Sự suy thoái kinh tế nguy hiểm của Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Sự suy thoái kinh tế nguy hiểm của Việt Nam


Rodion Ebbighausen, Deutsche Welle
Hồng Phúc chuyển ngữ

Cách đây hơn một thập kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là nóng nhất châu Á. Một cuộc khủng hoảng kinh tế cộng thêm sự quản lý yếu kém về tất cả mọi mặt đã đẩy đất nước đến bờ vực của sự hủy hoại. Hiện nay, tất cả mọi việc đều tùy thuộc vào chính phủ xem họ có thể cứu nguy những gì còn lại hay không.

Ảnh: Reuters
Tuấn là một người Việt trẻ tuổi, có học thức và đầy tham vọng đến từ thành phố Hà Nội. Thời kinh tế vàng của đất nước gần đây cho phép Tuấn dành dụm được một gia tài nho nhỏ – ít nhất là đủ mua được một căn hộ cho cả gia đình. Ông thậm chí còn có ý định mua một chiếc xe ô-tô. Là một quan chức làm việc cho nhà nước ở địa phương, ông cũng có một khoảng thu nhập kha khá. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào bất động sản và một công ty kỹ thuật truyền hình.

Tuy nhiên, sự lạc quan của ông gần đây đã trở nên lu mờ bởi sự sợ hãi và bất định. Ông đã từ bỏ ý định mua xe ô-tô. Giờ đây ông đang lo lắng bị mất tiền tiết kiệm và thị trường bất động sản sẽ sụp đổ.

“Tôi không biết tình hình này sẽ ra sao. Hiện nay nợ quốc gia đang trở thành một gánh nặng trên vai đất nước chúng tôi. Cuối cùng, tất cả chúng tôi là những người phải chịu đựng gánh nặng đó”.

Giá bất động sản cho đến nay đã giảm 30%. Trong khi đó lạm phát tiếp tục tăng cao; chỉ riêng trong tháng 10 năm 2012, tỷ lệ lạm phát là 7%. Chỉ số chứng khoán HNX tại sàn Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong năm nay. Các cơ quan xếp hạng tín dụng như Moody’s và Standard & Poor đã hạ cấp trái phiếu của Việt Nam xuống còn “đầu cơ cao”.

Suy thoái nguy hiểm

Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay đã chậm lại chỉ còn từ 4-5%. Chỉ số tăng trưởng này không đủ để tạo ra công ăn việc làm cho dân số ngày càng tăng nhanh và số lượng người dân bắt đầu đi vào thị trường để tìm việc làm ngày càng nhiều.

“Suy thoái hiện nay rất quan trọng đối với chế độ vì nó đi đôi cùng tính chính danh của họ với tốc độ tăng trưởng kinh tế,” theo giáo sư Adam Fforde thuộc trường Đại học Victoria ở Melbourne, Australia.

Giáo sư Fforde ước tính rằng khoảng một triệu người đã bị mất việc làm trong vòng hai năm qua – một sự phát triển dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng tại một nước thiếu vắng hệ thống phúc lợi xã hội như Việt Nam.

Chính phủ giải cứu?

“Tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ sẽ tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế”, Tuấn lạc quan và thận trọng cho biết.

Chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Fforde – cùng với nhiều chuyên gia khác – hoài nghi về khả năng của chính phủ trong việc tìm ra một giải pháp, vì ngay từ đầu chính bản thân chính phủ là người chịu trách nhiệm một phần lớn đối với những khó khăn kinh tế của đất nước. Chương trình “Đổi mới” được giới thiệu rộng rãi vào năm 1986 về cả chính trị lẫn kinh tế nhằm mở cửa thị trường và cải cách quốc gia, đã chứng minh không phải là chương trình phát triển bền vững.

“Trong năm 2007, sự cân bằng đã bị vỡ nát”, theo giáo sư Fforde. “Cuối cùng, sự thật đáng buồn đã trở nên nổi bật: chính phủ có thể không kiểm soát nhiều quyền hạn như họ tưởng và rằng tất cả mọi thứ cho đến nay có thể chỉ là may mắn”.

Chỉ trích cách quản lý yếu kém

Việt Nam – một nước có thị trường xuất khẩu mạnh – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2007. Những người ra quyết định tại Hà Nội đã đưa ra các gói kích cầu tốn kém nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, một phần lớn số tiền đó đã bị lạc trong các vụ tham nhũng và quản lý yếu kém. Tất cả những điều đó đã để lại cán cân thiếu hụt rất lớn. Các ngân hàng [Việt Nam] hiện đang bị kẹt với các khoản nợ xấu lên đến 15%.

Cuối cùng, lãnh đạo đảng cũng đã ngã ngũ sau nhiều tháng tranh giành quyền lực nội bộ – một biểu hiện cho thấy chính phủ đã “hiểu tình hình nghiêm trọng như thế nào”, chuyên gia về Việt Nam – Jörg Wischermann nói với Deutsche Welle. Đối với các nhà lãnh đạo đảng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lực của họ, sau đó mới đối phó với các vấn đề kinh tế của đất nước.

Giáo sư Fforde cho rằng giải pháp đối với cuộc khủng hoảng hiện nay của Việt Nam nằm trong sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Ông cho rằng Việt Nam cần thiết phải đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục và y tế cũng như cơ sở hạ tầng. Cải cách nông nghiệp, lĩnh vực chưa được cập nhật kể từ năm 1986, cũng tối quan trọng trong tình hình hiện nay.

Theo Tạp chí Phía Trước

---------------------------------------------------

Nguồn: Vietnam's dangerous economic downturn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad