Biển Đông và bất đồng trong khối ASEAN - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Biển Đông và bất đồng trong khối ASEAN


Việt Hà

Vấn đề biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc một lần nữa cho thấy những bất đồng trong khối ASEAN khi Campuchia phát biểu ngược với quan điểm của các nước thành viên trong khối về vấn đề này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với các nhà lãnh
đạo khối ASEAN tại Phnom Penh hôm 20/11/2012.
Việt Hà phỏng vấn chuyên gia về Đông Nam Á, ông David Brown nhân sự kiện này.



Việt Hà: Thưa ông, ông có ngạc nhiên khi nghe về những bất đồng giữa các nước ASEAN về vấn đề biển Đông tại thượng đỉnh lần này, giữa lúc có nhiều hy vọng ban đầu là các nước có thể đạt một đồng thuận nào đó đối với vấn đề này, và nhất là với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama?

David Brown: Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên. Có một sự khác biệt cơ bản giữa các nước thành viên khối ASEAN, giữa các nước muốn ưu tiên đặt vấn đề biển Đông lên và những nước coi đây là một sự đi sai hướng nguy hiểm khỏi những vấn đề khác. Tổng Thư ký ASEAN hôm trước có phàn nàn rằng tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đã cản đường của khối 10 nước trong việc đạt được những tiềm năng khác của khối.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận là hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông là vấn đề mà ASEAN không thể giải quyết. Khối đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các đối tác đối thoại của mình nhưng không mang lại kết quả gì và chỉ cho thấy là nó đang gặm mòn dần tính hiệu quả khối của ASEAN.

Việt Hà: Sau Thượng đỉnh ASEAN Trung Quốc, nước chủ nhà Campuchia, đồng thời cũng là chủ tịch luân phiên của khối đã ra tuyên bố nói rằng ASEAN thống nhất không quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Ngay lập tức Philippines đã lên tiếng phản đối nhưng chúng ta không thấy phía Việt Nam lên tiếng một cách chính thức về vấn đề này. Ông nhận định thế nào về việc này?

David Brown: Việt Nam thường lên tiếng nhẹ nhàng hơn so với Philippines nhưng tốt hơn cả là nên chuẩn bị để đối phó với sự khiêu khích từ Trung Quốc. Chắc chắn là Hà Nội cũng không đồng ý với tuyên bố của Campuchia về vấn đề này.

Việt Hà: Sự kiện này xảy ra khi ông đang ở Việt Nam tham dự một hội thảo quan trọng về biển Đông của Học viện Ngoại giao. Mọi người ở đó nói gì về thượng đỉnh lần này?

David Brown: Có rất nhiều thất vọng vì một lần nữa ASEAN dường như đã cho thấy không có khả năng xây dựng một nền tảng cho đối thoại mang tính xây dựng và giải quyết xung đột. Những người tham dự hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là các chuyên gia nghiên cứu. Họ hiểu được mong ước của ASEAN là muốn đóng vai trò trung tâm trong vấn đề này. Phần đông thừa nhận cản trở lớn nhấn chính là cách hành xử không hợp lý của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một vài người chắc sẽ đồng ý với tôi rằng đã đến lúc các nước ASEAN đang bị cách hành xử của Trung Quốc đe dọa, mà tôi gọi là 6 nước, nên ngồi lại với nhau, sử dụng luật quốc tế để giải quyết các vấn đề về chủ quyền và hàng hải giữa họ với nhau, rồi sau đó cùng nhau làm việc với Trung Quốc trên cơ sở vững chắc đó.

Việt Hà: Năm nay ASEAN kỷ niệm 10 năm ký kết Bản tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông, một vài người có thể hy vọng là khối này sẽ có được một Bộ quy tắc về ứng xử nào đó trong năm nay để kỷ niệm dịp này. Theo ông điều này có khả thi?

David Brown: Cô nói về một Bộ quy tắc ứng xử nào đó, thì đấy cũng là một cách nói rằng có thể ASEAN sẽ đạt được sự đồng thuận đối với một văn bản rất không thực chất và không đưa ra được một cơ sở nào hướng tới tương lai. Theo tôi tốt hơn cả là ASEAN nên bỏ nỗ lực này sang bên và 6 nước thành viên có liên quan trực tiếp nhất nên làm việc chặt chẽ với nhau hơn nữa.

Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN của Campuchia trong năm nay?

David Brown: Nói về khẳng định của ASEAN rằng khối này đóng vai trò trung tâm trong việc điều hòa các vấn đề an ninh khu vực thì vai trò chủ tịch của Campuchia trong năm nay đã thực sự là một thảm họa. Đó không phải chỉ bởi nước này là công cụ của Trung Quốc trong nhóm. Các quy định nội bộ cơ bản của khối ASEAN là khối phải đạt được sự đồng thuận tối thiểu cho một vấn đề nào đó cũng đã không thành công.

Việt Hà: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi phỏng vấn này

© Việt Hà, phóng viên RFA
-----------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad