Chúng tôi có đồng minh?
Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không có điều khoản nào quy định tổ chức một Quốc tang cho bất cứ ai. Tuy nhiên theo một nghị định của chính phủ ban hành vào năm 2012 thì một lễ Quốc tang cho cá nhân sẽ được áp dụng trong những trường hợp như sau: thứ nhất bốn vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội dù đang tại chức hay mãn nhiệm khi chết đều được cử hành Quốc tang. Trong trường hợp đặc biệt một cán bộ cao cấp nào đó có công lao to lớn với quốc gia hay quốc tế sẽ được xét và tổ chức Quốc tang. Tuy nhiên theo luật cán bộ ban hành năm 2008 thì người này phải là công dân Việt Nam.
Cái Đảng Việt Nam này tổ chức Quốc tang coi như là một cách nói với thế giới cũng như với người dân trong nước rằng chúng tôi có đồng minh đây! -Nguyễn Huệ Chi |
“Trong Hiến pháp Việt Nam không có quy định gì về lễ Quốc tang còn trong nghị định của chính phủ cũng như quy định nội bộ thì có quy định Quốc tang. Còn về trong văn bản nhà nước thì có một nghị đỉnh của chính phủ rất cụ thể trong trường hợp đó. Cũng có một nghị quyết của Bộ chính trị, một nghị quyết của Thường vụ Quốc hội quy định về các lễ tang của Việt Nam gồm có Quốc tang, lễ tang nhà nước, lễ tang cấp cao còn cái chuyện làm lễ Quốc tang cho một người nước ngoài thì nếu 4 cơ quan đó họ hè nhau họ làm thì coi như họ quyết định rồi.”
Đối với trường hợp Chủ tịch Fidel Castro Việt Nam quyết định để tang cho ông với nghi thức Quốc tang vào ngày 04 tháng 12 năm 2016. Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Về việc này Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi nhận định:
“Cái Đảng Việt Nam này tổ chức Quốc tang coi như là một cách nói với thế giới cũng như với người dân trong nước rằng chúng tôi có đồng minh đây! Đồng minh ở nơi xa xôi ấy và đã từng là hai nước chống Mỹ thì đồng minh ấy đối với chúng tôi rất quan trọng, nghĩa là họ vẫn muốn sống lại những ngày quá khứ chứ họ không nhìn đến tương lai gì cả.”
Trong thông cáo đặc biệt quyết định về việc này có loan đầy đủ tiểu sử của Chủ tịch Fidel Castro từ những hoạt động đầu tiên cho tới khi mất. Trong khoảng thời gian ấy ông sang thăm Việt Nam ba lần, ông vô cùng gần gũi với Đảng và nhà nước Việt Nam bằng những sự ủng hộ, lên tiếng cũng như luôn đứng về phía Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ông là nguyên thủ đầu tiên tới thăm Việt Nam sau khi Quảng Trị được giải phóng đầu tiên vào năm 1973.
Bản thông cáo cũng ghi nhận trên phương diện quốc tế, Fidel Castro là nhà hoạt động Nhà nước và Lãnh đạo xuất sắc trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, có đóng góp to lớn và tích cực cho Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Không thể nâng lên thành hàng Quốc tang?
Nhìn tổng quát nội dung bản thông cáo dân chúng không tìm ra được một việc làm cụ thể nào của Chủ tịch Fidel đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam ngoài các cử chỉ đầy tính ngoại giao giống như các nước cộng sản với nhau.
Những quan hệ được gọi là đặc biệt dù sao cũng không thể nâng lên thành hàng Quốc tang, vốn dành riêng cho người có công với tổ quốc.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi phân tích việc Hà Nội tổ chức Quốc tang cho Fidel như sau:
Bây giờ làm Quốc tang cũng là cách bày tỏ sự tương liên đối với người bạn xưa, tức là tưởng niệm quá khứ. Tức là họ nhìn về quá khứ, còn nếu nhìn về tương lai thì mọi chuyện đều vô nghĩa rối... -GS Nguyễn Huệ Chi |
Bây giờ làm Quốc tang cũng là cách bày tỏ sự tương liên đối với người bạn xưa, tức là tưởng niệm quá khứ. Tức là họ nhìn về quá khứ, còn nếu nhìn về tương lai thì mọi chuyện đều vô nghĩa rối bởi vì chúng ta đang phải đi theo quy luật là đi theo con dường dân chủ tự do.”
Người dân tự hỏi, nếu những quan hệ mang tính rất đặc biệt cho một người bạn cùng ý thức hệ được áp dụng vào Trung Quốc thì biết bao nhiêu cán bộ cao cấp của họ sẽ đương nhiên được hưởng vinh dự này vì trong chiến tranh Trung Quốc đã bỏ rất nhiều của cải lẫn xương máu để Việt Nam chống Mỹ.
Người dân Việt Nam theo dõi cái chết của Fidel Castro với những góc nhìn khác nhau. Nếu hàng trăm người xếp hàng trước Tòa đại sứ Cuba tại Hà Nội để khóc lóc, tỏ bày sự thương tiếc thì cũng có hàng ngàn người khác bày tỏ sự hả hê của mình trên hệ thống mạng xã hội. Sự mâu thuẩn ấy đã làm cho Quốc tang của Fidel tại Việt Nam nếu có sẽ đào thêm hố sâu chia rẽ vì ngăn cách.
Từ khi Việt Nam thống nhất, Hà Nội đã nhiều lần giúp cho Cuba thoát khỏi khó khăn về lương thực bằng hàng ngàn tấn gạo viện trợ, đây cũng đủ trả mối thân tình mà Fidel dành cho Việt Nam.
Nếu vì mục đích trả lễ cho cá nhân ông Fidel Castro thì Quốc hội Việt Nam đã có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong tư cách Chủ tịch đã dẫn phái đoàn sang Cuba vào ngày 28 tháng 11 để dự lễ tang đã trả đủ lễ đối với một nước cộng sản anh em nằm bên kia bán cầu có cùng ý thức hệ cũng như giữ vững lập trường tiến lên Chủ nghĩa xã hội như Việt Nam đang theo đuổi.
Cùng lúc với cái chết của Fidel, báo chí Việt Nam loan tải Tư lệnh hải quân Trung Quốc là tướng Ngô Thắng Lợi hôm 25 tháng 11 đã tới tham dự lễ tưởng niệm 18 tử sỹ Trung Quốc trong trận đánh vào tháng 1 năm 1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa để chiếm Hoàng Sa. Nếu ngay lúc này Việt Nam làm Quốc tang cho 74 người lính đã đổ máu cho tổ quốc ấy thì ý nghĩa biết bao nhiêu thay vì đem Fidel Castro vào vòng tranh cãi.
Mặc Lâm
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét