Tại phiên tiền xét xử những quan chức công ty có dính líu đến vụ bê bối tiền polymer ở Việt Nam, đang diễn ra tại tòa án ở thành phố Melbourne, Úc, một số thông tin mới về ông Lương Ngọc Anh đã được tiết lộ.
Bằng chứng nổi bật
Vụ 8 lãnh đạo công ty Securency và NPA thuộc ngân hàng dự trữ liên bang Úc đưa hối lộ cho các quan chức Việt Nam để nhận được hợp đồng in tiền polymer cho Việt Nam hồi đầu những năm 2000 đã có những tình tiết mới được tiết lộ tại phiên tiền xét xử đang diễn ra ở thành phố Melbourne. Một trong các tình tiết khiến nhiều người quan tâm chính là mối quan hệ giữa đại tá an ninh Lương Ngọc Anh với cảnh sát Victoria, Úc. Ông Lương Ngọc Anh, chính là giám đốc công ty CFTD, công ty bị báo chí Úc cáo buộc là trung gian đưa hối lộ giữa Securency với các quan chức Việt Nam.
Theo thông tin được đưa ra tại tòa, cảnh sát Victoria đã thuê ông Lương Ngọc Anh làm trung gian để bán các máy móc thử nghiệm DNA, lấy dấu tay cho cảnh sát Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2002.
Nhà báo Maris Beck của tờ The Age, tờ báo phanh phui vụ bê bối của Securency với các quan chức Việt Nam, cho chúng tôi biết về tình tiết mới tại phiên tòa như sau:
Bằng chứng nổi bật nhất có lẽ là những tài liệu ghi cụ thể những khoản thanh toán trong hợp đồng của cảnh sát Victoria với công ty CFTD của Lương Ngọc Anh. |
Trong bài viết của mình đăng trên tờ The Age vào hôm 11 tháng 11, nhà báo Maris Beck viết rằng các khoản tiền trả cho công ty CFTD của Lương Ngọc Anh cho thấy có trị giá hơn 50% giá trị hợp đồng bán máy của cảnh sát Victoria.
Điều đáng chú ý là ông Lương Ngọc Anh cũng bị cáo buộc là đã nhận 15 triệu đô la tiền hoa hồng môi giới cho hợp đồng in tiền polymer tại Việt Nam. Cảnh sát điều tra Liên bang Úc nói với tòa án vào tháng trước rằng công ty CFTD là cánh tay của chính phủ và những khoản tiền môi giới trả cho Lương Ngọc Anh để có hợp đồng in tiên chính là những khoản tiền tham nhũng. Nhà báo Nick Mckenzie, một trong các phóng viên điều tra vụ bê bối của Securency trên tờ The Age cho chúng tôi biết:
Đại tá công an Lương Ngọc Anh, ảnh chụp trước đây. File photo.. |
Các phóng viên The Age đã chỉ đích danh nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Lê Đức Thúy là người nhận một phần hối lộ trong khoản tiền này để cho con trai sang học tại Anh.
Tháng 8 năm nay, báo The Age còn nói đến tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ án này. Phóng viên Nick McKenzie nói với chúng tôi sau khi bài báo được công bố như sau:
“Những gì mà các nhà ngoại giao Úc và tình báo Úc tìm được là đại tá Lương Ngọc Anh có quan hệ rất gần gũi với thủ tướng Việt Nam. Một cựu quan chức cấp cao của Úc nói với chúng tôi là ông Lương Ngọc Anh được chính phủ Úc coi như người giữ túi tiền cho thủ tướng. Ông ta lấy tiền thay mặt cho những người gần gũi với thủ tướng. Đó là những gì mà các cơ quan chức năng Úc tin và do đó chúng tôi viết về điều này trên bài báo.”
Mối quan hệ đáng ngờ?
Vậy tại sao trong phiên tiền xét xử này, các luật sư bào chữa cho 8 cựu quan chức của Securency và NPA, đã đưa ra các bằng chứng về mối liên hệ giữa Lương Ngọc Anh và cảnh sát Victoria? Hai vụ việc mới nghe dường như có vẻ không có bất cứ mối liên hệ nào. Phóng viên Maris Bec giải thích:
Luật sư bào chữa hy vọng là bằng việc công bố những mối liên hệ giữa Lương Ngọc Anh với cảnh sát Victoria thì họ sẽ gây ra sự nghi ngờ về những người điều tra vụ tiền polymer. |
Hiện tại phiên tòa vẫn đang tiếp tục, nhưng theo phóng viên Maris Beck thì phần lớn các bằng chứng đã được trình bày trước tòa. Phóng viên này cũng không loại trừ khả năng tòa sẽ cần có ông Lương Ngọc Anh làm chứng trước tòa nếu cần thiết nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy những thủ tục này đã bắt đầu.
Theo luật của Úc, để phán xét những người này có tội hay không có tội, quan tòa của phiên tòa lần này sẽ phải dựa vào các bằng chứng được đưa ra, cân nhắc xem các bằng chứng này có đủ nặng hay không để trên cơ sở đó có thể đưa ra quyết định về phiên tòa chính thức tiếp theo, nơi bồi thẩm đoàn sẽ quyết định những người đó có tội hay không. Nhà báo Maris Beck cho biết nếu quan tòa quyết định có phiên tòa chính thức thì rất có thể phiên tòa xét xử sẽ được bắt đầu vào năm tới.
© Việt Hà, phóng viên RFA
----------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét