Từ thảm nạn Essex: Công quyền Anh và công quyền Việt khác nhau - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Từ thảm nạn Essex: Công quyền Anh và công quyền Việt khác nhau


Tim Smith – một trong những sĩ quan cảnh sát phụ trách cuộc điều tra về thảm nạn Essex – vừa thay mặt cảnh sát Anh, khẳng định: Ưu tiên hàng đầu của cảnh sát Anh là điều tra kỹ lưỡng về tội ác khiến các nạn nhân thiệt mạng, nhằm bảo vệ danh dự của những người đã khuất và hỗ trợ gia đình, thân nhân của họ (1).

Thủ tướng Anh đặt hoa viếng tại Thurrock, phía Đông London, ngày 28 tháng 10.

Từ khi thảm nạn Essex được phơi bày, người Việt đã vài lần nghe các viên chức Anh, từ Thủ tướng trở xuống, đề cập đến việc phải tôn trọng nhân phẩm của các nạn nhân, phải kính trọng nỗi đau mà thân nhân của họ đang gánh chịu. Cảnh sát Anh hết sức dè dặt trong việc công bố danh tính và những chi tiết liên quan đến nạn nhân…

Bởi quan niệm của hệ thống công quyền Anh khác xa hệ thống công quyền Việt Nam, cách hành xử của cảnh sát Anh khác xa cách hành xử của công an Việt Nam nên ông Nguyễn Xuân Phúc mới… hố khi tuyên bố: Chiều ngày 5 hoặc sáng ngày 6, Đoàn công tác Việt Nam phối hợp phía Anh sẽ công bố danh tính các nạn nhân (2).

Sau tuyên bố này, VOA đã liên lạc với cảnh sát Anh để phối kiểm. Thông cáo báo chí do cảnh sát Anh phổ biến có nội dung “danh tính của các nạn nhân hiện vẫn chưa được xác định”. Điều này biến ông Thủ Tướng Việt Nam thành kẻ… tung tin đồn nhảm!

Thảm nạn Essex phơi bày nhiều vấn đề cho thấy, so với thiên hạ, nhận thức và cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam là một chuỗi… nhảm nhí!

***

Nửa tháng sau khi thảm nạn Essex được phơi bày (23 tháng 10), bất kể cộng đồng quốc tế vẫn còn choáng váng vì hậu quả thảm khốc do tệ nạn buôn người gây ra, hôm 4 tháng 11, ông Nguyễn Hữu Cầu (Thiếu tướng, Giám đốc Công an Nghệ An), vẫn khẳng định: Không có buôn người, các nạn nhân nộp tiền ra nước ngoài… làm ăn (3)!

Chẳng phải ông Cầu, nhiều viên chức hữu trách của Việt Nam chia sẻ quan niệm: Không ai bỏ ra hàng tỉ để người ta buôn mình cả! Trong mắt thiên hạ, đó là một suy nghĩ… nhảm nhí. Cho dù trước nay, nhiều triệu người đã cũng như đang trả tiền để được đưa vào quốc gia nào đó bất hợp pháp nhưng thiên hạ luôn xem họ là nạn nhân của buôn người!

Trong mắt thiên hạ, “mưu cầu hạnh phúc” là một trong những quyền tối thượng. Thành ra khai thác khát vọng được ăn no, mặc ấm, sống ổn định, có cơ hội thăng tiến đúng với phẩm giá con người, bằng cách sử dụng những phương thức bất hợp pháp, biến con người thành hàng hóa, vận chuyển họ đến nơi họ ao ước để trục lợi sẽ bị thiên hạ xem là… buôn người!

Do ông Cầu và các đồng chí của ông không xem “mưu cầu hạnh phúc” là quyền tối thượng của đồng bào, làm cho đồng bào cảm thấy hạnh phúc trên xứ sở của mình là nghĩa vụ mà các ông cần phải chu toàn, nên chuyện tìm đủ mọi cách, từ hợp pháp đến bất hợp pháp để được… ra nước ngoài làm thuê, được cư trú ở bên ngoài Việt Nam, mới được xem như và thật sự đã trở thành sinh lộ cho nhiều cá nhân và gia đình ở Việt Nam! Đó cũng là lý do, từ thập niên 2000 đến nay, trong mắt nhiều tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về tệ nạn buôn người! Còn trong mắt ông Cầu và các đồng chí của ông, đó là những nhận định… nhảm nhí!

Với thiên hạ, sử dụng “giấy phép xuất khẩu lao động” để làm giàu nhanh bằng “phí xuất khẩu lao động”, khiến nhiều người phải vay – trả lãi cao, phải thế chấp nhà cửa, ruộng vườn để có sinh lộ bên ngoài Việt Nam, rồi bất chấp “phí xuất khẩu lao động” vừa đẩy người Việt vào những môi trường làm việc hết sức khắc nghiệt bên ngoài Việt Nam, vừa khống chế họ thoát ra (giữ hộ chiếu, giấy phép làm việc,…), tiếp tục thu thêm những khoản gọi là “phí quản lý”, nặng nề tới mức ép nhiều người Việt ra nước ngoài làm thuê phải bỏ trốn, trở thành cư trú bất hợp pháp trên xứ người,… tuy hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam nhưng là tội ác trong cách nhìn nhận, đánh giá của thiên hạ!

Cho đến nay, Việt Nam vẫn khăng khăng, “bảo vệ, thăng tiến nhân quyền” tại Việt Nam có “đặc điểm riêng” so với phần còn lại của thế giới, thay vì cải tổ chính trị, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội tới mức người Việt tự thấy không cần phải tìm đường ra nước ngoài làm thuê thì “xuất khẩu lao động” được xác định là “nhiệm vụ chính trị”!

Quan niệm “buôn người” của thiên hạ là… nhảm nhí nên ai đó mà người Việt chưa biết và có thể sẽ chẳng bao giờ biết là ai hoặc những ai mới dám biến chuyến thăm Nam Hàn của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thành cơ hội kiếm tiền, biến “chuyên cơ” thành phương tiện vận chuyển, thực hiện kế hoạch giúp chín người Việt có thể nhập cảnh, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Nam Hàn chỉ là chuyện… đáng tiếc, chỉ cần không cho “quá giang” nữa là… xong!

***

Trở lại chuyện Thủ tướng Việt Nam bị… hố khi tuyên bố về thời điểm công bố danh tính các nạn nhân trong thảm nạn Essex. Ông Phúc hố vì dựa vào thông tin từ “Đoàn công tác” mà chính phủ Việt Nam cử qua Anh để phối hợp với Anh điều tra - giải quyết thảm nạn Essex. “Đoàn công tác” hố vì nhận thức và hành xử theo kiểu… Việt Nam!

Tại Việt Nam, do “nhân quyền” có “đặc điểm riêng” nên nhận thức, cách hành xử đối với những vấn đề liên quan đến danh dự, phẩm giá con người, kể cả nạn nhân của các tai nạn, thảm nạn hoàn toàn khác với thiên hạ. Trước nay, giới hữu trách tại Việt Nam vẫn xem việc loan báo ngay lập tức, rộng rãi, từ danh tính tới lai lịch người tử nạn là chuyện tất nhiên vì đó là bằng chứng, chứng minh… khả năng quản lý, ứng phó của hệ thống công quyền nói chung và lực lượng bảo vệ pháp luật nói riêng.

Thiên hạ thì khác. Với thiên hạ, hệ thống công quyền nói chung và lực lượng bảo vệ pháp luật nói riêng chỉ được phép công bố danh tính nạn nhân sau khi đã báo tin cho thân nhân của họ đủ 24 giờ. Bất kể tính chất của tai nan, thảm nạn, thân nhân của nạn nhân có quyền yêu cầu hệ thống công quyền nói chung và lực lượng bảo vệ pháp luật nói riêng giới hạn phạm vi tiết lộ thông tin để bảo vệ quyền riêng tư của cả người đã khuất lẫn người còn sống.

Do không có những “đặc điểm riêng” như Việt Nam, thiên hạ còn đặt định những giải pháp hết sức cụ thể vừa để thể hiện sự tôn kính với người đã khuất, vừa bảo đảm yêu cầu tôn trọng danh dự, phẩm giá của cả người đã khuất lẫn người còn sống. Ví dụ, nhân viên y tế, viên chức bảo vệ pháp luật,… phải được huấn luyện từ thái độ, đến cách nói,… khi đảm nhận vai trò thông báo tin dữ cho thân nhân nạn nhân. Có thể tham khảo thêm về vấn đề này tại mục “Death Notification” trên Wikipedia (4).
Cũng vì không có những “đặc điểm riêng” như Việt Nam về “bảo vệ, thăng tiến nhân quyền”, tuy 39 nạn nhân trong thảm nạn Essex tử nạn vì tìm cách xâm nhập Anh Quốc bất hợp pháp, dân Anh mà đại diện là Thủ tướng Anh không xem họ là những người phải trả giá cho việc… nộp tiền ra nước ngoài làm ăn như ông Cầu và các đồng chí của ông. Dân Anh mà đại diện là Thủ tướng Anh chỉ bày tỏ sự xót xa khi 39 nạn nhân này thảm tử chỉ vì hi vọng có được một cuộc sống tốt đẹp (5)!

Thảm nạn Essex xảy ra trên lãnh thổ Anh, thẩm quyền điều tra những gì đã xảy ra, liên quan đến những ai đang hiện diện tại Anh, trong đó có cả việc xác định danh tính của các nạn nhân tất nhiên thuộc về hệ thống thực thi, bảo vệ pháp luật của Anh. Sự phối hợp giữa Anh và Việt Nam chắc chắn chỉ là chia sẻ thông tin để mở rộng hoạt động điều tra trong phạm vi lãnh thổ của mình nhằm xác định sự thật. Nói cách khác, công tác chính của “Đoàn công tác” mà chính phủ Việt Nam cử sang Anh là… chờ thông tin chính thức từ phía Anh để chính phủ Việt Nam loan báo - chứng minh có quan tâm đến việc “bảo hộ công dân”.

Sau khi thu thập được một số thông tin có thể sử dụng vào việc phục vụ cho công tác chứng tỏ sự quan tâm đến việc “bảo hộ công dân”, do quen với lối nhận thức, cách hành xử đối với con người kiểu… Việt Nam, “Đoàn công tác” vội vã báo tin về… nhà và đẩy Thủ tướng Việt Nam đến chỗ trở thành kẻ… tung tin đồn nhảm.

Từ khi có tin một số hoặc có thể là toàn bộ nạn nhân trong thảm nạn Essex là người Việt, “bảo hộ công dân” trở thành cụm từ phổ biến trên môi, miệng của nhiều viên chức hữu trách ở Việt Nam. Muốn biết “bảo hộ công dân” là thật hay do… hoàn cảnh, hãy vào trang “Tôi và Sứ quán” trên facebook, xem những công dân Việt Nam cư trú, học hành, làm việc trên xứ người đang rên siết ra sao khi vẫn bị các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hành hạ, dùng đủ mọi cách để ép phải ói ra tiền nếu muốn đổi hộ chiếu, hay có một số loại giấy tờ như khai sinh, hôn thú,… (6).

Bao giờ thì “đảng ta” suy nghĩ, hành xử như phần còn lại của loài người, thôi xem những điều thiên hạ cho rằng cần nghiêm túc là… nhảm nhí và thôi đòi bảo lưu, khăng khăng duy trì những “đặc điểm riêng” theo kiểu Việt Nam trong “bảo vệ, thăng tiến nhân quyền”, tự biến mình thành nhảm nhí trong mắt thiên hạ?

Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad