Một người đàn ông mặc áo mang cờ đỏ sao vàng xuất hiện tại trung tâm người Việt tại miền Nam California. Ông ta bị phản đối dữ dội. Người đàn ông đó tên là Lê Đình Hùng từ Việt Nam sang. Ông ta nói rằng hành động của ông là để góp phần vào công cuộc hòa giải dân tộc.
Một cuộc họp được tổ chức tại Sài Gòn kêu gọi Việt kiều góp phần xây dựng đất nước.
Ông Lê Minh Nguyên, thành viên một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, có trụ sở ở California viết rằng:
Cho đến nay, chưa bao giờ, người viết xin nhắc lại là "chưa bao giờ" Cộng Sản Việt Nam có chủ trương hoà giải, họ chỉ chủ trương đại đoàn kết hay hoà hợp, tức là muốn nạn nhân của họ phải thần phục họ, phải “bó thân về với triều đình”, phải chấp nhận là thần dân của họ, chung vào rọ của họ, nằm dưới sự lãnh đạo của họ.
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước Việt Nam thì có khoảng 500 Việt kiều có mặt tại Sài gòn trong buổi họp do nhà nước Việt Nam tổ chức. Blogger Dân Nguyễn so sánh con số đó với những trí thức, những người cựu cộng sản trong nước bị đàn áp, và tác giả cho rằng buổi họp chỉ là một sự mỵ dân:
Chưa bao giờ" Cộng Sản Việt Nam có chủ trương hoà giải, họ chỉ chủ trương đại đoàn kết hay hoà hợp, tức là muốn nạn nhân của họ phải thần phục họ, phải “bó thân về với triều đình”, phải chấp nhận là thần dân của họ. -Ông Lê Minh Nguyên |
Hơn 4 triệu kiều bào, liệu có được 500 “Việt kiều yêu nước”? Và trong 500 Việt kiều hôm rồi hiện diện tại cái thành phố từng là Hòn ngọc Viễn Đông xưa, liệu có mấy người “yêu nước” theo quan niệm “Yêu” của các ông?
Từ trong nước, blogger Nguyễn Lân Thắng cho rằng nếu nhà nước cộng sản Việt Nam thực tâm mong muốn hòa giải thì họ phải có những hành động khác:
Tôi nghĩ cách để hoà giải tốt nhất là những người cộng sản hãy tự khép lại thời đại độc tài đảng trị, tuyên bố bầu cử tự do, sửa đổi hiến pháp... những nạn nhân của chế độ này có lẽ hầu hết không cần lời xin lỗi, không cần đền bù những gì đã mất trong quá khứ... Tất cả chúng ta cần một nước Việt Nam trong tương lai không còn tồn tại một chế độ độc tài đè lên đầu lên cổ nhân dân..
Về hành động mang cờ đỏ sao vàng của ông Lê Đình Hùng, nhiều blogger hỏi ông rằng khi làm việc đó ông có nghĩ rằng nếu mang cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa đứng tại Sài Gòn thì sẽ bị như thế nào hay không?
Tuy vậy, Luật sư Lê Công Định cũng cho rằng ý của ông Hùng là có thực tâm:
Khi tranh cử Quốc hội khoá 14 vừa rồi anh Lê Đình Hùng (Hùng Cửu Long) tuyên bố trong chương trình tranh cử của mình ý định trùng tu nghĩa trang Biên Hoà của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà.
Đó là hành động cụ thể để hoà giải đôi bên tham chiến trong quá khứ mà anh chủ xướng. Chưa thấy ứng cử viên đại biểu quốc hội nào dám làm vậy. Cũng chưa thấy những người luyến tiếc chế độ Sài Gòn ở đây lên tiếng ủng hộ ý định đó của anh.
|
Giữa muôn vàn lời công kích anh lúc này, tôi nghĩ bà con Việt Nam tị nạn cộng sản cũng nên xét đến kế hoạch trùng tu nghĩa trang Biên Hoà của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà để thấy ý tưởng tốt đẹp và thành thật của anh Hùng.
Tôi đoan chắc rằng nhiều vị đòi đuổi cổ anh hôm qua có người thân đang yên nghỉ tại nghĩa trang đó. Nếu kế hoạch của anh được thực thi, có phải anh sẽ thay mặt nhiều bà con không thể hồi hương góp công sức hương khói cho thân nhân của mình không? Tuy chưa làm được, nhưng tấm lòng của anh Hùng rất đáng ghi nhận.
Bức tường than khóc và dân oan
Trong lúc ấy thì Quốc hội Việt Nam họp.
Lấy điển tích lịch sử bức tường than khóc tại Do Thái, blogger Cánh Cò viết:
Ở Việt Nam cũng có một bức tường than khóc như thế.
Mỗi năm một lần bức tường than khóc xuất hiện tại Quốc hội qua hình ảnh của 500 ông bà đại biểu như những viên gạch được người dân gửi tới nằm chồng lên nhau. Những viên gạch lằng nghe sự than khóc của những ông Bộ trưởng qua các báo cáo, chất vấn và những câu trả lời “nhận khuyết điểm” như tiếng than khóc của những đứa bé chưa trưởng thành được giao cho vai trò ngồi trên đầu thiên hạ.
Bức tường ấy đôi khi cũng giận dữ hay phê phán với một chừng mực nhất định để rồi cuối cùng nhận tấm giấy “hứa” nhét vào khe hở vốn toang hoác vì trơ trẽn.
Bức tường than khóc năm nay bị quá tải. Quá tải bởi sự than khóc của các Bộ trường trở nên đông đúc và khôi hài hơn.
Mỗi năm một lần bức tường than khóc xuất hiện tại Quốc hội qua hình ảnh của 500 ông bà đại biểu như những viên gạch được người dân gửi tới nằm chồng lên nhau. -Blogger Cánh Cò |
Bên ngoài Việt Nam, các tổ chức nhân quyền trao giải thưởng cho hai nông dân bị mất đất vì sự hy sinh của họ trong việc mưu tìm công lý.
Một số người lên tiếng chỉ trích rằng những người nông dân này chỉ hành động cho riêng lợi ích bản thân của họ, không phải là công việc dân chủ hóa nói chung.
Nhiều blogger không đồng tình với những chỉ trích này.
Lin mục Phan Văn Lợi, một người đấu tranh cho tự do tôn giáo viết:
Dân oan khi tranh đấu đòi lại đất chính là đánh vào nguyên tắc mang tính chất và hậu quả chính trị: “Nhà nước sở hữu đất đai” hết sức vô lý và phi pháp, khiến mọi người ý thức rằng đó là một nguyên tắc không thể chấp nhận.
Giải Nhân quyền Việt Nam trao cho bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh năm nay là lời công nhận phong trào dân oan đấu tranh đòi đất chính là đòi nhân quyền, và qua nhiều hành động khác, họ là một lực lượng đấu tranh nhân quyền rất đáng khâm phục và rất đáng được hỗ trợ. Đừng cho rằng đó là lợi dụng họ, là xúi bẫy họ kiểu “xịt chó vô gai”, là đẩy họ vào trò chính trị nguy hiểm! Không có những lực lượng quần chúng như nông dân, công nhân, ngư dân, tín đồ, thì những “bộ óc dân chủ” thông minh cũng chẳng làm gì được.
Một người tên là Nguyễn Thị Bích Nga viết trên mạng xã hội:
Các vị bảo, “Dân oan chỉ đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.” Vâng, rất đúng. Và đó là cách đấu tranh đúng. Con người có các nhu cầu chính đáng và các nhu cầu đó cần được tôn trọng như: quyền được sống, được tự do thể hiện chính kiến, tự do tín ngưỡng, có quyền tư hữu, quyền bất khả xâm phạm thân thể… Khi một trong các nhu cầu này bị xâm phạm bởi tập đoàn độc tài, họ lên tiếng đấu tranh cho chính mình thì có gì sai? Các vị cho rằng phải đấu tranh cho người khác thì mới cao cả còn đấu tranh cho chính mình là thấp kém? Đó là một nhận định hết sức sai lầm và vô hình trung làm chia rẽ lực lượng đấu tranh ra làm hai thành phần.
Nhiều blogger cũng như những gương mặt đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho rằng sự chia rẽ đó là có thật.
Blogger Viết từ Sài Gòn so sánh lực lượng những người hoạt động cho dân chủ với những người cộng sản đang cai trị đất nước:
Hiện tại đã có hơn 60 tổ chức và đảng phái hoạt động công khai, bán công khai và manh nha hình thành. Nhưng có một thực tế: Không có đảng nào hội tụ được chừng 5 triệu đảng viên. Rất khó tìm ra một đảng phái có đủ ma lực để thu hút hàng trăm triệu người dân. Mặc dù người dân vẫn nhìn thấy cái sai của đảng Cộng sản, vẫn nhìn thấy sự gian ác, tham lam và dối trả của họ. Nhưng ma lực của họ vẫn mạnh nhất. Đây là sự thật không thể chối bỏ. Không phải vì nhân dân ngu ngốc, mà vì ma lực của các đảng phái, tổ chức chưa đủ mạnh, phải nhìn thẳng vào sự thật này.
Đây là một thực tế. Đảng Cộng sản, qua 41 năm nắm quyền bính và dày vò đất nước này, họ có trong tay một hệ thống quân đội, nhà nước, công an, ngân hàng, bệnh viện, phương tiện tuyên truyền và đặc biệt là tài nguyên con người và tài nguyên đất đai, họ đã dùng chính sách mị dân “sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý” để nắm toàn bộ.
Luật sư Lê Công Định, người từng bị chính quyền cộng sản bỏ tù vì những tư tưởng cải cách chính trị của ông cũng kêu gọi mọi người phải nhìn nhận một thực tế là vai trò của đảng cộng sản vẫn rất mạnh trong xã hội Việt Nam hiện tại:
Dù bị mọi người chỉ trích vì các chính sách trong quá khứ và hiện tại, thú thật Đảng Cộng sản vẫn là tổ chức hùng mạnh nhất. Do đó, để giải quyết các vấn nạn của xã hội ngày nay, vai trò của họ vẫn còn rất quan trọng. Đây là sự thật không thể bác bỏ.
Viết về sự không đồng nhất trong những người đối kháng tại Việt Nam, blogger Đoan Trang cho rằng:
Viết những dòng này, tôi chỉ mong những người Việt Nam trong và ngoài nước, nếu quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, xin đừng ảo tưởng rằng cứ hễ là nhà hoạt động thì là người tốt, đáng tin cậy.
Cũng xin đừng thất vọng tổng kết, khái quát chung rằng toàn bộ phong trào dân chủ chỉ gồm những người coi “đấu tranh này là trận kiếm tiền”.
Và nhất là, hãy cứ tin dân chủ, tự do là những giá trị tốt đẹp phổ quát, mà hàng chục, hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn cá nhân xấu cũng không đại diện cho chúng được.
Những giá trị phổ quát mà blogger Đoan Trang đề cập, ngày càng thấm sâu vào xã hội Việt Nam hiện đại hơn, khi những người dân bình thường nhất đã xuống đường bảo vệ môi trường, và gần đây nhất là nhiều công dân trẻ tại Sài Gòn thể hiện sự phản kháng của mình bằng cách kéo những con cá bằng giấy trên đường phố, một hành động mà blogger Điền Phương Thảo viết trên trang Tin mừng cho người nghèo rằng người dân đã hiểu những việc làm chính đáng và đã vượt qua nổi sợ bị chụp mũ là làm chính trị. Vì chỉ có làm chính trị như thế, blogger Điền Phương Thảo viết tiếp, mới kéo đất nước này ra khỏi những vũng lầy, mà thảm họa Formosa chỉ là một.
Kính Hòa
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét