Tóm tắt: Ngày thứ tư phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Tóm tắt: Ngày thứ tư phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm



Bị cáo Bùi Viết Hiểu. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 10/9, sau bốn ngày xét xử trong phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tạm dừng để nghị án, dự kiến tuyên án vào lúc 15:00 ngày thứ Hai, 14/9/2020.

Các diễn biến mới được cập nhật về phiên tòa hôm nay:

Cắt phần bào chữa của luật sư

Trao đổi với BBC, các luật sư của bị cáo cho biết trong ngày hôm nay 10/9, Hội đồng Xét xử đã tước phần bào chữa của luật sư cho 29 bị cáo.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nhận định, “Hội đồng Xét xử có vẻ muốn gói lại trong một buổi sáng, ép về thời gian, có vẻ như không muốn có phần Viện Kiểm sát đối đáp lại với luật sư.”

“Trong khi lẽ ra Viện Kiểm sát phải tranh luận tới cùng những phần các luật sư đã kiến nghị, như việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung lại các thiếu sót, yêu cầu thực nghiệm hiện trường, yêu cầu cung cấp kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự công trình xây dựng sân bay Miếu Môn của Công an Thành phố Hà Nội, xem có kế hoạch tấn công nhà ông Kình hay không, nhưng Hội đồng Xét xử nói ‘đã rõ rồi’”.


Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra làm rõ một số nội dung

Luật sư Lê Văn Hòa, người bào chữa cho bốn bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, Trần Thị La đã đăng toàn văn bản luận cứ bào chữa của ông trên Facebook.

Trong đó luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét, trả hồ sơ vụ án cho cơ quan truy tố để điều tra bổ sung làm rõ những nội dung đặc biệt quan trọng sau đây:

1. Tính pháp lý của thửa đất 59 ha ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Theo luật sư Hòa, việc không xác định rõ đây là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của chính quyền xã Đồng Tâm hay là đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng) là nguyên nhân sâu xa, trực tiếp, dẫn đến sự cố Đồng Tâm vào tháng 4/2017 và ngày 09/01/2020.




2. Tính pháp lý của cuộc hành quân của hàng ngàn cảnh sát cơ động Hà Nội cùng một lực lượng công an khác của Bộ Công an vào Đồng Tâm đêm ngày 08/01 và rạng sáng ngày 09/01/2020. Cơ quan nào quyết định mở chiến dịch này? Và quyết định đó đúng hay sai?

3. Cần tổ chức thực nghiệm điều tra để làm rõ cái chết của ba cảnh sát, bởi các tài liệu trong hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra chưa thuyết phục.

4. Cần làm rõ cái chết mang nhiều uẩn khúc của ông Lê Đình Kình.

5. Đề nghị Hội đồng Xét xử khởi tố tại phiên tòa vụ án giết người theo đơn tố cáo-đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình).


Các luật sư tham gia phiên tòa ngày hôm nay. Ảnh: Facebook Ls Lê Hòa.

Luật sư của bị hại phản đối thực nghiệm lại hiện trường

Theo báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền lợi cho ba cảnh sát “đã hy sinh”, phản đối việc thực nghiệm lại hiện trường vụ án vì “sẽ gợi lại nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân”.

Theo đó, việc một số luật sư của các bị cáo nêu ra vấn đề này khiến luật sư Bách “cảm thấy đau nhói”.

Luật sư Bách nêu quan điểm: “Chúng ta có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui xuống cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên?”
Vị luật sư phân tích, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng phục dựng, tái dựng hiện trường và thực nghiệm điều tra. Trường hợp này, không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân.




Kế hoạch bảo vệ Đồng Tâm là văn bản tối mật?

Ngoài việc phản đối thực nghiệm hiện trường, luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng phản đối yêu cầu công bố Kế hoạch 419A của Công an Thành phố Hà Nội về việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm.

Luật sư Ngô Anh Tuấn trước đó đã yêu cầu công bố và làm rõ bản kế hoạch này, đưa vào hồ sơ vụ án để đánh giá tính hợp pháp, công vụ của những người thực hiện nhiệm vụ hôm xảy ra sự kiện.
Theo luật sư Tuấn, “người dân và chúng tôi có quyền nghi ngờ kế hoạch này không có thực hoặc bất hợp pháp nếu văn bản này không được công khai. Điều này cũng để chứng minh rằng, trong hậu quả xảy ra, có phần trách nhiệm của lãnh đạo công an thành phố Hà Nội đối với cán bộ, chiến sỹ của mình.”

Đáp lại, luật sư Bách cho rằng bản kế hoạch này là “văn bản tối mật”, và các luật sư của bị cáo “không có quyền yêu cầu (công bố)”.

Tham gia “Tổ Đồng Thuận” có phải là tội hay không?

Trên trang cá nhân, luật sư Nguyễn Văn Miếng trích đăng một phần bài bào chữa của ông, trong đó nhấn mạnh việc chủ tọa phiên tòa luôn đặt “câu hỏi thường trực” cho từng bị cáo về việc tham gia vào “Tổ Đồng Thuận”.

Theo luật sư, cáo trạng không truy tố hành vi lập hội, nhưng trong quá trình thẩm vấn, Hội đồng Xét xử lại quan tâm đặc biệt đến vấn đề các bị cáo có tham gia “Tổ Đồng Thuận” hay không để xem xét các hành vi phạm tội khác của các bị cáo.




Điều này vi phạm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định tại Điều 25 Hiến Pháp.

Theo Điều 25 Hiến Pháp, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

“Do đó, việc tham gia hay không tham gia ‘Tổ Đồng Thuận’ là quyền công dân, không ai được sử dụng quyền hiến định làm căn cứ kết tội công dân”, luật sư Miếng nói.


Các luật sư tham gia phiên tòa ngày hôm nay. Ảnh: Facebook Ls Lê Hòa.

Các luật sư của bị cáo bị đối xử thô bạo và theo dõi sau khi rời tòa

Luật sư Nguyễn Hà Luân cho biết có xô xát xảy ra trong tòa khi các nhân viên công lực giữ chặt USB không cho luật sư Ngô Anh Tuấn chép lại, và một nhân viên công lực mặc thường phục xô đẩy luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng.

Tường thuật về sự việc, luật sư Đặng Đình Mạnh kể lại, vào buổi chiều, khi rời phiên tòa thì cả ba người (luật sư Tuấn, luật sư Mạnh và luật sư Miếng) bị một nhân viên mặc thường phục xốc nách kéo ra cổng một cách thô bạo và xô thẳng tay xuống cầu thang, vì khi ấy các luật sư đang tranh cãi yêu cầu họ trả USB để chép lại vào laptop riêng.

Sau đó, trên đường di chuyển, các luật sư phát hiện có bốn người di chuyển trên hai xe gắn máy đeo bám. Khi xe các luật sư dừng, thì họ cũng dừng xe vào lề, khi các luật sư đi thì họ lại tiếp tục di chuyển.




Ban Tuyên giáo hướng dẫn báo chí tường thuật vụ án Đồng Tâm?

Trên mạng xã hội, một số nhân vật nổi tiếng, như nhà báo Nguyễn Mạnh Kim (tạp chí The New Viet) lan truyền thông tin chi tiết về một văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng dẫn chi tiết cách báo chí nhà nước phải đưa tin về những “vấn đề nhạy cảm”.

Trong phần về vụ án Đồng Tâm, văn bản có yêu cầu báo chí khi tường thuật phải:

– Khẳng định các đối tượng đã “bất chấp đối thoại, hòa giải”.

– Phản ánh việc các đối tượng đã “tấn công trước” (cụm từ này được nhấn mạnh) vào lực lượng chức năng.

– Phê phán “sự tha hóa của đối tượng Lê Đình Kình”.

– Khẳng định việc lực lượng chức năng trấn áp là “cấp thiết” và “đúng quy định”.

– Phản ánh sự “đồng thuận” của dư luận xã hội về vụ việc, “sự ủng hộ” của người dân về bản án và “sự công tâm có tình có lý” của Hội đồng Xét xử.

– Đưa tin “liều lượng vừa phải”, không tường thuật “chi tiết”, đưa “đậm tin” về “lời nhận tội”, “ăn năn hối cải” của các bị cáo.

Lưu ý là các chỉ đạo này xuất hiện trước khi phiên tòa diễn ra.

Những nguồn tin công bố đều cho biết không thể đưa hình chụp văn bản gốc lên, vì mỗi văn bản chỉ đạo gửi các báo đều được “đánh dấu” riêng giúp an ninh dò ra nguồn rò rỉ tin.

Luật Khoa chưa có điều kiện kiểm chứng các thông tin này.

Tòa sẽ tuyên án vào thứ Hai, 14/9

Hết buổi chiều nay, phiên tòa tạm dừng để Hội đồng Xét xử nghị án. Dự kiến Hội đồng Xét xử sẽ tuyên án vào lúc 15:00 ngày thứ Hai, 14/9.


© Y Chan
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad