Theo chân tác giả Brian Eyler: "Những ngày cuối cùng của Dòng MeKong vĩ đại" (Chương 1) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Theo chân tác giả Brian Eyler: "Những ngày cuối cùng của Dòng MeKong vĩ đại" (Chương 1)



Giấc mơ về núi tuyết cổ xưa vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân Yubeng nhưng có lẽ điều đó chỉ còn là giấc mơ mà thôi.

Vì sao sông Cửu Long (Mekong) đến cực nam lại cạn dòng, trơ đáy? Cần đi nghiên cứu thực địa từ thượng nguồn và hiểu lịch sử những con đập trên suốt dòng Mekong là điều chúng ta, mỗi người đều muốn tự trãi nghiệm. Một chuyên gia nổi tiếng trong giới nghiên cứu vấn đề này, BRIAN EYLER, đã thực hiện chuyến đi đó và viết nên cuốn sách “Last days of the mighty Mekong”- Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong vĩ đại”. Brian Eyler là một chuyên gia về các vấn đề xuyên biên giới ở khu vực sông Mê Kông và chuyên về hợp tác kinh tế của Trung Quốc với Đông Nam Á và cũng là thành viên cao cấp và Giám đốc chương trình Đông Nam Á. Ông là người đồng sáng lập trang web có ảnh hưởng EastBySoutheast.com.

Người dịch cuốn sách này là một con mọt sách, một bạn trẻ, KIẾN PHƯỚC NGUYỄN TẤN, “thày giáo dạy kèm” tiếng Anh cho tôi mấy năm gần đây, vốn yêu ĐBSCL quê mẹ thiết tha nên bắt gặp cuốn sách giữa lúc bà con nông dân quê anh khốn khó trăm bề vì hạn, mặn, anh quyết định bắt đầu dịch cuốn sách.

Trên trang FB có tên “phuoc k.nguyen tan”, anh giới thiệu : Cuốn sách này viết về lịch sử của sông Mekong (mà ĐBSCL ở hạ lưu) từ những ngày còn là vùng rừng thiêng nước độc, cho đến tình trạng hiện nay bị đập thuỷ điện băm nát. Hạn hán và xâm nhập mặn đều có thể nói từ việc phá huỷ sông Mekong mà ra. Mở đầu, tác giả đi về thượng nguồn, lên dãy Kawagarbo (Tây Tạng) để tìm về lịch sử của sông Mekong.




CHƯƠNG I. YUBERG-THIÊN ĐƯỜNG CUỐI CÙNG

Làng Yubeng ở Tây Tạng nấp mình ở lưng chừng vách núi Kawagarbo linh thiêng của tỉnh Vân Nam Trung Quốc, cách biên giới Trung Quốc và Tây Tạng chỉ vài cây số. 50 năm trước, để đến làng Yubeng, người ta phải cưỡi ngựa nhiều tháng trời. Sau đó, chừng 20 năm trước, cách duy nhất để đặt chân lên đường độc đạo tới Yubeng, ta chỉ có cách người cõng ngựa, leo lên ròng rọc mà vượt sông Mekong. Ngay cả hiện tại, để đi từ Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam tới Yubeng cũng mất 2 ngày đường, dù đã có cầu bắc thẳng qua sông.


Tác giả Brian Eyler
Truyện cổ kể rằng, làng Yubeng được “phát hiện” bởi các thương nhân du mục, trong lúc đi lạc, được 1 người dân điạ phương chào đón và cho ăn (tác giả ghi là người này tặng 1 túi đại mạch). Bản đồ Trung Hoa lúc đó không hề ghi nhận dấu chân người ở hẻm núi này, nên nhóm thương nhân rất bất ngờ. Hỏi nguồn gốc ngôi làng, người dân không trả lời. Họ lén quay lại, nhiều lần, cuối cùng, giữa 3 bề là núi tuyết của đỉnh Kawagarbo, ngôi làng Yubeng nhỏ bé xuất hiện. Người dân Yubeng hoàn toàn không hề biết về thế giới bên ngoài, vì sông cho họ cá, và rừng thiêng bảo vệ họ.

Ngày nay, Yubeng đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng; mỗi năm đón hàng ngàn khách du lịch vì cảnh đẹp, hoặc đơn giản vì khách không tin và muốn đến xem tận mắt. Giờ, họ chỉ còn phải leo 9km (trek) từ bờ sông Mekong, rồi băng qua sườn núi Kawagarbo là được.

Một sáng tháng Sáu, 2015, tôi hòa vào nhóm 30 du khách Trung Quốc ăn vận loè loẹt và bắt đầu đến Yubeng. .. Cùng đi, thi thoảng tôi lại thấy những gia đình dân bản địa mặc cà sa, tụng kinh bắt ấn. Từ họ, tôi biết được họ đang hành hương về 1 thác nước thiêng của Phật Giáo trên 1 đỉnh núi khác của dãy Kawagarbo. Trong văn hoá Tây Tạng, dãy Kawagarbo thiêng liêng và có giá trị tôn giáo cao hơn cả đỉnh Everest; nên người địa phương rất coi trọng quá trình này. Bất kỳ người dân Tây Tạng nào, chỉ cần có thể, đều sẽ bước chân đi về thác nước ít nhất 1 lần trong đời (giống Thánh địa Mecca).

Để hoàn tất 240 cây số hành hương (vòng quanh núi, dài hơn đường đi thẳng lên đỉnh), phật tử nghỉ ở tại các nhà nghỉ đơn sơ dọc đường. Những năm gần đây, phật giáo Tây Tạng trở nên phổ biến với người Hán Trung Quốc; và họ vẫn chọn hành trình gian khổ này. Năm 2015 này lại càng quan trọng, vì theo văn hoá dân gian Tây Tạng, năm đó là kỷ niệm năm sinh của thác nước thiêng (diễn ra 12 năm 1 lần, theo lịch Tây Tạng). Ở vùng đất gió tuyết này, từng ngọn cỏ, cành cây đều được cho là có linh hồn và gắn liền với thần linh. Các vị thần bảo vệ dân địa phương khỏi thiên tai, bệnh tật và ma quỷ. Người nào hoàn tất chuyến hành hương đàng hoàng sẽ được thưởng; và nếu vi phạm sẽ bị nguyền rủa.




Chỉ cao 6800m, dãy Kawagarbo không phải đỉnh núi cao nhất Tây Tạng; thậm chí còn không nằm trong top 100 đỉnh núi cao nhất thế giới. Nhưng Kawagarbo luôn là một trong những dãy núi đẹp và linh thiêng nhất. Lời truyền là đấng thiêng liêng cấm leo đến 6 đỉnh của dãy núi và đã có đoàn leo lên, bị tuyết lỡ chôn sống… Năm 2001, chính quyền địa phương quyết định cấm vĩnh viễn việc leo núi vì lý do tôn giáo và văn hoá.

Sau 3 tiếng leo dọc sườn núi bạt ngàn cây thông và đỗ quyên, tôi dừng chân ở “cổng trời” nơi 2 đỉnh, Nữ Thần và Tướng Quân (Goddess & General) của dãy Kawagarbo xuất hiện sừng sững. Một người đàn ông Tây Tạng trung niên, tên Asheng, xuất hiện từ dãy lều dành cho dân hành hương. Trên tay ông là những túm sen tuyết, loại thảo dược quý giúp trị viêm sưng và kéo dài tuổi thọ. Asheng vốn là người Yubeng. Ông bài xích cuộc sống thành thị vì đã đến và ghét bỏ Côn Minh. Với núi rừng, ông có cuộc sống tự do, ngày ngày bán sen tuyết và các sản vật khác như nấm Tùng Nhung hay Đông Trùng Hạ Thảo, những thứ rất được giá ở thế giới bên ngoài. Ông là người hạnh phúc nhất tôi từng được gặp. Asheng động viên tôi hãy cố gắng buông bỏ mọi thứ và về Yubeng tìm kiếm tự do thật sự. Tôi trả lời ông rằng, tôi cần phải đi và tận mắt chứng kiến dòng sông Mekong đã.



TẬN MẮT THẤY NGÔI LÀNG CÔ ĐỘC BÍ MẬT.

Khi vượt qua dốc núi cheo leo, từ từ đi xuống, làng Yubeng hiện ra trước mắt. Từ trên nhìn xuống, mặt trời rọi nắng xuống các đỉnh chùa Tây Tạng phủ vàng. Màu xanh của cây cỏ và những cánh đồng đại mạch phủ khắp thung lũng. 3 mặt là núi tuyết bao quanh, làng Yubeng được chia làm 2 bởi 1 dòng sông nhỏ mà thượng nguồn ở đâu đó trên dãy Kawagarbo. Dọc theo sườn núi là 2 dãy nhà kiểu Tây Tạng, với hàng rào bao quanh để bảo vệ gia súc. Phật kì nhiều màu được treo khắp nơi, trong gió, tạo cảm giác vừa sống động vừa yên bình mà chỉ những ngôi làng cô độc như Yubeng mới có. Nhắm mắt lại, bao quanh tôi chỉ còn tiếng đất trời và tiếng kinh. Trên từng lá phật kì đều được in nhiều câu kinh để ban phước lành cho những người con của Yubeng. Gió thổi, cờ bay, đây thật sự là thiên đường địa giới.

Cuối những năm 90, phần lớn tỉnh Vân Nam vẫn chưa được mở cho khách du lịch nước ngoài. Nhà nghỉ đầu tiên ở Yubeng là của 1 người địa phương tên Ahnazhu.




Lúc đó là người duy nhất nói được tiếng Hoa trong làng, nên Ahnazhu rất thuận lợi trong việc kinh doanh du lịch. Đầu những năm 2000, người Hán Trung Quốc đến Yubeng nhiều hơn, từ đó dần dần dân địa phương cũng đổi nhà họ thành nhà nghỉ để đáp ứng nhu cầu. Mỗi đêm, khi đó, chỉ có giá chưa tới 1 USD và Ahnazhu điều hành hệ thống, lợi nhuận được chia sẻ cho mọi nhà.

Qua nhiều năm, Yubeng dần dần trở thành 1 làng du lịch chuyên nghiệp, đủ sức đón hàng ngàn khách du lịch mỗi mùa cao điểm. Cứ 4 gia đình hợp thành 1 tổ để đón khách. Nhưng rồi tiền làm mờ mắt, người dân Yubeng quay ra nói dối nhau về số lượng khách họ đã đón tiếp, dẫn đến việc không ai tin ai. Rốt cuộc, mô hình chia sẻ trên sụp đổ. Năm 2009, 1 công ty du lịch quốc doanh ở Vân Nam đã mua quyền kinh doanh du lịch ở cả làng Yubeng.

Giờ đây, mỗi ngày Yubeng đón hơn 100 khách du lịch, chủ yếu là người Trung Quốc. Vì sao? Ở Trung Quốc, bạn có bao nhiêu tiền không quan trọng bằng việc quen ai. Người ta thường khoe của qua những buổi yến tiệc hay những món hàng hiệu. Dân Trung Quốc nhìn vô bạn "có gì" (haves) và "không có gì" (have-not). Nhiều người cho rằng, dân Trung Quốc qua Tây Tạng là để lánh xa sự ấu trĩ tiền bạc đó. Nhưng thật ra, Yubeng cũng chỉ là 1 phần trong trải nghiệm, bạn có gì và không có gì. John Osburg, tác giả của cuốn "Anxious Wealth: Money and Morality among China's New Rich", từng viết: Với nhiều người Trung Quốc, trải nghiệm ở Tây Tạng, là 1 hình thức khoe giàu, dù nó đi ngược hoàn toàn với triết lý Phật Giáo.

Do đi đến Tây Tạng khó khăn, nên người Trung Quốc tìm đến các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam cho các trải nghiệm Phật Giáo. Đối với các nhà sử học, dân Trung Quốc xem phật giáo sau triều đại của Mao Trạch Đông là quá kim tiền và thối nát. Nên phật gíao Tây Tạng vô hình trung được nằm ở vị trí cao hơn và đuọc truy cầu nhiều hơn. Từ đó, dân Trung Quốc bỏ tiền ra xây đường, lắp đèn để lên Yubeng và các thánh địa khác dễ dàng hơn.

Trước khi chính thức lên Yubeng, du khách sẽ trú đêm ở chùa Phi Lai. Nếu may mắn đến nơi trong 1 ngày nắng đẹp, bạn có thể nhìn thấy đỉnh Kawagarbo và sẽ bị dụ trả mức giá khủng hoảng 25 đô cho 1 tấm hình chụp giữa 8 tấm phù đồ, tượng trưng cho 8 đỉnh núi thiêng của Tây Tạng.




Đến Yubeng, vào ngày thứ 2, tôi băt đầu chuyến đi dài 8 tiếng lên mảng hồ băng linh thiêng ngay dưới đỉnh Tướng Quân. Trước khi Yubeng có điện năm 2012, dân Yubeng thường giành buổi chiều để đi lấy củi đốt cho ban đêm. Vào mùa cao điểm, mỗi nhà nghỉ được yêu cầu phải có đủ 100kg củi hàng đêm để nấu nước tắm và nấu ăn. Vì vậy, thiên nhiên Yubeng bị đe doạ nghiêm trọng. Mà tthiên nhiên biến mất thì Yubeng cũng sẽ biến mất. Khi cty du lịch Côn Minh tiếp quản Yubeng, họ dự định sẽ tráng nhựa cả đoạn đường lên núi nhưng bị dân làng phản đối vì họ đã đầu tư rất nhiều vô dịch vụ vận chuyển, nếu có đường nhựa đàn ông ở làng sẽ mất việc hết. Vì vậy cho tới giờ Yubeng vẫn chưa có đường nhựa lên núi.

Người dân Yubeng vẫn theo phong tục đa phu (polyandry): một người phụ nữ ở làng có thể lấy nhiều chồng. Dù con trai vẫn được ưu ái hơn do có thể nuôi sống và bảo vệ gia đình, nhưng chế độ đa phu giúp việc có con gái ko bị kỳ thị (do đàng nào khi trưởng thành phụ nữ cũng sẽ lấy nhiều chồng và tài sản sẽ chia đều giữa những người đó). Chính chế độ đa phu cùng việc chia đều tài sản đã giúp Yubeng "ẩn mình" lâu đến vậy.



THIÊN ĐƯỜNG CUỐI CÙNG ĐÃ ÂU HÓA

Giờ đây, chính quyền Trung Quốc đã nắm quyền quản lý toàn bộ nhà nghỉ ở Yubeng. HIện tại, nhà nghỉ của Ahnazhu đang được cô Hoa Giới (Hua Jie), một phụ nữ Trung Quốc quản lý. Cô Hoa sau 1 lần đến Yubeng năm 2014 đã quyết định bỏ thành phố về đây sinh sống vì thích cuộc sống tự do và khắng khít ở đây. "Chỉ cần con người ta không tham lam thì nơi này sẽ còn tồn tại mãi. Nhưng không, chính phủ Trung Quốc muốn xây cáp treo để đưa khách du lịch lên nhiều hơn. Cáp treo đang phá huỷ hết danh thắng của Trung Quốc rồi" - cô cho biết.

Không phải chỉ Yubeng đang bị khai thác quá mức. Từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế việc qúa tải du lịch. Giá vé lên Yubeng cũng tăng từ 80 tệ (270k) lên 280 tệ (830k) nhưng vẫn bị qúa tải. Đó là lý do vì sao dân Yubeng dần dần bỏ nghề nông -lâm mà đem nhà cho thuê làm nhà nghỉ cả. Giờ người Tây Tạng ở Yubeng phần lớn đều đi làm thuê cho các nhà nghỉ được quản lý bởi người Trung Quốc.




Giờ đây, Arong, chủ nhà nghỉ nổi tiếng nhất Yuberg cũng như nhiều người dân, đã bị Âu hoá. Thần tượng của Arong là đức Đạt Lai Lạt Ma và Barack Obama. Núi rừng vẫn bao quanh Yubeng, nhưng vết chân của du khách đã phủ khắp nơi. Quanh tôi là khách du lịch Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Nhật... Sau 2 tiếng đi bộ, chúng tôi đã quay lại thác nước thiêng. Theo truyền thuyết địa phương, ai chặt cây hay phá huỷ dòng thác đều đổ bệnh và chết không lâu sau đó.

THƯỢNG NGUỒN MEKONG, NƠI DÒNG SÔNG YUBERG ĐỔ VÀO SÔNG MEKONG.

Để rời khỏi Yubeng, tôi chọn con đường dọc theo sông Yubeng để đổ về sông Mekong. Vào mùa khô của lưu vực sông Mekong, 40% lượng nước đến từ băng tan ở Vân Nam, Tứ Xuyên và Tây Tạng. Nếu xu hướng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục, với đà này, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 2 độ vào 2100. Nhưng ở vùng Himalaya điều đó sẽ đến sớm hơn, vào 2050. Băng Himalaya tan sẽ đổ 1 lượng nước khủng khiếp xuống các sông Mekong, Dương Tử, Brahmaputra, Indus và các sông nhỏ khác có thượng nguồn ở Himalaya. Khi băng tan hết, 1 chu kỳ khô hạn chưa từng có sẽ xảy ra. Nước sẽ trở thành loại tài nguyên khan hiếm. Chính vì điều này, Trung Quốc trong những năm qua đã cho XÂY DỰNG HÀNG LOẠT SIÊU ĐẬP THỦY ĐIỆN, TẠO HỆ THỐNG HỒ CHỨA NƯỚC ĐỂ DÀNH NƯỚC, DÙNG DẦN. Và điều này, chỉ có lợi cho mỗi Trung Quốc mà thôi.

Barry Baker, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu của Viện Bảo Tồn Sinh Học Fort Collins, Colorado, cho biết sông băng Mingyong (quanh Vân Nam, Địch Khánh và Kawagarbo) đã tan hơn 3km từ những năm 1800. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy 1.2km trong số 3km băng tan kia diễn ra từ 2003 cho đến nay. Hiện tượng này là do việc tầng băng vĩnh cửu đang rã dần. Quanh Himalaya, tầng băng vĩnh cửu này mỏng dần, làm cho băng tuyết ở đỉnh núi bị nóng lên. Bên cạnh đó, tầng đất đóng băng vĩnh cửu cũng bị xói mòn. Những hậu quả này dẫn đến việc sông băng đang tan cực nhanh. Ông trưởng làng cũ của Yubeng, ông Trương Đại Phó (Zhang Dafu) cho biết làng đã không có bão tuyết từ 2012 - 2015. Người dân Yubeng đang dần nhận ra là hệ sinh thái quanh mình đang dần dần biến mất (năm 2005, họ thành công trong việc không cho xây xưởng gỗ ngay tại làng). Do nhiều năm sống cách biệt, họ vẫn nghĩ việc băng sông tan chảy đơn giản là do thiếu kết nối với tự nhiên và thói tham lam kim tiền.

Giấc mơ về núi tuyết cổ xưa vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân Yubeng nhưng có lẽ điều đó chỉ còn là giấc mơ mà thôi.

(Còn tiếp)

Chương 2- Thượng nguồn sông Mekong đã bị băm nát như thế nào?


© Brian Eyler Tác giả
    Kiến Phước Nguyễn Tấn Người dịch
    Vũ Kim Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad