Từ chuyện nhỏ luận ra chuyện lớn. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, các tổ chức, đảng phái, hội đoàn không liên minh được với nhau vì đã không có cùng mục tiêu cuối cùng: Tranh đấu cho tự do, dân chủ cho đất nước, dân tộc Việt Nam
Có một điểm đầu tiên trước khi đi vào phần chính của bài. Tôi không đồng ý với nhận định tự cho mình thuộc cộng đồng trong nước của cô Từ Huy. Tiếng Anh có một câu như sau: “Where there’s a will, there’s a way”. Có nghĩa là: Ở đâu là ước muốn, ở đó là con đường, hay “Có chí thì nên”. Do đó, việc cô Từ Huy nhận mình không thuộc cộng đồng NVHN là không đúng, khi đóng góp ý kiến, bài vở về những vấn đề liên quan đến cộng đồng, cô đã là một thành viên của cộng đồng dù sống ở đâu. Tuy nhiên, khi đặt mình ra khỏi cộng đồng, cô có thể quan sát chính xác, tường tận, rõ ràng hơn tình trạng những sinh hoạt, diễn biến trong cộng đồng đó.
Trở lại vấn đề, bài viết trước của tôi nhận định Về Một Liên Minh Chính Trị của NVHN của cô, tôi đã không nói hết những suy nghĩ của mình. Gần đây nhất, tôi tham dự hai buổi họp chỉ để thành lập ban tổ chức đại hội trong một dịp họp mặt với khoảng 500 người cho tháng 6 sang năm. Buổi họp mặt đầu chưa đến 10 người, kéo dài gần 2 tiếng không đi đến kết quả vì đối chọi nhau trên nguyên tắc làm việc, cãi nhau qua lại, đề nghị họp lần thứ hai. Lần thứ hai, kéo dài cũng gần hai tiếng với chừng đó người, may là lập ra được ban tổ chức đại hội.
Tôi thật sự chán ngán vì dường như mọi người không đặt trong tâm là tổ chức đại hội cho thành công tốt đẹp, mỹ mãn mà người nào cũng muốn mọi chuyện, từ việc đưa đón, thuê khách sạn cho người từ xa tới, tiền đại hội, đại hội, picnic ra sao… phải được làm theo ý mình. Hầu hết những người tham dự buổi họp (trừ tôi) đều là những trí thức ra đi từ miền Nam như bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư… người trẻ nhất 52 tuổi, là cô giáo trung học ở Mỹ. Đa số những người tham dự – tôi không nói là tất cả – dường như lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện. Tranh luận với nhau rất nhiều, rất mất thời gian về những việc nhỏ rất dễ giải quyết nếu chịu lắng nghe và tôn trọng nhau.
Từ chuyện nhỏ luận ra chuyện lớn. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, các tổ chức, đảng phái, hội đoàn không liên minh được với nhau vì đã không có cùng mục tiêu cuối cùng: Tranh đấu cho tự do, dân chủ cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Các đảng phái, tổ chức, xã hội dân sự… đã lầm lẫn khi đặt mục tiêu của mình lên trên mục mục tiêu cuối cùng là một nước Việt Nam độc lập, tự do, không cộng sản.
Hơn thế nữa, ranh giới giữa hai khái niệm phương tiện và mục đích đôi khi trừu tượng, dễ xen kẽ, lẫn lộn với nhau. Đó chính là điều mà đảng CSVN đã khôn ngoan, khéo léo lợi dụng tối đa để có thể thống trị 71 năm ở miền Bắc và 41 năm trên cả nước và tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Khi cần đánh đuổi thực dân Pháp cũng như xâm chiếm miền Nam, đảng CSVN dùng khái niệm chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước làm mục tiêu, đảng CSVN lúc đó được coi như phương tiện để lãnh đạo, thi hành cuộc chiến. Sau khi thống nhất được đất nước bằng vũ lực, sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN trở thành mục đích, độc lập. tự do, dân chủ trở thành phương tiện cho đảng cai trị người dân theo lý luận của họ. Ngày hôm nay người CSVN luôn tâm niệm rằng “Thà mất nước chứ không mất đảng”, từ đó dẫn đến hậu quả là đất nước bị khủng hoảng về mọi mặt từ kinh tế, giáo dục đến văn hóa, y tế, môi trường…
Với cộng đồng NVHN, nếu chịu khó suy nghĩ sâu xa để thấy rằng, tranh đấu để lập lại một nền cộng hòa mà biểu tượng là lá cờ vàng ba sọc đỏ ở miền Nam trước đây cũng không đi ra ngoài mục tiêu cuối cùng là thể chế dân chủ, tự do cho cả nước Việt Nam, do đó cờ vàng chỉ nên là phương tiện chứ không nên là mục đích. Đã là phương tiện thì chỉ nên dùng khi cần thiết, cũng không nên bài xích, tẩy chay những người cùng mục tiêu tối hậu nhưng không cùng phương tiện như mình.
Một nước Việt Nam độc lập, tự do với tam quyền phân lập, bắt buộc sẽ phải tôn trọng nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, lập hội, lập đảng phái, công đoàn độc lập, công nhận quyền sỡ hữu đất đai của người dân…Nhận định như vậy để thấy rằng các phong trào đòi hỏi công đoàn độc lâp, tự do báo chí, nhân quyền,..sẽ chỉ là những phương tiện tranh đấu cho mục đích cuối cùng là một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ. Hiểu được đâu là nguyên nhân chính khiến cho các đảng phái, tổ chức xã hội dân sự không liên minh được với nhau, mọi người sẽ dễ dàng vượt qua được chính mình để ngồi lại với nhau, đặt ra mục tiêu chung.
Một việc gần đây nhất liên hệ đến sự lầm lẫn nói trên là những người lãnh đạo trong phong trào đòi công ty Formosa bồi thường thiệt hại và rời khỏi Việt Nam, đã dùng cờ Thiên Chúa giáo trong cuộc biểu tình trước khu công nghiệp Formosa ở Kỳ Anh vào ngày 02.10.2016. Ai dám khẳng định rằng 100% dân số ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đều theo đạo Thiên Chúa? Hành động dương cờ Thiên Chúa giáo trong lúc biểu tình đã vô tình tách rời giáo dân ra khỏi cộng đồng dân tộc. Chẳng biết những người lãnh đạo giáo dân ở các giáo xứ miền Bắc-Trung phần có ý thức được điều này không?
Một chuyện khác nữa là việc hai bà Cẩn Thị Thêu, Trần Ngọc Anh được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải thưởng Nhân Quyền 2016 cũng vấp phải một số chống đối của các nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước. Những người chống lại kết quả trao giải Nhân Quyền năm 2016 lập luận rằng hai bà Thêu, Ngọc Anh không xứng đáng nhận giải vì chỉ tranh đấu cho dân oan mất đất, tức chỉ tranh đấu cho “nhân quyền về kinh tế”, thấp hơn “nhân quyền đích thực” một bậc. Họ cho rằng người xứng đáng được giải nhân quyền 2016 hơn hai bà Thêu, Ngọc Anh là nhà báo Phạm Đoan Trang hoặc Nguyễn Anh Tuấn.
Trong số những người phản đối kết quả trao giải NQVN 2016 có bà Tạ Phong Tần, một tù nhân lương tâm nổi tiếng trong và ngoài nước, cũng từng đoạt giải NQVN năm 2012, tuyên bố sẽ trả lại giải và sẽ không tiếp tục tham gia hoạt động cho Mạng Lưới Nhân Quyền VN nữa.
Việc bà Tần cùng các nhà văn, nhà báo… phản đối kết quả trao giải NQVN 2016 là chuyện nhỏ, nhưng sẽ trở thành chuyện lớn nếu ai cũng xử sự như bà Tần. Bà Tần đã lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện. Bà Tần cùng những người phản đối có thể gửi thư cho ủy ban chấm giải, phân tích sự việc, đề nghị tránh bất công cho lần sau, nhưng tuyên bố trả lại giải, từ bỏ hoạt động là hành động giận dỗi không nên có của một người có bề dầy đấu tranh cho tự do, dân chủ đáng kính phục như bà Tần. Việc làm đó có thể làm giảm giá trị của bà Tần mà ngay cả Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cũng bị mất uy tín.
Tôi nêu lên sự việc không phải để phản đối quyết định của bà Tạ Phong Tần hay các linh mục lãnh đạo giáo dân trong các cuộc biểu tình chống Formosa. Họ có toàn quyền hành động, xử sự theo suy nghĩ của mình. Thế nhưng lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện sẽ gây ra những trở ngại, mâu thuẫn, đối kháng với nhau dẫn đến tình trạng không thể hợp tác, liên minh trong mục tiêu chung cuối cùng: Tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do thật sự với một chế độ có tam quyền phân lập rõ ràng cùng với nền tự do báo chí.
Tôi chưa biết quan niệm về mục tiêu của cô Tiến sĩ Từ Huy là gì, nhưng hy vọng sẽ không ngoài mục tiêu cuối cùng mà tôi nói đến trong bài.
Thạch Đạt Lang
* Tác giả gửi tới VANEWS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét