|
Bên trong cửa hàng được bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm để phục vụ đời sống con người. Từ kim chỉ, gương lược, cho đến những chiếc lốp và xích líp xe đạp mà ta vẫn đi hằng ngày. Những mặt hàng mà chỉ trong này mới có chứ không thấy bán ở ngoài, vì nhà nước giữ thế độc quyền kinh doanh. Không có cạnh tranh thương mại, vì thế mà mọi thứ ở đây đều đắt đỏ, lại thiếu đi tính đa dạng. Lúc nào cũng thấy có mấy cô mậu dịch viên ngồi sau quầy hàng với khuôn mặt khó đăm đăm, họa hoằn lắm mới thấy họ vui vẻ với khách một chút gọi là.
Khách ra vào cửa hàng vẫn thường bắt gặp một bà lão ngồi lom khom quạt bánh đa để bán. Bà ngồi ngay chỗ cái góc ngoài cùng của hàng hiên, ngày nào cũng vậy, sáng cũng như chiều, miệt mài và cần mẫn. Cạnh đó là một cái rổ đựng bánh đa, bên trên có chiếc mẹt úp ngửa để bày sẵn những tấm bánh đa tròn tròn và mỏng dẹt như tờ giấy thủ công. Cái lò than đỏ hồng thì được đặt ngay trước mặt, mỗi khi có khách đến mua thì bà mới quạt để cho bánh nóng và giòn. Có lẽ vì bà tên Lan, cho nên người ta vẫn quen gọi là bà Lan Bánh Đa. Chỗ này đông người qua lại, nên bà bán cũng chạy hàng lắm. Khách đến cửa hàng, sẵn tiện dư mấy đồng tiền lẻ thì mua thêm chiếc bánh đa về cho trẻ con ở nhà. Lắm người vào cửa hàng chẳng mua được gì, nhưng khi quay trở ra thì lại thích mua bánh của bà Lan. Có thể vì giá một chiếc bánh đa chẳng đáng là bao. Nhưng cũng có thể họ muốn được trãi nghiệm cái thái độ phục vụ khách hàng hòa nhã và tận tình của bà, vốn đối lập với thái độ khó chịu của mấy cô mậu dịch viên chỉ ngồi cách đó có mấy bước chân mà thôi.
Một đứa bé chừng dăm, sáu tuổi lon ton theo mẹ đi cửa hàng, lúc quay trở ra nó cứ nắm lấy tay mẹ mà nằng nặc đòi mua bánh đa. Mẹ nó định không mua, thế là nó khóc thét lên mà nhất quyết không chịu về. Dỗ mãi không được, bà mẹ đành phải chiều con:
- Bà bán cho chiếc bánh đa!
Bà Lan chậm rãi lấy từ trong mẹt ra một tấm bánh rồi bắt đầu hơ lên than để quạt. Chiếc bánh đa với những hạt vừng li ti bám trên đó, lấm tấm không biết cơ man nào mà đếm xuể. Rồi trong khi tay trái vẫn hơ bánh lên lò than, tay phải bà lại phe phẩy chiếc quạt nan một cách uyển chuyển như đang làm xiếc vậy. Mùi bánh đa thơm thơm dậy lên, không ngừng khêu gợi khứu giác của những người xung quanh. Lúc này chiếc bánh như được phù phép, cứ thế nó nở to dần ra, người thính tai thì có thể nghe được cả âm thanh lạo xạo phát ra từ đó. Cái màu đen thẫm ban đầu giờ đây đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một màu trắng xốp diệu kỳ, những hạt vừng màu đen cũng dần lộ ra, nổi bật trên cái nền trắng phau của bột gạo ấy.
- Bánh của chị đây! – Bà Lan vui vẻ đưa chiếc bánh vừa quạt còn nóng hổi cho khách.
- Bao nhiêu tiền vậy bà?
- Chị cho xin hai ngàn!
Đứa bé liền nín khóc, nó thích thú cầm cái bánh đa trong bàn tay nhỏ xíu, rồi hớn hở quấn theo chân mẹ để theo về.
o0o
Bánh đa vừa rẻ lại vừa ngon, vì thế mà lũ trẻ chúng tôi vẫn thường thích mua để ăn vặt. Bánh giòn, khi bẻ thì kêu răng rắc, khiến cho cái lỗ tai nghe cũng thích thú chẳng kém gì lúc ăn. Bẻ từng miếng bánh đa nhỏ cho vào miệng, ăn vừa giòn vừa thơm. Cái vị thơm của gạo và bùi ngậy của vừng hòa quyện với nhau, ngon đến khó tả. Đến nổi chúng tôi còn cao hứng mà làm hẳn một bài đồng dao, để rồi thi thoảng lại vừa nắm tay nhau nhảy loăng quăng vừa hát:
Hai ngàn một chiếc bánh đa
Vừa thơm vừa dẻo tiền bà trao tay
Than hồng đã sẵn rồi đây
Tay phe phẩy quạt mang ngay về nhà
Mỗi khi được người lớn cho tiền, thế nào chúng tôi cũng rủ nhau ra mua bánh đa của bà Lan bằng được mới thôi. Phải nói là những chiếc bánh đa có một ma lực nào đó hút hồn bọn trẻ chúng tôi đến lạ kỳ. Bất kể nắng mưa hay mùa đông giá rét, bà Lan vẫn ngồi bán hàng nơi mái hiên nhà mậu dịch. Lắm khi trời mưa tầm tả, chúng tôi vẫn thấy bà ngồi đó, cái dáng lom khom, gầy gò thấp thoáng sau màn mưa. Những lúc như vậy thường không có khách, bà ngồi thu lu một mình bên gánh hàng rồi nhìn ra ngoài trời mưa, đôi mắt thoáng buồn man mác, xa xăm. Năm thì mười họa, mới thấy bà Lan nghỉ bán hàng một buổi. Chẳng cần phải hỏi, người ta cũng biết ngay là bà đang có việc, hoặc chỉ vì bị mệt nên không đi được mà thôi.
Tôi hay mua bánh của bà Lan, vì vậy mà bà đã quen mặt. Mỗi khi thấy tôi xuất hiện, bà lại mỉm cười hiền hậu như là một lời chào đầy thân mật và ý nhị.
Một lần tôi ngây thơ hỏi bà:
- Bà ơi! Suốt ngày ngồi ngoài đường thế này mà bà không thấy mệt hả bà?
Đôi mắt mờ đục của bà nhìn tôi âu yếm, rồi cất giọng nhẹ nhàng:
- Cũng mệt nhưng bà thấy vui. Bà ngồi đây, nhìn người xe qua lại đã quen. Như vậy có nghĩa là cuộc sống vẫn đang vận động cháu ạ. Nếu nghỉ ở nhà thì bà chẳng biết làm gì, buồn lắm!
Hồi đó quán hàng còn ít, cả xóm chỉ có vài cái quán bán hàng vặt với những thức đơn giản như kẹo lạc, kẹo vừng, vài gói bánh quy cùng với bao thuốc lá. Cho nên hàng bánh đa của bà Lan cũng được người ta nhớ đến nhiều lắm, nhất là lũ trẻ như chúng tôi. Nhà ai có công buổi gì cũng hay ra mua bánh của bà, đơn giản vì bánh đa ăn kèm được với nhiều thứ, lại là một thức dùng để nhắm rượu rất tiện.
Bà Lan vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến đây và không có chồng con gì cả. Dáng người bà mảnh dẻ, mái tóc bạc trắng với hàm răng đen đều đặn, lấp lánh như hạt na. Thường thì bà vẫn vừa ngồi bán hàng vừa nhai trầu bỏm bẻm, như là một cái thú vui thường trực của người già. Tính bà hiền, ít nói, chứ không liến thoắng như nhiều người bán hàng khác vẫn thường thấy. Dường như quê bà Lan ở tận ngoài bắc thì phải. Khi chúng tôi lớn lên thì đã thấy bà ngồi bán bánh đa chỗ này, chẳng biết là bà vào đây từ khi nào và vì lý do gì nữa. Xóm tôi lúc ấy có nhiều người ở nơi khác đến sinh sống và lập nghiệp lắm. Người ngoài bắc có, người trong tỉnh cũng có, tất cả đều ở ngoài mặt đường quan hoặc gần chợ mà ít khi thấy họ vào ở sâu trong làng. Thi thoảng người ta lại nghe bà Lan nói tiếng bắc, đối với chúng tôi thì cái giọng đó nghe có vẻ ngồ ngộ, vì nó giống với lời đối thoại của những nhân vật trong các bộ phim mà mình vẫn thường hay được xem trên màn ảnh rộng. Ngoài những điều đó ra, chúng tôi không hề được biết gì hơn về bà cả.
Lũ trẻ chúng tôi đi học về, mỗi khi nhìn thấy có tấm áp phích bằng giấy màu dán ở ngã tư là biết ngay có đoàn chiếu phim sắp đến. Từ đằng xa mấy đứa đã mừng hú, hò nhau ba chân bốn cẳng chạy thẳng một mạch tới để xem. Hàng chữ đầu tiên mà chúng tôi để ý là địa điểm, rồi sau đó mới đến tên phim là gì. Thường thì người ta vẫn hay đề luôn thể loại phim ở cuối tờ quảng cáo, chẳng hạn như phim tâm lý tình cảm, phim chiến đấu, phim thần thoại…; lũ trẻ vẫn khoái nhất là phim truyện chiến đấu, bởi nó hợp với tâm lý hiếu động của lứa tuổi. Hôm nào mà có phim màu nữa thì lại càng thích, vì hồi những năm 1980 ở ta còn ít phim màu lắm, chủ yếu là phim đen trắng thông dụng.
Những hôm có chiếu phim, chúng tôi ăn cơm từ sớm rồi háo hức rủ nhau đi xem. Lũ con nít thấp người, cho nên phải đi sớm một chút để ngồi hàng phía trước thì mới nhìn thấy rõ màn ảnh. Trước khi vào bãi, tôi và đứa bạn thân trong xóm thường ghé hàng bà Lan để mua bánh đa. Rồi chúng tôi bẻ bánh thành những miếng nhỏ cho vào túi áo, để lúc vào bãi ngồi xem phim thì lấy ra ăn cho tiện.
Chỗ cổng ra vào bãi chiếu phim, người ta lấy tre nứa rào chặn hai bên, chỉ còn để chừa một lối hẹp cho khách đi ở giữa. Tại đây, có hai người soát vé đứng đợi sẵn, nét mặt lừ lừ nom đến phát sợ. Cách đó chừng dăm mét, một cô bán vé ngồi dưới cái bóng đèn điện sáng trưng, nom thờ ơ, uể oải. Lũ nhỏ chúng tôi được vào bãi, còn cánh thanh niên và người lớn thì phải mua vé. Khách mua vé xong rồi thì từ từ mà đi vào phía trong. Sau khi nhận vé từ tay khách, người soát vé lập tức xé ngay. Những mảnh giấy cứ thế lả tả rơi xuống, một lúc đã trắng xóa đưới mặt đất.
Bên trong bãi, chiếc máy nổ cũ kĩ chạy phành phạch, nghe đinh tai nhức óc. Trên hai chiếc cột lớn bằng nứa, người ta mắc một chiếc phông lớn màu trắng có viền đen. Áng chừng khoảng giữa của chiếc phông ấy, một chiếc loa công suất lớn được cột chặt vào thân cây nứa, hướng quay về phía khán giả. Phim được đựng trong những cái hộp bằng sắt hình tròn có đường kính độ vài gang tay. Mỗi hộp như vậy là một tập được đánh dấu theo số. Chúng tôi có kinh ngiệm, cho nên chỉ cần nhìn vào số hộp là biết được ngay phim có độ dài hay ngắn. Tiếng trò chuyện lúc này rộ lên huyên náo khắp bãi. Người ta lớn tiếng gọi nhau để tìm chỗ ngồi, để đưa cho nhau một chiếc ghế nhỏ. Thế rồi chiếc máy chiếu phim bắt đầu chạy rè rè, bóng đèn điện vụt tắt, những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên màn hình. Tiếng ồn ào lắng dần, người ta cùng hướng ánh mắt về phía chiếc phông để chăm chú theo dõi bộ phim. Nội dung phim hấp dẫn khiến cho người xem bị cuốn hút. Thế rồi người ta lại ồn ào, lại bàn tán. Trong khi mọi thứ đang hào hứng như thế, bổng dưng âm thanh và màn hình phụt tắt. Mọi người ngơ ngác một lúc rồi chợt hiểu: Đứt phim. Vậy là cả bãi lại phải chờ cho đến khi người ta nối xong phim thì mới được xem tiếp những hình ảnh nhì nhằng, chắp vá. Ít khi có một buổi chiếu phim nào diễn ra yên lành, trọn vẹn. Mà thường lúc thì đứt phim, khi lại hỏng máy chiếu, máy nổ.
Tối nay chúng tôi xem một bộ phim thần thoại, vì vậy mà không thấy gì hấp dẫn cho lắm. Trong lúc chờ đến tập phim tiếp theo, đứa bạn lắc đầu chán chường mà quay sang nói với tôi:
- Phim bữa nay chán quá! Chẳng có đánh nhau gì cả…
Rồi cả hai đứa lại thò tay vào túi, lấy những mẫu bánh đa ra nhai rau ráu để mà giết thời gian.
o0o
Thế rồi dạo này bà Lan bánh Đa đột nhiên thay đổi địa điểm bán hàng. Người ta không cho bà ngồi bán ở chỗ cửa hàng mậu dịch nữa, lý do là vì sợ bà làm vướng chân khách khứa. Chỗ mới này cũng ở trong xóm, nhưng cách ngã tư chừng vài trăm mét. Một người quen thương tình, cho bà mượn bãi đất trống phía trước nhà mình để bà có chỗ ngồi bán bánh. Ở đây tuy không đô hội như chỗ ngã tư, nhưng bù lại rộng rãi và thoáng mát hơn nhiều. Bà Lan thuê người lợp một cái chái bằng tranh để mưa gió khỏi hắt vào, lại còn kê thêm vài bộ bàn ghế con con cho khách ngồi nữa. Có diện tích rộng, bà đặt hẳn một cái chõng tre đằng trước, rồi tha hồ bày la liệt những bánh đa lên đó. Quán có mái che nhưng xung quanh lại là không gian rộng mở để đón gió trời. Thoạt nhìn qua, quán bánh đa của bà trông chẳng khác nào một cái tửu điếm dân dã ngoài trời vậy.
Bữa ấy được chị gái sai đi mua bánh đa, tôi cầm tiền rồi lại thủng thẳng đi đến chỗ quán bà Lan. Lúc đến nơi, đã thấy có mấy đứa con nít nữa cũng đang xúm xít ngồi chờ đến lượt mình. Lại có cả ông lão Quang trong xóm đang ngồi uống rượu một mình chỗ chiếc bàn được kê gần đó. Trên bàn có chai rượu trắng đã vơi quá nữa, cùng chiếc bánh đa bẻ dở với những mảnh vỡ rơi tung tóe xung quanh. Ông lão mặc một bộ quần áo lao động đã rách thủng lỗ chỗ, hai ống tay áo thì xắn cao lên đến khuỷu tay, để lộ làn da nhăn nheo, đen sạm.
- Mùa màng năm nay kém lắm bà ạ. Sâu bệnh dữ quá. Lại sợ mất mùa như năm ngoái mất thôi! – Ông nói, mặt đã tím tái vì men rượu, nom lại càng có vẻ khắc khổ hơn.
- Vậy hả ông? Thế thì tội cho bà con quá! – Bà Lan chép miệng cảm thông, trong khi tay vẫn quạt bánh đều đều.
Khác với ông lão, bữa nay bà Lan diện một cái áo kiểu bà ba màu xanh lơ, nom thanh nhã và tươm tất lắm.
- Mất mùa, lúa cũng mất giá. Nói vô phép, không có con cái gì như bà mà lại hay. Nhà tôi có tám miệng ăn, thời buổi này miệng làm hàm nhai đã khó, lấy gì mà nuôi thêm lũ con nheo nhóc nữa hở trời? – Ông lão thở dài đánh thượt, tiếng than nghe đến là não nề.
- Thế ông có định kiếm thêm việc gì làm để nuôi các cháu không?
Vẻ mặt lão Quang nhăn nhúm lại vì đau khổ:
- Nhà nước người ta cấm buôn bán, lại còn ngăn sông cấm chợ nữa. Như vậy thì mình còn biết làm gì được đây hả bà? Dễ mà nhìn nhau chết đói mất thôi!
Lão lại vớ lấy chai rượu, rót đầy chén mà cầm lên tu một hơi cạn ráo. Mùi rượu thơm thơm, cay nồng xộc thẳng lên mũi. Rồi lão bẻ một miếng bánh đa, bỏ vào miệng mà nhai rau ráu như muốn quên đi tất cả sự đời.
- Chẳng dấu gì ông. Gia đình chúng tôi ngoài đó cũng đông con lắm. Tôi là con thứ hai trong gia đình, ngoài ra còn năm người em nữa. Nhà nghèo, lại gặp chiến tranh loạn lạc cho nên sơ tán mỗi người một nơi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, thân phận con người lúc này chẳng khác chi một cánh bèo trôi ông ạ! Vừa rồi gia đình mới nhận được tin đứa em út sinh sống trên Thái Nguyên, nó lấy vợ rồi sinh con ở đó – Bà Lan thong thả kể, nét mặt buồn buồn, dường như bà đang xúc động lắm thì phải.
Ngừng một lát để đưa bánh cho khách, đoạn bà lấy hai ngón tay quệt quệt đám nước trầu còn vương trên mép mà kể tiếp:
- Nghe đâu nó làm nghề mộc để mưu sinh, cuộc sống cũng tạm ổn. Nam Định quê tôi vốn có nghề mộc nổi tiếng mà ông. Đàn ông con trai, gần như ai cũng biết làm mộc cả. Thế mà thành ra lại hay. Gặp lúc tha phương cầu thực, có cái nghề làm vốn để nuôi thân.
“À! thì ra bà Lan quê Nam Định” – Tôi tự nhủ, như là mình vừa phát hiện ra một điều gì đó mới mẻ và thú vị lắm vậy.
Chẳng hề để ý là ông lão có nghe mình nói hay không, giọng bà Lan vẫn cứ đều đều tiếp diễn:
- Năm ngoái cả gia đình tôi đoàn tụ, nhưng vẫn còn hai người nữa hiện chưa biết ở đâu, sống chết thế nào…
- Sao gia đình bà không đăng tin tìm kiếm người thân trên đài ấy? – Lão Quang bẻ một miếng bánh đa, rồi quay sang sốt sắng hỏi.
- Cũng đã đăng rồi. Nhưng vẫn chưa có kết quả gì ông ạ! Coi như là mất tích!...
Dường như bị câu chuyện của bà Lan làm cho cảm động, lão Quang lại nâng chén rượu mà uống cạn một hơi. Lần này có vẻ như lão đã hơi ngà ngà say thì phải.
- Bữa nay ông đã uống nhiều rồi. Thôi đứng uống nữa! Cố gắng giữ sức khỏe để còn lo cho các cháu – Bà Lan nhìn lão khuyên giải, giọng đầy thương cảm.
Mấy đứa kia đã mua được bánh mang về, chỉ còn lại một mình ông lão Quang ngồi gật gù với be rượu sắp cạn trong tay.
- Bà cho thêm cái bánh nữa về cho lũ trẻ!
Lão Quang cầm cái bánh từ tay bà Lan, rồi lấy tờ tiền nhàu nát từ trong túi áo ra trả. Đoạn lão cầm lấy chai rượu, đứng lên mà xiêu vẹo đi về nhà.
- Bánh của cháu cũng được rồi đây! – Bà Lan nói nhẹ nhàng, rồi chậm rãi đưa bánh cho tôi.
Bẵng đi một thời gian, nghe người ta nói là dạo này bà Lan ốm nặng lắm, đến nỗi không còn đi lại được. Thế rồi ít ngày sau đó thì bà mất. Lúc ấy, xung quanh bà chẳng có con cái hay người thân gì cả, chỉ có mấy người vì thương cảm mà đến để thăm hỏi, động viên mà thôi. Từ đó, chẳng ai còn được nhìn thấy cái dáng lom khom quạt bánh đa của bà Lan hàng ngày nữa. Cả những câu đồng dao mà chúng tôi đặt cho hàng bánh của bà, giờ đây cũng không đứa nào hát. Ngôi hàng bánh trở nên lạnh lẽo, nay cứ vô tình để mặc cho tháng ngày ngược xuôi và những cơn gió lạnh lùa qua.
Minh Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét