Theo báo Times of India, loại hỏa tiễn phòng không được đề cập tên là Akash.
Trong chiều hướng thúc đẩy gia tăng hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước, hành động này được coi như một trong những đáp trả của Ấn Độ đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh gia tăng thách đố New Delhi trên Ấn Độ Dương và hợp tác sâu rộng với Pakistan về bán và sản xuất võ khí.
Nguồn tin cho hay hỏa tiễn phòng không tầm gần Akash được hai bên đàm phán sau khi Ấn Độ có ý định cung cấp cho Việt Nam hỏa tiễn siêu âm Brahmos và ngư lôi Varunastra chống tàu ngầm.
Từ cuối năm ngoái, tin cho hay Ấn Độ bắt đầu huấn luyện sĩ quan và quân sĩ cho Việt Nam điều khiển và tác chiến tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam mua của Nga cũng là thứ mà Ấn Độ có nhiều năm kinh nghiệm.
Theo lời ông Manohar Parrikar, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, nói với báo chí, Việt Nam là “bạn thân” nên nhiều dự án hợp tác an ninh quốc phòng đã được thực hiện từ cải thiện trang bị máy móc đến giúp huấn luyện cả không quân và hải quân cho Việt Nam.
Tất cả những điều này được tiến hành trong bối cảnh Ấn Độ và Việt Nam quyết định nâng tầm “đối tác chiến lược” từng được ký kết hồi Tháng Bảy, 2007 lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” hồi Tháng Chín, 2016 khi Thủ Tướng Narendra Modi đến Hà Nội.
Nguồn tin trên nói rằng phía Việt Nam “rất muốn” không những được sở hữu không những hỏa tiễn phòng không Akash mà còn mong muốn Ấn Độ chuyển giao kỹ thuật và cùng hợp tác sản xuất chúng.
Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho rằng điều đó còn tuần tự theo thời gian mà ban đầu với việc mua bán hàng đã chế tạo và chuyển giao kỹ thuật bảo trì và một số lãnh vực khác.
“Các cuộc đàm phán đang tiến hành theo một kế hoạch chung. Đối với hỏa tiễn Akash thì tương đối dễ dàng hơn vì có đến 96% hỏa tiễn này là sản phẩm nội địa do Ấn Độ chế tạo,” nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cũng cho hay bộ trưởng Quốc Phòng hai bên sẽ gặp nhau một ngày gần đây để xác định những dự án quân sự và trang bị nào sẽ được sắp xếp theo gói tín dụng $500 triệu mà thủ tướng Ấn Độ loan báo viện trợ cho Việt Nam hồi Tháng Chín năm ngoái.
Việc cung cấp hay chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, ví dụ như hỏa tiễn Brahmos, tầm bắn lên tới 290 km, phức tạp hơn vì sản phẩm này là hợp tác nghiên cứu và sản xuất giữa Ấn Độ và Nga. Có đến 60% các bộ phận của Brahmos phải nhập cảng từ Nga.
Ngoài hợp đồng cung cấp tàu tuần tra cao tốc được ký kết giữa công ty Larsen & Toubro và Bộ Đội Biên Phòng Việt Nam trong khuôn khổ chương trình tín dụng $100 triệu của chính phủ Ấn Độ, hiện vẫn chưa có thêm thông tin chi tiết cho hay khoản viện trợ mới $500 triệu sẽ được sử dụng ra sao.
Từ ngày 4 đến ngày 7 Tháng Mười Hai, 2016, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN, dẫn đầu một phái đoàn tướng lãnh cao cấp sang thăm Ấn Độ. Báo chí Việt Nam không tiết lộ một chi tiết nào cụ thể về những gì hai bên thảo luận mua bán võ khí, trang bị.
Việt Nam mua của Nga một số giàn hỏa tiễn phòng không S-300 có khả năng đánh chặn mọi loại mục tiêu ở độ cao tối đa 27 km. Tốc độ của hỏa tiễn này lên tới 2,800 m một giây, tầm bắn tối đa 195 km. (TN)
Nguòi Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét