Hàng chục ngàn người chết vì rượu bia, WHO “hiến kế” cho Thủ tướng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Hàng chục ngàn người chết vì rượu bia, WHO “hiến kế” cho Thủ tướng


Một quán bia ven đường ở Hà Nội.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo ngại tình trạng sử dụng rượu bia ở VN và đề xuất một số giải pháp kiểm soát cho Chính phủ Hà Nội.

Bức thư nêu rõ "Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là nguyên nhân chính".

Mục đích của bức thư là để góp ý cho Chính phủ Hà Nội khi đang xem xét Luật phòng chống tác hại của bia rượu.

Ba giải pháp cơ bản nhất được WHO nêu ra đó là tăng giá đồ uống có cồn nhằm giảm mức tiêu thụ rượu bia; điều tiết mật độ điểm bán, thời gian bán và độ tuổi được mua; và kiểm soát hoặc cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi rượu bia.

Thạc sĩ Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức, thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, nhận định đây là những biện pháp cần thiết nhưng chưa đủ để kiểm soát việc tiêu thụ rượu bia trong điều kiện xã hội VN:

Theo quan điểm của tôi, việc áp dụng những biện pháp ví dụ như tăng giá rượu hay đánh thuế cao hoặc cấm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần làm dần dần. Có thể cấm quảng cáo hay nâng giá rượu cao nhưng người ta vẫn có những biện pháp chẳng hạn như ở VN nguồn rượu cung cấp cho người uống đa phần tự nấu từ gạo, sắn, ngô và các loại men, đặc biệt ở nông thôn. Những biện pháp này để hạn chế nam giới uống rượu sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên để tính đến những biện pháp chiều sâu thì tôi nghĩ phải cần những biện pháp khác nữa. Nếu dùng các biện pháp hành chính thì ban đầu sẽ tạo ra những phản ứng xã hội đối với nhà lập chính sách.

uy nhiên để tính đến những biện pháp chiều sâu thì tôi nghĩ phải cần những biện pháp khác nữa.

- Thạc sĩ Thân Trung Dũng
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, một chuyên gia về các vấn đề xã hội, công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội VN, cho rằng những giải pháp WHO đưa ra đòi hỏi một sự quyết tâm thực hiện cao của Chính phủ thì mới có hiệu quả:

Tôi nghĩ kiến nghị này rất hữu ích và chắc chắn là những giải pháp mang lại hiệu quả. Tất nhiên với ba giải pháp đó chưa phải là đủ nhưng đó là những điều cần phải làm. Để làm được những giải pháp này không phải đơn giản, nó cần một sự quyết tâm lớn của Chính phủ và chỉ có Chính phủ mới làm được những giải pháp này. Nếu chính phủ không quyết tâm cao, mà chỉ nói xong để đấy thì cũng chẳng thực hiện được.Bởi vì những điều này đụng đến kinh tế, những người hưởng lợi từ kinh doanh rượu bia thì đương nhiên người ta không muốn thực thi những chính sách như thế này.

Cho nên phải có một chính sách thật mạnh của Chính phủ để đưa vào luật bắt ép họ thì mới có thể làm được.


Năm 2016, Việt Nam ước tính có 79.000 người tử vong vì sử dụng rượu bia, và hàng trăm ngàn người khác phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến đồ uống có cồn. Thiệt hại do sử dụng rượu bia gây ra tại Việt Nam là khoảng 1,3-3,3% GDP.

WHO cho biết người Việt tiêu thụ rượu bia nhiều hơn các quốc gia khác, trung bình một người trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016, trong khi các quốc gia trong khu vực sử dụng ít hơn nhiều như ở Mông Cổ là 7,4 lít, Trung Quốc là 7,2 lít, Campuchia là 6,7 lít, Philippine là 6,6 lít và Singapore chỉ có 2 lít.

Một khảo sát khác của WHO và Bộ Y tế công bố năm 2016 cho thấy 77% đàn ông VN uống rượu bia. Con số này khiến VN xếp thứ 29 trên thế giới về lượng rượu bia được sử dụng. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng hàng thứ hai và thứ 10 ở Châu Á về tiêu thụ rượu bia.

Trong khi đó chỉ số phát triển con người (HDI) mới được đưa ra vào tháng tư năm nay thì Việt Nam ở hạng 116/182 của thế giới.

Thạc sĩ Thân Trung Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân về văn hóa, xã hội khiến đàn ông VN uống nhiều rượu bia:

Văn hóa của đàn ông Việt Nam trong việc uống rượu xuất phát từ mối quan hệ trong gia đình, cũng như làng xã của người Việt Nam. Bất kể có công việc gì họ đều có chén rượu. Trong đám hỏi, đám cưới người ta cũng chúc nhau bằng những chén rượu có lẽ để nâng niềm vui lên. Trong các sự kiên vui của gia đình, công ty, doanh nghiệp họ đều uống rượu. Theo quan sát của tôi và một số nghiên cứu thì đa số các hợp đồng làm ăn cũng hay được bàn trên bàn rượu.

Theo cách hiểu của tôi thì uống rượu, đặc biệt là nam giới, có nhiều giá trị. Uống để kết nối bạn bè, cộng đồng, thể hiện khía cạnh nam tính của đàn ông. Người ta có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, tức nam không uống rượu không khác gì lá cờ không có gió.


Quảng cáo bia rượu ở một tòa nhà lớn tại Hà Nội. AFP
Hàng chục năm về trước Chính phủ đã đưa ra các quy định quản lý các hoạt động mua bán rượu bia, theo đó thì mọi sản phẩm bia và rượu cần phải được kiểm sóat, quản lý chặt chẽ từ gian đoạn sản xuất đến lưu thông phân phối.

Nghị định số 40/2008 đề ra những điều khoản cụ thể như bắt buộc doanh nghiệp phải có giấy phép sản xuất kinh doanh rượu. Bên cạnh những điều kiện như vậy, nghị định cũng liệt kê nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc nếu kinh doanh rượu không đúng địa điểm, không đúng nội dung ghi trong giấy phép, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cấm khuyến mại rượu trái với quy định của pháp luật. Ngoài ra còn có quy định phạt tiền nếu bán rượu cho trẻ dưới 16 hoặc ép trẻ dưới 16 uống rượu.

Mặc dù đã có quy định rõ ràng nhưng thực tế cho thấy ở khắp các ngõ ngách trong các thành phố và ở cả các vùng nông thôn, các quán rượu không giấy tờ mọc lên như nấm và người bán hàng cũng không quan tâm khách bao nhiêu tuổi. Đây có thể coi là minh chứng cho thấy các chính sách không mang lại kết quả cao.

Các chương trình của VN mới ló lên thế thôi, còn các áp lực từ cả chính sách lẫn xã hội để làm giảm nó thì chưa cao.

- TS. Phạm Quỳnh Hương
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho biết Chính phủ VN đã thực hiện một số biện pháp để kiểm soát sử dụng rượu bia nhưng chưa thực sự hiệu quả:

Chính phủ VN có một số chương trình giảm uống rượu bia ví dụ như không uống rượu bia nếu lái xe hay làm trong công sở. Tuy nhiên tác dụng của những biện pháp này chỉ chút chút thôi không đáng kể. Tình trạng người ta uống vẫn quá nhiều.

Theo như tôi biết ở Thái Lan hay một số nước ASEAN, họ có những chương trình đã khá lâu rồi. Họ đầu tư tiền nong, công sức và người ta thực thi rất tốt, thì tôi thấy nó có hiệu quả khá tốt.

Còn các chương trình của VN mới ló lên thế thôi, còn các áp lực từ cả chính sách lẫn xã hội để làm giảm nó thì chưa cao thành ra tôi nghĩ còn rất lâu mới có hiệu quả nào đấy.


Bên cạnh những gợi ý WHO đưa ra, bà Phạm Quỳnh Hương cho rằng VN cần giảm bớt bất bình đẳng xã hội, bớt tỷ lệ người nghèo khổ hoặc đảm bảo mức an sinh xã hội để mang lại tâm lý thoải mái cho người dân. Ngoài ra, cần phải giảm tham nhũng trong xã hội để dân không phải tìm đến bàn rượu mới giải quyết được công việc. Bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục giới trẻ về tác hại của rượu bia cũng như văn hóa ứng xử tốt đẹp. Bà nói rằng tất cả những giải pháp này cần được Chính phủ lồng ghép vào một chương trình và thực hiện nó một cách kiên trì hàng chục năm mới hi vọng có hiệu quả.


PVTN
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad