Về chuyện tái kiểm phiếu (recount) tại Hoa Kỳ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Về chuyện tái kiểm phiếu (recount) tại Hoa Kỳ


Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 8 tháng 11 năm 2016 với chiến thắng ngả về ông Donald Trump, một doanh gia tỉ phú, khiến Hoa Kỳ và toàn thế giới sửng sốt. Họ sửng sốt là phải vì trước ngày bầu cử, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận do các hãng truyền thông nổi tiếng thực hiện cho thấy bà Hillary Clinton, ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ dẫn trước rất xa ông Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa. Lý do sự chiến thắng của ông Trump đã được nhiều nhà phân tích giải thích, tựu trung ngoài việc các hãng truyền thông có phần thiên vị bà Clinton, hầu hết đã bỏ qua tầng lớp trung lưu thầm lặng làm việc chăm chỉ đã bị bỏ rơi trong 8 năm cầm quyền của tổng thống Obama. Từ đó, họ đã tức giận đồng loạt bỏ phiếu cho ông Trump với 290 phiếu cử tri đoàn, bà Clinton được 232 (chỉ cần 270 là thắng cử).

Vào ngày thứ Sáu 25/11/2016, bà Jill Stein, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Xanh (Green Party) chỉ chiếm được 1% tổng số phiếu bầu đã quyên góp được 6 triệu Mỹ Kim để yêu cầu kiểm phiếu lại (recount) tại 3 tiểu bang “chìa khóa” mà ông Trump đã thắng bà Clinton với số phiếu rất khít khao. TB Wisconsin đã đồng ý đếm phiếu lại theo lời yêu cầu của bà Stein. Hạn chót để yêu cầu kiểm phiếu tại tiểu bang Pennsylvania là 28/11/2016 và 30/11 cho tiểu bang Michigan.

Ngày 26/11/2016, tiểu bang Michigan thông báo ông Trump thắng bà Clinton với 10,704 phiếu sau khi kiểm phiếu tại tất cả các quận hạt, thành phố, như thế ông Trump thêm được 16 phiếu cử tri đoàn, tổng cộng được 306 trong khi bà Clinton vẫn chỉ được 232 phiếu. Vào thứ Hai 28/11/2016, tiểu bang Michigan sẽ chính thức công bố kết quả này.

Những câu hỏi được đặt ra:

– Tại sao bà Jill Stein đòi đếm phiếu lại thay vì bà Clinton, người thua cuộc?

– Có dấu hiệu gì cho thấy có sự bất thường trong cuộc bầu cử không?

– Cuộc đếm phiếu lại có làm thay đổi kết quả bầu cử không?

– Bà Clinton thắng phiếu phổ thông có ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử không?

– Cuộc tái kiểm phiếu sẽ gây phương hại gì cho nước Mỹ hay không?

KẾT QUẢ BẦU CỬ CHO ĐẾN TRƯỚC NGÀY 26/11/2018

KẾT QUẢ BẦU CỬ CHO ĐẾN TRƯỚC NGÀY 26/11/2018

Cho đến trước ngày 26/11/2016, kết quả cuộc bầu cử 2016 tại Hoa Kỳ như sau:

Về Tổng Thống Hoa Kỳ:

Phiếu cử tri đoàn:

– Ông Trump được 290 phiếu (306 nếu tính luôn kết quả của tiểu bang Michigan với 16 phiếu cử tri đoàn). Chỉ cần 270 phiếu là đắc cử TT.

– Bà Clinton: 232 phiếu.

Về phiếu phổ thông (popular votes) tính đến ngày 25/11/2016:

– Bà Clinton: 64.6 triệu

– Ông Trump: 62.4 triệu

– Các ứng cử viên khác không đáng kể.

Về Thượng viện: Cộng Hòa chiếm 51 ghế trên tổng số 100. Dân chủ: 46. Độc lập: 2. Chưa xác định: 2

Về Hạ Viện: Cộng Hòa: 238. Dân Chủ: 194. Độc Lập: 0. Chưa xác định: 3

Thống đốc các tiểu bang:

– Cộng Hòa: 31. Dân Chủ: 18. Độc lập: 1

Như vậy, đảng Cộng Hòa đã kiểm soát Hành Pháp, 2 viện Quốc Hội, và đa số thống đốc các tiểu bang tại Hoa kỳ. Điều này nói lên ý nguyện của dân chúng Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016 vừa qua.

TẠI SAO LẠI CÓ CHUYỆN ĐÒI TÁI KIỂM PHIẾU?

Trên tạp chí New York Magazine, nhà hoạt động về quyền bầu cử, luật sư John Bonifaz và ông J. Alex Halderman, giám đốc trung tâm an ninh mạng của đại học Michigan đã thúc giục bà Clinton nên đòi tái kiểm phiếu vì họ nghĩ rằng có những bất bình thường trong cuộc bầu cử tại 3 tiểu bang “chìa khóa” khiến bà Clinton thất cử, có thể là do tin tặc (hackers) xâm nhập làm thay đổi kết quả bầu cử.

Trước tin này, Bà Jill Stein đã yêu cầu tái kiểm phiếu tại 3 tiểu bang nói trên dù rằng bà không bị ảnh hưởng nào dù ai đắc cử tổng thống. Điều đáng nói đáng lẽ bà Clinton phải làm công việc này (đòi tái kiểm phiếu), nhưng ở đây bà Jill Stein lại làm thế. Phải chăng bà đã bị mua chuộc, hay lý do nào khác?

Vì vậy, Tổng Thống đắc cử Donald Trump đã lên án bà Jill Stein là muốn trục lợi, việc làm của bà là “lừa đảo”.

Riêng bà Clinton ngay lúc đầu đã chấp nhận thất bại, đã chúc mừng tân tổng thống đắc cử. Nhưng nay bà lại đổi ý dù rằng ban tranh cử của bà đã không tìm được dấu hiệu bất minh nào trong cuộc bỏ phiếu.

CÓ DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG TRONG CUỘC BẦU CỬ HAY KHÔNG?

Hoàn toàn không.

Đương kim TT Obama đã bác bỏ cuộc tái kiểm phiếu này, ông cũng khẳng định công nhận kết quả cuộc bầu cử vừa qua và Ủy Ban bầu cử quốc gia xác định cuộc bầu cử hoàn toàn trong sáng và không có vấn đề dù rằng mọi người đều công nhận tin tặc từ Nga đã truy cập điên thư ban tranh cử của đảng Dân Chủ có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử. Cần nhấn mạnh ở đây là Tổng Thống đương quyền Obama nắm mọi quyền lực trong tay để  tìm ra bất cứ hình thức hoặc dấu vết “gian lận” hoặc “bất minh” nào nếu có. Các tiểu bang mà bà Clinton thất cử khít khao cũng có những phương cách kiểm soát chặt chẽ kết quả tương tự do đại diện của đảng Dân Chủ và chính quyền địa phương thực hiện.

Nếu có bất cứ việc gì không minh bạch chắc chắn TT Obama sẽ không để yên. Tin tức cho biết các ủng hộ viên của bà Clinton thúc đẩy bà phải đòi kiểm phiếu lại. Nhưng bà đã lỡ công nhận thua, đã chúc mừng ông Trump và kêu gọi dân chúng hãy nghe theo tổng thống mới là ông Trump. Nay bà lại tham dự cuộc tái kiểm phiếu, khiến cho mọi người có thể lên án bà là bất nhất, trở mặt…

CUỘC TÁI KIỂM PHIẾU CÓ THAY ĐỔI KẾT QUẢ BẦU CỬ KHÔNG?

Theo lý thuyết, nếu cuộc tái kiểm phiếu kết luận bà Clinton thắng tất cả 3 tiểu bang (Wisconsin, Pennsylvania, Michigan) bà sẽ thêm được 46 phiếu cử tri đoàn (lần lượt là 10, 20, 16), và bà sẽ thắng cử tổng thống. Nhưng điều này gần như không thể xảy ra. Nếu bà chỉ thắng 1 hoặc 2 trong 3 tiểu bang được tái kiểm phiếu, bà vẫn không đủ số phiếu để lật ngược thế cờ. Tất cả những nhà nghiên cứu, các chuyên gia, kể cả đảng Dân Chủ đều kết luận như vậy.

THẮNG PHIẾU PHỔ THÔNG CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐẾN KẾT QUẢ BẨU CỬ KHÔNG?

Tuyệt đối là không vì theo hiến pháp Hoa Kỳ (điều II đoạn I) đã được áp dụng trên 200 năm qua, ai đạt được 270 phiếu cử tri đoàn sẽ được xem là đắc cử tổng thống. Sở dĩ có thủ tục bầu cử tổng thống theo thể thức cử tri đoàn vì nước Mỹ không muốn các tiểu bang đông dân chèn ép các tiểu bang ít dân. Đây là một đặc điểm công bằng, hợp lý hợp tình của nền chính trị Hoa kỳ muốn có sự cân bằng quyền lực giữa các tiểu bang bất kể lớn hay nhỏ.

CUỘC TÁI KIỂM PHIẾU SẼ GÂY ẢNH HƯỞNG GÌ?

Chắc chắn cuộc tái kiểm phiếu sẽ gây sự chia rẽ sâu sắc và trầm trọng cho xã hội Hoa Kỳ.

Ông Trump sau khi đắc cử đã có nhiều nhân nhượng, giảm bớt những đường lối cực đoan mà ông tuyên bố trong khi tranh cử. Ông hứa sẽ không truy tố bà Clinton về việc xử dụng bất hợp pháp các điện thư khi bà làm Ngoại Trưởng. Ông đã có nhiều nhượng bộ đối với TT Obama, với đảng Dân Chủ. Ông đã lập chính phủ với thành phần và sắc thái đa dạng. Nhưng nay, bà Clinton lại dự vào cuộc tái kiểm phiếu (mà chắc chắn sẽ không thể nào đảo ngược thế cờ như nói ở trên), chắc chắn ông Trump và đảng Cộng Hòa sẽ tức giận và sẽ không chịu nhượng bộ, hậu quả sẽ vô cùng tai hại cho sự đoàn kết của nước Mỹ.

Dĩ nhiên sau khi tái kiểm phiếu, và nếu không có sự lật ngược thế cờ, thì kết quả bầu cử ngày 8 tháng 11 năm 2016 sẽ có giá trị hơn, bảo đảm được tính chính đáng hơn và ông Trump sẽ càng ở vào thế mạnh hơn để điều hành đất nước.

Hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ cũng như các thành viên cần có thái độ kềm chế, trung dung, nhường nhịn để tạo sự đoàn kết quốc gia, tạo sự an lạc cho đất nước và dân tộc Hoa Kỳ, và cho nền hòa bình thịnh vượng của thế giới. Vì vậy, việc tái kiểm phiếu nên được hủy bỏ nếu có thể. Còn nếu chẳng may, cuộc tái kiểm phiếu vẫn cứ tiếp tục thì cứ để nó qua đi như không có gì, cũng không cần phải tranh cãi vô ích.

Hoàng Độ

(26/11/2016)

*  Tác giả gửi tới VANEWS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad