Truyền thông xã hội và nền dân chủ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Truyền thông xã hội và nền dân chủ


Truyền thông xã hội và nền dân chủ

Huỳnh Hoa - Mấy tuần vừa qua là khoảng thời gian không thuận lợi cho các nền tảng internet lớn như Facebook, Google và Twitter. Sau cuộc bầu cử năm ngoái, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, đã khẳng định sẽ là “điên rồ” nếu nghĩ rằng công ty của ông có chút tác động nào đó tới cuộc bầu cử [tổng thống Mỹ]. Nhưng Sheryl Sandberg, tổng giám đốc điều hành của Facebook, đã phải dành một tuần ở thủ đô Washington để làm công việc xin lỗi vì gần đây đã lộ ra chuyện người Nga mua quảng cáo chính trị trên Facebook trong suốt thời gian vận động bầu cử.

Twitter cũng đã bị lưu ý, một kẻ có tài khoản @TEN_GOP giả là người phát ngôn của đảng Cộng hòa tiểu bang Tennessee thực chất là một người Nga ranh mãnh thường tung ra những thông điệp phân biệt chủng tộc và gây chia rẽ, và tài khoản này đã không bị đóng trong nhiều tháng trời sau khi tổ chức thực của đảng Cộng hòa đã báo cho công ty. Trong những tuần lễ sắp tới sẽ có thêm nhiều viên chức quản trị của các mạng xã hội bị lôi ra chất vấn trước các ủy ban của quốc hội về trách nhiệm của họ đối với nền dân chủ Mỹ.

Mạng internet và sự trỗi dậy của truyền thông xã hội đã làm thay đổi cuộc tranh luận về tự do ngôn luận trên khắp thế giới. Xưa nay vẫn luôn có những thông tin xấu, tuyên truyền, và thông tin giả tạo được cố ý đưa ra để gây ảnh hưởng tới các kết quả chính trị. Sự bảo vệ quyền tự do ngôn luận truyền thống đã từng là thương trường của các ý tưởng: nếu có thông tin xấu thì giải pháp khắc phục không phải là kiểm duyệt hoặc kiểm soát nó mà là đưa ra những thông tin đúng, cuối cùng cái đúng sẽ khống chế cái xấu. Nhiều thông tin hơn thì bao giờ cũng tốt hơn.

Nhưng không rõ chiến lược này có vận hành được tốt như vậy trong thời đại internet hay không, khi hàng ngàn phần mềm bot (*), những kẻ chuyên gây chia rẽ (troll) (**), có thể khuyếch đại những thông tin xấu mà không ai phát hiện được. Các mô hình kinh doanh của mạng xã hội lại làm cho vấn đề trở nên trầm trọng thêm vì các thuật toán nhằm tối ưu hóa độ lan tỏa và đẩy nhanh tốc độ lan truyền các câu chuyện đậm thuyết âm mưu và những bản tin nhiều tranh cãi.

Về phần mình, các mạng xã hội cho rằng họ chỉ là những nền tảng công nghệ trung tính trên đó người sử dụng chia sẻ thông tin, giống như một công ty điện thoại kết nối người sử dụng điện thoại vậy. Cơ chế pháp lý còn sót lại từ thập niên 1990 củng cố quan điểm này, bởi vì nó giúp các mạng xã hội thoát khỏi trách nhiệm đối với những nội dung mà họ đăng tải, trên cơ sở mạng xã hội chỉ là nơi dẫn dắt chứ không phải là công ty truyền thông. Nhưng mạng xã hội không trung tính: mô hình kinh doanh của họ được xây dựng trên cơ sở sự hiểu biết về sở thích, ưu tiên của người sử dụng, và họ sử dụng kiến thức này để hướng quảng cáo tới từng người. Đây chính xác là những gì mà các doanh nghiệp có động cơ chính trị như công ty Cambridge Analytica đã chủ ý thực hiện thay cho ông Trump trong thời gian vận động tranh cử. Chỉ có các mạng xã hội mới có sức mạnh để làm điều đó trên phạm vi toàn cầu.

Lời thừa nhận bất ngờ về sự phổ biến của tin tức giả, quảng cáo hướng tới mục tiêu và thế lực thù địch nước ngoài thao túng các hệ thống mạng xã hội tất nhiên sẽ dẫn tới phản ứng là những lời kêu gọi, và trong một số trường hợp là hành động, quản lý internet. Trường hợp đáng chú ý nhất là một đạo luật của Đức được quốc hội nước này thông qua hồi mùa hè, cho phép hình sự hóa tin tức giả, đặt ra mức phạt khổng lồ lên tới 50 triệu euro cho những mạng xã hội nào đăng tải các nội dung như vậy. Ở Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ Mark Warner, John McCain và Amy Klobuchar đã giới thiệu một dự luật yêu cầu các mạng xã hội phải công khai thông tin về những người mua quảng cáo chính trị trên mạng internet; những nghị sĩ khác đề nghị cấm người nước ngoài mua như vậy. Các biện pháp này chỉ đơn giản là làm cho luật lệ về internet trở nên tương tự với luật lệ đã có trong lĩnh vực truyền hình, mặc dù việc thực thi chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Trong việc đối phó với thách thức mà mạng xã hội đặt ra cho nền dân chủ có một sự chia rẽ chính trị lâu đời lại xuất hiện giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Trong số các nền dân chủ phát triển, lập trường về tự do ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất trong hiến pháp Hoa Kỳ luôn là một ngoại lệ, nó đặt ra rất ít hoặc không có bất kỳ giới hạn nào về biểu đạt chính trị. Trái lại, đa số các quốc gia châu Âu đều sẵn sàng hình sự hóa một số hình thức nào đó của phát ngôn thù hận, chẳng hạn như phủ nhận nạn diệt chủng Do Thái Holocaust. Nói chung, châu Âu muốn sử dụng quyền lực nhà nước để điều tiết hành vi, dựa trên quan điểm thiện chí của họ coi nhà nước như là người bảo vệ lợi ích công. Các cơ sở truyền thông công cộng do nhà nước tài trợ – một phương thức hiển nhiên để chống lại tin tức giả mạo – ở châu Âu thì phổ biến hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ và đây cũng là một điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng châu Âu. Người Mỹ, ngược lại, rất sẵn lòng coi nhà nước là mối đe dọa đối với tự do cá nhân. Đài truyền thông công cộng (Public Broadcasting Service – PBS) chưa bao giờ được coi là người truyền tải trung lập những lợi ích công cộng. Ngay từ khởi đầu, đài này đã bị những người bảo thủ công kích – có phần đúng – là con tin của cánh tả.

Không rõ là tại thời điểm này, liệu Hoa Kỳ có thực thi được quyền điều hành của nhà nước hay không, vì đất nước đang có sự phân cực tiềm tàng. Cấm người nước ngoài mua quảng cáo chính trị có thể có tác dụng, nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiểm soát nội dung mạng xã hội sẽ vấp phải sự bất đồng chính trị và đi ngược với Tu chính án thứ Nhất. Thật khó mà hình dung một quy định của nhà nước chống lại tin tức giả mạo trong khi chính tổng thống là một trong những người truyền tải lớn nhất thể loại tin tức này, và đã biến chính thuật ngữ “fake news” (tin giả) thành một thứ biệt ngữ dùng để chống lại những người phê phán ông ta.

Điều này có nghĩa là gánh nặng của mọi hành động nhằm kiểm soát các thông tin xấu ở Hoa Kỳ sẽ đặt lên vai của chính các mạng xã hội. Các nền tảng này đang bị áp lực rất lớn từ người sử dụng, nhà quảng cáo và chính nhân viên của họ, đòi họ phải gia tăng trách nhiệm, phải coi mình không chỉ là những nền tảng trung lập mà là các công ty truyền thông có trách nhiệm lựa chọn, tổ chức và chăm sóc các nội dung mà mình cung cấp. Các mạng xã hội đã bị buộc phải sắm vai trò đó đối với những nội dung liên quan tới khủng bố, khiêu dâm trẻ em và đe dọa trực tuyến; họ đã phải thay đổi bản điều khoản phục vụ. Tuy nhiên, họ phải đi xa hơn thế, bằng cách thay đổi các thuật toán hiện đang khuyến khích một số loại thông tin gây náo động dư luận nhưng lại có tác động tai hại về chính trị. Đây không phải là vấn đề tự do ngôn luận: theo chỗ tôi biết, Tu chính án thứ Nhất không bảo vệ quyền của các phần mềm bot có công dụng sao chép và phát tán các thông điệp trên quy mô toàn cầu với một tốc độ chỉ bị giới hạn bởi năng lực truyền dẫn của mạng lưới.

Tuy nhiên, có một vấn đề sâu xa hơn sẽ không thể giải quyết được bằng cách tự điều chỉnh, đó là vấn đề quy mô. Trong một hệ thống chính trị dân chủ lành mạnh, các công ty truyền thông phải cạnh tranh với nhau để cung cấp những quan điểm thay thế cho nhau và đều phải tuân theo những tiêu chuẩn báo chí căn bản nào đó. Các công ty như vậy có những quan điểm chính trị riêng, nhưng vẫn có đủ sự đa dạng để bảo đảm một hình thức cân bằng chung: nếu bạn không thích tờ Thời báo New York (New York Times) thì lúc nào bạn cũng cho thể chuyển sang tờ Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal).


Mời xem Video: Chấn động: Phát hiện Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam có bồ nhí và con riêng!



Nhưng đây không phải là tình trạng phổ biến trong thế giới internet ngày nay. Không có nhiều những nền tảng đa dạng cạnh tranh với nhau bằng những quan điểm khác nhau; mà thật ra chỉ có Facebook, vốn đã trở thành một loại tiện ích toàn cầu. Facebook không có một nghị trình chính trị rõ ràng, và được thúc đẩy bằng sự tối đa hóa lợi nhuận; điều đó bảo đảm rằng nó sẽ không muốn làm mất lòng bất cứ nhóm người sử dụng đông đảo nào nếu như nó tỏ ra có thành kiến. Mặt khác, Facebook trên thực tế đã thực thi sự kiểm soát chặt chẽ đối với những gì mà người dùng nhìn thấy trên một cơ sở gần như là độc quyền. Có nhiều quốc gia mà Facebook Messenger đã thay thế email làm kênh truyền thông đầu tiên mà người dân sử dụng để giao tiếp với nhau. Loại quyền lực này được sử dụng ở một quy mô chưa từng có trong trải nghiệm của loài người, và chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận về chuyện liệu nền dân chủ Hoa Kỳ có thể tiếp tục sống chung hòa bình với một quyền lực được tập trung như vậy trong trường kỳ hay không.


Tác giả: Francis Fukuyama
Dịch giả: Huỳnh Hoa
Viet-Studies
Nguồn: Social Media and Democracy - Francis Fukuyama | American Interest

(*) bot, viết gọn của robot hoặc cyber-robot: chỉ một phần mềm hoạt động trên mạng internet tự động thực hiện một số thao tác nào đó theo chương trình của người tạo ra nó, thường là những công việc đơn giản như quét mạng để tìm tin tức tài liệu theo từ khóa, sao chép và phát tán một số nội dung có chứa những từ khóa định trước v.v…

(**) troll, hoặc internet troll: tiếng lóng trên mạng để chỉ một người cố ý đăng lên mạng những thông tin gây hấn với ý đồ phá hoại hoặc kích động tranh cãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad