Nguyễn Tường Thụy, dẩng viên của đảng ma Việt Tân được RFA phỏng vấn trong chuyến công du sang Mỹ ngày 25.4,2014 |
Liệu Việt Tân có lâm vào thế “tình ngay lý gian”?
Ông Ngô Thanh Tú cũng không hề giấu giếm việc tiếm danh Việt Tân với mục đích làm cho tổ chức này không thể hoạt động dưới danh nghĩa quen thuộc được nữa.
Ở đây tôi không nhận xét về Việt Tân hay nhóm ông Nguyễn Thanh Tú mà chỉ có vài lời về chuyện bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến tiếm danh này.
2. Sau khi đăng ký với tiểu bang California, ông Nguyễn Thanh Tú lập tức ra thông báo:
“kể từ ngày giờ của bản thông cáo này, tuyệt nhiên không được nhắc đến tên “Việt Tân” mà không được sự cho phép trước của chúng tôi”.
“quý cơ quan truyền thông phải thu hồi mọi bài viết, phóng sự hay bản tin đã lỡ phổ biến kể từ ngày 9 tháng 8, 2016, nếu có nhắc đến tên Việt Tân, kèm lời đính chính: “Chúng tôi chính thức rút các bài có nhắc đến tên ‘Việt Tân’ và lấy làm tiếc rằng điều này đã không được sự cho phép trước của sở hữu chủ của công ty mang tên ấy.”
Ông Nguyễn Thanh Tú cũng gửi tối hậu thư cho những lãnh đạo chủ chốt của Việt Tân là các ông Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng và Hoàng Tứ Duy:
"Bắt đầu từ ngày hôm nay tuyệt đối không được dùng tên “Việt Tân” hay “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng” hay “Viet Nam Reform Party” trong bất kỳ trường hợp hay hoàn cảnh nào;
Trong vòng 2 tuần lễ, kể từ ngày hôm nay phải gỡ bỏ trang mạng http://viettan.org và trang facebook.com/viettan;
Phải xoá bỏ và ngưng sử dụng bất kỳ tài liệu nào mang các tên kể trên".
Và ông Tú cảnh báo: “nếu không tuân thủ, chúng tôi sẽ lập tức đưa họ ra toà”, “chúng tôi đã có sẵn văn phòng luật sư để lo việc này”.
Nhìn chung, nội dung thông báo của ông Nguyễn Thanh Tú thể hiện ông rất tự tin và đầy tính mệnh lệnh hành chính, răn đe, không những đối với Việt Tân mà còn gồm cả… giới truyền thông nữa. Theo đó, cánh ký giả dùng chữ Việt Tân để chỉ Đảng của ông Đỗ Hoàng Điềm trong bài viết cũng có nguy cơ… ra tòa.
3. Tôi không có cơ sở để cho rằng, ông Nguyễn Thanh Tú làm việc cho đảng CSVN hay chịu sự chi phối của họ, nhưng rõ ràng việc làm này phù hợp với lợi ích của Đảng CSVN. Sau khi thông báo 18 của ông Nguyễn Thanh Tú được đưa ra, trang Viêt nam Thời Báo (vntb.org) tỏ ra rất hả hê, rằng “Tổ chức khủng bố Việt Tân sẽ bị biến mất và đối diện với nhà tù của Hoa Kỳ!”, rằng “Cách làm của ông Nguyễn Thanh Tú rất bài bản, đã đánh vào tử huyệt của Việt Tân và toàn bộ hệ thống yểm trợ cho nó (không chừng sau đó là CIA, Chính phủ Mỹ) bằng chính pháp luật của nước Mỹ” v.v...
Báo chí Viêt Nam (của Nhà nước) không thấy thông tin hay bình luận gì về việc này, nhưng trang vntb.org vừa nhắc tới là một trang bảo vệ Đảng CSVN, chuyên xuyên tạc những người hoạt động dân chủ và đánh phá phong trào dân chủ ở Việt Nam. Nói thế để biết "uy tín" của trang báo này tới đâu và việc tung hô ông Nguyễn Thanh Tú của trang báo này có trọng lượng đến đâu.
Một bài viết của vntb.org đăng hình photoshop xuyên tạc về người đấu tranh dân chủ, một trong quá nhiều ví dụ về cấp độ hạ đẳng của trang báo này. |
4. Trước sự việc này, Việt Tân cũng rất tự tin như ông Nguyễn Thanh Tú nhưng điềm tĩnh hơn. Họ ra một thông báo ngắn, khẳng định Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Việt Tân) là danh xưng chính thức của tổ chức này. Đây là một thực thể có tư cách pháp nhân trong dạng unincorporated association, hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới từ năm 2004.
[Tại Hoa Kỳ, đăng ký thể nhân (incorporation) và tính cách hợp pháp (legality/lawfullness) là 2 điều không liên hệ đến nhau. Một tổ chức không nhất thiết phải đăng ký thể nhân mới trở thành hoạt động hợp pháp. Một hội đoàn không đăng ký thể nhân (unincorporated association) vẫn có hoạt động hợp pháp khi không làm những hành động bị ngăn cấm bởi luật. Ngược lại, một tổ chức có đăng ký thể nhân, nhưng có thể hoạt động bất hợp pháp khi làm những điều luật cấm...]
Thông báo của Việt Tân cũng khẳng định Đảng Việt Tân được đồng bào trong và ngoài nước, chính giới và truyền thông quốc tế biết đến như một thực thể hoạt động cho mục tiêu đấu tranh cho dân chủ và canh tân đất nước Việt Nam từ nhiều năm nay. Việt Tân cho biết “sẽ tận dụng mọi biện pháp pháp lý tại Hoa Kỳ để chặn đứng những hành vi mạo nhận danh xưng đảng Việt Tân”. Thông báo cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Thanh Tú là tiếp tay giúp giải tỏa áp lực cho chế độ cộng sản Việt Nam, làm tản lực đấu tranh chung của người Việt Nam.
5. Một tổ chức hoạt động nhiều năm nay, được nhiều người biết đến bị tiếm danh một cách dễ dàng, lại có nguy cơ “đối diện với nhà tù” như trang vntb.org nhận định - điều này liệu có xảy ra? Nếu “chơi nhau” đơn giản như thế thì thật khó tin, đặc biệt là một quốc gia trọng nhân quyền, dân chủ như Hoa Kỳ. Chẳng lẽ nền pháp luật Mỹ lại có kẽ hở lớn đến như thế?
Nếu chuyện này có thể xảy ra thì Việt Tân sẽ lâm vào thế “tình ngay lý gian”. Tình ngay lý gian đẩy người ta vào nỗi oan ức. Khác với những nỗi oan ức của nhiều người do kẻ có quyền vô trách nhiệm hoặc cố tình gây nên oan khiên cho người khác, ở đây là nỗi oan ức biết rõ là oan nhưng quan tòa dù công tâm cũng không bảo vệ được (tôi đang nói tới một giả định)
Tuy nhiên, ngay ở một đất nước mà nền tư pháp còn mông muội như ở Việt Nam thì điều này cũng rất khó có thể xảy ra.
Bàn về chuyện này, Facebooker Chinh Minh nêu một giả thiết nếu ai đó ở Mỹ cũng làm như Nguyễn Thanh Tú, đăng ký một công ty mang tên Đảng cộng sản Việt Nam thì chẳng lẽ lãnh đạo cộng sản Việt Nam không thể nhân danh Đảng CSVN khi sang thăm Mỹ? Hay nếu ai đó sang Mỹ mà xưng là đảng viên Đảng CSVN cũng đều bị ra toà sao?
Nói ngay tại Việt Nam. Khi Luật lập Hội ra đời, chẳng lẽ nhà cầm quyền cộng sản cho người nhanh chân đăng ký một loạt tổ chức, giống hệt tên các tổ chức XHDS độc lập đang hoạt động như Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Hội Tù nhân Lương tâm, Hội Bầu bí tương thân, Hội đồng Liên tôn… khoảng 30 hội nhóm, thì các tổ chức này cũng phải giải thể hoặc phải đổi tên chăng? Mặt khác, vì Đảng CSVN chưa đăng ký hoạt động, chẳng lẽ một cá nhân hay nhóm người nào đó có thể đứng ra thành lập một đảng gọi là Đảng CSVN rồi đăng ký hoạt động, viêc làm đơn giản này cũng có thể giải thể được Đảng CSVN sao? Chẳng lẽ, tiêu diệt một tổ chức, đảng phái dễ dàng đến như vậy?
Liên hệ đến chuyện thương trường, một loạt sản phẩm của Việt Nam từng bị đánh cắp thương hiệu và đã có những trường hợp đòi lại thành công như kẹo dừa Bến Tre, nhãn hiệu trái cây sấy Đức Thành của Vinamit, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc… Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đòi lại thương hiệu bị đánh cắp ở nước ngoài.
6. Có thể rồi dẫn đến chuyện Việt Tân và nhóm ông Nguyễn Thanh Tú đưa nhau ra tòa. Tôi tin rằng khác với Việt Nam, cơ quan tư pháp Mỹ sẽ không thiên vị bên nào. Tôi không hiểu mấy về luật pháp Hoa Kỳ, nhưng tin rằng luật pháp của một quốc gia như Hoa Kỳ khó có kẽ hở để có thể lợi dụng dẫn đến cơ quan tư pháp bất lực trong khi thực tế đã quá rõ ràng như trường hợp Đảng Việt Tân bị tiếm danh. Khó có khả năng nhìn thấy oan ức rõ ràng mà ngành tư pháp Mỹ lại bó tay chấp nhận vì lỗi từ cơ quan lập pháp gây nên, nghĩa là cơ hội lách luật là rất hiếm.
7. Có một điều chắc chắn rằng, bất chấp lời đe dọa của ông Nguyễn Thanh Tú, Đảng mà ông Đỗ Hoàng Điềm làm chủ tịch vẫn tiếp tục dùng danh xưng Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng, các ký giả vẫn tiếp tục dùng tên Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng khi nhắc đến Đảng mà ông Đỗ Hoàng Điềm làm chủ tịch. Khi ấy, liệu ông Ngô Thanh Tú có đưa nổi lãnh đạo Việt Tân hay các ký giả vào tù không?
Ông Nguyễn Thanh Tú thì tuyên bố như thế, còn khi tôi đặt câu hỏi với Tiến sĩ Đông Hà Xuyến, Ủy viên trung ương Đảng Việt Tân: "Liệu Việt Tân có lâm vào thế 'tình ngay lý gian'?", cô khẳng định luôn: "Tình cũng ngay mà lý cũng ngay".
8. Như đã nói, trong phạm vi bài viết, tôi không đánh giá bên nào tốt hay xấu, chính hay tà. Tôi cũng biết chuyện thân phụ ông Nguyễn Thanh Tú là ký giả Nguyễn Đạm Phong bị giết. Tôi cũng cảm thông với sự hận thù nếu có của ông Tú, tuy không khẳng định do bàn tay nào. Việc làm của ông Tú tuy có lợi cho Đảng CSVN, trong khi tôi là người đấu tranh đòi thay đổi thể chế ở Việt Nam nhưng điều này tôi không trách cứ ông Tú vì đó là quyền của ông. Tôi chỉ phân tích để đưa ra nhận định rằng, khả năng đạt được mục tiêu của ông Tú là rất thấp. Giống như trên thương trường, vốn nhiều thì lãi lớn, nhưng nếu kinh doanh không hiệu quả thì tổn thất cũng tỉ lệ thuận với vốn liếng bỏ ra. Hình như trong chuyện này, ông Tú đã đi quá xa. Mặc dù nói thế, nhưng ông Tú có thể đọc được ở đây một lời nhắn nhủ chân thành, dù có thể ông bỏ ngoài tai. Cũng có thể, nhận định của tôi không đúng, kiến thức của tôi có thể còn non kém nhưng nếu thế cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng tính đến cả chuyện, nếu tôi sang Mỹ mà vẫn cứ gọi Đảng Viêt Tân là Việt Tân, có thể ông Tú phát đơn kiện, tống tôi vào nhà tù của Mỹ thì cũng phải chấp nhận chứ sao.
1/9/2016
Nguyễn Tường Thụy
Đài Á Châu Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét