Báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường” đến với ngư dân Miền Trung - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường” đến với ngư dân Miền Trung


Không chỉ nghề đánh bắt hải sản, các nghề khác có liên quan đến biển như kinh doanh du lịch, làm muối, làm sỏi… cũng đều bế tắc. Dân bỏ nghề, ruộng muối bỏ không, nhà nghỉ, khách sạn ế khách.

Ảnh nguồn Facebook
Những ngày qua, một số đại diện của nhóm Green Trees đã đến Hà Tĩnh và Nghệ An để trao tận tay báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” cho ngư dân – những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thảm họa này.

Đây là những đại diện cho hơn 10.000 thành viên của Green Trees, và cũng là đồng tác giả của báo cáo.

Tình hình môi trường ở các tỉnh miền Trung vẫn không có gì tiến triển. Mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà mới đây tuyên bố “biển đã sạch”, nhưng ngư dân không nhận thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó. Hàng chục chiếc ghe vẫn phủ vải nằm im trên bãi. Ngư dân gần như đã bỏ biển.

Ông Lê Xuân Thế (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, từ khi thảm họa xảy ra (được tính là từ ngày 6/4/2016), ông chỉ đi biển có… ba lần, mà đi là do quá nhớ biển, nhớ nghề, chứ không phải do còn hy vọng đánh bắt được cá.

Có vài ngư dân khác thỉnh thoảng cũng đi biển, nhưng số lượng hải sản đánh bắt được rất ít, theo ghi nhận của chúng tôi. Họ đã phải bắt đến cả cá con, mực con, điều này đe dọa khả năng phục hồi của các loại sinh vật biển. Ở trong một ghe, giữa lèo tèo vài con cá, chúng tôi đã trông thấy một cá mập con, dài chỉ chừng 60cm.

THỊ TRƯỜNG TÊ LIỆT

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất chưa phải là không còn hải sản để đánh bắt, mà là hải sản mang về hầu như không bán được vì không còn ai tiêu thụ. Cũng vấn có một số tư thương vẫn đến mua của bà con, nhưng họ ép giá rất mạnh. Ví dụ như ghẹ, trước khi có thảm họa, giá có thể lên tới 400.000 đến 500.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn trên dưới 100.000 đồng. Số hải sản đó được họ chuyển đi đâu sau khi mua và xử lý như thế nào, cũng không ai biết.

Nhìn bãi biển vắng tanh vắng ngắt và các mâm cơm không có cá, các thành viên của Green Trees hiểu rằng: Nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản ở các vùng biển một thời rất giàu tôm cá, nay đã chết. Nghề này chỉ có thể sống lại khi thị trường hải sản đã được khơi thông, mà thị trường hải sản thì chỉ có thể được khơi thông khi người mua, người bán tin chắc là biển đã sạch. Niềm tin đó giờ ở đâu?

Không chỉ nghề đánh bắt hải sản, các nghề khác có liên quan đến biển như kinh doanh du lịch, làm muối, làm sỏi… cũng đều bế tắc. Dân bỏ nghề, ruộng muối bỏ không, nhà nghỉ, khách sạn ế khách.

Bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa đều là địa phương có biển, tỷ lệ sinh rất cao (vì đặc thù của nghề đi biển là tiêu hao sức lao động, cần lao động nam). Mỗi hộ gia đình đều sinh trung bình 6 – 7 con, nhà nào hiếm lắm thì 3 – 4 con. Thảm họa vừa qua đã làm số thanh niên trai tráng thất nghiệp, bỏ biển tăng vọt. Họ ở nhà chơi cả ngày. Có một số tìm đến lối thoát khác, là theo tàu đánh bắt xa bờ ở miền Nam, hoặc trốn sang Lào, Campuchia, Thái Lan làm thuê (nhập cư bất hợp pháp).

Hoàng Tiến Sỹ, một ngư dân trẻ, là người đã từng lái tàu đưa các tác giả báo cáo ra gần nơi Formosa xây cảng nước sâu Sơn Dương vào tháng 8 vừa qua. Em cho biết, đó là lần đầu tiên em đi biển kể từ xảy ra thảm họa. Mới đây, lúc nhóm gặp lại em là lúc em đang ngồi chơi trước cổng nhà. Em nói: “Mọi việc vẫn thế”, và tỏ ra rất vui khi được Green Trees ký tặng một cuốn báo cáo.

BỒI THƯỜNG KHÔNG THỎA ĐÁNG

Liên quan đến khoản bồi thường 500 triệu USD của Formosa, chính quyền xã Kỳ Lợi đã tiến hành thống kê thiệt hại của người dân theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 19/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa có hộ nào được chi trả. Xin lưu ý “Ngay cả khi được bồi thường, thì thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa cũng chỉ là sáu tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016”.

Còn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chính quyền đã và đang trả tiền bồi thường cho dân. Tuy nhiên, phần lớn cư dân bị áp một mức chung là 17.460.000 đồng cho cả sáu tháng. Trong khi đó, theo kê khai của ngư dân, trước khi xảy ra thảm họa, thu nhập của họ đạt trung bình 2 triệu đồng/ngày.

Mức bồi thường không thỏa đáng đang gây bức xúc cho rất nhiều người dân.

Bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển” của nhóm Green Trees được xuất bản vào đầu tháng 10, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Đài Loan.

Green Trees đã gửi báo cáo đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, và hai bộ Tài nguyên – Môi trường, Thông tin-Truyền thông, nhưng không nhận được phản hồi nào từ đó đến nay.

FB Green Trees

Green Trees: Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam

Báo cáo toàn cảnh môi trường biển Việt Nam

Sáng ngày 19 tháng 10 nhóm Green Trees, trước đây có tên gọi Hà Nội Xanh, đã gửi cho Quốc hội bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” nhằm giúp cho các đại biểu Quốc hội có thông tin về thảm họa môi trường biển nhiều hơn khi vấn đề Formosa được đưa ra bàn thảo. Mặc lâm có cuộc phỏng vấn Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn một thành viên của nhóm Green Trees để tìm hiểu về nội dung cũng như mục tiêu của bản báo cáo này. Trước tiên Dược sĩ Tuấn cho biết:

DS Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi làm bản báo cáo là giúp cho những người quan tâm muốn nghiên cứu và muốn nắm được thông tin đầy đủ một cách có hệ thống, khách quan, đa chiều về thảm họa đã diễn ra do đó chúng tôi cho rằng đó không hẳn là một việc xuất bản mà đơn giản chỉ là báo cáo mà cụ thể đối tượng đầu tiên mà chúng tôi gửi tới thì đó là các đại biểu quốc hội.
Chúng tôi ý thức được rằng 500 đại biểu quốc hội chắc chắn đại đa số họ không hiểu hết vụ việc vậy thì đối với tình hình đang rất căng thẳng hiện nay, với tình trạng người dân đang rất bức xúc vì không được giải quyết sinh kế, không tìm được sự đền bù thỏa đáng thì rõ ràng quốc hội cần phải có trách nhiệm nghiên cứu đầy đủ về vụ việc này và vào cuộc. Với tâm nguyện đó chúng tôi cho rằng dù có khó khăn đến đâu chúng tôi cũng sẽ vượt qua được.

Mặc Lâm: Anh có thể cho biết thành viên của Green Trees thuộc thành phần xã hội nào và những khó khăn mà các anh chị gặp phải là gì?

Nguyễn Anh Tuấn: Các thành viên cốt lõi của Green Trees chúng tôi đều có trình độ đại học trở lên. Có kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, nhà báo do đó bằng trí tuệ tập thể mà hình thành báo cáo này. Tuy nhiên khó khăn chủ yếu nó tới là “quyền tiếp cận thông tin”, khi mà những thông tin về vụ việc liên quan đến sai phạm của Formosa cho đến thời điểm này chúng tôi chỉ được biết qua thông tin đại chúng.

Nhờ ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà ông ấy công bố Formosa là thủ phạm kèm theo tuyên bố là đã phát hiện ra 53 sai phạm của Formosa. Chúng tôi hoàn toàn rất mong muốn được biết những sai phạm ấy nó là cái gì? Hay là biên bản thỏa thuận của chính phủ với bên đại diện Formosa, liên quan đến việc Formosa nhận tội nó gồm nội dung gì. . .

Những cái đó chúng tôi không có, những thông số chi tiết của các nhà khoa học tham gia vào cuộc điều tra khẳng định sai phạm của Formosa. Hay là ví dụ một điều rất là đơn giản thôi đó là danh sách những chất độc đã gây độc cho biển miền Trung trong thời gian vừa qua là những chất gì? Chúng tôi không thể nào tiếp cận được do chính phủ hiện nay hoàn toàn đang bưng bít thông tin, không cho dân quyền tiếp cận thông tin mà lẽ ra họ phải được biết, đó là những khó khăn lớn nhất của chúng tôi.

Mặc Lâm: Anh có thể tóm tắt bản báo cáo được thực hiện với các nội dung như thế nào hay không?

Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cũng xin được khái quát nội dung của bản báo cáo nó đề cập đến thảm họa này, thứ nhất theo chiều thời gian, đối với từng thời điểm thì có từng phản ứng của các bên. Từ các hành động tự giác của các bên. Bên cạnh đó chúng tôi tiếp cận các nguồn thông tin từ tất cả các bên. Từ các bài báo đã được đăng trên báo chính thống hay những bài viết của các blogger, các Facebooker hay những nhà hoạt động độc lập và bên cạnh đó chúng tôi tiếp cận theo các góc độ như góc độ liên quan đến môi trường, góc độ liên quan đến luật pháp, liên quan đến vai trò của nhà nước hay liên quan đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự

Mặc Lâm: Thường thì tất cả văn bản được các tổ chức xã hội dân sự gửi đi cho chính phủ hay cho Quốc hội đều không được phản hồi. Để tránh tình trạng này Green Trees đã có cách nào khác khiến cho người nhận chú ý và phải thực hiện nó hay không?

Nguyễn Anh Tuấn: Bản báo cáo này chúng tôi kỳ vọng không chỉ gửi tới Quốc hội hay đại diện các cơ quan ban ngành có trách nhiệm trong việc xử lý thảm họa Formosa mà chúng tôi tìm mọi cách để có thể giúp cho độc giả hay những người muốn nghiên cứu về thảm họa tiếp cận bản báo cáo này. Còn quay lại chuyện làm thế nào để nhận được phản hồi thì tôi xin lấy ví dụ: khi chúng tôi đến Quốc hội, ngoài việc chúng tôi đến văn phòng Quốc hội để gửi thì chúng tôi còn trực tiếp đi gặp một số các Đại biểu Quốc hội đương nhiệm ở nhiệm kỳ 14 này có gửi báo cáo và trao đổi trực tiếp với họ.

Bản thân họ cũng có thiện chí, họ hỏi lại chúng tôi là các bạn có kỳ vọng gì với các đại biểu Quốc hội? Nên nắm điều gì và cần phải có những quan điểm, những phát biểu như thế nào trước Quốc hội và trước các cơ quan ban ngành trách nhiệm.

Chúng tôi nghĩ rằng sau một thời gian nữa thì chúng tôi sẽ tìm cách gặp gỡ với những Đại biểu Quốc hội mà chúng tôi cho rằng ít nhất có liên quan trực tiếp thí dụ như đại biều Quốc hội thành viên của các Ban Chuyên trách mà chúng tôi đã gửi. Chúng tôi có tiếp cận, có trao đổi cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ theo dõi việc họ làm việc trong kỳ họp thứ hai này.

Mặc Lâm: Anh có thể cho biết Green Trees được thành lập từ khi nào và cách thức hoạt động cũng như mục tiêu của nó là gì?

Nguyễn Anh Tuấn: Bản thân Green Trees vốn là nhóm Hà Nội Xanh, là nhóm có thể nói đóng vai trò dẫn dắt phong trào bảo vệ cây xanh Hà Nội. Là nhóm kiên trì cuối cùng đi theo hướng minh bạch, tức là đòi chính quyền thành phố Hà Nội và chính quyền Trung ương là phải minh bạch các hành vi sai phạm trong vụ chặt phá cây xanh Hà Nội năm 2015.

Trong tình thần đó sang năm 2016 chúng tôi đã đổi tên và đồng thời gần như hoàn thiện hơn nhóm của mình để trở thành nhóm có tôn chỉ hoạt động về môi trường. Tuy nhiên như anh biết trong điều kiện của Việt Nam thì việc người dân thực hiện các quyền của mình vào việc bảo vệ môi trường thì nó gặp hạn chế nằm trong bối cảnh chung là người dân Việt Nam chưa được thực sự tôn trọng các cái quyền của mình. Do đó trong quá trình bảo vệ môi trường chúng tôi đồng thời còn bảo vệ quyền của mọi công dân được tham gia vào bảo vệ môi trường, cũng như quyền được tiếp cận thông tin, quyền được lên tiếng các vấn đề xã hội liên quan đến môi trường của Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn

Mặc Lâm
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad