Nhiều tiếng nói được chú ý trên mặt báo và công luận.
Xe công – một hình thức tham nhũng công khai
Với một nước nghèo và nền kinh tế đang trước nguy cơ phá sản. Sản xuất đình đốn, hàng hóa sản phẩm không có lối thoát, nông sản người dân trồng trọt không thèm thu hoạch vì càng thu hoạch càng lỗ vốn, nợ nước ngoài dầm đìa… Nhà nước đang tìm mọi cách để bóp nặn từng đồng cắc tiền thuế người dân, nghĩ ra đủ chiêu trò từ thuế xăng dầu, xe cộ, đường sá… thì khoản tiền chi hơn 13.000 tỷ đồng mỗi năm cho xe công là một con số không chỉ làm người dân giật mình, mà có lẽ đó phải được coi là một chỉ số của sự xa hoa, phá hoại.
Có lẽ không có mấy nước mà hệ thống “đầy tớ của nhân dân” được cung phụng đầy đủ, thậm chí là trắng trợn trên mồ hôi, nước mắt và xương máu người dân như Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã phải thốt lên rằng: “Ở các nước, ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Thủ tướng Thuỵ Điển còn tự lái ô tô hoặc đi các phương tiện công cộng đi làm, chứ không có người đưa đón hay bảo vệ, đầu bếp riêng. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc sử dụng xe công mở rộng ra quá nhiều, ngay chủ tịch liên minh hợp tác xã của tỉnh hay ông giám đốc sở cũng có xe riêng đưa đón”.
Vâng! Những đất nước thừa tiền lắm của đến mức người dân còn không thèm nhận tiền trợ cấp cả 2.500 đola mỗi tháng, mà các lãnh đạo đất nước còn thế, thì việc ở đất nước Việt Nam, mỗi năm chi cả mười mấy ngàn tỷ đồng chỉ riêng cho xe đưa đón là chuyện không bình thường.
Thực chất, đó là sự chia chác quyền lợi từ những đồng thuế mồ hôi xương máu của người dân cho đám cán bộ, đảng viên.
Thậm chí Thủ tướng còn có quy đinh cấp nào được đi xe bao nhiêu tiền hẳn hoi. Có thể nói rằng đây là hiện tượng tham ô của công được luật hóa.
Điều không bình thường đó, lại trở thành bình thường ở Việt Nam. Thậm chí chỉ xe công chưa đủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên còn khẳng định: “Đừng nói xe công, các nước còn có máy bay riêng cho lãnh đạo!”. Nghe câu nói này từ miệng một ông thuộc cái Ủy ba cầm tiền bạc của người dân là Quốc hội, thì người dân hiểu rằng tư duy "vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" đã thành cố hữu ở quan chức cộng sản.
Hèn chi, ở Việt Nam, người ta đua nhau chạy chọt, mua bán, “cơ cấu”, bổ nhiệm cả họ hàng làng xóm nhà mình vào làm quan cộng sản.
Chuyện xe pháo chỉ là chuyện nhỏ và lặt vặt trong những thứ chi tiêu bằng “tiền chùa” của hệ thống quan chức tham nhũng của Việt Nam được ví nhung nhúc “như một bầy sâu” – Trương Tấn Sang.
Nhưng sẽ trở thành chuyện lớn, khi chiến dịch thanh trừng, hạ bệ lẫn nhau trước mỗi kỳ biến động về nhân sự, chức tước phe nhóm.
Và chuyện xe công: Muộn mẹo đời thường
Gần đây, bỗng nhiên báo chí đưa tin rầm rộ về việc sử dụng xe công của các lãnh đạo các tỉnh.
Bắt đầu là vụ chiếc xe tư nhân mang biển số cơ quan nhà nước của Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Tỉnh Hậu Giang được dùng mở đầu cho việc thanh trừng. Chiếc xe gắn biển xanh từ bao giờ vẫn chạy, Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm hết chỗ nọ đến chỗ kia vẫn “đúng quy trình”, chẳng ai ý kiến.
Thế rồi đùng đùng báo chí bới ra, và ngay lập tức TBT Nguyễn Phú Trọng quan tâm chỉ thị, thế là thành tội to. Và một trận đánh hội đồng được thực hiện. Kết quả là Trịnh Xuân Thanh cao chạy xa bay và đảng ngồi thẫn thờ ngóng theo vô vọng.
Thế rồi Thành ủy Đà Nẵng phản pháo, rằng thì là đó là biển thật, nhà nước cấp hẳn hoi, chuyện hai xe trùng biển số nhưng khác màu sơn là bình thường, và dọa kiện tờ báo. Người ta ngơ ngác, nếu đêm hôm, xe đó đâm vào ai và bỏ chạy, nếu người dân chỉ nhìn đọc được biển số báo công an, thì bắt xe nào đây?
Tuy nhiên, Thành ủy cũng xì ra cái hóa đơn giá trị xe mua bán 1,3 tỷ, Hẳn nhiên, nếu theo quy định, chưa cần nói đến giá trị xe là 2,7 tỷ đồng thì chẳng lẽ 1,3 tỷ nhỏ hơn 1,1 tỷ chăng?
Không chỉ Đà Nẵng, báo chí lại lôi tiếp vụ Tỉnh Cà Mau, hai ông đứng đầu tỉnh mỗi ông chơi một xe ô tô Lexus GX460, giá mỗi chiếc 3,1 tỉ đồng, tổng cộng 6,2 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ riêng việc đi những chiếc xe có giá này, thì các quan tỉnh đã nghiễm nhiên coi quy định của Thủ tướng chỉ là tờ giấy lộn.
Quà tặng bất thường: Chân giò và chai rượu?
Đến khi báo chí phanh phui ra các xe sang vượt chỉ tiêu quy định, người dân mới ngớ ra về những mẹo mực quan chức cộng sản nghiễm nhiên “lách đúng luật”.
Đó là ở chỗ: Tất cả những xe này, đều là của tư nhân, hoặc được doanh nghiệp tư nhân tặng. Mà số quà tặng bằng xe sang ấy không phải là ít. Riêng Đà Nẵng đã có 8 chiếc được tặng. Còn Cà Mau, chỉ một doanh nghiệp đã tặng đến 2 chiếc hơn 6 tỷ đồng.
Người ta còn nhớ, cách đây khá lâu, trong vụ án PMU18, một chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng đã được một cơ quan nhà nước đem cho Nguyễn Khánh Trọng, con của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn “mượn”.
Người dân tự hỏi: Không hiểu sao có nhiều doanh nghiệp hảo tâm đến thế? Họ nhiều tiền, lắm của quá, họ yêu mến hàng ngũ lãnh đạo đến mức ấy, hay vì lý do gì?
Hẳn nhiên, việc nhiều tiền lắm của quá đã bị loại bỏ. Bởi báo chí cũng kịp thời nêu ra, là ngay chính doanh nghiệp tặng hai chiếc xe cho Tỉnh Cà Mau lại là doanh nghiệp đang làm ăn lỗ vốn, phải bù lỗ để duy trì doanh nghiệp. Thậm chí không có vốn để đầu tư, Tỉnh Cà Mau đã phải cho ứng trước 25 tỷ đồng để bảo trì nhà máy xử lý rác!
Vậy có phải doanh nghiệp quá yêu quý lãnh đạo nên dù khó khăn đến mấy thì cũng đi vay để tặng xe đắt tiền? Khi đưa câu nghi vấn này ra, người ta chỉ nhận được một câu trả lời: Điên – mà điên thì làm sao có thể làm doanh nghiệp?
Thực ra, những cái “điên” ấy, chỉ xảy ra và rất dễ hiểu trong môi trường kinh tế tập trung XHCN của triều đại cộng sản mà thôi.
Hỏi thì hỏi vậy, dân gian xưa nay đã đúc kết từ lâu: “Ông giơ chân giò, bà thò chai rượu” chứ làm gì có cái của ăn không được của nhau bao giờ.
Vấn đề ở đây, là cả “chân giò và chai rượu” đều có nguồn gốc từ những đồng tiền thuế của người dân mà ra qua những hợp đồng, những công trình và nhiều thứ khác.
Quà tặng, một hình thức hối lộ?
Có lẽ người dân Việt Nam sẽ hết sức ngạc nhiên, khi biết rằng Tổng thống Mỹ được tặng quà rất nhiều, những món quà giá trị thậm chí đến cả triệu dola từ khắp nơi trên thế giới.
Dẫn chứng là năm 2014, cố quốc vương Abdullah bin Abdulaziz đã tặng Tổng thông Obama 6 món quà trị giá 1,3 triệu USD, trong đó tặng riêng Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama hai bộ trang sức quý khoảng 1,1 triệu USD.
Thế nhưng, ông ta chỉ được nhận đeo và… ngắm. Còn nếu muốn dùng, ông phải bỏ tiền ra mua lại những quà tặng đó, dù người ta tặng đích danh Tổng thống Mỹ.
Nhưng, đó là chuyện của những nước tư bản giãy chết. Chuyện ở ta nó khác.
Nếu luật pháp Mỹ quy định giá trị của quà tặng cho Tổng thống không được vượt 375 đola, thì ở Việt Nam, phong bì mừng tuổi 10.000 đola là chuyện lặt vặt. Hối lộ thì không, nhưng tặng thì cứ nhận, vô sự.
Một thời gian dài, trong dân gian đồn đại về chuyện một ông TBT đi thăm nước ngoài được tặng cả triệu đola, thế là về ông bỏ túi. Mãi đến khi dư luận đồn thổi, ông mới trích một ít trong đó ra ủng hộ xây dựng một công trình nào đó.
Chuyện nhận cả triệu đôla có thật hay không ít ai bết. Chỉ biết có một công trình đã được xây dựng và báo ghi nguyên văn rằng “Trích từ số tiền quà tặng TBT”.
Nhưng, những chuyện này thì có thật, từ chuyện cưa cho đến chuyện nay.
Thế hệ chúng tôi, những ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng dịp Trung thu hoặc 1/6, hầu hết học sinh đều hớn hở được nhận những phần kẹo. Loại kẹo bằng đường bọc giấy ấy phát cho mỗi đứa mấy cái và được tuyên bố rằng đó là kẹo của Bác Hồ. Chúng tôi cứ nghiễm nhiên coi rằng đó là kẹo của bác Hồ thật và gào lên “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh”.
Vậy thì lượng kẹo khổng lồ phát cho cả trẻ con miền Bắc đó đâu phải mua từ tiền lương hoặc tiền thưởng của ông Hồ mà gọi là kẹo của bác Hồ?
Hiện nay nhiều nơi vẫn tồn tại rất nhiều công trình ghi rõ ràng rằng: Quà tặng của chủ tịch nước Trần Đức Lương, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang… với con số tiền tỷ. Thậm chí món quà tặng Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn cả năm, sáu chục tỷ đồng.
Vậy có nghĩa là ông Nguyễn Minh Triết chỉ cần chỉ đạo, thì số tiền 400 triệu tiền của dân kia là thành quà của ông ta? Đơn giản.
Trong khi với hệ thống tiền lương hiện nay, báo chí cho biết: " lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước thấp hơn kế toán". Hẳn nhiên là chủ tịch nước, các ông này không thể đi "dán hộp các tông" để mua nhà như Thống đốc Ngân hàng Trần Đức Thúy, hoặc "lao động thối móng tay" để xây dựng hàng loạt cơ ngơi như ông Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền!
Thế thì các ông Hồ Chí Minh, Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết… lấy đâu ra số tiền đó để làm quà tặng ghi tên cá nhân?
Thực ra, ở đây người ta đã thực hiện điều dễ dàng nhất, có lợi nhất cho bản thân mình mà cha ông đã đúc kết, đó là “bốc xôi làng, đãi ăn mày”. Mà xưa nay, cái trò “của người, phúc ta” là dễ làm nhất. Cứ về quê hương của các lãnh đạo cộng sản, người ta sẽ thấy những con đường rộng, những công trình lớn, những khu công nghiệp, nhà máy… chỉ vì đây là quê hương của ông nọ, ông kia.
Mời xem Video: Ai đứng sau báo Văn nghệ trẻ ‘đánh’ bí thư Đà Nẵng: Nguyễn Phú Trọng đã khai chiến với thế lực miền Trung?
Nói đến câu chuyện này, chỉ nhằm nói lên một điều: Tình trạng tranh tối tranh sáng, công tư lẫn lộn giữa hối lộ, biếu xén và quà tặng cũng như hiện tượng nhập nhèm ưu ái hàng ngũ đầy tớ, chính là những khe hở cho việc hối lộ, tham nhũng và tham ô của hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Và khi chế độ cộng sản vẫn còn, thì những chuyện đó vẫn là câu chuyện dài tập.
JB Nguyễn Hữu Vinh
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét