"Phượt" bây giờ đang thành trào lưu, thành "Mốt", đã có rất nhiều bài viết lên án và cảnh tỉnh về ý thức trên đường phượt, sự an toàn trong các chuyến đi nhưng dường như chưa đủ để nhắc nhở một "Cộng đồng xê dịch mới đi - mới trải nghiệm". Trào lưu đi lên nhưng ý thức đi xuống!!! Mong rằng các bạn Lead khi tổ chức chuyến đi biết nghĩ hơn một chút, chuẩn bị tốt hơn một chút, ý thức hơn một chút, đừng đem tính mạng của các thành viên trong đoàn đánh cược với chuyến đi... Các bạn phải hiểu rằng chúng ta đang đi "bụi", đang phó mặc bản thân của mình và của ôm trên những chặng đường, nguy hiểm LUÔN TIỀM TÀNG và KHÔNG BÁO TRƯỚC, hãy để các chuyến đi là kỷ niệm vui chứ đừng để nó là vết đen trong cuộc đời mình...
"phuot": Khi mà phong trào đi “phượt” đang trở nên rầm rộ và như một thứ “mốt” mà giới trẻ đang lao theo, chúng tôi chỉ mong các bạn dành vài phút đằm mình xuống, hãy đọc những chia sẻ của những người đi trước, để biết cuộc sống có quá nhiều bất ngờ và những tai nạn bất ngờ, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm, trải nghiệm là không bao giờ thừa. Cho dù bạn còn trẻ, bạn có nhiều hoài bão và đam mê, bạn muốn khám phá và vượt qua bản thân, vượt qua những thử thách nghiệt ngã để chứng tỏ mình, thỏa mãn niềm vui của chính mình. Chúng tôi đồng ý, rằng bạn có quyền “Xách balo lên và đi”, nhưng xin đừng “Xách cái mạng lên và đi”. Đấy là một hành vi vô nghĩa nhất cho bất kỳ một dân đi nào, HƠN THẾ CÒN ĐEM LẠI NHỮNG CÁI NHÌN THIẾU THIỆN CẢM CỦA XÃ HỘI VỚI CỘNG ĐỒNG PHƯỢT CHÂN CHÍNH.
Phượt không phải là cái gì vĩ đại hay to tát, Phượt đơn giản chỉ là lên đường để trải nghiệm thiên nhiên và cuộc sống, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, sung sướng hay nhọc nhằn. Bất kể những sự cố nào trên đường phiêu du, có thể làm tan rã một nhóm, một nhà và làm ảnh hưởng, chùn lòng cả một cộng đồng hay đi. Mong rằng những bài học trên sẽ cảnh tỉnh được phần nào những bạn đang, đã và sẽ dấn thân trên những con đường... Tất cả những lời góp ý không ngoài mục đích chỉ mong có một cộng đồng xê dịch an toàn và không "biến tướng" như hiện nay. Mong rằng các bạn sẽ biết lắng nghe... Mong rằng những mùa hoa cải Mộc Châu và tam giác mạch Hà Giang sẽ mãi còn.. Mong vậy!
Theo FB Faith TTVN
______________________________________
Bỗng dưng em lại nhớ…
Độ này trời sắp sang đông, bão Sơn Tinh cũng vừa tạt qua, gió máy còn chưa yên thì em lên Fắc búc lại thấy nhiều “tồ píc”, “sờ ta tút”, “còm men”…luận anh hùng xung quanh chuyện “Phượt” là gì? Đi phượt dư lào là đúng, là chân chính, là đích thực…? Em cũng chẳng hiểu lắm “phượt” là gì nữa. Em chỉ không khoái lắm dăm chuyện trên mạng được tung lên mấy bữa rồi thôi. Bỗng dưng em lại nhớ…
Nào là chuyện có bác nọ khinh công thượng thừa, vọt lên đỉnh cột mốc Km số 0 cao ngất, đứng oai phong, lẫm liệt, quần áo hầm hố phong trần nom chẳng khác gì Bắc Kiều Phong trong truyện chưởng Kim Dung. Em mới chỉ nom ảnh mà còn thấy chóng hết cả mặt… Rồi có mấy anh gì ý, nội công thâm hậu, phi thân lên cổng chào tỉnh nọ chễm chệ, kiêu hùng lắm vì chưa ai làm được như thế, cứ như Tề Thiên ở Hoa Quả Sơn vậy… Em mới nghĩ đến thôi đã suýt chớ rồi vì em bị bệnh sợ độ cao… Bỗng dưng em lại nhớ…
Những người lính biên phòng ở Đồn 317 Apachai năm ấy… Anh Vũ Anh, anh Hưng, anh Hồng, anh Lệ, anh Thắng, anh Nghi…, họ cứ lầm lũi đi bộ từ tháng này qua năm khác, hết Leng Su Sìn, Tả Kho Khừ, Tá Miếu rồi đến mốc số 0… Đêm biên giới mù mịt, trong căn lều bạt vừa dựng tạm giữa rừng, dưới ánh nến leo lắt, họ bàn nhau cách vào rừng lấy gỗ làm nhà mái ấm biên cương cho đồng bào di cư. Đôi bàn chân ấy cũng đã đi qua hàng trăm, hàng nghìn km biên cương, leo lên bao điểm cao, đỉnh trời mà hình như họ chẳng chịu “ắp” tấm hình nào lên Fắc búc thì phải… Thật tiếc! Bỗng dưng em lại nhớ!
Nghe đâu có vài phượt gia chi chi, đi đến đâu là hạ bút lưu dấu trên bia, trên cột mốc, hào sảng và tự mãn vô cùng chẳng khác Bạch Mã Ôn thuở ấy “hạ cần” tưới nước ghi danh trong lòng bàn tay Phật Tổ... Bỗng dưng em lại nhớ câu chuyện của người lái đò “Tình xuồng” ở trạm biên phòng Kẻng Mỏ, Đồn 311 Ka Lăng, nơi thượng nguồn Đà Giang. Hơn 10 năm trước, xứ Mường Tè hoang sơn, cùng cốc, các anh dong thuyền, lội bộ bao dặm núi đèo, đi phân giới cắm mốc chỗ con sông Đà nhập quốc tịch Việt Nam. Giữa rừng sâu, núi thẳm ngày đó, họ đi đến đâu đều phải rút dao ra khắc tên mình lên cây rừng để biết đường khi quay trở về Tổ quốc… Thiếu sót thật khi chẳng có “píc” nào ghi lại những khoảng khắc như vậy để ngày nay ai đặt chân tới mốc 17.1 còn nhớ tới họ… Bỗng dưng em lại nhớ!
Thấy bảo có mấy cao thủ, anh hào cưỡi ngựa xích thố, vượt dặm trường quan sơn phi thẳng vào giữa đồng cải, giữa vườn tam giác mạch đang kỳ sung mãn khoe sắc hương… Vó ngựa đi qua là có những tấm hình long lanh rực rỡ sắc màu, ngập tràn các trang mạng cùng những lời tung hô tới trời xanh chăng? Hay vó ngựa đi qua là nặng trĩu nỗi buồn, chập chờn lo âu, day dứt đói nghèo của người nông dân tần tảo, nhọc nhằn trên dãy Pú Hồng Mèo, trên miền đá trời cằn cỗi, khắc khoải… Bỗng dưng em lại nhớ, đêm giao thừa năm ấy còn chưa trọn vẹn, mới nguyên đán tinh khiết, cả nghìn người lính quân khu 2 nhận lệnh hành quân xông thẳng vào “rừng lửa” vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn để cứu từng mét rừng xanh ngắt. Cuộc chiến với giặc lửa dai dẳng ngót tháng trời, họ ăn than, ngửi khói, ngủ bụi, uống sương giữa độ cao hơn 2 ngàn thước cho đến khi ngọn lửa lụi tàn, đám tro dần nguội, sức người cũng rệu rã và rừng đã được cứu… Họ trở về khi những chiếc bánh chưng ra giêng cũng đã hết mà chẳng có người nào chịu ghi vài dòng “sờ ta tút” nào lên Fắc búc nhỉ… Bỗng dưng em lại nhớ…
Nghe đồn, có nhà phượt nọ vui mừng thông báo tổ chức đoàn tới nửa trăm người, rong ruổi ngàn cây số bất kể ngày đêm, mưa nắng, thời gian. Thật bất khuất lắm thay… Rồi lại sẵn sàng “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” ở bất kỳ chỗ nào, dù là góc cua tay áo, lưng đèo hút sâu… bất kể có chướng ngại, có nguy hiểm nào cận kề… Bỗng dưng em lại nhớ, mùa thu năm đó, 300 quân của “nhà D4” (Tiểu đoàn 4 Anh hùng, Trung đoàn bộ binh chủ lực T82), hành quân hơn 350km từ Điện Biên Phủ sang cứu người dân bị lũ quét ở Tùng Chỉn, Bát Xát, Lào Cai). Trong đêm mưa gió ấy, 12 chiếc xe khách của XN Xe khách Điện Biên dồn ứ vì sạt đèo Sapa. “Leader Lại Mạnh Hùng” (Trung đoàn phó T82) đã chỉ huy quân hạ đồ, xuống xe, dùng cuốc xẻng đánh phẳng đèo Sapa trong đêm để tiếp tục hành quân lên với vùng lũ… Tối muộn ngày hôm sau, “nhà D4” đã tới được Bát Xát khi mà toàn bộ quân tư trang, gạo nước, củi lửa đã ướt sũng và họ đã ở lại với dân hơn 1 tháng trời… Chỉ buồn chẳng có đồng chí nào chịu viết “tô píc” lên Fắc búc cả…
Bỗng dưng em lại nhớ…
Còn rất nhiều chuyện nữa… Mà thôi! Có lẽ phượt chỉ là 1 từ gồm 5 chữ cái ghép lại với nhau. Cách hiểu nó như thế nào là do mỗi người, bản thân từ "phượt" chẳng có gì xấu xa, tội lỗi cả. Chỉ có những người mượn danh nó để làm những việc không hay mà thôi. Dù có phượt hay không thì em nghĩ hãy cứ đi theo cách của mình, tình yêu trong chính trái tim, con đường, mỗi chuyến đi và sự chia sẻ, tôn trọng nơi mình đi qua và những người mình đã gặp.
Nguồn: ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét