Bao giờ biển có thể sạch như trước? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Bao giờ biển có thể sạch như trước?


Bãi biển Phan Rang hôm 17/6/2015. 



Khi nào vùng biển tại khu vực 4 tỉnh miền trung Việt Nam bị hóa chất độc hại của công ty gang thép Formosa thải ra làm ô nhiễm sẽ trở lại sạch như xưa?

Đây là câu hỏi lớn tiếp tục được nêu ra dù rằng cơ quan chức năng Việt Nam vào ngày 22 tháng 8 vừa qua công bố nước biển vùng ô nhiễm nay cơ bản đã sạch.

Giới khoa học trả lời ra sao cho câu hỏi mà nhiều người, nhất là dân trong vùng chịu tác động, vẫn nêu ra hằng ngày kể từ khi thảm họa giáng xuống họ từ đầu tháng tư cho đến nay?

Chờ biển tự làm sạch

Thông tin về thảm họa môi trường bởi hóa chất độc mà Formosa thải ra biển gồm kim loại nặng, cyanur, phenol… kể từ đầu tháng tư vừa qua được truyền thông loan đi là gần 100 tấn cá, hải sản đủ loại tấp vào dải bờ biển hơn 200 kilomet thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên- Huế.

Ngư dân lặn xuống đáy biển thấy cơ man nào là hải sản chết cũng như san hô bị chết trắng.

Chính phủ Hà Nội giao nhiệm vụ cho Hội đồng Khoa học mà theo từ của Bộ Tài nguyên- Môi trường là huy động được một đội ngũ chuyên gia hùng hậu; rồi mời cả chuyên gia nước ngoài cùng tham dự để xem xét, phân tích mức độ, qui mô ô nhiễm.

Sau gần 5 tháng, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên- Môi trường thì nước biển tại 4 tỉnh nay cơ bản đã an toàn.

Kết luận được nêu ra trong báo cáo của Bộ Tài Nguyên- Môi trường nêu rõ ‘với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền, và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian’.

Giáo sư- tiến sĩ Trần Tứ Hiếu, khoa Hóa, Đại học Khoa học- Tự nhiên Hà Nội, đồng ý với giải thích cho rằng môi trường tự nhiên có cơ chế tự làm sạch như trong báo cáo của Bộ Tài nguyên- Môi trường; tuy nhiên ông nói rằng quá trình đó phải rất lâu mới có thể đạt được:

  Còn số lắng xuống trầm tích thì nằm ở đó chứ đi đâu và người ta cũng chỉ nói trong trầm tích chứ có nói trong nước đâu. Bây giờ nói xử lý biển thì khó lắm, lâu lắm!

- GSTS. Trần Tứ Hiếu
“(Hóa chất) trôi đi và sóng… pha loãng dần ra chứ nếu đứng im thì còn lâu. Nhờ được phân tán đi thôi chứ đâu có ai lọc hay làm gì mà biết được.

Trong điều kiện tự nhiên nó pha loãng dần thì người ta gọi là làm sạch tự nhiên; ngoài ra nay không thải thêm ra nữa. Do đó người ta nói là nước sạch có thể tắm và nuôi hải sản được chứ người ta không nói cá ăn được. Những con cá bị nhiễm rồi mà còn nằm trong con cá đó thì vẫn ở đó, cá không chết vì nhiễm lượng ít.

Còn số lắng xuống trầm tích thì nằm ở đó chứ đi đâu và người ta cũng chỉ nói trong trầm tích chứ có nói trong nước đâu.

Bây giờ nói xử lý biển thì khó lắm, lâu lắm!”

Cần sự can thiệp của con người

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, thuộc Viện Hải Dương Nha Trang, cũng đưa ra nhận định của bản thân qua những thông tin ghi nhận được trên truyền thông chính thức của Nhà nước và cho rằng ngoài qui trình tự làm sạch của thiên nhiên, cần phải có tác động của con người thì mới có thể dọn sạch ô nhiễm:

“ Cục An toàn Thực Phẩn vẫn nói hàm lượng những chất độc hại vẫn cao hơn mức cho phép. Qua mẫu cá do dân đánh bắt được về qua xét nghiện vẫn thấy cyanur, phenol vẫn cao. Ở một số nơi mức kim loại nặng vẫn cao hơn mức cho phép. Nên Cục An toàn Thực phẩm vẫn nói chưa đạt chuẩn an toàn về thực phẩm.

Hàm lượng mà những hải sản này nhiễm chưa đủ gây chết chúng nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Hải sản đánh bắt về không bán được và nhất là số mua đông lạnh nay không ai mua.

Tôi thấy tại những bãi ngang người dân vẫn chưa nuôi. Chuyện làm sạch môi trường cần phải theo dõi, kiểm soát, quan trắc thường xuyên xem mức độ biến động ra làm sao.”

Sự lên tiếng mạnh mẽ về môi trường của thủ tướng

Sau thảm họa môi trường do công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh, gây nên, chính phủ Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn khi lên tiếng tại những cuộc họp về môi trường.

Vào ngày 24 tháng 8, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng nay không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh môi trường và cuộc sống bình yên của người dân. Những đơn vị nào gây ô nhiễm môi trường cần bị đóng cửa.

Khi đến dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh ven biển khu vực nam Trung bộ là Ninh Thuận, ông này cũng lặp lại và phải tiến hành qui hoạch khu vực bờ biển cho đồng bộ, không để tình trạng băm nát, chia lô bán nền dọc bãi biển.

Tuy nhiên cũng tại Ninh Thuận, cơ quan chức năng Việt Nam mà cụ thể là một lãnh đạo vụ chuyên môn của Bộ Công Thương xác nhận dự án khu liên hợp luyện cán thép do Tập đoàn Tôn Hoa Sen đề xuất tại Cà Ná tỉnh Ninh Thuận đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Bộ này đang tiến hành bổ sung dự án vào qui hoạch và hoàn thiện trong tuần lễ qua.

Đây được nói là siêu dự án với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đô la Mỹ, công suất được nói là 16 triệu tấn/năm.

Thông tin còn cho biết thêm là khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná theo kế hoạch dự tính sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn cho đến năm 2025-2030.

Công nghệ được sử dụng là công nghệ lò cao mà vị chủ tịch Hiệp hội Thép hiện nay, ông Phạm Chí Cường cho rằng đối với dạng công nghệ này không chỉ phải kiểm soát xả thải ra môi trường giống như nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh mà còn liên quan đến khí thải, hiệu ứng nhà kính…

Đối với nhà máy Formosa Hà Tĩnh sau khi gây ra thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung như được nói đến lâu nay, vào ngày 28 tháng 6 vừa qua, phó giáo sư- tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, viện trưởng Viện Công nghệ- Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại hội nghị do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức rằng đã có một nhà máy luyện cốc được xây dựng và sắp tới một lò khác nữa sẽ ra đời.

Ông này cho rằng Formosa Hà Tĩnh mỗi ngày sản xuất khoảng 2 ngàn tấn cốc. Cứ mỗi tấn cốc sẽ phát ra chừng 0,6 tấn nước thải như thế cứ mỗi ngày nhà máy xả ra khoảng 1000- 1200 mét khối nước thải ô nhiễm. Nếu số nước thải này không được xử lý thì sẽ có một tấn phenol thải ra biển mỗi ngày.

Tuy nhiên phó giáo sư- tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên cho rằng gần đây hệ thống xử lý nước thải sinh hóa của nhà máy đã gần đạt chuẩn, nên chỉ còn xả ra hơn 1 kilogram phenol.

Tin tưởng của nhà khoa học

Phó giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ, phó viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, tỏ ra tin tưởng về sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong xả thải của những nhà máy như Formosa, bà n vcói:

“Do yếu tố về giám sát của Việt nam ngày càng chặt chẽ hơn tôi hy vọng nước biển ngày càng tốt hơn, chất lượng cũng tốt hơn.

Vấn đề này thực ra phải có tác động của rất nhiều yếu tố về con người, giám sát, về ý thức thải ra nước biển. Việc giám sát chất lượng nước theo tôi là nên làm và ngày càng phải có tần suất chặt chẽ hơn.

Viện chúng tôi cũng tham gia giám sát môi trường nước nói chung và cả môi trường không khí.”

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại bày tỏ sự lo lắng khi chưa thấy có biện pháp cụ thể nào được đưa ra, ngoài việc chờ cho biển tự làm sạch. Ông trình bày:

“Theo tôi bây giờ cần phải có những phương pháp làm giảm các chất độc đi vì chúng còn nằm đó thì khó lắm. Người ta nói đến việc tự làm sạch nhưng những chất như cyanur thì tự làm sạch bằng cách nào? Khó lắm.

Phải có tác động gì đó của con người chứ chúng lắng xuống dưới đáy rồi. Bộ Tài Nguyên- Môi trường nói ( chất độc) đã lắng xuống dưới đáy rồi, nằm ở đó. Hình ảnh cho thấy những lớp nhầy, huyền phù dưới đáy. Nếu có dòng chảy nào thật mạnh đưa chúng đi xa thì may ra; chứ tôi chưa thấy tác động nào của con người vào cả.

Người ta chỉ quan trắc và xem xét mức phát tán ra. Người ta cũng chờ đợi thôi chứ chưa thấy tác động nào của con người vào.

  Do yếu tố về giám sát của Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn tôi hy vọng nước biển ngày càng tốt hơn, chất lượng cũng tốt hơn.

- PSG TS. Nguyễn Thị Huệ
Tôi chưa hình dung ra con người phải tác động vào như thế nào; chưa biết công nghệ nào có thể giải quyết được chất độc lắng xuống dưới đáy.”

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại thì vấn đề là một bài toán nan giải khi mà cá, hải sản tích lũy độc chất với lượng nhỏ từ từ không đến mức làm cho chúng chết ngay.

Số này được bắt lên và đưa đến những nơi khác như ngay cả thủ đô Hà Nội, nơi mà giáo sư tiến sĩ Trần Tứ Hiếu thừa nhận vẫn có người tiêu thụ cá biển mà không biết rõ xuất xứ từ đâu.

Hầu hết những người dân tại vùng ô nhiễm như Vũng Áng, Hà Tĩnh thì cho biết dứt khoát họ không hề ăn cá đánh bắt gần bờ về. Dù những bộ Tài nguyên- Môi trường, Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn có thông báo gì họ cũng chưa thực sự tin tưởng. Theo họ nguồn xả thải đã thừa nhận hành vi thải chất độc ra biển là Formosa cần phải bị đóng cửa để dứt hẳn nguy cơ như hồi đầu tháng tư vừa qua.

Các nhà khoa học quan tâm thì tiếp tục thắc mắc tại sao số liệu phân tích từ những mẫu hải sản, nước biển, trầm tích thu được sau thảm họa môi trường đến nay vẫn không thể tiếp cận được để có thể đánh giá đúng tình hình xảy ra và góp ý những cách thức cần thiết.

Gia Minh
Theo RFA
Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tải xuống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad