Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cần được xem lại và đánh giá độc lập toàn bộ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cần được xem lại và đánh giá độc lập toàn bộ



Hình minh hoạ. Rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng Cục Du Lịch



Xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là nội dung bản Kiến Nghị, được các chuyên gia, khoa học gia, nhà nghiên cứu độc lập và các tổ chức dân sự soạn thảo, một ngày sau khi Bộ Tài Nguyên-Môi Trường trả lời báo chí về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án.

Kiến Nghị xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, được tải lên các trang mạng trong nước một ngày sau khi Bộ Tài Nguyên - Môi Trường hôm 20/7 trao đổi với báo giới về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, gọi tắt là ĐTM, của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài Nguyên- Môi Trường đề cập đến báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của dự án đô thị du lịch Cần Giờ, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tập đoàn bất động sản Vingroup đảm trách liên doanh với Hoa Kỳ trị giá 9,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định ĐTM, nói rằng đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM hết sức thận trọng với nhiều bước bổ sung, sau đó được thông qua bởi hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu trong tinh thần tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật.




Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và nếu để xảy ra sự cố môi trường thì phải dừng hoạt động, là cảnh báo của vụ trưởng Vụ Thẩm Định ĐTM Nguyễn Xuân Hải.

Đến ngày 21/7, các cá nhân và tổ chức xã hội yêu môi trường, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, UBND TPHCM xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha với lý do Quyết Định phê duyệt Báo Cáo Đánh Giá tác động môi trường dự án khu du lịch Cần Giờ của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cho thấy các tác động của dự án lên môi trường chưa được đánh giá khách quan, toàn diện, những vấn đề quan trọng nhất đã chưa được đánh giá đầy đủ trước khi phê duyệt.

Khía cạnh quan trọng nhất mà Kiến Nghị nêu ra là tác động của việc thực hiện dự án đến rừng ngập mặn tức Khu Dự Trữ Sinh Quyển Cần Giờ, vấn đề xói lở, bồi tụ và dòng chảy các vùng xung quanh dự án, các biện pháp giảm thiểu thích đáng trước tác động tiêu cực của dự án.


Hình minh hoạ. Huyện Cần Giờ Tổng Cục Du Lịch

Kế đó, nguy cơ khu đô thị lấn biển Cần Giờ tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị TPHCM, nơi đã và đang chịu gánh nặng ô nhiễm môi trường, ngập lụt, sụt lún v.v.

Về mặt khoa học và pháp lý, Kiến Nghị cho rằng chỉ khi việc đánh giá tác động môi trường có thể xảy ra được thực hiện thấu đáo thì mới có thể quyết định tiến hành dự án hay không.

Kiến Nghị ngày 21/7 là kết quả tham khảo phối hợp trong giới kiến trúc xây dụng như kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn, tiến sĩ kiêm nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, điều hợp viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam Đào Trọng Tứ, thành viên Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh GreenID Ngụy Thị Khanh và một số các nhà chuyên môn tên tuổi khác.




Lý do ra đời bản Kiến Nghị xuất phát từ quan ngại về những vấn đề phát sinh mà ĐTM của Bộ Tài Nguyên- Môi Trường không lường tới được, là giải thích của người đã ký vào bản Kiến Nghị, kinh tế gia kiêm nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan:

“Bộ Tài Nguyên-Môi Trường trong cuộc họp báo thì nói là có tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia. Nhưng mà ít nhất trong phạm vi chuyên gia thì nhiều người chưa được tham vấn, chưa được biết “

“Hai nữa theo qui định của Luật Môi Trường hiện hành, đánh giá tác động môi trường là việc mà nhà đầu tư chủ động làm. Nhà đầu tư Vingroup thì nghe nói đã làm tới 50 nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, nhưng đấy là nhà đầu tư làm, sau đó trình cho Bộ Tài Nguyên-Môi Trường để bộ lập hội đồng thẩm định đánh giá”.

Đánh giá tác động môi trường do nhà đầu tư lập chính là điều khiến chuyên gia quan ngại vì nhiều phần đứng trên giác độ của nhà đầu tư, bà Phạm Chi Lan phân tích tiếp:

“Họ phải lập vì thứ nhất là theo yêu cầu của pháp luật, hai nữa đánh giá để họ thấy được chi phí phải bỏ ra về tác động môi trường như thế nào. Nếu chi phí về môi trường quá lớn thì họ sẽ phải tính toán lại, xem lợi ích đạt được có đáng để chi phí lớn như vậy không. Tóm lại họ đánh giá chủ yếu trên giác độ của nhà đầu tư và cho dự án ấy thôi, trong khi đó nếu là Nhà Nước mà đánh giá dự án này thì Nhà Nước phải có cái nhìn rộng hơn từ lợi ích xã hội, từ lợi ích kinh tế, ít nhất là của TPHCM chứ không phải chỉ một dự án ở một huyện Cần Giờ mà đánh giá. Thế cho nên cái đánh giá của Nhà Nước mà lại dựa trên bản của nhà đầu tư, để thấy là nhà đầu tư là ổn thì sợ là có khi lại quên mất khía cạnh về giác độ của Nhà Nước”


Lý do thứ hai vẫn là quan ngại về những phát sinh trong lãnh vực môi trường, được bà Phạm Chi Lan trình bày kèm quan điểm của người đồng kiến nghị là kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

“Bộ TNMT cũng giải thích là chỗ này cách vùng lõi của khu bảo tồn sinh quyển là 18 cây số. Đối với nhà đầu tư thì như vậy là ổn, nhưng có thể trên thực tế không hẳn 18 cây số là đủ đảm bảo”.

“Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn rất quan ngại là khi làm con đường lớn từ thành phố Hồ Chí Minh ra vùng Cần Giờ thì hai bên đường sau này sẽ có một loạt các công trình dựng nên. Người dân sẽ tự phát làm thêm những công trình này khác, chưa kể được thành phố cho phép. Như vậy những công trình làm thêm, ăn theo dự án này sẽ ảnh hưởng tiếp đến khu bảo tồn sinh quyền đó. Những khía cạnh ấy có khi Bộ TNMT và hội đồng thẩm định chưa nhìn rộng ra, chưa thấy những tác động khác về mặt môi trường hoặc về mặt kinh tế xã hội”.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn và những chuyên gia đồng ký tên vào Kiến Nghị đòi xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ về khu du lịch lấn biển Cần Giờ, tác động và hệ lụy của việc môi trường bị xâm hại xem ra lớn hơn nhiều so với tác động từ góc nhìn của nhà đầu tư trong dự án tại khu đất 2.870 hectares đó.

Dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, dưới mắt nhìn của các nhà soạn thảo Kiến Nghị, được coi là rất qui mô nhưng vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt. Những điều này không được đề cập đủ và tới nơi tới chốn trong ĐTM. Bên cạnh đó, công trình qui mô này cũng sẽ tạo rủi ro lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng nặng đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ. Nói chung đi ngược lại chiến lược “Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới”, tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên mà Cần Giờ có thể cung ứng, chưa kể nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai.




Kiến Nghị khẳng định rõ là đến giờ vẫn chưa có một đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập nào về qui trình san lấp, lấn biển mà một lượng cát khổng lồ như dự tính sẽ tác động ra sao đến khu vực khai thác.

Được hỏi về bản Kiến Nghị, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên- Môi Trường Đặng Hùng Võ nói:

“Tôi cho rằng nên hoan nghênh mọi kiến nghị phải xem xét cẩn trọng hơn dự án lấn biển. Ở đây tôi biết là nhiều người chưa tiếp cận được hết với tất cả những tài liệu của dự án. Không chỉ đánh giá tác động môi trường mà họ đã thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu tất cả những việc mà trong Kiến Nghị đã đặt ra. Sự thực mà nói tài liệu rất nhiều, chỉ có mọi người chưa biết thành cứ nghĩ đấy là những cái chưa làm” .

Thế thì tại sao không công khai cho mọi người cùng biết, cùng tham khảo, là cách đặt vấn đề của kinh tế gia độc lập Phạm Chi Lan:

“Mà tôi không được tiếp cận đầy đủ những tài liệu về đánh giá tác động môi trường, tác động kinh tế xã hội mà chủ đầu tư làm và Bộ TNMT thông qua”

“Theo Luật Thông Tin của Việt Nam thì đánh giá tác động môi trường phải được công bố, trừ những dự án liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhưng dụ án này là dân sinh và phát triển kinh tế chứ không phải an ninh quốc phòng. Nếu được công bố và được đọc, được giải thích hết thì không nhất thiết phải kiến nghị. Đánh giá thứ ba nên là những người độc lập để có con cái nhìn khách quan hơn trước khi có quyết định cuối cùng”

Kiến Nghị xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án du lịch, liên quan đến chiến lược san lấp, lấn biển tại khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ, phải được coi là ý kiến phản biện có tính cách xây dựng sau đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư và thẩm định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường mới rồi. Đó là khẳng định của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu, Khoa Môi Trường đại học Cần Thơ:

“Có lẽ chính phủ nên xem xét bản Kiến Nghị này và trả lời cho rõ ràng, đồng thời cũng nên công khai những tài liệu liên quan tới dự án để cho mọi người tham khảo hoặc có ý kiến đóng góp chỉnh sửa cho phù hợp”.

Vì sự phát triển và lợi ích chung, chuyên gia Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, Nhà Nước nên trân trọng Kiến Nghị từ những nhà trí thức có tâm huyết với công việc chung của đất nước.


© Thanh Trúc
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad