Chính sách của Joe Biden sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Chính sách của Joe Biden sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?


Chính sách của Joe Biden sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?


Những gì chính quyền Biden đang thiết lập hoặc duy trì sẽ tác động sâu sắc lên sức mạnh đồng USD, cầu của nền kinh tế Mỹ, sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, do đó, sẽ tác động ít nhiều tới thị trường chứng khoán, tiền tệ và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn (2021) và có thể tác động sâu sắc trong trung và dài hạn (2022-2024).


Chính quyền của ông Biden dường như đang nỗ lực đảo ngược hầu hết các quyết sách của chính quyền tiền nhiệm về thuế, nhập cư, năng lượng, vấn đề Trung Quốc và các thỏa thuận song phương… Theo chương trình nghị sự tranh cử của mình, ông Biden và chính quyền của ông đang gắng mở rộng tầm ảnh hưởng và quy mô của chính quyền thông qua thuế lớn hơn, chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi và tài trợ nhiều hơn cho thế giới.


Tuy nhiên, duy trì đà phục hồi tăng trưởng và giữ yên lòng dân trong đại dịch sẽ khiến chính quyền Biden buộc phải tiếp tục các gói cứu trợ xa hoa, mở rộng cung tiền, duy trì lãi suất thấp. Bên cạnh đó, chính sách thuế mới sẽ làm giảm thu nhập của tầng lớp trung lưu, tổn thương khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước Mỹ, từ đó làm cầu của Mỹ giảm, việc này sẽ tác động ít nhiều tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong trung và dài hạn.



Dưới đây là một số nhận định về tác động của Bidenomics tới Việt Nam trong ngắn hạn (2021) và trong trung - dài hạn (2022-2024):


Thị trường chứng khoán tốt trong ngắn hạn nhưng có thể đảo ngược trong trung hạn


Ông Biden sẽ không chỉ duy trì mà thậm chí sẽ bơm thêm nhiều tiền cứu trợ hơn cả cựu Tổng thống Trump, không chỉ trong đại dịch và thậm chí cả khi đại dịch kết thúc. Và vấn đề là số tiền và cách thức mà chính quyền Biden bơm tiền sẽ “xa hoa” hơn nhiều so với các chính sách của chính phủ tiền nhiệm.


Một lượng tiền lớn sẽ bơm vào các hộ gia đình giàu có, những người không chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19. Rất có thể, các chính sách để làm hài lòng doanh nghiệp lớn và cứu trợ hệ thống tài chính sẽ được cân nhắc trong tương lai gần. Đây là lý do chính khiến các thị trường tài sản Mỹ (chứng khoán, bất động sản...) vẫn sẽ duy trì đà tăng hoặc ổn định, ít nhất trong nửa đầu năm 2021.


Vào ngày 15/1/2021 vừa qua, ông Biden đã thông báo về kế hoạch về gói kích thích trị giá 1.9 nghìn tỷ USD, trong đó giá trị khoản viện trợ trực tiếp lên đến 1 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, chủ tịch cục dự trữ liên bang Fed cũng khẳng định cam kết tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp trong tương lai để hỗ trợ hồi phục kinh tế.


Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã ủng hộ các chính sách kinh tế của Tổng thống mới đắc cử Biden, và kêu gọi các nhà lập pháp cung cấp thêm hỗ trợ tài chính để ngăn chặn “một cuộc suy thoái dài hơn, đau đớn hơn”. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)


Giá trị đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục giảm, ít nhất là trong năm 2021, khi lạm phát lõi hiện tại mới chỉ ở mức 1,4%/năm - vẫn thấp hơn mức mục tiêu bình quân là 2%/năm. Cũng cần phải lưu ý thêm, mặc dù chỉ số lạm phát lõi ở mức thấp, cửa sổ dành cho chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ đang thu hẹp lại.


Chỉ số CRB Commodity Index cấu thành từ giá tương lai các loại hàng hoá cơ bản (kim loại, nhiên liệu, lương thực thực phẩm) đã tăng từ mức đáy 112,85 vào tháng 4/2020 lên 186,17 vào hiện tại (mức tăng khoảng 65%). Việc giá hàng hoá tăng kéo lạm phát tăng khiến Mỹ buộc phải đảo chiều chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong năm 2021, xác suất đảo chiều chính sách trong 6 đến 12 tháng tới là khá thấp do tổng cầu yếu khiến lạm phát chỉ bị tác động bởi giá cả đầu vào cũng sẽ không có biến động quá mức mục tiêu mà Mỹ hướng tới.



Điều này cũng giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam duy trì mức ổn định nhờ dòng tiền giá rẻ vẫn dư thừa tại Mỹ và trên toàn cầu có xu hướng trụ lại hoặc thậm chí đổ về các thị trường có lợi suất cao hơn (như Việt Nam, Trung Quốc).


Tuy nhiên, trong dài hạn TTCK Mỹ có thể hứng chịu các cú sốc bởi chính sách đảo chiều và tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam; đó là lạm phát và bùng phát nợ có thể khiến lãi suất tăng trở lại.


Lạm phát có cơ sở tăng vào cuối năm 2021 bởi hai yếu tố là phí đẩy và cầu kéo. Như đề cập ở trên, chỉ số giá hàng hoá cơ bản đã tăng tới 65% so với tháng 4/2020. Chính sách năng lượng của Biden cũng khiến Mỹ mất dần lợi thế độc lập về năng lượng mà cựu tổng thống Trump đã thiết lập trong 4 năm qua. Điều này khiến giá dầu duy trì giá tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá năng lượng có thể không có biến động quá lớn mà sự biến động sẽ chủ yếu ở giá lương thực. Theo số liệu của tổ chức lương thực thế giới FAO, giá lương thực tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua.


Giá lương thực tăng cao nhất kể từ năm 2014 trong bối cảnh lạm phát thấp, tăng trưởng âm và đại dịch tiếp tục hoành hành trong những ngày đầu năm 2021 (nguồn: Statistic)


Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng kiên định suốt 4 - 5 tháng nay và đạt đỉnh vào cuối tháng 12/2020. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đà tăng của giá lương thực như đóng cửa do đại dịch, thiên tai, hạn hán và nạn châu chấu. Nhưng rõ ràng an ninh lương thực đã là cảnh báo màu cam (mức cao trên trung bình) của nhiều quốc gia và khu vực năm 2020 (Trung Quốc, Châu Phi). Với triển vọng không mấy sáng sủa của năm 2021, giá cả lương thực tăng cao sẽ tạo nên lực đẩy của phí (đầu vào) mạnh nhất cho lạm phát.


Mặt khác, bất kể đại dịch biến động thế nào, cầu năm 2021 sẽ cao hơn do các nền kinh tế thích nghi hơn với tình trạng của đại dịch và vaccine đã xuất hiện. Do vậy, lạm phát tăng trở lại sau hàng thập kỷ tăng thấp. Điều này buộc các nhà hoạch định chính sách, ngân hàng trung ương các nước, trong đó có FED, phải suy nghĩ đến việc đảo ngược chính sách tiền tệ: tăng lãi suất.



TTCK Việt Nam vốn hưởng lợi từ lãi suất thấp chứ không phải là từ nền sản xuất thực mở rộng (cả chiều rộng và chiều sâu). Do vậy, năm 2021, khi chính sách của Biden ngấm vào nền kinh tế khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn hơn (do thuế và chính sách tăng tiền lương tối thiểu); khi đó lãi suất cơ bản lại buộc phải tăng do lạm phát.


Nợ xấu trên nền tảng bong bóng nợ có nguy cơ bùng phát bởi lãi suất tăng và doanh nghiệp suy yếu. Điều này khiến chính quyền Biden có thể phải tiếp tục các gói cứu trợ nhắm vào định chế tài chính. Hai cú sốc kép này sẽ khiến dòng tiền đảo chiều rời bỏ các TTCK như Việt Nam, nơi không còn hấp dẫn về chênh lệch lợi suất.


Tỷ giá và xuất khẩu - Lợi và hại khi đồng USD suy yếu và 'đóng cửa' nhiều nơi trên đất Mỹ


Khác với chính quyền cựu Tổng thống Trump, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ kêu gọi các chính quyền bang gia tăng “đóng cửa” và giãn cách xã hội. Chính sách này xảy ra trong bối cảnh Biden tăng thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập nhắm vào giới trung lưu, vốn đã hết sức khốn đốn vì đại dịch. Đây sẽ là sai lầm nghiêm trọng khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu nhanh nhất có thể. Trong khi đó, các gói cứu trợ dựa vào vay nợ tiếp tục đổ vào nền kinh tế khiến đồng USD tiếp tục suy yếu trong năm 2021.


Chỉ số đồng USD của Mỹ (DXY index) giảm mạnh kề từ khi Mỹ chống chọi với đại dịch và bơm tiền ra cứu trợ nền kinh tế (nguồn: Trading View)


Đồng USD giảm giá sẽ gây áp lực tăng giá lên VND. Đây vốn không phải là điều mà Việt Nam mong muốn trong bối cảnh Mỹ đang khép Việt Nam vào danh mục các nền kinh tế “thao túng tiền tệ”. Việc đồng VND tăng giá với đồng USD không có lợi cho tình trạng thặng dư xuất khẩu sang Mỹ ngày một lớn giữa hai nước do giá cả hàng hoá xuất khẩu đắt thêm tương đối.


Bên cạnh đó, việc thân thiện hơn với Trung Quốc của chính quyền ông Biden cũng khiến hàng Việt Nam vào Mỹ giảm lợi thế hơn so với thời kỳ tổng thống tiền nhiệm.


Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ năm 2020 lên tới mức kỷ lục là 63,68 tỷ USD; tăng 14% so với thặng dư thương mại năm 2019 và đạt mức thặng dư thương mại gấp đôi so với năm 2019. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt nam, tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.


Rủi ro bị trừng phạt thuế vì 'thao túng tiền tệ'


Kết quả điều tra thao túng tiền tệ của Đại diện thương mại Mỹ (USTR) với Việt Nam đã kết luận Việt Nam nằm trong các quốc gia có hành vi “thao túng tiền tệ”. Theo Section 301, USTR có thể thực hiện các hành động trừng phạt theo một trong bốn lựa chọn (mà Tổng thống Mỹ sẽ là người quyết định) như sau:


  1. Áp đặt thuế quan, phí, hoặc các hành động hạn chế đối với hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam trong một khoảng thời gian hợp lý; 
  2. Tạm dừng hoặc từ bỏ các ưu đãi thuế quan; 
  3. Tham gia các thoả thuận buộc Việt Nam cam kết loại bỏ hành động gây tổn hại hoặc cung cấp ưu đãi thương mại để bồi thường thiệt hại; 
  4. Hạn chế hoặc từ chối cấp phép cung cấp dịch vụ trong một số ngành kinh tế của Mỹ.


Ngoài các hành động trên, USTR có thể thực hiện bất kỳ hành động nào trong phạm vi quyền hạn của tổng thống đối với hoạt động thương mại hàng hoá và dịch vụ, hoặc đối với bất cứ lĩnh vực khác liên quan đến quan hệ với Việt Nam.


Chỉ số đồng USD của Mỹ (DXY index) giảm mạnh kề từ khi Mỹ chống chọi với đại dịch và bơm tiền ra cứu trợ nền kinh tế (nguồn: Trading View)


Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện. Tuy nhiên, đây cũng là những ngành công nghiệp mà khu vực FDI giữ vai trò chủ đạo. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2020 thấp nhất trong thập kỷ qua, chỉ đạt 5,82%[1], nhưng đã đóng góp tới 1,25 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế.


Do vậy, nếu trừng phạt thương mại gia tăng tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tạo chấn động lớn với tăng trưởng và ổn định kinh tế trong nước.


Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden có xu hướng tìm kiếm các giải pháp thương lượng ôn hoà hơn với Trung Quốc trong việc cân bằng lợi ích thương mại, do vậy Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ các giải pháp ôn hoà này. Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc mở rộng đàm phán các biện pháp cân bằng thương mại với Mỹ và tránh các đòn trừng phạt thuế quan.


‘Phép thử’ Biển đông


Ông Biden đã hứa rằng Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là lời hứa trước các cử tri trong bối cảnh sự “trỗi dậy nguy hiểm” của Trung Quốc được chính quyền tiền nhiệm cực kỳ chú trọng và người dân Mỹ chia sẻ với điều đó. Việc ông Biden có thực sự thực thi chính sách của cựu tổng thống Trump ở Biển đông hay sẽ đảo ngược nó không phải là một điều khó đoán khi Trung Quốc coi sự đắc cử của Tổng thống Joe Biden như một món quà cho sự “trở lại” của họ.



“Mức độ tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt là trong Biển Đông, sẽ ảnh hưởng đến những cân nhắc của Việt Nam về việc có nên nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ hay không”, ông Hayton, tác giả cuốn “Việt Nam: Rồng trỗi dậy” cho biết (theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng). Trong khi đó, lập trường cứng rắn của Washington đối với yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung.


Thực tế, chỉ một ngày sau khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, Trung Quốc đã thực sự “trỗi dậy” khi công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận chuẩn bị kéo giàn khoan vào Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc cũng ngay lập tức lập danh sách “trừng phạt” với quan chức Mỹ thời chính quyền Trump.


Theo giới quan sát, trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận có phần xa cách trong các giao dịch với Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị không đưa Việt Nam vào danh sách điểm dừng chân trong chuyến công du gần đây của ông tới khu vực.


Một số nhà phân tích coi đây là một sự hắt hủi và là một dấu hiệu của sự đối kháng và căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước về vấn đề Trường Sa - một chuỗi đảo tranh chấp ở Biển Đông. Họ nói rằng sự đối kháng này được kết hợp bởi những bất ổn về chính trị nội bộ của quyền lực Hà Nội.


Peng Nian, phó giám đốc và cộng sự của Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa Hàng hải, Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia ở Trung Quốc, cho biết tình hình Biển Đông sẽ chỉ trở nên thách thức hơn sau Đại hội vì ban lãnh đạo mới trong chính quyền Việt Nam sẽ cần cứng rắn trong vấn đề củng cố quyền lực.


Với sự nhiệt tình của Biden trong việc tăng cường quan hệ với Hà Nội, Peng cho biết Việt Nam có khả năng trở thành “một đối tác quan trọng” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.


Ông nói thêm rằng có thể Hà Nội sẽ can thiệp vào cuộc thảo luận của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, do đó làm gia tăng rạn nứt với Bắc Kinh.


Peng cho biết nếu đại dịch viêm phổi Vũ Hán được kiểm soát trong khu vực trong những tháng tới, các nước Đông Nam Á có khả năng sẽ chú ý nhiều hơn đến vấn đề Biển Đông.


Đọc thêm »



© Trà Nguyễn
    NTDVN
Chú thích:
Text Content[1] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các năm 2011-2020 lần lượt là: 14,08%; 9,05%; 7,22%; 7,41%; 10,60%; 11,90%; 14,40%; 12,98%; 11,29%; 5,82%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad