Giải mã chiến lược cơ hội của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Giải mã chiến lược cơ hội của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19


Source: Abraham Denmark, Charles Edel, and Siddharth Mohandas, Same as It Ever Was: China’s Pandemic Opportunism on Its Periphery | War On The Rock

Đại dịch đã không làm suy giảm các hoạt động địa chính trị - trên thực tế, dịch bệnh dường như còn làm gia tăng những căng thẳng vốn có. Việc hiểu rõ liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách đối ngoại hay không, và nếu có thì như thế nào, đóng vai trò trọng yếu trong việc đánh giá những diễn biến trong khu vực ngoại vi của Trung Quốc và những dự định tiếp theo của Bắc Kinh.


Hình minh họa:

Mặc dù luận điệu gay gắt và những lời buộc tội lẫn nhau của Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện đang tràn ngập các tít báo, nhưng những gì đang diễn ra trên khắp khu vực ngoại vi phía Đông và phía Nam Trung Quốc trong vài tuần qua cũng không kém phần quan trọng. Vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ca ngợi sự hào phóng trong cách tiếp cận của nước này đối với COVID-19, số lượng sự cố giữa Trung Quốc và các nước láng giềng lại đang có sự gia tăng đáng chú ý. Bắc Kinh đã sử dụng các lực lượng hải quân và bán quân sự cũng như các chiến dịch thông tin ngày càng tinh vi nhằm gia tăng căng thẳng, thăm dò phản ứng và đánh giá xem họ có thể “được nước lấn tới” đến mức nào.

Điều này làm dấy lên câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc. Phải chăng Bắc Kinh đã thực sự đi theo cách tiếp cận hợp tác mới với các nước láng giềng? Họ có đang tìm cách lợi dụng sự hỗn loạn thời COVID-19 để khẳng định các lợi ích của mình một cách mạnh mẽ hơn hay không? Hay đây đơn giản chỉ là một sự mở rộng - dù mang tính cơ hội - của chiến lược vốn có từ trước đại dịch của Trung Quốc?

Đại dịch COVID-19 đã không làm suy giảm các hoạt động địa chính trị - trên thực tế, dịch bệnh dường như còn làm gia tăng những căng thẳng vốn có. Việc hiểu rõ liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách đối ngoại hay không, và nếu có thì như thế nào, đóng vai trò trọng yếu trong việc đánh giá những diễn biến trong khu vực ngoại vi của Trung Quốc và những dự định tiếp theo của Bắc Kinh. Mỹ và các đồng minh cần trả lời những câu hỏi này nhằm chuẩn bị một phản ứng phù hợp. Điều này đến lượt nó lại đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ những hành động của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng và suy nghĩ kỹ về những điều thực sự có thể báo hiệu sự thay đổi đáng kể hướng tới một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu hơn.

Những động thái mới nhất của Trung Quốc

Các tàu và máy bay của Trung Quốc đã có mặt trong một loạt sự cố gần đây trên khắp vùng biển lân cận nước này. Mặc dù không có thương vong, nhưng những sự cố này chắc chắn đã đe dọa tới tính mạng con người. Xét tới việc những sự cố này có liên quan tới hai đối thủ chính của Trung Quốc trong khu vực là Nhật Bản và Việt Nam, cùng với đó là Đài Loan, cần xem xét tới khả năng Bắc Kinh coi đại dịch COVID-19 là cơ hội để thúc đẩy lợi thế trong giai đoạn các hoạt động địa chính trị bị xao nhãng.




Vào giữa tháng 3/2020, một phi đội máy bay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan - đường phân giới không chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc - trong một cuộc tập trận, nhằm mục đích đe dọa Đài Loan thông qua việc phô diễn năng lực của Trung Quốc trong việc tiến hành các hoạt động ban đêm, đồng thời thăm dò khả năng phản ứng của Đài Loan. Mặc dù các tàu và máy bay của PLA vẫn hoạt động trong khu vực sát Đài Loan trong nhiều năm, nhưng tần suất và sự quyết đoán của các hoạt động này đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây: Sự cố mới nhất này là lần thứ tư trong vòng 2 tháng, máy bay của PLA buộc Không quân Đài Loan phải cất cánh khẩn cấp và tiến hành ngăn chặn. Xét tới việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sắp nhậm chức nhiệm kỳ hai, cùng với đó là việc sự ủng hộ đối với nguyên tắc “Một nước, hai chế độ” của Bắc Kinh đang suy giảm ở Đài Loan, những hành động này thậm chí có khả năng sẽ trở nên phổ biến và quyết liệt hơn.

Cuối tháng 3/2020, một tàu cá Trung Quốc đã va chạm với tàu khu trục của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Vụ va chạm đã khiến tàu khu trục bị thủng, nhưng tàu này đã có thể tự di chuyển và thủy thủ đoàn cũng không bị thương vong. Bắc Kinh tuyên bố rằng một ngư dân Trung Quốc đã bị thương và đổ lỗi cho tàu Nhật Bản trong sự cố này, kêu gọi Nhật Bản hợp tác ngăn chặn những sự cố trong tương lai. Không ai rõ liệu tàu Trung Quốc có thuộc lực lượng dân quân biển của nước này hay không. Đây là một lực lượng được Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là “lực lượng dự bị dân thường có vũ trang sẵn sàng được huy động” và “đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ép buộc nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu”.

Gần đây, tại Biển Đông cũng xảy ra một vài sự cố có liên quan tới các tàu Trung Quốc. Vào đầu tháng 3/2020, một tàu cá Việt Nam neo đậu gần một đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa - vốn được cả Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền - đã bị một tàu Trung Quốc truy đuổi và phun vòi rồng, khiến tàu cá bị chìm do va phải đá. Thủy thủ đoàn đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu. Hà Nội tuyên bố rằng tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm phải. Đầu tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với vụ việc và kêu gọi Trung Quốc “duy trì tập trung ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm chiến đấu chống đại dịch toàn cầu và ngừng lợi dụng sự mất tập trung hoặc sự dễ tổn thương của các nước khác để mở rộng các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, “Bắc Kinh cũng đã công bố việc thành lập các ‘trạm nghiên cứu’ mới tại các căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập và đá Subi, và đã cho máy bay quân sự đặc biệt hạ cánh trên đá Chữ Thập”. Gần đây nhất, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) - một trong số những tàu đã quấy rối một tàu thương mại của Philippines vào tháng 9/2019 - được nhìn thấy đã tuần tra gần bãi cạn Scarborough, đại diện cho nhiều tàu khác của CCG đã và đang tuần tra ở hầu hết các khu vực bị tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.

Những sự cố này phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Đó có phải là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bị phân tâm do COVID-19 và cuộc suy thoái kinh tế lịch sử phát sinh từ đó, và các chỉ huy hiếu chiến ở địa phương đang tự mình thách thức các giới hạn hay không? Hay đây chỉ là kết quả của việc Trung Quốc đưa vào sử dụng nhiều tàu và máy bay hơn, dẫn tới sự gia tăng có thể đoán trước về số lượng các sự cố và hoạt động? Mặc dù những lời giải thích này đều hợp lý, nhưng trên thực tế, yếu tố thúc đẩy các hành động của Trung Quốc nhiều khả năng là tính liên tục.

Những sự cố này không phải là chưa từng xảy ra, và khả năng là chúng không cho thấy một chiến lược mới của Trung Quốc sau đại dịch. Trái lại, những sự cố này nhất quán với cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ngay từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cách tiếp cận này đã thể hiện sự linh hoạt, tính quyết đoán và một mong muốn duy nhất là lợi dụng sự suy yếu và phân tâm của các nước bên ngoài để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc.




Hơn một thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn nhận môi trường an ninh bên ngoài của họ nhìn chung là thuận lợi, mở ra “cơ hội chiến lược hiếm có” mà nhờ đó Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu cốt yếu là phục hưng dân tộc thông qua sự phát triển kinh tế và xã hội, hiện đại hóa quân sự và mở rộng sức ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Bắc Kinh đã nhận thấy cơ hội mở rộng sức mạnh địa chính trị của mình so với Mỹ, tuy nhiên lại không tìm cách gây xung đột rõ ràng với Mỹ hay các đồng minh của nước này.

Kết quả là Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sử dụng các chiến thuật “vùng xám”, tìm cách từng bước thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc thông qua sự mơ hồ và các chiến thuật được thiết kế sao cho không kích động các biện pháp trả đũa quân sự. Những hoạt động này cũng là hành vi thăm dò, nhằm tìm hiểu xem Trung Quốc có thể đi bao xa mà không phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng cách tiếp cận này nhằm gia tăng sức ép đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông, đối đầu với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Trong suốt thời gian này, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với hoạt động địa chính trị khu vực đã thích ứng với các điều kiện cụ thể, linh hoạt trước các xu hướng chiến lược rộng lớn hơn và tận dụng cơ hội khi nhận thấy điểm yếu hay sự xao nhãng của các đối thủ. Những hành động của Trung Quốc không phải là canh bạc liều lĩnh như người ta tưởng ban đầu. Trái lại, đó là những sự thăm dò đã được dự tính trước nhằm tìm cách xác định điểm yếu và cơ hội. Trung Quốc điều chỉnh sức ép một cách thận trọng sao cho phù hợp với một tình huống nhất định nhưng không nhất thiết đi quá xa.

Cách tiếp cận này phản ánh một câu châm ngôn: “Hãy lấy lưỡi lê mà thăm dò: Nếu gặp thép, hãy dừng lại. Nếu gặp bùn nhão, hãy nhấn sâu hơn”. Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh đã tiếp tục nhấn sâu hơn khi nhận thấy rằng những hành động của họ không có khả năng gây ra phản ứng đáng kể. Tuy nhiên, khi sự quyết đoán của Trung Quốc gặp phải sự chống đối kiên quyết, Bắc Kinh lại không phản ứng bằng cách leo thang như người ta dự đoán.

Bắc Kinh đã thể hiện sự linh hoạt khi phải đối mặt với sự phản đối kiên quyết. Có thể kể đến những ví dụ như phản ứng của Nhật Bản trước việc Trung Quốc triển khai vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông vào năm 2013 và việc cựu Tổng thống Obama được cho là đã vạch ra “giới hạn đỏ” đối với Tập Cận Bình về bãi cạn Scarborough vào tháng 3/2016. Hơn nữa, phản ứng của Ấn Độ trước các hoạt động của Trung Quốc ở cao nguyên Doklam đã không dẫn tới chiến tranh.

Những hành động gần đây của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy sự tiếp nối của cách tiếp cận linh hoạt và mang tính cơ hội này. Trong bối cảnh Mỹ do dự trong phản ứng trong nước và không thể dẫn dắt một phản ứng quốc tế thống nhất, còn Đông Nam Á đang khốn đốn vì dịch COVID-19, thì Bắc Kinh chắc chắn có không gian để thúc đẩy lợi thế và tìm kiếm cơ hội khẳng định các lợi ích của mình. Hơn nữa, những mối quan ngại ngày càng gia tăng rằng quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới sự sẵn sàng của nhiều tài sản hải quân có khả năng sẽ khẳng định những nhận thức của Bắc Kinh rằng tình hình đang có lợi cho việc thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội. Quả thật, phiên bản tiếng Anh của trang mạng chính thức của PLA đã cho đăng một bài bình luận tuyên bố rằng “sự bùng phát của COVID-19 đã làm suy giảm đáng kể năng lực triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ngoài ra, một bài viết khác cũng tuyên bố rằng không có quân nhân Trung Quốc nào mắc COVID-19 và đại dịch đã “thay vào đó cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc”.




Những hành động sau đại dịch của Trung Quốc cho thấy rõ Bắc Kinh đang tìm cách chứng tỏ với thế giới rằng PLA không hề bị COVID-19 tác động (mà trên thực tế rất có thể là không phải như vậy). Thông điệp đó là nhằm nhấn mạnh rằng đây không phải là lúc tìm cách lợi dụng sự tập trung của Trung Quốc vào việc ngăn chặn dịch bệnh, khôi phục nền kinh tế và duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Đồng thời, Bắc Kinh có khả năng sẽ lợi dụng những sự cố này để thăm dò các đối thủ nhằm tìm ra dấu hiệu cho thấy sự yếu kém và mất tập trung, tìm kiếm cơ hội thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù đại dịch có thể là nguyên nhân gây ra hành vi này, nhưng đó không phải là một chiến lược mới. Trái lại, đó là sự phản ánh chủ nghĩa cơ hội và sự quyết đoán, vốn là dấu hiệu đặc trưng cách tiếp cận của Trung Quốc trước đại dịch. Trong tương lai, Mỹ và các bên tham gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần lường trước rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục những hành vi mang tính cơ hội của mình.

Các dấu hiệu leo thang cần lưu ý

Việc cho rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần là đang theo đuổi chiến lược cơ hội lâu dài ở các khu vực ngoại vi không có nghĩa là khó có khả năng leo thang. Tuỳ thuộc vào cách Bắc Kinh đánh giá mức độ yếu kém của các quốc gia trong khu vực và sự xao lãng của Washington, Trung Quốc có thể xác định rằng giờ chính là lúc phải thúc đẩy các tham vọng của họ trong khu vực tới giới hạn xa nhất có thể.

Các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách nên tìm kiếm một loạt dấu hiệu đáng lưu ý để xác định liệu chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, có bước sang một giai đoạn mới và leo thang hơn hay không.

Nỗ lực mang tính quyết định nhằm thay đổi nguyên trạng

Điều quan trọng nhất mà Trung Quốc có thể làm để lợi dụng tình hình hỗn loạn do dịch COVID-19 gây ra rõ ràng sẽ là thực hiện các hành động mang tính quyết định nhằm cố gắng đẩy các bên tuyên bố chủ quyền khác ra khỏi các cấu trúc địa hình trên biển mà nước này nắm quyền kiểm soát trên thực tế về mặt quân sự hoặc hành chính. Một hành động như vậy không nhất thiết phải là một nỗ lực mới của Trung Quốc, mà có thể chỉ là mở rộng nỗ lực hiện thời một cách hợp lý. Ví dụ, đảo Thị Tứ là một cấu trúc địa hình do Philippines kiểm soát nhưng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã không ngừng tuần tra quanh đảo này suốt 16 tháng qua. Đây là ví dụ điển hình cho một nỗ lực toàn diện của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự di chuyển và hoạt động tiếp tế của Philippines tại đây, với mục tiêu khiến Philippines không thể bảo vệ được lập trường của mình đối với đảo này. Quả thực, lý do duy nhất khiến Bắc Kinh chưa thực hiện động thái như vậy là vì định hướng chiến lược của Philippines vốn đã ngả sang Trung Quốc được một thời gian, và Trung Quốc đơn giản là không muốn cản trở điều đó. Một động thái leo thang khác mà Trung Quốc có thể cân nhắc là mở rộng các đường biên giới trên biển bằng cách vạch ra các đường cơ sở liền mạch bao quanh quần đảo Trường Sa, từ đó khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển thậm chí còn rộng hơn nhiều trên Biển Đông. Một động thái như vậy sẽ đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng với các nước tuyên bố chủ quyền bị ảnh hưởng, có lẽ đáng chú ý nhất là Việt Nam.




Các hoạt động quân sự hóa mới

Kể từ khi Trung Quốc tiến hành nỗ lực xây dựng đảo trên quy mô lớn vào năm 2014, nước này đã liên tục bổ sung cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự cho các cấu trúc địa hình mở rộng mà họ đã xây dựng ở Biển Đông, trong đó bao gồm các đường băng, nhà chứa máy bay và các cảng mới để phục vụ cho các loại máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm tối tân, cùng các mạng lưới radar – dù Tập Cận Bình đã công khai cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Mặc dù các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đã được tiến hành, nhưng bất kỳ tài sản quân sự tấn công nào mới được bổ sung tại các cấu trúc địa hình do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông cũng sẽ là một dấu hiệu leo thang khác đáng chú ý. Các khả năng này bao gồm việc giới thiệu các các năng lực tác chiến đổ bộ, các tàu hải quân hoặc tàu cảnh sát biển của Trung Quốc neo đậu tại các cấu trúc địa hình mới được quân sự hóa, và ra mắt các hệ thống chiến đấu siêu thanh hoặc chống ngầm mới, mà mỗi trường hợp trong số đó đều tăng cường khả năng triển khai quân sự của Trung Quốc và đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát hiệu quả khu vực Biển Đông.

Tăng cường các biện pháp truyền thông

Một dấu hiệu khác cần lưu ý là đường lối công khai và quyết liệt hơn trong cả các tuyên bố chính thức lẫn từ các cơ quan truyền thông nhà nước về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực này, Biển Đông nói chung và các cấu trúc địa hình nói riêng. Hình thức tuyên truyền này là biện pháp hữu ích nhằm đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trong nước có liên quan đến dịch COVID-19, đồng thời làm suy yếu ý chí chính trị của các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mặc dù không cần thiết, nhưng Trung Quốc đã thực hiện các động thái lớn ở Biển Đông một cách gần như hoàn toàn lặng lẽ, do đó việc thay đổi cách thức tuyên truyền chính thức, dù không nhất thiết phải có, sẽ là một dấu hiệu hàng đầu hữu ích cho thấy giai đoạn mới của chủ nghĩa cơ hội của nước này.

Chủ nghĩa cơ hội theo chiều ngang

Mặc dù các dấu hiệu cần chú ý nêu trên hầu như chỉ nhắc tới các hành động quyết liệt chống lại những nước phản đối các tuyên bố mở rộng của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng có thể lợi dụng thời cơ này để củng cố và mở rộng những lợi ích thu được từ các nước thân thiện trong khu vực. Ứng viên rõ ràng nhất ở đây là Campuchia, với mối quan hệ ngày càng sâu sắc và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Bắc Kinh. Dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần khẳng định rằng việc cho phép các lực lượng nước ngoài vào đất nước là vi phạm hiến pháp, nhưng ông có thể khôn khéo thay đổi cách diễn giải hiến pháp theo nhiều cách khác nhau. Bất chấp các quan ngại về bệnh dịch, Trung Quốc và Campuchia vừa hoàn thành cuộc tập trận chung kéo dài 2 tuần, và việc mở rộng các căn cứ tiền quân sự của Bắc Kinh tại Campuchia sẽ là cách thức thẳng thừng nhất để nâng cao vị thế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Một động thái không bao hàm tuyên bố lãnh thổ của bất kỳ nước nào khác, sẽ là thách thức mà Mỹ và các nước khác khó đối phó, và sẽ có tác động chiến lược đáng kể đến Biển Đông theo một số cách khác nhau.




Sự có qua có lại liên quan đến Biển Đông

Có lẽ hành động nguy hiểm và dễ được thực hiện nhất của Trung Quốc sẽ là liên kết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với viện trợ y tế và kinh tế cho các nước đang phải đối phó với dịch COVID-19. Trung Quốc cho đến nay không hề ngần ngại liên kết các khoản viện trợ để đối phó với dịch bệnh và các dự án trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của nước này, và sẽ không mất quá nhiều thời gian để các nước nâng những liên kết này lên cấp độ “cùng sản xuất” liên quan đến việc đặt cọc năng lượng hoặc nhượng bộ quyền tiếp cận một số cấu trúc địa hình ở Biển Đông cho Trung Quốc. Philippines một lần nữa sẽ là mục tiêu tiềm năng cho những nỗ lực như vậy, dù các lô thăm dò dầu khí hiện do Việt Nam và các nước khác sở hữu cũng sẽ là một trọng tâm tiềm năng. Theo thời gian, hình thức liên kết này chỉ ngày càng phát triển. Vì Mỹ và các nền kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra, Mỹ có thể dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ nhận ra và tìm cách khai thác một cánh cửa cơ hội đang rộng mở.

Nói tóm lại, chiến lược đầy tính cơ hội của Trung Quốc có nhiều cách để triển khai trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19, và việc cẩn thận lưu ý đến những dấu hiệu nêu trên có thể giúp dự đoán giai đoạn leo thang tiếp theo.

Cách thức đối phó với chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc

Sự quyết đoán của Trung Quốc sẽ không biến mất. Quả thực, xét tới những căng thẳng đang diễn ra ở eo biển Đài Loan và số tài sản ngày càng gia tăng của lực lượng quân đội, cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, sẽ càng có khả năng xảy ra các sự cố trong tương lai theo thời gian. Tuy nhiên, khi những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn, Mỹ sẽ càng cần phải thể hiện khả năng thiết lập một nghị trình quốc tế và dẫn dắt các nước còn lại trong khu vực phối hợp đối phó với sự quyết đoán và chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc. Nói cách khác, nếu Trung Quốc định tiến lên, thì Mỹ phải đảm bảo rằng họ sẽ đụng phải lá chắn thép.

Trước hết, Mỹ cần làm rõ ràng họ sẽ không tha thứ cho bất kỳ nước nào đang cố gắng lợi dụng đại dịch hiện nay để thay đổi nguyên trạng. Washington cần đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng thế giới cần phải ổn định nếu muốn giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hiện nay, và các đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới phải nhắc lại thông điệp này. Tuy vậy, ở châu Á, lời nói cần phải đi đôi với hành động. Bất kỳ thông điệp nào cũng cần phải được hậu thuẫn bằng những nỗ lực thể hiện ý chí và khả năng chống lại chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc thông qua việc tiếp tục nhịp độ hoạt động đều đặn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành các hoạt động đa phương phối hợp với các đồng minh và đối tác trong khu vực chẳng hạn như kết hợp các cuộc tuần tra trên biển và trên không, nhưng không được phép khiến binh lính gặp phải rủi ro.




Một câu hỏi then chốt là các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông – đặc biệt là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia – phản ứng ra sao trước chủ nghĩa cơ hội này. Đây có thể là một cơ hội để Mỹ tăng cường quan hệ với các nước này và giúp họ có đủ khả năng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Điều này sẽ đòi hỏi Mỹ phải cung cấp cho các nước tuyên bố chủ quyền các năng lực, cơ sở hạ tầng và huấn luyện cần thiết để giám sát các vùng biển của họ, đồng thời cản trở nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các lợi ích của mình mà không gây nguy cơ leo thang. Về mặt ngoại giao, Washington có thể hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc cố gắng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mạnh mẽ và có hiệu lực pháp lý, dựa trên nền tảng là luật pháp và các chuẩn mực quốc tế vốn có sao cho phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay năm 2016 về Biển Đông.

Về mặt kinh tế, Mỹ có cơ hội giúp đỡ Đài Loan và các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách theo đuổi các thoả thuận mở rộng thương mại, đầu tư song phương và đa phương. Một khía cạnh của chiến lược này có thể bao gồm việc mô phỏng một sáng kiến của Nhật Bản, nước mới đây đã tuyên bố kế hoạch phân bổ 2 tỷ USD nhằm khích lệ các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Xét tới xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan và Đông Nam Á vốn đã bắt đầu từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nỗ lực này có thể hỗ trợ các lực lượng thị trường cố hữu.

Cuối cùng, điều quan trọng là Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của nước này phải hiểu rằng Trung Quốc không hề thay đổi cách tiếp cận của mình. Chủ nghĩa cơ hội và sự quyết đoán được thể hiện trong nhiều tháng qua trên thực tế đã tồn tại trong nhiều năm. Tuy vậy, Washington sẽ tự lừa dối chính mình nếu tin rằng Trung Quốc sẽ không lợi dụng tình hình hiện tại. Ngay cả khi phải đối mặt với những tổn thất to lớn do dịch bệnh mới, Mỹ cũng không thể hành động như thể địa chính trị và sự cạnh tranh đã tạm dừng. Có chăng, sự cạnh tranh trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở nên mạnh mẽ hơn, và Mỹ cần đi đầu trong việc đối phó với xu hướng này.

Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson. Charles Edel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney. Siddharth Mohandas, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới. Bài viết được đăng trên tạp chí War on the Rocks


© Abraham Denmark, Charles Edel, and Siddharth Mohandas
    Minh Anh dịch
    Nghiên Cứu Biển Đông
Nguồn: Abraham Denmark, Charles Edel, and Siddharth Mohandas, Same as It Ever Was: China’s Pandemic Opportunism on Its Periphery | War On The Rock

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad