Trùng hợp thời gian nổ ra vụ biểu tình “chiếm Formosa” của hàng chục ngàn giáo dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, và như để làm loãng sự kiện quá an nguy này, chính phủ Việt Nam bất ngờ tung ra thông tin “Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn sang châu Âu”, đồng thời khẳng định “không có sự bao che, dung túng cho Trịnh Xuân Thanh”.
Những thông tin trên đang gây ra nghi ngờ rất lớn về tính căn cứ của nó. Đặc biệt, cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ tin tức nào cho thấy tổ chức Interpol quốc tế đã đăng tải thông tin về “truy nã Trịnh Xuân Thanh” như Bộ Công an Việt Nam yêu cầu.
Không những thế, sau khi xuất hiện tin đồn Trịnh Xuân Thanh đã trốn sang Đức, Đại sứ quán Đức đột nhiên tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 28/9/2016 tại Hà Nội và gián tiếp làm cho công luận hiểu là chính quyền Việt Nam đang thất bại ra sao: Phó Đại sứ Wolfang Manig cho biết Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết cho biết ông Thanh đang ở đâu. Mà khi chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì vấn đề về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra.
Chắc hẳn câu trả lời của phía Đức đã khiến giới quan chức đảng, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, tràn trề thất vọng. Có thể hiểu câu trả lời đó có hai ý: thứ nhất, không khẳng định sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và do đó có thể hiểu ông Thanh đang có thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả… Việt Nam; thứ hai, không hứa hẹn bất cứ một động tác hỗ trợ tư pháp nào để giúp chính quyền Việt Nam tìm ra, hoặc nếu tìm được thì sẽ dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Câu trả lời của phía Đức như thể vụ Trịnh Xuân Thanh là… chuyện nội bộ triều đình Việt Nam.
Mà chuyện nội bộ triều đình Việt Nam thì lại vô cùng phức tạp. Trong khi Chính phủ khẳng định không có bao che, dung túng cho Trịnh Xuân Thanh tẩu thoát, thì rất nhiều cán bộ lão thành và quan chức lại đòi hỏi đảng phải phanh phui cho được những ai đã giúp cho Thanh bỏ trốn, đặc biệt chĩa mũi dùi vào khối “công an Việt Nam giỏi nhất thế giới”.
Cách đây không lâu, khi hùng hổ (hoặc miễn cưỡng) phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an CSVN còn cho rằng cho dù không có hiệp định dẫn độ, thì những quy định về tương trợ tư pháp quốc tế cũng có thể giúp Việt Nam nhận được Trịnh Xuân Thanh từ bàn tay Interpol, hoặc cảnh sát một quốc gia nào đó. Một quan chức công an còn tự tin khẳng định với báo chí là Interpol có “kênh riêng” để bắt Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng cho tới giờ, thực tế sống sượng là chẳng có bất kỳ tin tức nào về sự tồn tại của Trịnh Xuân Thanh trên thế giới, ngoài tin lan truyền trên mạng xã hội về Trịnh Xuân Thanh đang đánh bài ở… “quốc đảo Phú Quốc của Nguyễn Thanh Nghị”.
© Lê Dung
(PCD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét