Chính quyền Trump thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Chính quyền Trump thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc



Công nhân sản xuất vải để xuất sang Mỹ tại một nhà máy dệt ở Binzhou của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Chính quyền Trump đang thúc đẩy việc đưa chuỗi sản xuất của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Chính quyền Trump đang “tăng tốc thúc đẩy” một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong lúc xem xét áp dụng thuế quan mới để trừng phạt Bắc Kinh về việc xử lý đại dịch virus corona, theo thông tin từ các quan chức biết về kế hoạch này của chính phủ Mỹ.

Tổng thống Donald Trump, người gần đây đã đẩy mạnh các cuộc tấn công nhắm vào Trung Quốc trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11, từ lâu đã cam kết sẽ đưa ngành sản xuất từ nước ngoài trở về Mỹ.

Giờ đây, sự thiệt hại về kinh tế và số lượng lớn người chết vì virus corona ở Mỹ đang là nguyên nhân cho sự thúc đẩy trong toàn chính phủ nhằm đưa việc sản xuất của Hoa Kỳ và sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, ngay cả khi phải đưa nó đến các quốc gia thân thiện hơn, theo các quan chức cấp cao hiện đang tại chức và từng làm trong chính quyền cho biết.

“Chúng tôi đã và đang tìm cách [giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng của chúng ta ở Trung Quốc] trong vài năm qua nhưng hiện tại chúng tôi đang tăng tốc thúc đẩy sáng kiến đó,” Keith Krach, thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.




Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng các cơ quan khác đang tìm cách thúc đẩy các công ty chuyển cả nguồn cung ứng và dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc. Các ưu đãi thuế và trợ cấp tái chuyển dịch sản xuất tiềm năng là một trong những biện pháp được xem xét để thúc đẩy sự thay đổi, theo các quan chức hiện tại và trước đây nói với Reuters.

“Có một sự thúc đẩy từ toàn bộ chính phủ đối với việc này,” một quan chức cho biết. Các cơ quan đang nghiên cứu xem việc sản xuất nào nên được coi là “trọng yếu” và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.

Chính sách về Trung Quốc của ông Trump được hình thành bởi những cuộc đấu tranh hậu trường giữa những cố vấn ủng hộ thương mại và những người có quan điểm diều hâu về Trung Quốc; và giờ đây những người chống Trung Quốc nói thời điểm của họ đã tới.

“Thời khắc này là một cơn bão hoàn hảo; đại dịch đã làm sáng tỏ những lo lắng mà mọi người gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc,” một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết.

“Trước đây, tất cả số tiền mà mọi người nghĩ rằng họ đã kiếm được từ các thương vụ làm ăn với Trung Quốc, thì giờ đây đã bị thua lỗ nhiều lần vì thiệt hại kinh tế do virus corona gây ra,” quan chức này nói.




Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể áp thêm mức thuế mới lên mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc hiện đang được áp dụng.

Các công ty Mỹ hiện đang trả thuế, đã rên rỉ vì những thuế suất đang được áp dụng, đặc biệt là khi doanh số giảm mạnh trong thời bế quan toả cảng vì virus corona.

Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để “thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên,” Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm 29/4.

Những cuộc thảo luận này bao gồm “cách mà chúng ta tái cấu trúc ... các chuỗi cung ứng để ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa,” ông Pompeo nói.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới năm 2010 và chiếm 28% sản lượng toàn cầu trong năm 2018.


© Reuters/VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad