy có trên 15.000 ca nhiễm và 1.000 ca tử vong), còn Trung Quốc đã đến đỉnh dịch (trên 80.000 ca nhiễm và 3.000 ca tử vong), các ca nhiễm mới chỉ ở mức một con số trong nhiều ngày. Điều này báo hiệu làn sóng lây lan rất lớn sau đó tại Mỹ khi mà lệnh cấm đi lại với châu Âu đến 11/3 mới được ban hành.

Rõ ràng nước Mỹ không nghĩ rằng, dịch bệnh Covid-19 lại có sức lây lan và nguy hiểm đến như vậy. Các con số tăng chóng mặt, từ chỗ tính theo tuần đã nhanh chóng phải tính theo ngày, theo giờ. Ngay cả những quốc gia có tiềm lực mạnh và nến y tế hàng đầu thế giới như Mỹ và châu Âu cũng phải lao đao. Tổng thống Trump và nước Mỹ đứng trước nhiệm vụ kép cấp bách: vừa phải phòng chống dịch, vừa phải trợ giúp người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội.

Tổng thống "thời chiến" và các gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử

Mọi việc đã hoàn toàn đảo ngược, nước Mỹ đứng trước thảm họa được coi là lớn nhất từ trước đến nay, cả về mức độ dịch và các tổn hại về kinh tế.

Ngày 13/3 là một Thứ Sáu ngày 13 đáng nhớ: Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng "khẩn cấp quốc gia", điều mà Trump gọi là "hai từ rất lớn", để huy động tổng lực quốc gia ứng phó với đại dịch, trong đó có thể huy động ngay 50 tỷ USD cứu trợ từ ngân sách liên bang. Trước đó, ngày 11/3, Tổng thống Trump cũng đã ban hành lệnh cấm đi lại với 26 nước châu Âu (thuộc khối Schengen), sau thêm Anh quốc, cho rằng các nước này đã không kiểm soát đi lại với Trung Quốc làm cho dịch lây lan sang Mỹ, đồng thời lần đầu tiên kêu gọi người Mỹ đoàn kết, vượt qua khác biệt đảng phái, cùng nhau chống dịch.




Tổng thống Trump tuyên bố chống dịch là "cuộc chiến" và coi mình là "Tổng thống thời chiến". Nước Mỹ thực sự gấp rút chuẩn bị và thực hiện các biện pháp nhiều mặt, bao gồm cả về y tế và về cách ly xã hội. Các nơi tăng cường năng lực của hệ thống bệnh viện, kể cả các bệnh viện dã chiến, các thiết bị đo thân nhiệt, máy trợ thở, thử và xét nghiệm rộng rãi. New York trở thành điểm nóng lớn nhất, chiếm phần lớn số ca của nước Mỹ. Tổng thống Trump cũng lần đầu tiên áp dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng, yêu cầu các công ty Mỹ sản xuất, cung cấp các trang thiết bị y (như máy trợ thở), kể cả ngăn chặn các lô hàng xuất khẩu để phục vụ cho sử dụng của nước Mỹ. Hai tàu bệnh viện của hải quân, tàu Comfort và Mercy, cũng đã được huy động đến trợ giúp cho New York và Los Angeles.

Mặt khác, cũng từ giữa tháng 3, Tổng thống Trump công bố các biện pháp về cách ly xã hội, nhiều bang của Mỹ lần lượt đóng cửa các trường học, cơ sở dịch vụ, cấm các hoạt động thể thao, văn hoá, giải trí tập trung đông người. Lệnh cách ly xã hội này sau đó đã được kéo dài thêm một tháng, tới hết 30/4.

Theo đó, Chính quyền và Quốc hội Mỹ đã phải gấp rút xem xét và thông qua gói cứu trợ khẩn cấp khổng lồ, trị giá 2.2 ngàn tỉ USD, gồm ba phần chính: trợ giúp người thu nhập thấp, bị nghỉ việc; tăng cường nâng cao năng lực y tế, nghiên cứu vắc xin; giúp hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển kinh tế. Đây được xem là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (gói cứu trợ trước đây khi Mỹ gặp khủng hoảng tài chính 2008 cũng chỉ 800 tỉ USD).

Gói cứu trợ lớn như trên cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng mà đại dịch gây ra, nhất là việc phải áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt và chưa từng có. Hiện tại, Chính quyền và Quốc hội Mỹ cũng đang phải tính thêm gói cứu trợ mới, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trị giá có thể trên 250 tỉ USD.

Bài toán nan giải về mở lại nền kinh tế và các kịch bản

Như vậy, nước Mỹ đã trải qua gần 3 tháng kể từ ca nhiễm dịch đầu tiên và đã tròn 1 tháng kể từ khi ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia. Cũng là lúc nước Mỹ đứng trước lựa chọn lời giải cho bài toán hết sức khó khăn: kiểm soát chống dịch và phục hồi kinh tế.

Một mặt, dịch bệnh đã lan ra tất cả các bang của Mỹ, với con số trên 500.000 ca nhiễm và hơn 20.000 ca tử vong. Trong mấy ngày liên tiếp vừa qua, số ca tử vong hàng ngày đều lên tới trên 2.000. Mặt khác, các biện pháp cách ly xã hội đang tác động nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ, với những biểu hiện ngay trước mắt là doanh nghiệp, dịch vụ bị đóng cửa, nợ doanh nghiệp và cá nhân tăng, người lao động bị mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng…




Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ đã đồng thời được đặt trong tình trạng thảm họa, 42/50 bang của Mỹ ra lệnh yêu cầu người dân ở nhà, tương đương với 80% số dân, gần 1/3 nền kinh tế Mỹ bị ngưng trệ. Đến nay, chỉ sau 3 tuần của gói cứu trợ, đã có trên 16 triệu người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tổng thống Trump vốn là người rất chú ý tới sức khỏe của nền kinh tế, luôn coi đây như một hồ sơ thành tích của nhiệm kỳ Tổng thống. Ngay từ nửa cuối tháng 3, ông Trump đã từng tuyên bố: Chúng ta không thể để giải pháp cứu chữa lại tồi tệ hơn chính căn bệnh. Và cho rằng cùng với các biện pháp chống dịch, cần phải tính các biện pháp mở lại các các hoạt động kinh tế, sản xuất và "nước Mỹ sinh ra không phải để đóng cửa". Nhưng trong bối cảnh hiện tại, ông cũng phải cân nhắc rất kỹ, để có lựa chọn phù hợp, cả trên lợi ích quốc gia, cũng như tính toán cá nhân trước mùa bầu cử.

Bài toán được cảnh báo là, nếu đóng cửa chống dịch quá lâu thì kinh tế sẽ lâm vào khủng hoảng, còn mở cửa kinh tế quá sớm thì nguy cơ dịch bệnh khó lường, thậm chí có thể bùng phát lại. Cả hai việc đều không kém phần quan trọng và cấp bách. Đến mức, Tổng thống Trump phải gọi đây sẽ là quyết định "lớn nhất", "khó khăn nhất" của mình.

Nay đã gần đến thời hạn cuối của lệnh cách ly xã hội (30/4), Tổng thống Trump cho rằng, đã đến lúc phải tính các phương án về mở cửa lại nền kinh tế và đang tham vấn các các chuyên gia trong và ngoài chính quyền về việc này. Ông Trump có thể sẽ thành lập một nhóm công tác riêng về kinh tế, với thành phần gồm các quan chức, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Được biết, đã có một số báo cáo tư vấn cho Tổng thống về việc này, như của ĐH Harvard, Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) hay Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP).

Câu hỏi đặt ra là: khi nào thì mở lại và với cách thức ra sao.

Hiện đang có những ý kiến trái chiều, giữa bên kinh tế (muốn mở cửa sớm) và bên y tế chống dịch (cho rằng mở cửa quá vội sẽ là nguy hiểm). Có một số phương án được đưa ra đáng chú ý sau.

Trước hết là về thực trạng và khả năng y tế ứng phó với dịch: Nếu dịch có chiều hướng đã đạt gần/đến đỉnh (số ca nhiễm mới giảm dần) và hệ thống y tế cơ bản có khả năng đáp ứng yêu cầu chống dịch (trước hết là: số lượng phải nhập viện giảm dần và đủ phương tiện để thử rộng rãi khi cần) - Đây là khi có thể tính mở cửa lại kinh tế.

Về phương án mở cửa lại nền kinh tế, đa phần cho rằng: Không thể mở cửa đại trà, tất cả cùng một lúc, mà cần có lựa chọn: trước hết nên ở các bang, các địa phương nào có điều kiện kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.




Để đạt phương án lựa chọn phù hợp nhất, Tổng thống Trump có thể ban hành chỉ dẫn chung, nêu nguyên tắc, còn sẽ dành quyền cho các bang, các địa phương, thậm chí chủ doanh nghiệp, cân nhắc các phương án mở cửa cụ thể.

Về thời điểm nào sẽ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế, các ý kiến còn khác nhau, là đầu tháng 5, hay phải sau đó, tới cuối tháng 6. Riêng Bộ trưởng Tài chính Mnuchin đã bắn tín hiệu có thể mở cửa lại từ 1/5.

Ông Trump nói sẽ giành quyền quyết định với tư cách Tổng thống, nhưng sẽ lắng nghe ý kiến cả hai phía (về y tế, chống dịch và về kinh tế). Trong mọi trường hợp, dù tính thế nào cũng đều có cái giá phải trả, phương án lựa chọn là làm sao giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể, từ cả hai góc độ.

Nếu tình hình diễn biến dịch không nghiêm trọng thêm, trong khi hệ thống y tế hiện đã được tăng cường, nhiều khả năng Tổng thống sẽ lựa chọn phương án mở cửa sớm hơn, như ông vẫn thường nói "sớm hơn là quá muộn", có thể vào nửa đầu tháng 5 tới.

Dự báo cho Tổng thống Trump và nền chính trị Mỹ trước mùa bầu cử

Hiện đã có nhiều dự báo cho rằng nước Mỹ có thể đứng trước nguy cơ của một cuộc đại suy thoái. Thực tế, nền kinh tế Mỹ đúng là đang đứng trước những rủi ro nghiêm trọng. Nhưng cũng cần lưu ý điểm khác biệt của khủng hoảng kinh tế lần này, đó là nó đến từ việc buộc phải đồng loạt đóng cửa kinh tế vì chống dịch (đóng cửa các cửa hàng, dịch vụ, doanh nghiệp) - tức là bên cung trong nền kinh tế, không phải từ bên cầu, từ sức mua của xã hội.

Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian vừa qua nhìn chung là khả quan, mấy ngày vừa qua lại còn có chỉ số tốt, tuy có lúc thất thường nhưng chủ yếu ngắn hạn (như khi Mỹ đóng cửa với châu Âu mà không nói rõ là vẫn cho lưu thông hàng hoá, hay do những biến động của cuộc chiến giá dầu giữa Ả rập Xê út và Nga).

Do đó, với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ trong những năm vừa qua, cùng các gói cứu trợ, dù có khó khăn, các doanh nghiệp Mỹ vẫn có được sức bật và khả năng phục hồi lại.




Một số dự báo cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giảm, để có thể có dấu hiệu phục hồi lại từ cuối quí 2, đầu quí 3. Đây là kịch bản khả quan. Điều cốt yếu nhất là các biện pháp đóng cửa hiện tại sẽ kéo dài bao lâu (do chủ động hoặc vì dịch bệnh bùng phát lại), nếu quá dài sẽ dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp lâm vào nợ nần, thậm chí bị phá sản, thị trường tài chính chao đảo, giảm khả năng thanh toán. Khi đó sẽ là kịch bản tồi hơn, mà nước Mỹ và nhất là Tổng thống Trump muốn tránh.

Nhìn chung, dù kịch bản nào, thì nền kinh tế Mỹ cũng sẽ vẫn gặp nhiều rủi ro và khó khăn, trong 2020 và có thể sang cả 2021, sẽ tiếp tục phải chịu tác khi cả hai mặt cung và cầu không chỉ của nền kinh tế Mỹ mà của thế giới đều bị suy giảm qua đại dịch này

Về mặt cá nhân, ông Trump càng có lý do muốn phục hồi sớm về kinh tế, khi mùa bầu cử đang đến rất gần, trong bối cảnh nền chính trị Mỹ vốn đã phân hoá rất sâu sắc. Các chỉ số kinh tế về tăng trưởng, việc làm và thị trường chứng khoán đã và sẽ luôn là điểm mạnh, chỗ dựa cho Trump trong tranh cử. Trong đại dịch, về cơ bản, Tổng thống Trump vẫn giữ được lợi thế và có chỉ số ủng hộ khá cao, mặc dù có không ít chỉ trích về cách xử lý của Tổng thống.

Tuy nhiên, trong mấy ngày vừa qua, thăm dò dư luận cho thấy các chỉ số đó đang có dấu hiệu đi xuống. Đây sẽ là điều Trump sẽ phải quan tâm trong các quyết định sắp tới. Bất cứ quyết định hay lựa chọn nào của ông Trump đều có thể có những hàm ý thuận lợi hay rủi ro chính trị rất lớn.

Đại dịch đã và đang làm cho nước Mỹ thay đổi sâu sắc, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, về đối nội và đối ngoại. Khi dịch bệnh lắng đi, thì tranh cãi về những vấn đề làm được hay không làm được sẽ lại nổi lên, người ta sẽ tranh thủ tìm và đổ lỗi để tạo lợi thế tranh cử cho mình. Mặt khác, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nổi lên từ hệ lụy của khủng hoảng lần này mà nước Mỹ phải xử lý, từ chuyện phục hồi kinh tế, đến các vấn đề phân hoá xã hội về giàu nghèo, về kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc, đến về tái cấu trúc kinh tế, cơ cấu, phương sản xuất, kinh doanh, và cả những vấn đề về đối ngoại, như chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh nước lớn, vai trò đồng minh, hay các tổ chức quốc tế.

Đại dịch Covid19 lần này thực sự là một thách thức lớn đối với cả quản trị ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu, sẽ là câu chuyện chiến lược sắp tới và còn được bàn trong một thời gian dài.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt.


© Phạm Quang Vinh
    Đỗ Linh
    Soha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad