Làm chính sách phải biết ‘ngó trước ngó sau’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Làm chính sách phải biết ‘ngó trước ngó sau’


Bộ đưa một phương án (cho máu bắt buộc) Ảnh minh họa

Mới đây dư luận xôn xao khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo quy định cho máu nhân đạo, trong đó có phương án “cho máu bắt buộc mỗi năm một lần”. Trước làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, vào chiều ngày 9/1 đã gặp gỡ giới báo chí Việt Nam. Theo ông Quang, dự thảo lần này có hai phương án cụ thể, bao gồm cho máu bắt buộc và cho máu tự nguyện.

Ông Quang giải thích rằng Bộ Y tế đưa ra hai phương án: phương án 1 quy định việc cho máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện một năm/lần nhưng có miễn trừ một số trường hợp không thể cho máu. Phương án còn lại quy định việc cho máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho vận động hiến máu. Ông Quang nói rằng Bộ Y tế đưa ra hai phương án để lấy ý kiến trong xã hội, để mọi người cùng bàn luận và rộng đường dư luận. Nói cách khác, theo ông Quang, phương án 1 (phương án bắt buộc cho máu) chỉ là phương án giả định qua đó đánh giá tác động của luật này.

Ông Quang khẳng định: “Luật nào cũng vậy, ban soạn thảo sẽ đưa ra nhiều phương án để mọi người bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân, xã hội. Khi thống nhất thì sẽ trình phương án tối ưu nhất tới Quốc hội để các đại biểu ấn nút thông qua”. Tuy nhiên, lời giải thích của ông Quang không thuyết phục, cho thấy những yếu kém trong việc xây dựng luật của ngành y tế với vấn đề hiến máu nói riêng, mà hậu quả có thể kéo theo tư duy xây dựng luật thiếu hiệu quả với các vấn đề khác.

Thứ nhất, một dự thảo luật đúng là cần có những giả định khác nhau. Tuy nhiên, việc đưa các giả định không hợp lệ vào dự thảo luật, như việc bắt buộc người dân hiến máu cứu người, là 1 giả định vô lý nếu không muốn nói là không thể tồn tại (vì vi hiến). Ai cũng biết Hiến pháp quy định quyền bất khả xâm phạm thân thể, sức khỏe, quyền tự quyết với thân thể và sức khỏe của mình. Như vậy không một ai có thể bắt buộc người khác cho máu, dù cho đó là Bộ Y tế hay cao hơn là chính phủ của một quốc gia.

Vấn đề đặt ra, tại sao Bộ vẫn đưa giả định “vi hiến” này vào dự thảo? Có hai giả thuyết, một là người (hoặc ban) soạn thảo dự luật yếu kém về khả năng xây dựng luật. Lẽ ra phải so sánh, đối chiếu quy định dự thảo với Hiến pháp và những bộ luật dân sự, hình sự liên quan nhằm đảm bảo luật mới không va chạm hay mâu thuẫn với bất kỳ điều luật nào trước đó. Thậm chí mở rộng ra, cần phải tham khảo luật của các quốc gia khác. Việt Nam không phải là nước duy nhất thiếu máu, vậy nên việc tham khảo các quy định hiến máu và tế bào gốc của các quốc gia có tình trạng thiếu máu tương tự cũng là một điều rất nên làm.

Giả thuyết thứ hai của việc Bộ đưa một phương án (cho máu bắt buộc) không khả thi vào dự thảo, tức là đưa cho có chứ hiển nhiên khả năng được chọn là 0%, là vì gây áp lực để nhà nước phải thông qua phương án 2, tức tăng chi tiêu cho hoạt động thu hút cho máu tình nguyện. Phương án 2, như ông Quang trình bày trong dự thảo, không chỉ dừng ở chuyện “cho máu tình nguyện” mà trọng tâm là “tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”. Điều này lý hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên khúc mắc vẫn chưa được giải đáp.

Lẽ ra, thay vì đưa một phương án (cho máu bắt buộc) thiếu khả dĩ vào dự luật, Bộ Y tế nên tập trung khai thác nhiều phương án cho nội dung thứ 2 – làm sao để kích thích hoạt động cho máu tự nguyện. Bộ Y tế lẽ ra cần làm rõ cần bao nhiêu tiền cho những phương án cụ thể nào? Ví dụ: Phương án 1: Tập trung đầu tư kênh vận động qua mạng xã hội; Phương án 2: Kêu gọi qua kênh báo chí (gồm truyền hình, báo điện tử, báo giấy...); Phương án 3: Kết hợp; Phương án 4: Các cuộc vận động trực tiếp tại các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, trường học hàng năm đi kèm những quyền lợi được tăng lên của người hiến máu... Tôi nói ví dụ như vậy để thấy, Bộ Y tế cần chú trọng vào phương án cho máu tình nguyện ngay từ ban đầu, chứ không phải đưa một phương án vô thưởng vô phạt vào dự luật để dư luận hoang mang, bức xúc và ném đá chính sách một cách không thương tiếc.

Nhìn lại các quốc gia trên thế giới sẽ thấy, hình thức vận động hiến máu của họ rất đa dạng và hiệu quả, không chỉ thông qua công cụ truyền thông và còn thông qua chính sách giáo dục, các hoạt động xã hội, văn hóa công sở... Tuyệt nhiên chưa có nước nào đề xuất cho máu bắt buộc. Đó là một phương án “rỗi hơi”, nếu không muốn nói là điên rồ.

Tại sao người dân lại hay “ném đá” các dự thảo chính sách? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Khi người làm luật không cẩn trọng và không biết điều gì nên được đào sâu, điều gì không cần (được) đưa vào dự luật, thì việc “ném đá” chính sách là chuyện bình thường.

Cao Huy Huân
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad