Donald Trump chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Donald Trump chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông


Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump cảm ơn cử tri tại thành phố Cincinnati (Ohio - Hoa Kỳ) ngày 01/12/2016. REUTERS/William Philpott

Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump ngày 04/12/2016 đã bất ngờ chỉ trích Trung Quốc về việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên nhà tỷ phú New York bình luận về những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông kể từ khi ông đắc cử tổng thống.

Trên trang Twitter của mình, ông Donald Trump viết : “Trung Quốc có đã hỏi xem chúng ta có đồng ý để cho họ xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ngay giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ thế”. Tuy nhiên, chưa ai hiểu “tổ hợp quân sự” mà ông Trump nói đến là gì.

Cho tới nay, Trung Quốc đã bồi đắp nhiều đảo ở Trường Sa, xây trên đó các phi đạo, hải cảng, hệ thống radar, với tốc độ ồ ạt, gây lo ngại không chỉ cho các nước trong khu vực, mà cả Hoa Kỳ.

Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump rất ít khi nói về Biển Đông. Ứng cử viên Cộng Hòa vẫn chủ trương một chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa biệt lập, nên Bắc Kinh nghĩ rằng với chính quyền Trump, Hoa Kỳ có thể sẽ không can thiệp nhiều vào Biển Đông.

Chính sách tiền tệ Trung Quốc cũng bị đả kích

Không chỉ trong hồ sơ Biển Đông, ông Trump còn chỉ trích Bắc Kinh về chính sách tiền tệ khi viết : “Trung Quốc có đã hỏi xem chúng ta có đồng ý để họ phá giá đơn vị tiền tệ ( khiến các công ty chúng ta khó cạnh tranh ), đánh thuế nặng lên các hàng hóa của chúng ta nhập vào nước họ?”

Hiện giờ Bắc Kinh chưa có phản ứng gì về những tuyên bố nói trên của ông Trump. Tổng thống tân cử đã chỉ trích Trung Quốc sau khi khiến Bắc Kinh giận dữ vì đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào cuối tuần trước.

Đây là lần đầu tiên có một tiếp xúc như vậy giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1979, khi Hoa Kỳ chính thức công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, mà Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc sau đó đã gởi công hàm phản đối Hoa Kỳ và ông Donald Trump, mặc dù phó tổng thống tân cử Mike Pence đã cố giảm nhẹ ý nghĩa của cuộc điện đàm, khẳng định đây là chỉ cuộc điện đàm xã giao, chứ không phải là Washington thay đổi chính sách về Trung Quốc.



* Điện đàm với Trump, tổng thống Đài Loan thắng lớn

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngồi trong văn phòng tại Đài Bắc để nói chuyện qua điện thoại với tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 03/12/2016. Taiwan Presidential Office/Handout via REUTERS

Với cú điện thoại cho tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump ngày 02/12, nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã giành được một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục. Cú điện thoại chỉ kéo dài khoảng hơn 10 phút, nhưng khi trực tiếp điện đàm như vậy với tổng thống Đài Loan, tổng thống tân cử Donald Trump đã làm trái với chính sách của Hoa Kỳ kể từ năm 1979, đó là chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, mà Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời.

Nói cách khác, với cú điện thoại nói trên, chưa bao giờ Đài Bắc tiến gần như thế đến việc được Washington công nhận chính thức, đồng thời thu hút sự chú ý của quốc tế đến hòn đảo mà từ bao năm qua vận hành như là một quốc gia dân chủ, độc lập, nhưng vẫn bị cô lập trên trường quốc tế.

Theo văn phòng tổng thống Đài Loan, trong cuộc điện đàm với ông Donald Trump, bà Thái Anh Văn đã nhờ Hoa Kỳ giúp cho Đài Loan được “tham gia” và “đóng góp” nhiều hơn vào các hồ sơ quốc tế. Chủ trương của tổng thống Thái Anh Văn là Đài Loan đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, cũng như của các tổ chức quốc tế. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn gây áp lực lên các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (tổng cộng 170 nước, so với Đài Loan chỉ được 22 quốc gia công nhận), để ngăn chận các nỗ lực của chính quyền Đài Bắc nhằm có một chổ đứng vững chắc hơn trên trường quốc tế.

Trong cuộc điện đàm nói trên, tổng thống Thái Anh Văn cũng muốn Đài Loan được Hoa Kỳ trợ giúp nhiều hơn về mặt quân sự để có thể phòng thủ chống Trung Quốc. Mặc dù cắt đứt bang giao với Đài Bắc từ năm 1979, nhưng Washington vẫn bán nhiều vũ khí cho Đài Loan, và lần bán vũ khí nào cũng khiến Bắc Kinh giận dữ.

Cũng cần phải thấy rằng bà Thái Anh Văn đã điện thoại cho ông Trump vào lúc bà đang gặp nhiều khó khăn trong nước, với tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Đài Loan nay rơi xuống chỉ còn 26%, so với mức 47% vào tháng 6, ngay sau khi bà nhậm chức. Kinh tế Đài Loan thì đang trên đà sụt giảm, được dự báo sẽ chỉ đạt 1,87% vào năm tới. Với chiến thắng ngoại giao nói trên, tổng thống Thái Anh Văn hy vọng sẽ phục hồi uy tín của bà, vì đa số người dân Đài Loan ủng hộ hành động này.

Sau cú điện thoại nói trên, Bắc Kinh trút sự giận dữ về phía Hoa Kỳ hơn là về phía Đài Loan, thể hiện qua công hàm “lọng trọng phản đối” chính phủ Mỹ. Báo chí Trung Quốc hôm nay cũng chĩa mũi dùi về phía ông Donald Trump nhiều, chỉ trích nhà tỷ phú là “thiếu kinh nghiệm về ngoại giao”. Riêng Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì yêu cầu đưa hệ thống tên lửa đạn đạo Đông Phong 41 vào hoạt động ngay để đáp lại thái độ khiêu khích của Mỹ. Nhưng báo chí Trung Quốc cũng không quên cảnh cáo tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn rằng mọi mưu toan của chính quyền Đài Bắc gây căng thẳng sẽ gặp hậu quả ngược lại.

Chính phủ Đài Bắc hôm nay cũng đã cố làm dịu tình hình, khi kêu gọi Trung Quốc giữ bình tĩnh, nhắc lại rằng tổng thống Thái Anh Văn sẽ không đưa Đài Loan trở lại con đường đối đầu với Trung Quốc và cú điện thoại nói trên không phải là một hành động khiêu khích Bắc Kinh.

Tuy vậy, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống sẽ không dễ gì mà dịu đi, vì với lập trường không công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, lãnh đạo Đài Loan vẫn là cái gai mà Bắc Kinh muốn nhổ đi.

Thanh Phương
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad