Báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Y tế hôm 9/1 đã công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, trong đó, bộ đề xuất 2 phương án về việc công dân hiến máu. Phương án 1 là Việt Nam sẽ đặt ra quy định pháp lý rằng việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, họ phải thực hiện 1 lần mỗi năm, một số trường hợp không thể hiến máu sẽ được miễn. Ngược lại, phương án 2 quy định việc hiến máu là tự nguyện như vẫn diễn ra từ trước đến nay.
Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong năm 2016 đã có 1,4% dân số Việt Nam hiến máu. Các đơn vị y tế trên cả nước đã tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu, mỗi đơn vị là 350 mililit. Lượng máu này đáp ứng 66% nhu cầu về máu.
Trong khi đó, theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, ở các nước đang phát triển, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy, với dân số khoảng 90 triệu dân, Việt Nam cần đến khoảng 1,8 triệu đơn vị máu.
Một cán bộ y tế Việt Nam có chuyên môn về huyết học và truyền máu đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng một người bình thường có thể hiến máu 3, 4 lần một năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Cán bộ này so sánh rằng ở Việt Nam sau 20 năm vận động mới chỉ có hơn 1% dân số hiến máu, trong khi ở các nước như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, tỷ lệ người dân hiến máu lên đến 3 hoặc 4%. Về dự luật có phương án quy định “hiến máu bắt buộc”, cán bộ y tế nêu quan điểm cá nhân:
“Sử dụng truyền thông, sử dụng mạng xã hội, sử dụng Facebook để vận động hiến máu cũng là kênh khá là hiệu quả. Và nếu như nó tác động trực tiếp đến người dân Việt Nam thì chúng ta cũng không cần phải có một cái chế tài luật nào cả. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu máu cho người bệnh khi mà phong trào của chúng ta chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, thì tôi khá mong muốn là luật này sẽ được thông qua”.
Dù mới chỉ ở dạng dự thảo và chứa đựng cả hai phương án về bắt buộc lẫn tự nguyện hiến máu, song một số báo và nhiều người dân Việt Nam đã dành nhiều sự chú ý hơn đến phương án “bắt buộc hiến máu”.
Báo Tuổi Trẻ gọi đó là phương án “gây ra tranh cãi”, trong khi đó trên mạng xã hội, nhiều người phản đối phương án này, coi nó là “sự vi phạm tự do thân thể” hoặc thậm chí là “vi phạm nhân quyền”.
Trước phản ứng của dư luận, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nói với VOA rằng các ý kiến đều sẽ được tôn trọng và quá trình chuẩn bị cho dự luật còn đang diễn ra:
“Để đưa được phong trào hiến máu nhân đạo vào một cách chính thức trong xã hội, trong cộng đồng thì rất nên luật hóa vấn đề hiến máu. Bây giờ ta mới xây dựng luật, và bước đầu đưa ra để xin ý kiến của các bộ, ban, ngành và nhân dân. Tôi tin có một điều chắc chắn, và tôi cũng là đại biểu Quốc hội thì thấy rằng nhìn chung mà nói các ý kiến của cộng đồng, ý kiến của nhân dân đều được rất tôn trọng, và sẽ có sửa chữa một cách hợp lý để đưa ra để nhận được sự đồng thuận nhiều nhất”.
Theo báo chí Tuổi Trẻ, quan điểm của nhiều chuyên gia trong Bộ Y tế là nghiêng về phương án chỉ đặt ra quy định về hiến máu tình nguyện.
Vị viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết sẽ có 4 vòng góp ý về dự luật và phải đến năm 2018 nó mới được trình Quốc hội để thông qua. Ông nói việc luật hóa về hiến máu là cần thiết để một mặt thúc đẩy phong trào hiến máu nhân đạo, mặt khác cũng “đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội văn minh”.
Ông Trí nói người dân cần tham gia hiến máu để góp phần cứu những người bị bệnh tật hoặc gặp tai nạn, thảm họa, ngược lại, trong trường hợp cần thiết những người hiến máu “cũng được xã hội, cộng đồng đảm bảo có máu để sử dụng”.
An Tôn
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét