Sao lại nói “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng”? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Sao lại nói “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng”?


Từ vài năm nay, các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều bài viết với nội dung khẳng định nhất quán, dõng dạc rằng chế độ một đảng cầm quyền ở VIệt Nam “là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân”.


Phố phường Việt Nam. Ảnh: Matthias Damert/Flickr.

Đơn cử như bài “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa Đảng” của PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018, và một bài lặp lại nguyên tựa đề này, của TS. Vũ Thị Nghĩa (trường Chính trị Đồng Nai) đăng trên báo Đồng Nai ngày 21/7/2020.

Đặc điểm chung của cả hai bài là truyền tải thông điệp kiên quyết bảo vệ chế độ độc đảng ở Việt Nam, và sử dụng lối viết áp đặt một cách hùng hồn, dõng dạc, tuy cơ sở lý luận thì “thiếu và yếu”. Bình dân Học vụ xin có đôi lời phản biện bài lý luận gần đây nhất được biết đến, là bài của TS. Vũ Thị Nghĩa.

* * *

Đầu tiên, tác giả nói sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn “của dân tộc, của nhân dân”. Riêng kiểu viết lặp ý này đã thể hiện một văn phong có tính chất hô khẩu hiệu, là điều mà người viết chuyên nghiệp cần tránh trong các bài lý luận nghiêm túc.




Tác giả giải thích bằng lập luận, đại ý: Các cuộc đấu tranh chống Pháp đều thất bại cho đến khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo; Đảng Cộng sản lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống Mỹ; đã có thời kỳ Việt Nam đa đảng, rồi các đảng kia tự giải tán. Kết luận: Hà cớ gì khi cách mạng thành công, CHÚNG TA (Bình dân Học vụ viết hoa) giành được chính quyền rồi lại trao chính quyền ấy vào tay một đảng khác?

Trong những “lập luận” này, tác giả cũng liên tục sử dụng văn phong hô khẩu hiệu, hoặc những nội dung tuyên truyền đã in sâu vào tâm trí người đọc lâu nay (xin nhấn mạnh, đó là tuyên truyền, không phải khoa học lịch sử), ví dụ viết “chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu”, “cuộc trường chinh 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược”, “việc ta đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ đã làm cho cả thế giới sửng sốt, ngỡ ngàng, bàng hoàng…”.

Nhưng tạm bỏ qua việc dùng văn phong tuyên truyền với rất nhiều tính từ và khẩu hiệu (là điều cần tránh trong những trao đổi học thuật nghiêm túc), thì vẫn cứ phải bác bỏ lập luận và kết luận của tác giả Vũ Thị Nghĩa.

Bởi vì, cho đến tháng 8/1945, đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trí thức, thì lực lượng giành chính quyền từ tay phát xít Nhật là Việt Minh chứ không phải Đảng Cộng sản. Việt Minh là một liên minh chính trị kết nối các đảng phái, các tầng lớp nhân dân. Mặc dù Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhưng dĩ nhiên nó không đồng nhất với “duy nhất Đảng Cộng sản”, và đặc biệt, sự ra đời và tồn tại của nó thể hiện tinh thần đa nguyên, đa đảng rất rõ.

Về sau, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhiều trí thức như nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, học giả Hoàng Văn Chí… đã nhận ra sự chuyên quyền, độc đoán của Đảng Cộng sản, và bỏ kháng chiến về Hà Nội (ngôn ngữ thời đó gọi là “dinh tê về thành”).




Đã có một vài đảng (mà tác giả Vũ Thị Nghĩa cáo buộc là họ “thân Pháp, thân Mỹ, công khai đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam) tồn tại và tự giải tán, như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Tuy thế, cho đến nay, vẫn chưa xác định được việc hai đảng này tuyên bố giải thể là tự nguyện, có chủ ý, hay là bị… Đảng Cộng sản ép?

  • Nếu là hành động giải thể có chủ ý, thì xét về lý, các đảng tự giải thể đó có quyền khôi phục và hoạt động trở lại. Trên thực tế, Đảng Dân chủ đã tuyên bố phục hoạt, nhưng bị Đảng Cộng sản… đàn áp nặng nề. Bằng chứng, nhân chứng của sự đàn áp, các ghi chép, tư liệu về sự đàn áp, thì có nhiều, nhưng nằm ngoài khuôn khổ của bài viết này.
  • Nếu là sự giải thể do bị Đảng Cộng sản ép buộc, tức là Việt Nam vốn đa đảng mà cuối cùng lại trở thành độc đảng do bị đảng cầm quyền (dùng bạo lực) ép.


Các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 1/2016. Ảnh: REUTERS/Kham.

Phi logic, hay thứ logic của kẻ đang hưởng lợi

Ngoài ra, ngay cả khi các đảng phái khác thực sự đã tự giải tán vì những lý do nội bộ, thì đó cũng phải là lý do để biện minh cho việc Đảng Cộng sản tuyên bố duy trì chế độ độc đảng. Rất khó thấy logic trong lập luận của tác giả: Các đảng khác tự giải tán hết rồi, nên (nhân dân?) không chấp nhận cho đảng nào thành lập nữa đâu.

Chốt lại, ý của TS. Vũ Thị Nghĩa là, ngày xưa có mình Đảng Cộng sản làm cách mạng, giành được chính quyền, hà cớ gì đảng phải chia sẻ quyền lực với đảng khác.

Theo logic này, nước Mỹ nên do hậu duệ của George Washington nắm quyền cai trị mãi mãi. Thời lập quốc ấy, ở Mỹ chưa có đảng phái nên vị tổng thống đầu tiên không thuộc về đảng nào, chứ nếu ông là thành viên đảng Cộng hòa chẳng hạn, thì đảng ấy phải là lực lượng lãnh đạo nhân dân Mỹ một cách toàn diện và tuyệt đối, hà cớ gì phải chia sẻ quyền lực với đảng nào – theo logic của tác giả Vũ Thị Nghĩa.




Tương tự, Nam Phi mãi mãi chỉ nên do một mình đảng ANC của Nelson Mandela lãnh đạo, ANC có công lớn đến thế kia mà?

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, là lập luận của TS. Vũ Thị Nghĩa đã ngầm thể hiện một quan điểm cho thấy Đảng Cộng sản rất… cơ hội chính trị: Về bản chất, đảng này làm cách mạng chỉ để giành và giữ quyền lực nhà nước. Giành được rồi thì phải giữ, âu cũng là hợp lẽ, sao lại cho đảng khác ngóc đầu lên cạnh tranh với mình?

Sự thể hóa ra là thế. Đó là thứ logic của kẻ đang hưởng lợi, không tội gì chia sẻ lợi ích cho ai khác.

Trong khi, lẽ ra, quyền lực nhà nước (bắt nguồn từ nhân dân) vốn không phải là chiếc bánh ngon để các đảng chia chác với nhau hay ban cho nhau. Nó phải do nhân dân chọn giao cho ai. Chế độ đa đảng thực chất là một cơ chế để nhân dân sàng lọc và bầu ra đảng cầm quyền, thông qua lá phiếu của cử tri.


Vừa tụng ca, vừa hô khẩu hiệu

Tác giả dành một phần lớn của bài để ca ngợi Đảng Cộng sản từ sau năm 1975 đã thành công trên mọi mặt trận: kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những tiêu chí cao nhất trong hoạt động chính trị của một đảng cầm quyền”. Rồi bà kết luận: “Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước trên con đường đi tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngoài việc dùng sự tụng ca, hô khẩu hiệu để làm độc giả choáng ngợp (thay vì thuyết phục trên cơ sở logic và dữ liệu thực tế), tác giả đi theo logic: Việt Nam đạt được những thành tựu này, suy ra Đảng Cộng sản có khả năng lãnh đạo.

Vậy, không có Đảng Cộng sản, biết đâu Việt Nam lại còn tránh được các cuộc chiến tranh và phát triển hơn thì sao?

Chỉ mới có một Đảng Cộng sản cầm quyền tuyệt đối hơn nửa thế kỷ qua, mà Việt Nam đã đạt chừng đó thành tựu. Vậy, thêm vài đảng nữa làm đối trọng, biết đâu Việt Nam đạt gấp nhiều lần thành tựu đó, thì sao?

Tất nhiên, nêu hai câu hỏi như trên cũng là phi logic, vì… chuyện đó chưa từng xảy ra; từ ngày Đảng Cộng sản thống nhất quyền lực trên cả nước cho tới nay, Việt Nam chưa từng đa đảng. Trong tranh luận logic, không thể bàn về những kịch bản chưa bao giờ xảy ra.




Điều đáng nói ở đây là trong khi tụng ca thành tựu của Đảng Cộng sản, tác giả đã không đưa ra một chi tiết nào đối chiếu sự khác nhau giữa đa đảng và độc đảng. Cũng tức là không chứng minh được ý “Việt Nam không cần đa đảng”.

Chúng ta cũng hoàn toàn có thể nêu ra rất nhiều yếu kém, hạn chế của Đảng Cộng sản, từ tham nhũng, oan sai, môi trường ô nhiễm, giáo dục yếu kém, y tế đắt đỏ, chất lượng sống thấp kém, chủ quyền bị xâm hại… để kết luận: Đảng Cộng sản cầm quyền không có khả năng lãnh đạo đất nước. Tức là cần “đa đảng”.

Nói chung, do Việt Nam chưa có hệ thống đa đảng, nên không thể so sánh chế độ độc đảng với một cái gì đó không tồn tại. Trả lời cho câu hỏi “cần” hay “không cần” đa đảng, vì vậy, chỉ có thể thông qua những cuộc trưng cầu dân ý và/hoặc khảo sát xã hội nghiêm túc.


Hà Nội, ngày 8/4/2020. Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP.

Duy ý chí

Chưa hết. Nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản tiếp tục đi đến khẳng định: “Ở Việt Nam hiện nay, thực hiện chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng dân chủ luôn được đảm bảo và phát huy”. Lý do: Là “bởi vì mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ”.

Lại một thứ lập luận kỳ quặc, vô nghĩa: Việt Nam dân chủ là bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản là xây dựng dân chủ.

Ta hoàn toàn theo kiểu suy luận này để phát biểu: “Triều Tiên là quốc gia giàu có, bởi vì mục đích của đảng Lao động Triều Tiên là xây dựng nước Triều Tiên giàu có”. Cũng giống như một ông bố say rượu rung đùi nói với ba đứa con nheo nhóc: “Chúng mày hạnh phúc, ăn sung mặc sướng, bởi vì mục đích của bố là làm cho các con hạnh phúc, ăn sung mặc sướng”.

Thực tế, cái thực tế mà hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản không bao giờ nhắc tới, là Việt Nam bị xếp vào nhóm chế độ chuyên chế và đang đứng thứ 136/167 về chỉ số dân chủ.

Kết luận

Với bài viết “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng”, tác giả Vũ Thị Nghĩa đã cho thấy bà rất thuộc các nội dung tuyên truyền lâu nay của Đảng Cộng sản; ngoài ra, lời khẳng định của bà chỉ là võ đoán và nhân danh nhân dân cho… có khí thế, thêm sức nặng, chứ trong toàn bài, không thấy “ý nguyện của dân” ở đâu cả.

Hơn thế nữa, với văn phong và các lập luận (phi logic) được vạch ra ở trên, dường như ý tác giả đúng ra phải là “Nhà nước hiện nay không chấp nhận đa đảng”.

Nói gì thì nói, việc một nhà nước không chấp nhận đa đảng là biểu hiện phản dân chủ rõ nét, không gì khác.


© Bình dân Học vụ




Hiến pháp Việt Nam không cấm đa đảng


Ông Nguyễn Phú Trọng đặt tay lên Hiến pháp tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước, ngày 23/10/2018. Ảnh: VOV.

Chuyện Việt Nam hiện nay không có chế độ đa đảng không nhất thiết đồng nghĩa với chuyện luật Việt Nam cấm đa đảng. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau.

Điều 4 nức danh của Hiến pháp Việt Nam hoàn toàn không cấm đa đảng. Ta hãy xem nó nói gì.

Điều 4.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Như vậy, điều 4 nói Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo”, chứ không phải là lực lượng lãnh đạo duy nhất.

Và nếu Hiến pháp có nói Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo “duy nhất” (như trong Hiến pháp năm 1980) đi chăng nữa, thì điều đó cũng không có nghĩa là các đảng phái khác không được phép ra đời và tồn tại. Đảng Cộng sản muốn độc quyền lãnh đạo thì cứ độc quyền, còn chuyện các đảng khác được lập ra và hoạt động vẫn hợp hiến, miễn là họ không trở thành lãnh đạo.

Để chứng minh, ta có thể lấy thực tế tồn tại của Đảng Dân chủĐảng Xã hội suốt từ trước Cách mạng Tháng Tám đến khi họ giải tán năm 1988. Họ đã tồn tại và hoạt động xuyên suốt qua các thời kỳ Hiến pháp 1946, 1959, và cả Hiến pháp 1980 kể trên, có chân trong Quốc hội, có người còn làm bộ trưởng (Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận, Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Đình Hòe…). Nếu như sự tồn tại của họ là phù hợp với bản Hiến pháp hà khắc nhất, độc đoán nhất, “xã hội chủ nghĩa” nhất là Hiến pháp 1980, thì không có lý do gì đến Hiến pháp 2013 lại thành phi pháp.

Hiến pháp nói nhà nước Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhưng không ở đâu nói nhà nước xã hội chủ nghĩa thì không được phép tồn tại đa đảng.

Dù Hiến pháp nói vậy, nhưng người Việt Nam vẫn có niềm tin rất vững chắc rằng lập đảng, hoạt động đảng phái đối lập ở Việt Nam là phạm pháp. Niềm tin vững chắc này có lẽ hình thành từ công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản, và được củng cố bằng hoạt động đàn áp các đảng đối lập ở Việt Nam trên thực tế.

Nhưng trên hết, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Đó là nguyên tắc pháp lý bất di bất dịch. Theo nguyên tắc này thì ngay cả trong khuôn khổ Hiến pháp do Đảng Cộng sản lập ra, công dân Việt Nam vẫn có quyền lập đảng, vận động, tranh cử.


© Trần Hà Linh
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad