Bùi Văn Bồng: Kỳ họp Quốc hội trước, Thống đốc Bình nói: "Tôi không dùng từ "nhóm lợi ích", mà đây chỉ là "lợi ích cục bộ" (?!). Mới đây, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ nói về việc CSGT thường tìm đủ cách hạch sách, gây phiền, dọa phạt để nhận tiền của lái xe: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi...”.
Ông Tuyên muốn rạch ròi ư? Thì đây, mời ông hãy đọc từ điển Wikipedia tiếng Việt ghi rõ: "Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng, tham ô sinh ra tiêu cực trong xã hội. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẽo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.
"Tham nhũng và tham ô làm nặng nề thêm tiêu cực, làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội" …Về việc này, nhà báo Minh Diện vừa gửi bài viết sau đây đến trang BVB, xin giới thiệu với bạn đọc:
Từ khi nhà báo Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi trẻ ra tòa lãnh án bốn năm tù giam, để lại phía sau người vợ sắp sanh và đứa con bệnh tật, những câu chuyện về mãi lộ của cảnh sát giao thông vắng bóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Anh em làng báo bảo nhau, thôi kệ, nhúng vào làm gì cho mang vạ!? Và hiện tượng mang tính quy luật lại xảy ra, là khi cơ quan ngôn luận bỏ ngỏ thì tiêu cực bùng phát, như những mảnh ruộng ngừng phun thuốc trừ sâu, sâu mặc sức sinh sôi! Dư luận cho rằng, xử tù nhà báo Hoàng Khương để CSGT rộng đường ngoắt nghéo nhiều kiểu phạt nhằm tăng thu nhập…
Tệ nạn mãi lộ của cảnh sát giao thông đã lên tới mức báo động khi Thanh tra chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới vừa công bố kết quả khảo sát mang tên “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp, và cán bộ, công chức, viên chức”. Theo đó bốn lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất ở nước ta là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Trong đó ngành cảnh sát giao thông đứng đầu.
Kết quả trên vừa được công bố đã vấp phải sự phản đối gay gắt của thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng cục cảnh sát giao thông đường bộ. Ông Tuyên cho rằng, việc cảnh sát giao thông lấy của người lái xe và người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm ngàn đồng mà gọi là tham nhũng là không thỏa đáng.
Hãy nghe nguyên văn lời ông Nguyễn Văn Tuyên: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm ngàn mà đó là tham những thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên thì “Tham nhũng là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn”.
Có lẽ Bộ công an nên cho thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên nghỉ việc một thời gian để học lại Luật phòng chống tham nhũng ra đời từ 2005, bởi có lẽ ông Tuyên chưa được học, hoăc ông Tuyên đã quên?
Thứ nhất, về khái niệm tham nhũng rất ngắn gọn, một ngu dân như tôi cũng hiểu: Tham nhũng theo Từ điển Tiếng Việt là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân lấy của. Mở rộng định nghĩa đó ra, tham những được hiểu là hành vị của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ quyền hạn nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 cụ thể hơn: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi. Chủ thể thực hiện hành vi là những người có chức vụ, quyền hạn gồm: Cán bộ, công chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân”.
Là một người dân mà nói về luật pháp với một ông tướng, lại tướng công an đương chức thì chả khác gì dạy khỉ leo cây!? Nhưng kẻ hèn này cũng mạo muội nhắc ông Tuyên rằng: Luật phòng chống tham nhũng như vậy là chi tiết rạch ròi rồi, chứ không như ông nói là chưa rạch ròi. Cứ theo luật, thì từ anh trung sỹ đến anh trung tá đứng chốt ngã ba, ngã tư đường phố hoặc cưỡi ô tô, mô tô tuần tra trên đường đều là chủ thề tham nhũng. Bởi vì họ đã được trao cái quyền kiểm soát toàn bộ phương tiện giao thông trong một không gian, thời gian họ được giao làm nhiệm vụ. Đó là quyền lợi, nghĩa vụ, và trách nhiệm rõ ràng không ai có thể bàn cãi. Với quyền ấy, một anh trung sỹ có thể thổi phạt một ông tướng, một vị bộ trưởng chứ đừng nói gì dân đen. Quyền hành thế mà ông bảo lính ông không có quyền không sợ người ta cười cho?
Về hành vi, ông Tuyên bảo, phải là móc nối, bớt xén tiền nhà nước mới là tham những, còn nhận của lái xe dăm ba chục, một vài vài trăm ngàn của người tham gia giao thông không phải là tham nhũng? Ông Tuyên đã sai lầm khi cho rằng, chỉ lấy tiền của nhà nước mới là tham nhũng, còn lấy tiền của dân thì không. Nhưng, ngay đưa ra cái khái niệm kỳ cục ấy, ông Tuyên cũng lờ tịt đi một thực tế là, đâu phải lính ông chỉ lấy tiền của dân, mà họ còn trực tiếp móc tiền nhà nước. Thực tế ấy xảy ra nhan nhản trên khắp nẻo đường. Rất nhiều người khi phạm luật, chỉ bằng một cú nháy mắt, bắt tay, đã thỏa thuận được với cảnh sát giao thông tỷ lệ ăn chia số tiền xử phạt. Ví dụ phạm lỗi lái ô tô chạy quá tốc độ, sai lằn ranh phải phạt 1.500.000 đồng, thì giúi cho cành sát giao thông 750.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng, rồi vù xe đi, khỏi phải lập biên bản lôi thôi. Thế là, thay vì nộp 1.500.000 đồng vào kho bạc nhà nước, họ móc ngoặc chia nhau, đó chằng phải đã tham nhũng, vì tham mà sinh nhũng nhiễu, như định nghĩa trên đây là “lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân” hay sao, thưa tướng Tuyên!?
Ông Tuyên cho rằng chỉ có dăm ba chục đến một vài trăm ngàn không đáng gọi là tham những? Có lẽ ông Tuyên muốn so sánh với những vụ Vinashin, Vinaline, hoặc thâu tóm ngân hàng để cho rằng CSGT lấy của dân vài trăm ngàn không đáng gọi là tham nhũng chăng? “Dù lấy của dân một đồng cũng là tham nhũng!” (Hồ Chủ tịch). Cho nên, tướng Tuyên đừng cố tình ‘chẻ chữ’ để né tránh.
Nhưng tôi có thể bảo đảm rằng, CSGT không thèm ăn dăm ba chục một trăm ngàn như ông nói đâu. Nếu chỉ dăm ba chục hoặc vài trăm ngàn thì lính ông không hăng hái quần đảo trên khắp các nẻo đường bất kể ngày đêm mưa nắng? Tôi còn nhớ có lần thượng tướng Lê Thế Tiêm, nguyên Thứ trường Bộ công an đã phải thốt lên: “Không biết ngoài đường có cái gì mà anh em cảnh sát giao thông giành nhau ra ngoài đó? Cái gì, dày mỏng ra sao, tôi nghĩ tướng Nguyễn Văn Tuyên nên mở cuộc điều tra khắc biết? Người viết bài này có thể đưa ra những con số rất hấp dẫn, nhưng nếu không nêu bằng chứng thì sẽ can tội vu khống, mà để có bằng chứng thì e lại như đồng nghiệp Hoàng Khương.
Điều cuối cùng, là tướng Nguyễn Văn Tuyên thừa nhận có tệ nạn mãi lộ của cảnh sát giao thông, nhưng cho rằng, từ xưa đến nay chúng ta gọi là hiện tượng tiêu cực thì bây giờ cứ gọi như thế dễ chấp nhận hơn.
Quả thật, tôi không hiểu ý tứ của tướng Tuyên thế nào, mà lại sử sụng cách cân đong từ ngữ như vậy? Không biết ông Tuyên có hiểu một cách sơ đẳng rằng, tham nhũng, tiêu cực đều xuất phát từ bản chất vụ lợi, nhũng nhiễu dân, đục khoét dân và nhà nước. Phải chăng trong luật không có từ tiêu cực, nên ông Tuyên dùng nó để né hình sự hóa hành vi mãi lộ của cảnh sát giao thông? Nếu vậy thì đáng buồn về sự hiểu biết pháp luật của một ông tướng. Xin hãy nhớ rằng, có tham nhũng thì mới có tiêu cực! Tham nhũng đẻ ra tiêu cực! Tham nhũng là cái gốc phát triển cái ngọn tiêu cực với bao nhiêu trạng thái khác nhau! Tiêu cực là hệ quả của hành vi tham những chứ không phải là một mệnh đề mang tính đặc thù.
Bởi thế đừng chơi trò đánh tráo khái niệm, chặt cái gốc tham nhũng đi, xử cái ngọn tiêu cực bằng những cuộc kiểm điểm nội bộ trên tình đồng chí thương yêu nhau, rồi đâu lại vào đó!
Có hòa vào những dòng người lưu thông trong các thành phố và trên các nẻo đường đất nước mới thấy hết sự bức xúc của người tham gia giao thông, dù đi xe máy, xe du lịch hay xe khách, xe tải. Nạn tắc đường, kẹt xe chưa hẳn đáng sợ bằng việc chặn xe làm luật của cảnh sát giao thông. Bất kỳ chỗ nào, bất kỳ phương tiện gì đều có thể bị làm luật. Có đoạn đường chỉ vài km mà có hai ba tốp cảnh sát giao thông. Những chiếc xe mô tô chuyên dụng lạng lướt khắp nơi, dường như không phải để giữ gìn trật tự giao thông mà chủ yếu là săn xe làm luật. Kết quả cuộc khào sát do Thanh tra nhà nước Việt Nam và ngân hàng thế giới đưa ra là một thực tế khách quan, mà Bộ công an nói chung Cục cảnh sát giao thông đường bộ nói riêng phải quan tâm, để có biện pháp cương quyết hơn giải quyết vấn nạn đó.
Không nhìn thẳng vào sự thật, tránh né, làm giảm tính chất nghiêm trọng nạn tham nhũng trong ngành CSGT, chẳng khác gì tạo lá chắn, là dung dưỡng cho cái xấu ngày càng phát sinh và phát triển.
Theo blog Bùi Văn Bồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét