Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: Vào khách sạn, mở TV nghe nhạc sẽ bị thu tiền - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: Vào khách sạn, mở TV nghe nhạc sẽ bị thu tiền


Từ Tháng Mười 2017, thuê phòng khách sạn tại Việt Nam sẽ phải trả “phí” nghe nhạc. (Hình: Tuổi Trẻ)

SÀI GÒN – Kể từ đầu Tháng Mười năm 2017, người thuê phòng khách sạn trên cả nước Việt Nam sẽ phải trả tiền nghe nhạc cho “Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam.”

Ông nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn, phó giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam (gọi tắt là VCPMC), họp báo tại thành phố Sài Gòn sáng ngày Thứ Hai, 11 Tháng Chín 2017 thông báo như vậy về một thứ “phí bản quyền trí tuệ” từng gây nhiều phản ứng gay gắt của nhiều khách sạn ở Ðà Nẵng và một số thành phố khác nên đã bị bãi bỏ hồi cuối Tháng Năm 2017 trước đây.

Theo báo Tuổi Trẻ thuật lại cuộc họp báo của ông Ðinh Trung Cẩn thì, “cho dù là khách sạn bình dân hay khách sạn năm sao, resort cao cấp gì thì mức thu cũng 25,000 đồng/phòng ngủ, phòng khách có tivi/năm.”

Sau phản ứng của giới kinh doanh phòng ngủ ở miền Trung và phía Nam, việc thu tác quyền ở khách sạn đã được cục trưởng Cục Bản Quyền Tác Giả, Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Hà Nội cả quyết ngày 25 Tháng Năm 2017 là “hợp pháp.” Cơ quan này cho rằng “thu phí tác quyền khi sử dụng tivi đối với các khách sạn là hoàn toàn đúng quy định của luật pháp và công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.”

Theo báo cáo, VCPMC thu “phí nghe nhạc” được từ các khách sạn với ở các tỉnh phía Nam trong năm 2016 là 3 tỉ đồng. Nếu họ tận thu được trên cả nước với số phòng lên hàng chục triệu sẽ là số tiền khá lớn nếu cứ “đếm tivi mà thu.” Tin cho biết không riêng gì Ðà Nẵng, rất nhiều khách sạn ở các tỉnh khác như Vũng Tàu, Phan Thiết… cũng đã từng lên tiếng chống đối về cách tận thu phi lý này.

Ngày 24 Tháng Năm 2017, ông L.V.C., chủ khách sạn trên đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Ðà Nẵng, cho biết trong cuộc phỏng vấn báo chí là khách thuê phòng của ông đa số là người ngoại quốc nên không nghe âm nhạc Việt Nam.

“Họ chưa biết chúng tôi có dùng âm nhạc gì hay không mà gửi công văn ‘ra lệnh’ chúng tôi đến trả tiền. Riêng khoản thu 25,000 đồng/phòng/năm đối với phòng có tivi càng vô lý, vì tôi sắm để khách xem truyền hình, chứ không phải là công cụ phát nhạc đơn thuần,” ông L.V.C. bất bình nói.

“Ðây chưa hẳn là khoản tiền lớn, nhưng tôi cho rằng đây là khoản tận thu vô lý. Khách sạn tôi sử dụng dịch vụ truyền hình cáp và đều thanh toán thuê bao hằng tháng. Tôi là người đi mua dịch vụ của nhà đài thì tôi chỉ chịu trách nhiệm trả tiền cho nhà đài và tôi có quyền xem những chương trình trên ấy, vậy tại sao (VCPMC) lại thu tiền của tôi?” ông Trần Thành Quý, giám đốc điều hành khách sạn Sun River, quận Hải Châu, cũng bày tỏ sự bất mãn.

Nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn, phó giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam mở họp báo tại Sài Gòn vào sáng 11 Tháng Chín 2017. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 24 Tháng Năm, ông Ðinh Trung Cẩn, giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, người ký gửi công văn, cho rằng: “Ða số khách sạn đều mở nhạc ở khu vực kinh doanh, phòng nghỉ thông qua tivi. Trên tivi còn có các kênh âm nhạc, chương trình truyền hình giải trí có sử dụng âm nhạc như chương trình game show, giới thiệu tác phẩm, tác giả…”

“Ðây là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại Luật Sở Hữu Trí Tuệ. Do vậy, khi sử dụng quyền này, khách sạn có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút thù lao cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của luật này,” ông biện minh.

Trả lời câu hỏi, với những khách sạn dùng bài hát không nằm trong hợp đồng của tác giả với VCPMC tại sao phải trả tiền? Ông Cẩn cho rằng, đó chỉ là nhận định chủ quan của chủ khách sạn, bởi vì hiện nay VCPMC đang đại diện cho gần 4,000 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và hơn bốn triệu tác giả quốc tế.

“Các kênh truyền hình, VCPMC chỉ cấp phép giới hạn ở việc sử dụng quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng, không bao gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong khách sạn, nhà hàng, quán bar… thông qua các kênh truyền hình,” ông lại biện minh. “Khoản chi phí mà khách sạn phải trả cho truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm tiền tác quyền âm nhạc,” ông nói thêm.

Một số người từng đặt nghi vấn là nếu có những tổ chức khác đại diện cho những chương trình truyền hình khác, chẳng hạn game show, hài kịch, biểu diễn võ thuật, đội bóng đá v.v… cũng đòi “phí bản quyền” nữa thì sẽ “vô tận” khi trên các đài truyền hình có hàng trăm chương trình khác nhau. Ðài truyền hình đã phải trả tiền bản quyền “phát sóng” cho VCPMC rồi mấy bữa nữa người thuê phòng khách sạn cũng vẫn phải trả tiền “thu sóng” bài hát dù chủ khách sạn cũng đã trả tiền cho truyền hình cáp rồi. Như vậy là “phí chồng phí.”

Mời xem Video: Đoàn Ngọc Hải biến mất bí ẩn sau khi có hành động lạm quyền phạt xe của một vị tướng ở Quân Khu 7?



Nêu ý kiến về việc VCPMC đòi thu “phí nghe nhạc” dù người ta có thể không nghe ở khách sạn, Luật Sư Nguyễn Quang Ngọc của công ty luật quốc tế Thiên Việt nhận định “ Việc VCPMC viện dẫn điều 20 Luật Sở Hữu Trí Tuệ và điều 23 khoản 1 nghị định 100 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Dân Sự và Luật Sở Hữu Trí Tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan) là cách hiểu không toàn diện, kiểu “đau bụng uống nhân sâm.” (TN)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad