Các quy định về hộ tịch Việt Nam hiện nay lại vô hình trung chia công dân Việt Nam ra làm hai loại: công dân sống thường trú và công dân sống tạm trú, lưu trú.
Khó quá ông ơi!
Từ xa xưa, chỉ có xã hội chiếm nô thì người nô lệ không có quyền tự do cư trú, còn công dân tất cả các quốc gia đều có quyền tự do cư trú trên lãnh thổ của quốc gia mình. Thể hiện tinh thần tiến bộ đó, Điều 68 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hiện hành quy định "công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước". Thế nhưng các quy định về hộ tịch Việt Nam hiện nay lại vô hình dung chia công dân Việt Nam ra làm hai loại: công dân sống thường trú và công dân sống tạm trú, lưu trú.Ảnh minh họa VNE |
Người con của họ băn khoăn tự hỏi mình có phải là công dân Việt Nam không? Vì họ không có khai sinh. Người con của họ tự trả lời: có lẽ mình là công dân Việt Nam vì theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì bố mẹ mình đều là người Việt Nam thì mình sẽ là người Việt Nam.
Người con của họ băn khoăn tự hỏi mình có trách nhiệm đóng góp gì cho tổ quốc này không? Có lẽ là có nhưng không nhiều bằng người khác vì mình không được nhà nước coi là công dân có hộ khẩu thường trú mà mình là công dân hạng hai - hạng tạm trú, lưu trú hoặc thậm chí công dân không có tên trong bất kỳ danh sách nào của nhà chức trách.
Khái niệm hộ khẩu và các quy định bất hợp lý về hộ tịch ở Việt Nam đã làm cho bao người dân sống tạm bợ, điêu linh trên tổ quốc mình mặc dù đất nước đã được độc lập từ lâu, mặc dầu họ không ngu dốt, mặc dầu họ không có lỗi gì lớn, ngoài lỗi không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu thường trú.
Trong số đó có một người đã được Tập san "Thông tin cải cách nền hành chính Nhà nước" của Viện nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước của Bộ Nội vụ số tháng 7 năm 2004, trang 19. Đó là chị Tuyết quê gốc ở Tây Ninh, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thư gửi ông Trần Thành Long, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp ông tiếp xúc cử tri, cháu Thân Trọng Nguyên đã viết (ngày 28-5-2004): "Cháu có đọc bài nói chuyện của ông trên báo. Cháu nghĩ ông có thể thông cảm nỗi bức xúc trong lòng cháu. Từ lúc chào đời, anh em cháu đã tạm trú trên đất nước mình; cho đến bây giờ hơn 20 năm, cháu vẫn không thật sự được làm một người công dân chính thức trên quê hương mình...
Cháu có hai anh em. Anh cháu sinh năm 1982, còn cháu sinh năm 1984. Cho đến nay chúng cháu vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Cháu biết đây cũng là nỗi đau của mẹ cháu. Cháu đã hỏi cơ quan pháp lý... Nhưng ông ơi, tờ giấy xác nhận đã tạm trú 24 năm[1] cũng không thể làm khai sinh cho chúng cháu được[2]. Người xưa có câu "có tiền mua tiên cũng được" mà mẹ cháu không có tiền để mua cái quyền làm một người dân hợp pháp cho chúng cháu được."
Trong một lá thư khác, cháu Nguyễn Ngọc Thương viết (ngày 30-5-2004) viết: "Cháu sinh năm 1985, tạm trú ở 40/1B ấp 4 Lương Định Của, Q2, Thành Phố Hồ Chí Minh. Vì gia cảnh mà cha mẹ, anh chị em cháu không có hộ khẩu. Do vậy, ngay cả cái tên cháu đang mang cũng là cái tên vay mượn để được cắp sách tới trường như các bạn cùng lứa tuổi. Từ cấp 1, để cho cháu đi học, mẹ cháu đã mượn giấy khai sinh của con người cậu để cháu được đến trường... Để trở thành một người công dân thật sự khó quá ông ơi? Thủ tục hành chính giấy tờ với những gia đình vất vả kiếm sống như gia đình cháu sao cho đúng nghĩa?... Chị cháu sinh năm 1980, đã có gia đình và sinh một bé gái. Nhưng chị cháu cũng không thể nào khai sinh cho con chị vì bản thân chị không có mảnh giấy tờ tùy thân."
Để không sống tạm trên quê hương mình
Hai trường hợp nói trên không ai dám nói rằng họ không phải là công dân Việt Nam, nhưng vì họ không có hộ khẩu thường trú, không phải mang "quốc tịch" của một tỉnh, thành cụ thể thì phải sống kiếp "lưu vong".Không có hộ khẩu thường tại nơi mình cư trú còn gây biết bao phiền phức: con cái không được học trường công lập, học phí gấp đôi gấp 3; hoặc phải học trái tuyến đi xe đạp thì xa quá, đi xe máy thì chưa đủ tuổi; đăng ký điện thoại, xe máy, đăng ký kinh doanh, đăng ký kết hôn[3]... Có những chiếc xe máy mang biển số của một tỉnh khác nhưng từ khi mua cho đến hàng chục năm sau thì nó chỉ một lần duy nhất lăn bánh trên tỉnh nhà lúc làm thủ tục đăng ký.
Theo Điều 68 Hiến pháp "công dân có quyền tự do đi lại, cư trú trong nước" thì có nghĩa họ có quyền sống bất kỳ nơi nào trên tổ quốc của họ. Và thời hạn sống bao lâu là do nhu cầu kinh tế, nhu cầu gia đình của họ. Tại sao chúng ta lại đặt ra chế độ tạm trú mặc dầu họ có nguyện vọng cư trú tại một địa phương nhất định và trên thực tế họ đã sống gần cả cuộc đời ở đó.
Ở các nước tiên tiến thì công dân có quyền tự do cư trú vì vậy, công dân hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống. Để thuận tiện cho việc quản lý thì khi đến cư trú tại một địa phương nhất định quá một khoảng thời hạn nhất định (thường khoảng 3 tháng), người dân phải đăng ký với nhà chức trách địa phương. Ở các nước đó không có khái niệm hộ khẩu, không có khái niệm tạm trú. Chỉ đối với một số công việc đặc biệt đòi hỏi sự gắn bó của người thực hiện công việc đó với địa phương[4] thì có thể đặt ra điều kiện đòi hỏi người thực hiện công việc đó đã cư trú tại địa phương một khoảng thời gian đủ dài.
Ngoài ra nhà nước không được đặt ra bất kỳ hạn chế nào đối với người dân vì lý do thời gian cư trú. Cách quy định này vừa tránh được những bức thư đau lòng nêu trên, vừa khuyến khích công dân tự do dịch chuyển để tìm kiếm việc làm mới phù hợp với mình, khuyến khích kinh tế phát triển, tăng cường giao lưu giữa các bộ phận dân cư trong cùng một quốc gia, góp phần giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Thuận lợi trong việc đăng ký cư trú, không chỉ bảo đảm quyền hiến định của công dân, mà góp phần hạn chế hiện tượng người nhập cư sống không đăng ký, giảm bớt khó khăn cho các cơ quan điều tra khi xác đinh nhân thân của những người vi phạm pháp luật.
Võ Trí Hảo, Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM
Theo VNN
___________________
[1] Thời gian tạm trú của bà mẹ - tức chị Tuyết (tác giả)
[2] Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đăng kí khai sinh phải đăng kí theo nơi người mẹ có hộ khẩu thường trú, trường hợp đặc biệt thì có thể đanưg khí khai sinh theo nơi sinh.
[3] Về những khốn khó mà người dân gặp phải từ các quy định bất hợp lý về hộ tịch, xin xem thêm Võ Trí Hảo, Tự do hóa thị trường lao động, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 11/2003
[4] Ví dụ như ứng cử làm thượng nghị sĩ của một bang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét