Những bài học lớn từ một cuộc đối thoại - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Những bài học lớn từ một cuộc đối thoại


Tùng Lâm

Sau bao nhiêu nỗ lực không mệt mỏi của những người nông dân Văn Giang đồng thời với sự hậu thuẫn của dư luận, cuối cùng những mâu thuẫn xã hội tưởng như rất gay gắt đã được tháo gỡ hết sức nhẹ nhàng và đầy xúc động. Tính dân chủ, công khai và minh bạch đã mang lại tiếng nói chung cho mọi người. Đấy cũng chính là thông điệp của cuộc gặp mặt và trao đổi giữa GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) với đại diện của những người dân bị thu hồi đất ở Văn Giang- Hưng Yên.

 (Toàn cảnh cuộc gặp mặt đối thoại trực tiếp giữa
GS Đặng Hùng Võ với đại diện nông dân Văn Giang)
Cuộc đối thoại lịch sử diễn ra vào chiều ngày 8/11/2012 tại Hội trường Bộ TN & MT là bài học quý báu ở các khía cạnh khác nhau cho nhiều người:

1. Đối với cá nhân GS Đặng Hùng Võ:

Ông Võ với tư cách là Nhà quản lý đã nhận sai lầm trong việc soạn thảo văn bản và những quyết định liên quan đến dự án Văn Giang. Điều đó, trước hết thể hiện thái độ đúng mực của một trí thức (tôi không định nói đó là hành động dũng cảm), sau nữa là một hành động có trách nhiệm, đúng bổn phận đối với công việc của người công chức (cho dù anh đã nghỉ hưu hay thuyên chuyển công tác). Biết đâu chẳng có lúc GS Võ đã từng cảm thấy áy náy khi nhận ra những lỗi do sơ xuất, do trình độ hoặc do cơ chế bắt buộc mà một số "sản phẩm" do ông làm ra đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thất thoát, hay trái với lợi ích của dân; nhưng ông chưa đủ dũng cảm để "tự thú", thì đây chính là cơ hội để ông trút đi nỗi ám ảnh đó.

Nói ra được sự thật, dù đó là sự thất bại hay sai lầm của bản thân chính là một thắng lợi. Đấy là cách tốt nhất để lấy lại nhân cách và lòng tự trọng, sự tự tin. Hơn thế nữa, sự thú nhận sự thật mang lại lợi ích cho xã hội, hay đơn giản là cho người khác đã giúp mình trút đi gánh nợ với đời, để cuộc sống được thanh thản; và, ông Võ đã lựa chọn cách thú nhận đó. Cá nhân tôi đã nhìn ông Võ với con mắt tôn trọng hơn.

2. Người dân Văn Giang:

Cái được lớn nhất của người dân Văn Giang trước hết đó là: nỗi oan ức đã được giải tỏa.

Sau hơn tám năm ròng "trường kỳ kháng chiến", cuối cùng những người mất đất ở Văn Giang đã bày tỏ được tâm can của họ. Kết quả đã chứng minh rằng họ không phải là thế lực thù địch; họ không bị ai xúi dục hay có âm mưu chống phá; họ là những nông dân hiền lành, tử tế; họ không hề phạm tội "phá rối trật tự"; họ đã hành động dũng cảm, đứng lên chống lại những thế lực đen tối để bảo vệ thành quả chính đáng của mình, đặc biệt là danh dự và lòng tự trọng. Phải chăng cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam giành lại độc lập dân tộc không phải là một bài học cho những người bị áp bức và cả bài học đắt giá cho những kẻ xâm lược?

Có thể những cái được về vật chất đối với họ sau sự kiện này chưa hẳn đã là đáng kể như mong muốn. Có thể sự bù đắp chưa thể sánh với những tổn thất mà họ phải gánh chịu; song ý nghĩa của cuộc "trường kỳ đấu tranh" là vô giá, đáng được tôn trọng và đáng để học tập.

3. Chính quyền và nhóm lợi ích:

Dự án Văn Giang là một ví dụ điển hình về mâu thuẫn lợi ích giữa người nông dân, Nhà chức trách và "nhóm lợi ích". Lợi ích của dự án nếu không phải cho nền kinh tế quốc dân hay an ninh quốc phòng như tuyên bố, mà cho một nhóm người với lá chắn của chính quyền thì đó là một việc làm phi lý và vô nhân đạo. Trong những trường hợp như thế, đối thoại là một phương thức văn minh để tìm một tiếng nói chung. Nếu chính quyền Văn Giang biết lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của dân để tìm ra được một giải pháp trung hòa thì sự việc đã không đến nỗi phức tạp đến thế. Một khi đã dùng đến lực lượng vũ trang để uy hiếp dân khi chưa có sự đồng thuận thì bất kể với lý do nào, đó là hành động chống lại dân. Một khi chính quyền bị thao túng bởi những lợi ích cá nhân, chống lại quyền lợi chính đáng của nhân dân thì đó là điềm báo trước một sự sụp đổ không xa.

4. Quan chức chính phủ:

Sau sự kiện Văn Giang và đặc biệt sau kết quả đối thoại giữa GS Đặng Hùng Võ với người dân Văn Giang, có lẽ những người làm chính sách (nghiêm túc) sẽ rút ra được nhiều bài học rất bổ ích. Rằng mọi sự thiếu minh bạch, vô nguyên tắc và không công tâm của hôm nay sẽ phải trả giá đắt cho tương lai của chính họ. Một xã hội muốn được bình yên và dân chủ thì chính phủ phải bị kiểm soát: Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; ngược lại một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép. Bỏ qua những nguyên tắc đó sẽ dẫn đến những nguy cơ "vô chính phủ".

5. Hàng ngũ trí thức xã hội:

Dẫu là muộn màng song cuối cùng GS Đặng Hùng Võ đã thừa nhận những sai lầm của mình, ông chính thức ghi tên mình vào danh sách hàng ngũ trí thức Việt nam từ ngày 8/11/2012. Vậy còn hàng chục ngàn vị Giáo sư tiến sĩ và các nhà khoa học khác thì sao? Nhiều người trong số họ đã tự ngộ nhận là trí thức sau khi có được mảnh bằng hay học vị khoa học. Rất tiếc, họ đã nhầm lẫn giữa "kẻ làm thuê có chữ" với những trí thức xã hội. Những "kẻ làm thuê có chữ" đó nếu không có chính kiến và/hoặc không trung thực bảo vệ chính kiến (cho dù chính kiến chưa đồng thuận hay khác biệt) thì chẳng khác gì những tên lưu manh giỏi dao súng hay những gã đồ tể lành nghề làm công cụ cho những kẻ thống trị tàn bạo và ngu dốt.

Sau tràng vỗ tay và những giọt nước mắt của người dân Văn Giang, hẳn GS Đặng Hùng Võ đã xúc động và ngẫm ra một điều gì chăng? Nhân dân là thế! "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại". Nhân dân luôn sẵn sàng rộng lượng tha thứ cho những người biết nhận lỗi, miễn là thái độ nhận lỗi thành khẩn cùng với hành động thực sự sửa sai và khắc phục hậu quả, chứ không phải những lời xin lỗi sáo rỗng nhằm chạy tội và đằng sau là nụ cười ngạo mạn.

Sau GS Đặng Hùng Võ, ai trong số những "kẻ làm thuê có chữ" sẽ ra nhập hàng ngũ trí thức? Có lẽ nó đang là sự trăn trở của không ít người. Dũng cảm và trung thực là hai phẩm chất cần thiết và bắt buộc để trở thành một trí thức. Luật sư Martin Luther King đã thể hiện vai trò trí thức của mình như sau: "Mỗi người không chỉ có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ luật pháp công bằng, mà còn cả nghĩa vụ đạo đức nữa. Ngược lại, mỗi người đều có trách nhiệm đạo đức để bất tuân những điều luật không công bằng. Tôi đồng ý với Thánh Augustine rằng một bộ luật không công bằng thì không phải là luật".

6. Các "nghị sĩ và chính khách":

Cuộc đối thoại giữa GS Đặng Hùng Võ với người dân Văn Giang có lẽ là một gợi ý về nội dung và hình thức mới trong các cuộc "Tiếp xúc cử tri" của các "Ông nghị" hay chương trình dân hỏi bộ trưởng trả lời của các "Chính khách".

Gần đây xuất hiện một số cuộc đăng đàn của vài vị bộ trưởng, điển hình là Bộ trưởng Vũ Đức Đam và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, hay một vài cuộc tiếp xúc cử tri của các vị lãnh đạo đảng và nhà nước.

Thiết nghĩ, việc tiếp xúc cử tri hay đăng đàn đối thoại với dân là cần thiết, song phải được tổ chức hết sức khách quan, có sự tham gia của đông đảo người dân có quan tâm chứ không dừng lại ở hình thức, chiếu lệ với những dàn dựng có chủ ý. Với cách đăng đàn theo hình thức "Rao giảng" có lẽ chỉ còn phù hợp với vai trò của các vị Linh mục trên Giáo đường. Với cách làm đó không những mất thì giờ của các vị, tốn thời lượng của các kênh truyền hình, gây lãng phí mà hiệu quả rất thấp.

Nên chăng, hãy thường xuyên tổ chức đối thoại với dân về những vấn đề có liên quan đến từng lãnh vực của các vị bộ trưởng (theo hình thức tự do công khai và mở rộng) tương tự như cuộc đối thoại giữa GS Võ với người dân Văn Giang vừa qua. Chẳng hạn ngài Đinh La Thăng sẽ đứng ra diễn thuyết, giải thích trước dân tại sân vận động để cổ súy cho một phong trào thu lệ phí hay giảm ùn tắc giao thông. Bà Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế hay hoạt động hành nghề của các bệnh viện... trước dân tại công viên hay vườn hoa chứ không phải trước các vị đại biểu trong tòa nhà Quốc hội. Các đại biểu quốc hội, đặc biệt là các vị lãnh đạo cấp cao tiếp xúc với các cử tri tại một quảng trường như các vị Tổng thống hay Thống đốc Bang đã từng làm ở bên kia bán cầu, chứ không phải trong phạm vi một số cử tri hẹp đã được lựa chọn...

Những cuộc đối thoại như thế là một dịp tốt cho cả hai phía. Dân bao giờ cũng thông minh. Có lẽ GS Đặng Hùng Võ cũng học được khối điều từ dân qua cuộc đối thoại.

7. Những Nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền:

Có lẽ hơn ai hết, những người luôn hăng hái đấu tranh kiên trì cho nền dân chủ và nhân quyền của nước nhà rút được nhiều bài học bổ ích nhất trong cuộc đối thoại này.

Kết quả cuộc đối thoại là một thắng lợi không chỉ đối với người dân Văn Giang mà có ý nghĩa trên phạm vi toàn quốc, cao hơn nữa là cả một dân tộc. Đó là thắng lợi của một xu thế tiến bộ, đó là thắng lợi bước đầu của một trật tự mới đang được hình thành. Rõ ràng đây là sự đối thoại mà không phải là "đối đầu". Nếu gọi đó là một "Diễn biến hòa bình" thì cũng không sai; và nếu thế thì "Diễn biến hòa bình" đâu phải là xấu? ngược lại nó chính là cầu nối giữa Nhà cầm quyền, Nhà quản lý với nhân dân. Bài học của Văn Giang giúp các Nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và cả "những kẻ phản dân chủ" có cách nhìn mới trong công cuộc đấu tranh tìm tiếng nói chung trong tiến trình xây dựng nền dân chủ và nhân quyền, trên nguyên tắc ôn hòa với tinh thần hiểu biết, bình đẳng và công khai. Đó là phương thức duy nhất đúng đắn trong giai đoạn hiện nay để xã hội mau chóng chuyển hóa thành một xã hội dân sự tiến bộ thông qua đối thoại, phù hợp với thời đại. Chỉ có như thế, Việt Nam mới theo kịp và hội nhập tích cực được với thế giới văn minh.

Hà Nội 12.11.2012

Theo diễn đàn X-Cafevn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad