Dù có là người bình tĩnh đến mấy, ý thức cao đến đâu, đã phải cố tìm mọi cách để xem cho được Đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam thi đấu ở đấu trường ASIAD 18, thì tất phải trải qua cảm giác, nhẹ nhất là... ngao ngán!
Vậy mà khi đội bóng bước vào hành trình "thử lửa" thực sự ấy thì chúng ta lại không được theo dõi và cổ vũ một cách đàng hoàng, mà phải đi "xem trộm"! Và không chỉ bóng đá. Tất cả các môn thể thao khác nữa. Chúng ta làm lễ xuất quân hoành tráng, nhưng đội quân ấy thi đấu thì trong bóng tối dưới mắt dân ta. Làm sao mà tránh được cái cảm giác ngao ngán? Có người nói quá lên là "nhục nhã", cũng chả sai.
Bao nhiêu nỗ lực phấn đấu, để bây giờ Việt Nam là một quốc gia thuộc vào hàng "trụ cột" của châu Á, chủ động tham gia, có vị thế và tiếng nói, để giải quyết nhiều vấn đề chung của toàn cầu và châu lục. Vậy mà tại một sự kiện thể thao tầm châu lục, chúng ta lại phải "xem trộm" đội tuyển của quốc gia mình với các vận động viên ưu tú của mình thi đấu, thì còn có gì "trớ trêu" hơn?
Trớ trêu hơn nữa, khi Việt Nam lại là quốc gia "duy nhất" không có quyền tiếp sóng truyền hình ASIAD 18, trong khi 75 chủ thể khác, trong đó có nhiều nước kém phát triển hơn ta rất nhiều thì... thỏa mái.
Chung quy chỉ tại một thương vụ đàm phán mang tính chất thương mại của Đài Truyền hình quốc gia không thành công!
Vài người có trách nhiệm ở VTV đã giải thích, rằng thì là... đối tác có bản quyền đã rao giá quá cao, có biểu hiện ép giá, lại nhất quyết không hạ giá khi VTV đàm phán, VTV mua thì chắc chắn sẽ lỗ... Vì thế, mà VTV đã quyết không mua. VTV sẽ tiếp tục ứng xử như vậy trong các thương vụ tương lai.
Rõ ràng là ở đây đã "có vấn đề" các vị ạ!
Câu chuyện này có gì đó giống như chuyện mua bán những cành đào Tết ở Sài Gòn cách đây chưa lâu. Dịp ấy, có người tổ chức vận chuyển các cành đào ngoài Bắc vào Sài Gòn để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Một ý tưởng kinh doanh thật tốt đẹp và văn hóa. Vậy mà lại xảy ra chuyện rất... buồn.
Người mua quyết không chịu mua với giá cao, vì cho rằng người bán kiểu gì chả phải bán nên đợi đến tận đêm giao thừa với ý nghĩ thế nào cũng mua được thật rẻ. Người bán thì thấy không thể bán rẻ. Cuối cùng họ đã quyết không bán mà chặt và ném những cành đào đầy chất văn hóa của ký ức ấy vào thùng rác.
Còn nhiều chuyện tương tự vậy ở các chợ hoa và đào, quất dịp Tết gần đây nữa. Những sản phẩm mang nhiều giá trị của cái đẹp và văn hóa đáng lẽ phải được bày trang trọng trong không gian ấm áp của năm mới và niềm vui thì lại nằm trong… xe rác. Nghĩ mà thấy quặn thắt trong lòng! Đây là ấn tượng xấu trong đời sống thương mại ở ta thời nay.
Ai có lỗi, ai "cửa quyền" trong việc giao thương này? Tôi cho rằng ở đây, người mua có lỗi chính.
Trở lại bản quyền ASIAD 18, chúng ta cũng phải thẳng thắn nói rằng, VTV đã "cửa quyền"! VTV đàm phán trong thời gian dài mà không có thông tin gì cho đến khi không mua được thì chúng ta mới biết. Ngay cả Ban tổ chức ASIAD 18 cũng ngạc nhiên về việc Việt Nam không có bản quyền truyền hình ASIAD. Có lẽ VTV cho rằng kiểu gì cũng mua được bản quyền truyền hình như mua được đào Tết rẻ trong câu chuyện trên chăng? Còn nếu đàm phán thực sự, không "cửa quyền", thì dù có bất cứ khó khăn gì, cũng sẽ có cách giải quyết. VTV hoàn toàn có thể yêu cầu Ủy ban Olympic quốc gia, thậm chí cả Chính phủ, có động thái can thiệp, là sẽ vượt qua, chứ chưa cần phải kêu gọi các doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ.
Mới đây, đã có câu chuyện VTV mua bản quyền truyền hình World Cup 2018. Việc này khác hẳn với việc thương lượng mua bản quyền ASIAD 18. Chúng ta chưa có vai trò gì cao trong World Cup và phải chấp nhận yêu cầu của bên bán bản quyền. Còn với ASIAD 18, Việt Nam đường đường là một thành viên tham dự và đóng góp vào thành công chung của Á vận hội. Chúng ta có quyền có bản quyền truyền hình với mức giá hợp lý mà nhiều bên phải công nhận. Vận động viên Việt Nam thi đấu thì nhân dân Việt Nam phải được xem, dù theo bất cứ luật chơi nào. Nếu không được thế, thì là vấn đề rất nghiêm trọng. Chúng ta có hoàn toàn có quyền tẩy chay, không tham dự cuộc chơi ấy, được quá đi chứ?
Còn nhiều khía cạnh để bàn đến trong vụ bản quyền này. Bàn theo cách nào thì lỗi chính vẫn thuộc về VTV.
Trong trả lời của VTV với công luận có một ý đáng lo ngại nữa. Đó là VTV sẽ tiếp tục ứng xử như vậy trong tương lai. Tương lai, bản quyền truyền hình thể thao sẽ tiếp tục cao giá hơn, sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Vậy thì với ứng xử này, chúng ta sẽ tiếp tục không có bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao có Việt Nam tham gia trên Đài truyền hình quốc gia.
Hoa đào Tết của văn hóa và ký ức sẽ tiếp tục bị ném vào xe rác!
Nguyễn Thành Phong
Nhà Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét