Nguyễn Phú Trọng có thể chính danh không? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Nguyễn Phú Trọng có thể chính danh không?


Biện hộ cho ông Nguyễn Phú Trọng nắm luôn chức quốc trưởng do ông Trần Đại Quang để lại bằng hai chữ “Chính Danh” thật là điều lạ lùng. Ông Trọng muốn chính cái danh nào? Có thể chính được hay không? Rất khó hiểu.

Bây giờ, Nguyễn Phú Trọng nắm luôn cả chức chủ tịch nước, khỏi lo mình giữ quyền tối thượng mà không được chính danh! (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Riêng việc dùng lý thuyết Chính Danh của Khổng Tử hơn 2,500 năm trước đã là một chuyện lạ lùng rồi. Karl Marx, Lenin sẽ nổi giận vì các ông ấy đã đề xướng hàng tá lý thuyết để biện minh việc cướp chiếm quyền bính, tại sao đám cháu chắt giờ lại phải đi học Khổng Khâu?

Cụ Khổng được lôi dậy từ đáy thùng sách, các ông Marx ông Lenin được gói ghém cất vô kho, chứng tỏ rằng sau gần một thế kỷ ra công tẩy não (đảng Cộng Sản chính thức ra đời được 88 năm nay), một lý thuyết gia Cộng Sản, tiến sĩ trường đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn thấy muốn nói cho dân Việt Nam nghe xuôi tai thì không nên dùng ngôn ngữ Mác xít. Cứ nói “theo lối các cụ,” công hiệu hơn. Nguyễn Phú Trọng nắm thêm lấy chức chủ tịch nước là để cho nó “chính danh!”

Đây chính là một cái mẹo của Hồ Chí Minh. Ông Hồ bước rằng hô hào các khẩu hiệu của Lenin, Stalin dân nghe không lọt tai. Hồ Chí Minh hiểu rằng văn hóa Khổng Giáo đã thấm trong tâm lý người Việt, nên tung ra những khẩu hiệu như “Cần Kiệm Liêm Chính!” Có thể rút nguyên văn mấy chữ đó từ Thập Điều Huấn Dụ của vua Minh Mạng! Hồ khéo dùng hai chữ Trung, Hiếu; nhưng đổi một chút “Trung với Đảng, Hiếu với Dân.” Vua Minh Mạng dạy bày tôi “Trung với Vua.” Hồ Chí Minh thay vua bằng Đảng. Từ đó, Đảng lên làm vua; cứ thế mà đánh lừa được hàng triệu người Việt Nam suốt mấy chục năm trời.

Ngay khi cướp chính quyền, Hồ Chí Minh cũng tìm cách “chính danh” cho chức chủ tịch của chính mình. Trong lịch sử thế giới, cách mạng là lật đổ, là xóa sạch. Cách Mạng Pháp 1789 đã đưa vua lên máy chém, Cách Mạng Nga 1917 xử bắn cả gia đình ông vua. Nhưng Hồ Chí Minh đã cho sứ giả vào cung vua ở Huế, nhận ấn kiếm, rồi còn mời ông vua cũ về làm cố vấn tối cao nữa!

Chỉ vì Hồ Chí Minh biết rằng trong tâm lý người dân Việt năm 1945, chính danh vẫn quan trọng. Cho ông Bảo Đại “thoái vị,” tuyên bố “thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.” Thế là Hồ Chí Minh thừa kế ngôi vị của Bảo Đại.

Năm 2018, tâm lý chính danh vẫn còn nhưng thể hiện theo cách khác. Nguyễn Phú Trọng đã “nắm quyền lực tối cao” trong nước rồi, vẫn muốn lên làm quốc trưởng cho được chính danh.




Bởi vì, sau hơn nửa thế kỷ, kể từ khi đảng Cộng Sản tái sinh dưới tên đảng Lao Động, danh phận đã đảo lộn.

Nhiều người đã ví chế độ Cộng Sản giống như thời vua Lê, chúa Trịnh. Nhưng ai là vua Lê, ai là chúa Trịnh?

Khi Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước, ông cũng ngồi làm vì như vua Lê, Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn nắm mọi quyền hành suốt mấy chục năm, mới là chúa Trịnh. Sau Lê Duẩn, ngôi vị chúa Trịnh yếu dần, xuống thấp nhất khi Nông Đức Mạnh đóng vai tổng bí thư nhưng mất hết thực quyền. Lý do vì kinh tế phải đổi mới, chấm dứt thời bao cấp, để cứu mạng của đảng.

Nguyễn Tấn Dũng là người “thay đổi luật chơi.”

Luật chơi quyết định trong guồng máy chính trị, thuộc bất cứ chế độ nào, là câu hỏi “ai có thể sai bảo, và những ai phải tuân theo?” Trước kia, đảng Cộng Sản dùng quyền hành cho máy chạy; quyền hành do chức vụ trong đảng tạo ra. Nắm được những địa vị như tổng bí thư, ban tổ chức, ban thanh tra, vân vân, là sai bảo được người khác.

Nguyễn Tấn Dũng, nhờ kinh tế thay đổi, đã “vận dụng sáng tạo” thế lực kim tiền sớm hơn tất cả đám lãnh tụ. Dũng tạo ra quyền lực mới bằng cách ban phát các cơ hội kiếm tiền bỏ túi; từ việc chiếm đất đai của dân và của quân đội đến việc lập các ngân hàng, các tập đoàn bán dầu lửa ngoài khơi hay đi mua tàu thủy phế thải, han rỉ. Biết dùng đồng tiền, Dũng tập họp tay chân, cấu kết bè đảng, đóng vai “Bố Già.”

Lúc đó, Dũng là chúa Trịnh. Những tổng bí thư như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng đã phải chấp nhận đóng vai vua Lê. Trước đại hội đảng kỳ thứ 12, khi thăm dò ý kiến các đại biểu, Dũng được số tín nhiệm cao nhất. Trọng, đang làm tổng bí thư, chỉ đứng hàng thứ tám.

Nhưng vì Nguyễn Tấn Dũng quá say men chiến thắng, phô bày óc kiêu căng và tham vọng; để hở mạng sườn cho đối thủ đâm vào nên Nguyễn Phú Trọng đã lật ngược được thế cờ. Năm 2013, Nguyễn Phú Trọng mở màn, tố cáo “không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một người mà khó kiểm soát!” Những ủy viên Trung Ương và Bộ Chính Trị vẫn ngấm ngầm ghen tức và sợ Dũng, cũng cảm thấy mối nguy chính mình bị mất chức, mất quyền, nếu một người “tập trung quá nhiều quyền lực!”

Trọng có thể thuyết phục mọi người rằng Dũng làm cho nhà nước ngày càng mạnh, và đảng ngày càng yếu đi. Như thế là đưa đảng Cộng Sản đến chỗ tự suy tàn. Những cán bộ Cộng Sản từ cấp xã trở lên đều từng luồn lách suốt đời để đạt những địa vị và của cải, nhờ vào cái đảng này. Họ biết rằng “Đảng còn thì mình còn!” Tất nhiên, họ phải lo bảo vệ đảng. Cuộc đấu trong cung đình đã kết thúc, Dũng bị lật đổ, Trọng nắm vững cái ghế tổng bí thư.

Và bây giờ, Nguyễn Phú Trọng tiến thêm một bước, vẫn giữ ngôi chúa Trịnh đầy quyền lực, nhưng sắp bước lên ngự trên ngai vàng vua Lê.

Tình trạng vua Lê, chúa Trịnh sẽ chấm dứt. Đó là ý nghĩa những chữ “Nhất thể hóa” mà ông Trọng cứ nhất mực từ chối, “Em chả! Em chả!”




Nguyễn Phú Trọng đã giải quyết được vấn đề “Chính Danh” cho chính bản thân! Bởi vì làm tổng bí thư có thể có miếng mà không có tiếng! Bản Hiến Pháp năm 1959 và 1980 đã xác định rằng: Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang toàn quốc, làm chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng (Điều 65). Chủ tịch có quyền triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt (Điều 67) hoặc có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội Đồng Chính Phủ (Điều 66). Không thấy chỗ nào nói tổng bí thư cũng có những quyền đó!

Bây giờ, Nguyễn Phú Trọng nắm luôn cả chức chủ tịch nước, khỏi lo mình giữ quyền tối thượng mà không được chính danh!

Nhưng đối với đảng Cộng Sản và chế độ Cộng Sản vẫn đang nắm quyền hành trên đất nước Việt Nam thì sao?

Không có gì thay đổi cả. Cho đến khi Hiến Pháp Cộng Sản thay đổi, vẫn có hai guồng máy chạy song song, chồng chéo lên nhau: bên là đảng, bên là nhà nước. Khi Nguyễn Phú Trọng mất chức hoặc qua đời, lại sẽ có hai người giữ hai chức mà Trọng đang kiêm nhiệm. Vẫn diễn ra cảnh vua Lê, chúa Trịnh giống như từ thời Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, hoặc Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh. Lúc thế này, lúc thế khác, tùy quyền lực các ông lãnh tụ, không thể nào chính danh được!

Tại sao đảng Cộng Sản không thể chính danh được?

Bởi vì từ bản chất và do lịch sử cấu tạo, các đảng Cộng Sản không xây dựng những định chế chính trị bền vững mà chỉ lo củng cố quyền hành cá nhân các lãnh tụ. Tính chất này không những khiến cho đảng Cộng Sản luôn luôn bất ổn, mà còn khiến cả guồng máy quốc gia cũng bất ổn.

Một xã hội cần có những định chế ổn định, vừa vững chắc vừa có khả năng uyển chuyển thích nghi với tình trạng kinh tế, xã hội. Khi xã hội biến chuyển, nhu cầu quốc gia có thể thay đổi, các chính phủ sẽ lên, xuống, nhưng các định chế vẫn đứng vững.

Trong các chế độ Cộng Sản thì ngược lại. Các lãnh tụ đóng vai quyết định. Họ thay đổi cương lĩnh, sửa Hiến Pháp theo nhu cầu quyền lực, biết rằng khi mình thất thế thì đứa nào lên thay nó sẽ thay đổi nữa. Mỗi lãnh tụ tìm cách lo cho danh phận của mình, nhưng không nghĩ đến các định chế có thể thiết lập danh phận chính đáng cho tất cả mọi người, bất cứ ai giữ các chức vụ.

Tình trạng chức tổng bí thư đảng nắm hết quyền bính, còn chủ tịch nước hoàn toàn vô vị, chỉ là một biểu hiện của tình trạng “danh bất chính” thường xuyên mà chế độ Cộng Sản tự tạo ra. Tùy thế lực cá nhân, người phải đóng vai vua Lê, người được làm chúa Trịnh.

Nguyễn Phú Trọng lên cao vì biết lợi dụng tình trạng thất thế của Nguyễn Tấn Dũng để dùng đòn chống tham nhũng tấn công băng đảng của Dũng tới tấp; không ai đưa một ngón tay ra cứu nhau. Giống như một đám trẻ con trong sân trường, đứa nào hung tợn nhất sẽ đứng đầu, hoặc trong băng đảng mafia, tay nào tỏ ra tàn bạo nhất sẽ được suy tôn làm “Bố Già.” Mỗi lần đánh hạ được một tay chân của Dũng, thế lực của Trọng lại lên. Trọng dám đánh những nước cờ liều lĩnh, như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về cái trị tội! Những vụ hạ bệ Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh và đồng bọn đã củng cố ngôi vị của Nguyễn Phú Trọng.

Trong hai năm, guồng máy đảng tái lập ngôi chúa Trịnh cho chức tổng bí thư. Bây giờ ông sẽ lên nắm chức chủ tịch nước nữa; danh phận ông sẽ ổn định. Nhưng sau thời Nguyễn Phú Trọng, trong vài ba năm nữa, chế độ có còn ổn định hay không? Không có gì bảo đảm!


Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad