Như thế mới gọi là bầu cử - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Như thế mới gọi là bầu cử


Một nước dân chủ tự do khác những nước độc tài đảng trị ở chỗ người ta không biết trước ai sẽ thắng cử. Có khi hai, ba ngày sau khi bỏ phiếu vẫn chưa biết chắc. Kết quả ai nhiều, ai ít phiếu thay đổi từng giờ từng phút. Bởi vì phải kiểm tra rồi đếm tất cả các lá phiếu, của từng người dân một.
Alexei A. Navalny nói rất đúng: Một nước dân chủ tự do khác những nước độc tài đảng trị ở chỗ người ta không biết trước ai sẽ thắng cử.


Giáo sư Moch Faisal Karim, dạy môn bang giao quốc tế tại Đại học Binus ở Indonesia, sau hai ngày theo dõi cuộc bầu cử và kiểm phiếu ở Mỹ, phải thốt lên: “Giống như coi trận chung kết World Cup!”


Trong mấy ngày qua, dân Indonesia cũng như ở nhiều nước khác, chăm chú ngó bản đồ nước Mỹ đang bôi mầu xanh và đỏ để coi tin tức về cuộc tranh hùng Trump-Biden! Đài Fuji Television ở Nhật dùng các kỹ thuật mới nhất giống như trong trò chơi điện tử (video games) để khán giả nhìn thấy tấn kịch bầu cử đang diễn ra bên kia Thái Bình Dương!


Người Việt Nam ở trong nước cũng chăm chú coi tin tức bầu cử tổng thống Mỹ. Các bạn tôi đã truyền nhau mấy bức hình qua email, chụp cảnh một cửa hàng đóng cửa kín bưng, với tấm bìa viết mấy chữ in lớn, viết hoa: “NGHỈ MỘT NGÀY (03-11-2020) ĐI MỸ COI TRỰC TIẾP BẦU CỬ TỔNG THỐNG.” Và một tờ giấy viết tay, chấm câu rất tự do: “Nếu Trump thắng (hình bộ mặt cười). Có thể nghỉ thêm 4 ngày ăn mừng. Nếu ông ấy thua (hình bộ mặt khóc), có thể nghỉ thêm 4 năm để … ăn mày.”



Người ta vẫn nói hơn một tỷ dân Ấn Độ ghiền hai thứ giải trí, một là “phim Bollywood;” hai là các cuộc tranh cử và bỏ phiếu. Ông Pradeep, quản lý một khách sạn nhỏ nằm giữa những ruộng lúa xanh tươi trong một ngôi làng, thú nhận: “Tôi thường chẳng bao giờ coi tin bầu cử ở Mỹ. Nhưng năm nay tôi theo sát từng bước, giống như coi bầu cử ở nước tôi vậy.” Nhà văn Feyi Fawehinmi, người Nigeria ở châu Phi, quan sát vở kịch bầu cử ở Mỹ với những màn thay đổi bất ngờ, hồi hộp, gay cấn, đã tóm tắt cảm tưởng của mình: “Không nước nào có thể soạn một kịch bản như vầy! Nhấp nhổm ngồi coi! Giải trí toàn hảo!”


Đọc thêm »


Nhưng đối với nhiều khán giả, đây không phải chỉ là một trò giải trí mà dân Mỹ đã cống hiến cho thế giới. Họ còn thấy một truyền thống tự do dân chủ mà người dân nhiều nước trên thế giới đang khao khát sao cho họ cũng được hưởng. Thí dụ, ông Alexei A. Navalny, một lãnh tụ đối lập ở nước Nga.


Trong ngày Thứ Tư, Navalny viết: “Thức giấc, coi trên Twitter coi ai thắng. Chưa có kết quả nào hết!” Và kết luận: “Thế đấy! Thế mới gọi là bầu cử!” Ông mới thoát chết sau khi sang Đức chữa trị vì bị đầu độc, mà mọi người đều nghi ngờ là do thủ hạ của Tổng thống Vladimir Putin ra tay.


Thế mới gọi là bầu cử!


Alexei A. Navalny nói rất đúng: Một nước dân chủ tự do khác những nước độc tài đảng trị ở chỗ người ta không biết trước ai sẽ thắng cử. Có khi hai, ba ngày sau khi bỏ phiếu vẫn chưa biết chắc. Kết quả ai nhiều, ai ít phiếu thay đổi từng giờ từng phút. Bởi vì phải kiểm tra rồi đếm tất cả các lá phiếu, của từng người dân một.


Trước ngày bỏ phiếu mươi ngày, tôi đem bao thư đựng lá phiếu của mình tới bỏ vô một thùng phiếu đặt tại thư viện thành phố, tôi tin rằng lá phiếu sẽ được mang ra đếm. Đầu tiên, nhiều người sẽ so sánh chữ ký của tôi ngoài phong bì với chữ ký trên bằng lái xe của tôi, mà sở Kiều Lộ cung cấp cho các phòng kiểm phiếu. Nếu chữ ký đúng, người ta sẽ giữ bao thư niêm kín tới đúng ngày mới mở ra. Trên lá phiếu không có tên hay chữ ký của cử tri nữa.


Như chúng ta đã chứng kiến, số phiếu bầu cho hai ứng cử viên tổng thống Mỹ lên xuống chập chờn trong ba ngày, kể từ khi bắt đầu đếm. Cả thế giới theo dõi tin tức coi ai đã được bao nhiêu phiếu ở mỗi tiểu bang cũng như các điều dự đoán sau cùng ai sẽ thắng ở đó. Các báo, các đài loan tin các con số, nhưng dù cuộc kiểm phiếu chưa chấm dứt họ vẫn có thể tiên đoán kết quả cuối cùng ở mỗi tiểu bang, dựa trên các phương pháp tính toán của họ.



Một câu chuyện đặc biệt lý thú là sau khi dân Mỹ đã bỏ phiếu, mấy báo, đài theo dõi trong mấy ngày để tiên đoán ai sẽ thắng ở tiểu bang nào để chiếm được số phiếu cử tri đoàn ở đó.


Ngay từ nửa đêm ngày bỏ phiếu, 3 tháng 11, đài Fox News đã tiên đoán ứng cử viên Joseph R. Biden Jr. sẽ thắng thế ở Tiểu bang Arizona. Fox là một đài được coi là “rất thân” với Tổng thống Donald Trump. Các nhà bình luận ở đài này nhiệt liệt ủng hộ ông Trump. Đây là đài duy nhất được ông Trump thường xuyên theo dõi. Nhưng ban tin tức của đài Fox hoạt động độc lập, không dính tới những nhà bình luận.


Trong ngày Thứ Tư, nhiều người trong Tòa Bạch Ốc đã gọi thẳng cho Rupert Murdoch, chủ tịch công ty mẹ của đài Fox, phản đối tại sao loan báo lời tiên đoán “bất lợi” như thế. Hơn nữa, số phiếu được đếm ở Arizona còn ít, số phiếu chưa đếm rất nhiều, không thể tiên đoán “ẩu” như vậy! Tổng thống Donald Trump gọi điện thoại cho ông Doug Ducey, thống đốc Arizona cũng thuộc đảng Cộng Hòa. Ông Ducey trấn an: Chưa biết ai thắng đâu! Vẫn còn mấy triệu lá phiếu chưa mở ra đếm! Việc kiểm phiếu bảo đảm công minh, thẳng thắn! Tất nhiên ông Ducey chỉ có thể nói như vậy chứ không bảo đảm ông Trump sẽ thắng.


Người đưa ra lời tiên đoán ông Biden thắng ở Arizona là nhà báo Arnon Mishkin. Ông Bret Baier, người đứng đầu ban tin tức chính trị của đài, đã phải nói chuyện mấy lần với ông Mishkin, hỏi đi hỏi lại rằng ông có chắc chắn kết quả sẽ như ông tiên đoán hay không? Ông Arnon Mishkin trình bầy phương pháp của mình khi thu thập và phân tích các dữ kiện rồi dùng máy vi tính để tiên đoán kết quả, và ông nhất định không nói ngược lại. Ông Bret Baier chịu thua.


Chúng ta biết rằng những lời tiên đoán ai thắng ở đâu không thể nào ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử. Cuộc bỏ phiếu đã kết thúc. Dù một tờ báo hay một đài tiên đoán ai thắng thế ở đâu thì, sau cùng, cũng không thể nào thay đổi số phận của các ứng cử viên, phải chờ tới khi đếm hết các lá phiếu mới biết. Cuối cùng, đài Fox News đã chấp nhận lý lẽ của ông Arnon Mishkin, không ai yêu cầu ông rút lại, hay nói lại một cách dè dặt hơn. Đây là một bài học cho giới truyền thông. Chỉ trong một xã hội tự do dân chủ người ta mới cư xử với nhau như vậy.


Điều đáng chú ý khác là trong suốt hai ngày sau đó, các tờ báo và đài ti vi thường đối lập với Tổng thống Trump, như báo New York Times, đài CNN, không ai dựa theo lời tiên đoán của ông Mishkin mà loan tin ông Biden thắng ở Arizona. Vì máy vi tính của họ không nói như thế! Họ làm công việc thông tin, tôn trọng các quy tắc nghề nghiệp; không ai chấp nhận đóng vai tuyên truyền, cổ động cho một đảng chính trị nào! Cũng chỉ trong một nước có truyền thống dân chủ mới có hiện tượng này.



Mỗi báo và đài đều dùng những phương pháp tiên đoán của họ, đặt trong máy vi tính, họ phải trả hàng triệu mỹ kim thuê người thiết lập. Đài Fox News tin tưởng vào máy vi tính của ông Mishkin. Các báo đài khác phải dựa trên máy móc của họ, họ không thể nhắm mắt loan báo theo đài Fox, dù họ cũng muốn ông Biden thắng thế ở một tiểu bang mà ông Trump đã thắng trong năm 2016.


Hai quy tắc để bảo đảm chế độ dân chủ, không thể nào thiếu được: Thứ nhất, tất cả mọi người dân trưởng thành đều có quyền bỏ phiếu. Thứ hai, đếm không bỏ xót một lá phiếu hợp lệ nào.


Những ai là người làm công việc bảo đảm hai quy tắc trên được tôn trọng? Trong bài trước, chúng tôi đã nói đến vai trò của những “anh hùng vô danh” của nền dân chủ: Những người tổ chức bầu cử và lo việc kiểm phiếu, đếm phiếu.


Các công dân Mỹ có thể đi bỏ phiếu xong rồi về ngủ ngon, vì tin tưởng vào những con người bình thường, lương thiện làm việc trong guồng máy đó. Tin rằng họ hết sức cẩn thận làm nhiệm vụ của mình với tấm lòng công bằng, chính trực. Công việc giản dị không khác gì một người đầu bếp trong tiệm ăn hay một người thợ lắp ráp xe trong cơ xưởng. Hơn nữa, người ta biết rằng các ứng cử viên đều có quyền đưa người đại diện của mình đến quan sát việc kiểm phiếu, đếm phiếu.


Chúng ta phải đồng ý với ông Alexei A. Navalny. Chỉ trong một xã hội tự do dân chủ mới có cảnh lá phiếu của người dân thay đổi vận mệnh của các nhà chính trị như vậy. Trong khi cả thế giới, hồi hộp theo dõi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sốt ruột muốn biết kết quả ngay, thì guồng máy bầu cử và kiểm phiếu ở Mỹ vẫn làm công việc một cách cẩn trọng và âm thầm! Việc đếm phiếu càng dùng thời gian dài, số phận của hai ứng cử viên càng lúc lên lúc xuống nhiều hơn, thì chỉ chứng tỏ chế độ dân chủ là có thật, đang diễn ra trước mắt mọi người.


Cuộc kiểm phiếu ở Mỹ giống như một vở kịch bi, hài; cả thế giới được coi cho vui. Nhưng mọi người cũng thấy rằng người dân Mỹ, từng người một, cầm lá phiếu trên tay, họ thực sự quyết định việc chọn người cai trị nước mình. Các định chế dân chủ tự do bảo đảm quyền quyết định đó.



© Ngô Nhân Dụng
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad