Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ ngày 6 tháng 11 vừa qua đã được thế giới quan tâm một cách đặc biệt. Kết qủa là Tổng Thống Obama tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ, trái với các cuộc thăm dò và những tiên đoán trước ngày bầu cử. Nhìn lại tiến trình vận động cũng như theo dõi cuộc kiểm phiếu, người ta không khỏi cảm phục tinh thần dân chủ của người Mỹ, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được đâu là cái con người phải trả cho dân chủ!
Tổng thống Obama và Ðệ nhất Phu nhân Michelle Obama mừng chiến thắng trong đêm bầu cử ở Chicago..Photo AP |
Người da đen từ Phi Châu đến Mỹ qua những chuyến buôn nô lệ, được mặc cả và trả giá như những món hàng. Với thân phận nô lệ cho người da trắng, dân da đen đã phải hứng chịu nhiều tai ương bất hạnh do nạn kỳ thị chủng tộc, do tệ nạn bóc lột sức lao động và nhất là xâm phạm nhân quyền. Mạng sống người da đen hoàn toàn nằm trong tay các chủ nhân da trắng. Dù với tý lệ 14% dân số, người da đen cũng không được quyền ăn nói, ăn làm, ăn chơi cũng như ăn học và tiến thân. Người da đen không được ngồi chung quán ăn với người da trắng, không được học chung trường với người da trắng, không được ngồi phía trước các chuyến xe buýt ngang hàng với nguời da trắng, nói chi đến chuyện bầu cử?
Nhưng rồi lịch sử cũng phải sang trang. Sức chịu đựng của người da đen cũng có giới hạn, và đã đến lúc dân nô lệ vùng lên đòi quyền sống. Có thể coi Tổng Thống Abraham Lincoln là khởi điểm của phong trào giải phóng nô lệ. Cái chết của ông là giọt máu đã đâm bông dân chủ. Cuộc nội chiến Nam-Bắc 1861-1865 với những tổn hại qúa lớn đã làm cho người Mỹ da trắng cũng như da đen mở mắt, dọn đường cho những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền chính đáng. Thế rồi cuộc chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ vẫn âm ỉ, cho mãi đến năm 1955, khi người đàn bà da đen mang tên Rosa Parks từ chối ngồi hàng ghế phía sau xe buýt, và từ sư kiện đó, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã ban hành đạo luật kỳ thị trên xe buýt, thì phong trào chống kỳ thị bùng nổ mạnh. Mục Sư Martin Luther King khơi động phong trào đấu tranh cho nhân quyền người da đen, với khẩu hiệu để đời “Tôi có một niềm mơ”(I have a dream) đã lôi kéo được 250 ngàn người tham gia cuộc “tuần hành tự do”(Freedom March) làm rung chuyển cả nước Mỹ! Cũng tương tự như Abraham Lincoln, Mục Sư King bị ám sát tháng 4 năm 1968, nhưng ông đã khai mở được con đuờng dân chủ, chấm dứt chính sách kỳ thị da màu của người da trắng đã kéo dài hơn cả thế kỷ!
Cơn bạo loạn Rodney King tại Los Angeles năm 1992 cũng đổ dầu thêm cuộc tranh đấu dân chủ và nhân quyền da đen. Hành động bạo lực qúa mức của cảnh sát Los Angeles đối với anh chàng da đen Rodney King đã làm bừng lên ngọn lửa đấu tranh, kết qủa một phần thành phố Los Angeles bị cháy tan hoang và có đến 53 người chết! Rốt cuộc, tòa án diễn ra tại Simi Valley đã phải xét lại và buộc tội 2 nhân viên cảnh sát bạo hành, thì cuộc bạo loạn mới yên..
Hiện tượng “Malcom X” cũng đáng để ý. Từ thái cực này qua thái cực khác, mục sư Malcom X đã cổ võ cho thế thượng phong của người da đen, chủ trương tách rời da đen khỏi da trắng. Rốt cuộc, Malcom X cũng bi thảm sát giống như Tổng Thống Lincoln và Mục sư king!
Thế rồi sự thể đã thay đổi. Lịch sử đã sang trang và người da đen đã được quyền tham gia bầu cử năm 1965! Từ căn bản dân chủ này, vai trò người da đen dần dần đuợc chính thức nhìn nhận, tạo điều kiện cho các ngôi sao da đen nổi bật trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là thể thao và văn nghệ. Ai mà không cảm phục Muhammad Ali, vua quyền Anh, Michael Jordan, Koby Bryant, những ngôi sao bóng rổ. Cũng thế, cho đến bao giờ, người ta mới tìm đựợc ngôi sao văn nghệ như Michael Jackson? Đặc biệt, trong ngành truyền thông, người ta khó mà tìm đuợc người ăn nói như Opra Winfrey! Riêng trên sân khấu chính trị, người ta cũng không thể không nhắc tới Đại Tướng Colin Powel, ngoại trưởng Condoleeza Rice..
Trong những ngôi sao da đen, mọi người đều phải cảm phục đến kinh ngạc truớc tột đỉnh danh vọng và quyền lực của cậu bé mang dòng máu da đen Keynea với cái tên Barack Obama mà có người đã gọi nhầm là Osama! Người ta đã ngạc nhiên khi thấy Obama thắng Hillary Clinton trong kỳ tranh cử sơ bộ Đảng Dân Chủ và thắng luôn ứng cử viên đảng Cộng Hòa John McCain để ngang nhiên bước vào toà Bạch Ốc năm 2008! Người ta càng ngạc nhiên hơn, trong kỳ bầu cử vừa qua, Obama lại nghiễm nhiên ở lại tòa Nhà Trắng thêm 4 năm nữa truớc, trái với những tiên đoán và thăm dò trước ngày bầu cử.
Hẳn nhiên, ai mà tránh khỏi búa rìu dư luận, nhất là trong những cuộc chạy đua chính trị. Nhưng trường hợp Tổng Thống Obama thì phải nói là dư luận qúa trái ngược với nhiều chủ quan và cảm tính. Truyền thông giòng chính đa số theo phe cấp tiến, dành cho Obama những lời tán duơng tốt đẹp, sẵn sàng bỏ qua những điểm tiêu cực của ông, ngoại trừ Fox News với lập trường bảo thủ, cố gắng đưa ra những nhận định trái ngược. Chắc hẳn, sự thắng thế của Obama không khỏi làm thất vọng nhhiều người, tiêu biểu như Magyn Kelly, Carl Rove, Dick Morris, Donald Trump và Newt Gingrich!
Đặc biệt, giới truyền thông nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung, đa số tỏ ra không vui truớc sự thắng cử vẻ vang của Obama, cũng đưa ra những lời bình phẩm thiếu khách quan và đầy cảm tính trên các diễn đàn. Có người gọi Obama là ông “Ba Rác”, người khác gọi Obama là Tổng Thống “nhọ nồi”, hay hơn nữa là tên “mọi đen tại Nhà Trắng”. Thậm chí, có người còn đề nghị sơn lại nhà trắng thành nhà đen và đổi tên toà Bạch Ốc thành Hắc Ốc! Thiết tưởng, mọi người có quyền tự do phát biểu quan điểm, không phải sợ bị bịt miệng hay vào tù như tại Vìệt Nam, nhưng cần gì phải sử dụng những ngôn từ nặng nề như thế?
Công tâm mà nói, sự thắng cử của Obama đã nói lên một sự thật hiển nhiên rằng, dân chủ đã được thực hiện một cách cụ thể và đầy đủ tại Hoa Kỳ, và cái nhìn của người Mỹ về các vấn để xã hội, luân lý và chính trị cũng đã thay đổi. Đó là chưa nói tới sự kiện người da trắng cũng không còn nắm đuợc thế thượng phong như xưa, vì phe đa số da trắng đả giảm thế lực và dân thiểu số dần dần trở thành đa số tại Hiệp Chủng quốc!
Điều đáng ghi nhận là nước Mỹ có được nền dân chủ hôm nay không phải ngẫu nhiên, không phải ân huệ, mà là kết qủa của một tiến trình tranh đấu lâu dài, chống lại kỳ thị màu da, giải phóng nô lệ và cổ võ nhân quyền. Nói khác, người Mỹ đã phải trả một giá khá đắt cho nền dân chủ hôm nay. Có thể nói nền dân chủ Hoa Kỳ nói riêng và Tây Phương nói chung chắc chắn cũng đã tạo ảnh hưởng trên toàn thế giới, đưa đến cuộc giải phóng Đông Âu, sự tan vỡ của khối Cộng cũng như mùa xuân Ả Rập và Miến Điện hôm nay…
Điều làm cho nhiều người quan tâm là liệu sự thắng cử của Obama và sự thể hiện ngoạn mục của dân chủ Mỹ có đưa Hoa Kỳ và thế giới vào một viễn tượng tốt đẹp hơn không? Liệu tình trạng kinh tế suy thoái toàn cầu có được cải tiến? Liệu nạn thất nghiệp tại Mỹ có giảm và công ăn việc làm có gia tăng? Nói chung, liệu đời sống dân Mỹ có được thăng tiến hay thụt lùi vì vật giá leo thang, xăng nhớt đắt đỏ, thương mại xuống dốc, công ăn việc làm khó khăn…
Mối quan tâm chính đáng khác là với chính sách hòa hoãn của Obama, nền an ninh thế giới sẽ như thế nào và nuớc Mỹ có an toàn hơn không, trước những đe dọa nguyên tử của Iran, Bắc Hàn, trước mộng bá chủ thế giới của Trung Quốc, nhất là thái độ hung hãn sắt máu của các nhóm Hồi Giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố?
Ngoài ra, người ta cũng không khỏi lo âu cho tình trạng đổi thay của xã hội và nên luân lý của nước Mỹ, từ bảo thủ qua cấp tiến, từ truyền thống qua tân thời? Thật vậy, dưới sự lãnh đạo cấp tiến của Tổng Thống Obama, các vấn đề phá thai, ngừa thai, hôn nhân đồng tính, chính trị và tôn giáo cũng như tái phối trí tài sản, sẽ còn là những vấn nạn gai góc và các cuộc tranh cãi sẽ còn nhiều gay cấn..
Tóm lại, Obama đã thắng cử. Dân chủ đã được thể hiện một cách ngoạn mục tại Hoa Kỳ. Hẳn nhiên, người thắng, kẻ thua, chắc chắn phải có người buồn người vui, dư luận bình phẩm khen chê. Một sự thật hiển nhiên là dân chủ là một giá trị nhân bản thật đắt giá. Bao nhiêu nước mắt và máu xương đã đổ ra để vun xới cho nền dân chủ hôm nay!
Nhìn về Việt Nam, người ta tự hỏi, tập đoàn lãnh đạo cộng sản hôm nay có rút tỉa được bài học nào từ cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ không? Hội Nghị Trung Ương 6 vừa qua cho phép chúng ta khẳng định rằng, tập đoàn lãnh đạo cộng sản hôm nay, tiêu biểu là “tứ mã” Trọng-Dũng-Sang-Hùng, tuy bên ngoài có phân hóa, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nhưng bên trong, họ vẫn bám chặt vào nhau, nương vào nhau dể sống, để giữ vững chiếc ghế của mình, và như thế, họ sẽ lo cứu Đảng chứ không màng chuyện cứu nuớc, họ sẽ tiếp tục duy trì chủ nghĩa độc tài toàn trị, lãnh đạo độc tôn. Và như thế, cánh cửa dân chủ vẫn còn khép kín đến bao giờ?
© Ngô Quốc Sĩ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét