Đảng ‘cải cách tiền lương’ nhưng không chịu giảm biên chế! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Đảng ‘cải cách tiền lương’ nhưng không chịu giảm biên chế!


Đảng ‘cải cách tiền lương’ nhưng không chịu giảm biên chế! Ảnh: VOV

Hội nghị trung ương 7 của đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc với cách hô khẩu hiệu thuần túy về ‘cải cách tiền lương’ nhưng đã chẳng quyết được vấn đề gì một cách thực chất về ‘giảm biên chế’.

Chủ trương ‘cải cách tiền lương’ – có lẽ được chỉ đạo và nêu ra bởi chính Nguyễn Phú Trọng – đã được dàn báo đảng ca ngợi là ‘sáng suốt’ và cổ vũ ‘cơ hội đã chín muồi’.

Ngay lập tức ở các chợ đầu mới tại Hà Nội và Sài Gòn, tâm lý đám đông trở nên nháo nhác và ‘chín muồi’ khi giá cả lại tăng vọt để ‘đón tăng lương’.

Chưa biết sắp tới đội ngũ công chức viên chức lên đến gần 3 triệu người sẽ được ‘cải cách tiền lương’ như thế nào và lấy nguồn tiền ở đâu để tăng lương – nếu không phải là in tiền và in tiền ồ ạt, chỉ biết rằng ngay trước mắt rất nhiều người lao động thủ công và làm công ăn lương phải chịu cơn bão giá, khiến đời sống và sinh hoạt ngày càng khó khăn.

Trong khi đó, lại có rất nhiều bằng chứng cho thấy trong nhiều năm qua, nhiệm vụ ‘tinh gọn bộ máy’ và ‘giảm biên chế’ không những đã không được hoàn thành mà còn trở nên bê bối cùng một bộ máy phình to hơn bao giờ hết.

Những năm trước, đảng vẫn hô hào về chuyện giảm biên chế, cũng đặt ra chỉ tiêu giảm 10% số công chức viên chức, nhưng kết quả đã chẳng tới đâu. Thậm chí từ năm 2011 đến 2016 khoe thành tích là đã giảm được 3.000 công chức, nhưng bộ máy viên chức lại đẻ thêm 123.000 người.

Sau khi Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền kết thúc vào tháng 10/2017 với một nghị quyết về “tinh giảm biên chế”, Bộ Nội vụ – cơ quan thuộc chính phủ và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ lẫn tham mưu bố trí bộ máy làm việc, đã phát một công văn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề ra các thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021, đạt tối thiểu là 10% so với số biên chế được giao của năm 2015.

Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người – chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức và nhiều chưa từng thấy

Tuy nhiên từ đó đến nay, kết quả xem là là không có gì lạc quan. Thậm chí có thông tin cho biết trong khoảng thời gian giữa hai Hội nghị trung ương 6 và Hội nghị trung ương 7, con số công chức ‘đẻ’ thêm đã lên tới vài chục ngàn người.

“Rời biên chế, chúng tôi biết sống bằng gì?” là một loại tán thán rất đặc trung rất điển hình mà chính Tổng bí thư Trọng đã nghe được từ giới cử tri “trung thành” của ông và được ông thuật lại, cũng là nguyên nhân chính khiến chủ trương ‘giảm biên chế’ không những không tới đâu mà còn bị phản dội.

Lời tán thán trên đã bộc lộ phần lớn, nếu không nói là toàn bộ, cái trạng thái của “giới công chức xã hội chủ nghĩa”.

Giới công chức này, đặc biệt là những người làm trong các cơ quan đảng, đã trở thành tấm gương sáng chói về tinh thần trì trệ ngủ ngày trong não trạng và động tác chỉ tay năm ngón, được mệnh danh bằng khẩu hiệu “đảng lãnh đạo toàn diện” và cụ thể hóa hơn bằng “đảng định hướng đường lối”, mà hầu như không biết và không thể làm được những việc cụ thể đòi hỏi chuyên môn nếu có cơ hội đụng chạm vào những vấn đề gai góc của đời sống.

Bởi cũng từ lâu, bầu không khí phổ biến ở các cơ quan đảng và cả một số cơ quan chính quyền là họp hành đến hết ngày để chẳng ra được giải pháp khả thi nào, làm báo cáo rồi… uống trà, đánh cờ và nhậu nhẹt.

Nỗi sốt ruột kèm thất vọng của Nguyễn Phú Trọng ngày càng lớn lao. Bất chấp nhiều hứa hẹn và cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc trước đảng là sẽ kiên quyết tinhh giảm biên chế và cắt giảm số chi thường xuyên (chủ yếu là chi lương cho công chức viên chức), cho tới nay tỷ lệ chi thường xuyên vẫn chiếm đến hơn 70%, thậm chí có thời diểm vọt đến gần 80% tổng chi ngân sách, tức cao hơn đến vài chục phần trăm so với những năm 2000.

Các cơ quan ‘nuốt’ ngân sách nhiều nhất là Bộ Công an – chiếm đến 12% chi ngân sách, và Bộ Quốc phòng – khoảng gần 10% chi ngân sách. Ngoài ra, các cơ quan văn phòng trung ương đảng cũng ‘ngốn’ đến khoảng 2 ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Thể chế chính trị ở Việt Nam đang ‘tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc’ vào vòng bế tắc: không những không làm sao giảm được biên chế và bộ máy hành chính lẫn bộ máy đảng vẫn phình ra từng ngày, cơ chế ‘cải cách tiền lương’ chỉ khiến hằn thêm gánh nặng trên vai tuyệt đại đa số dân chúng phải è cổ đóng thuế để chi cho bộ máy mà bị rất nhiều dư luận xem là ‘hành là chính’, ăn không ngồi rồi và vô tích sự này.

Sự bế tắc trên cùng cái vòng lẩn quẩn tăng biên chế – tăng lương đang khiến cho ngân sách chế độ đang bộ lộ ngày càng rõ những triệu chứng cạn kiệt để lao nhanh đến tâm chấn khủng hoảng.


Thiền Lâm
Calitoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad