Vì sao cải cách chậm
Tại Hà Nội, ngày 21/11/2016, ông Mai Tiến Dũng Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổ Công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo các nguồn tin chính thức, qua Tổ Công tác Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải trình và nêu giải pháp khắc phục 7 vấn đề lớn. Những vấn đề này thể hiện tình trạng bế tắc ở nông thôn, nơi qui tụ 70% dân số Việt Nam, cũng như sự trì trệ đối với những cải cách đã được đặt ra từ nhiều năm trước.
Bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn. -TS Đặng Kim Sơn |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được cho là đã “hạch tội” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhưng sự dậm chân tại chỗ trong việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2013 và Nghị quyết Tam Nông, Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 10 ban hành từ ngày 5/8/2008, là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Theo đó, đã 8 năm trôi qua mà Nhà nước không thực hiện được chủ trương của Đảng là Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Với mục tiêu ưu tiên là Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
“Vì thế có thể nói là, bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”
Tích tụ ruộng đất phải sửa luật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp về vấn đề tích tụ ruộng đất và dồn điền đổi thửa để có thể sản xuất lớn. Ông Thủ tướng thừa hiểu là Luật Đất đai 2013 qui định hạn điền và thời gian sử dụng đất. Về pháp luật một hộ gia đình ít hay nhiều nhân khẩu cũng bị giới hạn diện tích ruộng đất từ 2 ha tới 3 ha cho những nơi có quỹ đất lớn nhất. Thời hạn sử dụng đất tối đa là 50 năm, khi hết hạn phải xin gia hạn.
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang, một giới chức về hưu có nhiều trăn trở với đời sống của nông dân, nhận định:
“Ở Việt Nam có giới hạn, đất thì manh mún mà gom lại thì chưa có hướng dẫn rõ ràng cho nên người ta chưa biết cách như thế nào. Hơn nữa quyền sở hữu không có, quyền sử dụng cũng không có trên diện tích rộng lớn hơn, người đầu tư để phát triển ngành nông nghiệp người ta rất là ngại vì đây là ngành đầu tư lợi nhuận thu về ít nhất mà cực khổ nhất. Cho nên vấn đề này phải kết hợp tổng hòa các mối quan hệ về tâm lý, về kinh tế, kỹ thuật, hành chánh… phải đồng bộ nhiều thứ để tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất. Trên thế giới ở đâu cũng vậy người làm nông nghiệp đều thiệt thòi hơn các ngành khác cho nên tùy quốc gia, chính phủ có sự tài trợ để hỗ trợ ngành nông nghiệp của họ.”
Trên thế giới ở đâu cũng vậy người làm nông nghiệp đều thiệt thòi hơn các ngành khác cho nên tùy quốc gia, chính phủ có sự tài trợ để hỗ trợ ngành nông nghiệp của họ. -Ông Nguyễn Minh Nhị |
Tại sao Việt Nam chưa thể phát triển trồng bắp để giảm bớt phần nhập khẩu 3 tỷ USD riêng cho bắp để chế biến thức ăn gia súc. Trong dịp trả lời chúng tôi, Giáo sư Bùi Chí Bửu nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nói rằng, điều quan trọng nhất là phải thiết lập được thị trường tiêu thụ bắp bền vững, thì nông dân mới có thể chuyển sang trồng bắp từ các cây trồng khác. Về mặt kỹ thuật, Giáo sư Bùi Chí Bửu phân tích:
“Chúng tôi tính là bắp chỉ cần nâng từ 4 tấn lên 5 tấn/ha thì khỏi phải nhập vì hiện nay diện tích bắp hơn 1 triệu ha. Chúng tôi khuyến khích đưa bắp về Đồng Nai lên Đắc Nông trên Tây Nguyên, với điều kiện phải đầu tư nước tưới, nếu có nước tưới thì Việt Nam không phải nhập bắp nữa, điều kiện khó thì giá thành mới rẻ, còn đồng bằng sông Cửu Long giá thành vẫn rất đắt…nếu không có vùng tập trung thì cũng sẽ thất bại thôi, vận chuyển về nhà máy lớn xa quá thì tốn kém chuyên chở nhiều lắm.”
Trong 7 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có tình trạng nông thôn mới được thực hiện như phong trào, chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Được biết, hầu hết địa phương trên cả nước chạy theo thành tích nông thôn mới và để lại món nợ đọng 15.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản không trả được.
Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo ở Thường Tín Hà Nội, kể lại trải nghiệm về xây dựng “nông thôn mới” qua mắt thấy tai nghe:
“Chủ yếu là xin xỏ ngân sách Nhà nước nếu được, nếu không thì bắt nhân dân đóng góp, rồi xây dựng vài thứ hình thức bên ngoài như cổng làng, đường làng thế thôi, chứ thực tế thì nó chả mới ở chỗ nào cả.”
Bên cạnh câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai tổ chức sản xuất, vấn nạn nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình và nêu giải pháp khắc phục vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra là vấn đề bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp và sau hết là nhắc nhỏ của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản, đặc biệt đối với người dân 4 tỉnh miền Trung chịu thảm họa môi trường biển.
Bảy vấn đề lớn mà Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giải trính và nêu ra các giải pháp khắc phục, trên thực tế phủ trùm toàn bộ thực trạng Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn Việt Nam, di sản hai nhiệm kỳ của chính phủ tiền nhiệm.
Nam Nguyên
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét