Lê Hiền Đức
Hôm đầu tuần, có một bức thư ngỏ của bà con nông dân ở huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên được gửi tới nhiều địa chỉ và được công bố trên nhiều trang mạng uy tín, nội dung là cảm ơn nhân dân cả nước đã quan tâm tới vụ việc thu hồi đất liên quan dự án Ecopark tại Văn Giang, mời khách tới Văn Giang tìm hiểu thực trạng dự án đường bộ liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội (dự án hạ tầng đổi lấy 500 ha đất xây khu đô thị tại Văn Giang), dự án khu đô thị Ecopark, cuộc
sống, nguyện vọng của các nông dân Văn Giang bị thu hồi đất và một số di tích lịch sử, văn hóa, đặc sản ở Văn Giang. Trong thư còn ghi rõ mấy điểm: 1- Bà con có chuẩn bị xe ô-tô đón khách tại cổng Trường ĐH Ngoại thương (91 – phố Chùa Láng – quận Đống Đa – TP Hà Nội), dự kiến chuyến thăm bắt đầu vào 8 giờ và kết thúc vào 14 giờ ngày 18-11-2012, ai muốn tham gia thì liên hệ qua số điện thoại 0984420475 (anh Phạm Hoành Sơn) và 0936023189 (cô Trang); 2 – Bà con đề nghị UBND huyện Văn Giang, UBND các xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng tạo điều kiện cho chuyến thăm này; 3 – Bà con kính mong các nhà báo đang theo dõi kì họp Quốc hội chuyển lời mời của bà con đến các vị đại biểu Quốc hội.
Đọc bức thư ngắn gọn ghi chưa hết nửa trang giấy, tôi xiết bao tự hào về sự đàng hoàng, lịch lãm, chu đáo của bà con nông dân Văn Giang nói riêng, của người dân lao động Việt Nam nói chung, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh gian nan, ngặt nghèo. Đã theo dõi vụ việc ở Văn Giang từ lâu, đã sát cánh cùng bà con trong cuộc cưỡng chế, thu hồi đất bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lí, đã nguyện đi với bà con đến cùng trong cuộc đấu tranh đòi đất, giữ đất, tôi không thể bỏ lỡ chuyến thăm này.
Sáng sớm 18-11, tôi còn đang ở nhà thì một cán bộ an ninh của Công an TP Hà Nội gọi điện tới hỏi tôi có đi Văn Giang không. Tôi đáp có. Khoảng 8 giờ 45, tôi đã ngồi trên xe đi, lại có một nữ cán bộ an ninh của Bộ Công an gọi hỏi câu ấy. Vì nữ cán bộ đó nói đang ở gần Văn Giang nên tôi hẹn gặp chị ta ở UBND xã Phụng Công sau ít phút nữa. Chị ta đáp vâng. Lạ là chị ta bảo đang trên đường đi mà lại gọi tới từ một số điện thoại cố định của Bộ Công an.
Chưa tới đất Văn Giang, đã thấy nhiều bà con nông dân đứng bên đường chờ đón khách. Tới cổng làng Phụng Công thì không khí thật náo nhiệt với rất nhiều bà con cầm cờ, hoa, băng-rôn, khẩu hiệu vẫy chào. Tôi rất xúc động, phấn khởi nên ngồi trên ô-tô mà bật tiếng hô: “Văn Giang anh hùng! Văn Giang muôn năm! Văn Giang đoàn kết”.
Xuống xe, trong vòng tay đón mừng của bà con, tôi còn xúc động, phấn khởi hơn khi gặp mặt nhiều vị nhân sĩ, trí thức, nhiều cháu thanh niên, sinh viên quen biết và đặc biệt là nhiều bà con dân oan, nạn nhân của các vụ cướp đất từ khắp các tỉnh thành trong nước, hôm nay cũng về đây nắm bắt tình hình, chia sẻ tình đoàn kết, học tập kinh nghiệm đấu tranh của bà con nông dân Văn Giang.
Nhớ lời hẹn với nữ cán bộ an ninh, tôi gọi điện thoại thì chị ta nói đã về Hà Nội rồi. Cán bộ an ninh của Bộ Công an mà cư xử như vậy, thật chẳng ra làm sao!
Dứt một việc, tôi cùng mọi người ra con đường và cây cầu có mấy kẻ nói là “chiến lược”. Ai cũng thấy rõ chúng chẳng phục vụ gì nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Văn Giang mà chỉ phục vụ cái khu đô thị Ecopark kia thôi.
Tôi hết sức bồi hồi, xúc động khi quay lại địa điểm mà từ đó tôi đã tận mắt chứng kiến công an và lực lượng tham gia cưỡng chế lao tới, xúm vào đánh đập dã man hai nhà báo VOV và chị Ngô Thị Ánh, một nông dân Văn Giang. Đi qua nhà văn hóa, trạm xá, nghĩa trang, cảnh đàn áp bạo ngược hôm 24-4-2012 như hiện rõ mồn một trước mắt tôi.
Tới UBND xã Phụng Công thì cửa đóng, then cài suốt từ trong ra ngoài, bà con nông dân Văn Giang phải dựng rạp ở đằng trước để đón và tiếp khách. Tôi chỉ vào những cánh cửa gỗ, cửa sắt khóa chặt, nói với mọi người: “Trụ sở này do mồ hôi, công sức nhân dân góp vào mà xây dựng nên, vậy mà giờ người dân không được vào”. Nhiều bà con nhìn tôi, ngao ngán lắc đầu, chắc là vì cám cảnh cho cái chữ nhân dân ghi trong bảng tên trụ sở.
Nhìn tấm băng-rôn khá to ghi dòng chữ “Nhân dân yêu đất 3 xã Phụng Công – Xuân Quan – Cửu Cao nhiệt liệt chào đón Đoàn đại biểu Quốc hội về với dân”, tôi mới để ý thấy một điều lạ nữa, đó là tại đây không có lấy một mống đại biểu Quốc hội nào. Lạ song chẳng lạ, vì các vị ấy là đại biểu Quốc hội chứ có phải đại biểu nhân dân hay nói gọn là dân biểu đâu.
Một nữ nhà báo tên là Tâm (hình như thuộc báo Bảo vệ pháp luật) sấn tới, dí máy ảnh vào tận mặt tôi. Tôi nói với chị ta: “Cháu à, làm báo gì thì báo, cũng đừng bẻ cong ngòi bút nhé!”. Nghe xong, chị ta lảng đi luôn.
Được bà con nông dân Văn Giang mời phát biểu ý kiến, tôi mạnh dạn nói đôi lời, tóm tắt như sau: Tôi nhiệt liệt hoan nghênh bà con nông dân Văn Giang đã đoàn kết, dũng cảm, kiên trì đấu tranh song tới đây, bà con còn phải đoàn kết, dũng cảm, kiên trì đấu tranh hơn nữa vì trên thực tế, đất đai của bà con vẫn đang bị cướp đoạt, chiếm giữ, đương kim Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã sổ toẹt sự nhận lỗi trước bà con của cựu Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, ngay cả cựu Thứ trưởng Võ, vừa dứt câu xin lỗi đã lại sử dụng chiêu bài “vì dân” hòng xóa sạch mọi tội lỗi của mình, của chính quyền và hợp pháp hóa hơn 3000 văn bản sai trái về đất đai bằng cách “Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi”.
Ấy cũng là điều tôi muốn nói với hàng vạn, hàng triệu bà con dân oan, nạn nhân của các vụ cướp đất ở khắp các tỉnh thành.
Trong chương trình, có việc tới thăm một số di tích lịch sử, văn hóa nhưng vì các di tích đó đều bị chính quyền buộc đóng cửa, không cho bà con và khách thập phương vào vãng cảnh, hành lễ nên chúng tôi đành tạm bằng lòng với việc cùng thưởng thức mấy thứ bánh mộc mạc, dân dã làm từ hạt gạo Văn Giang. Hương vị thơm ngon, thanh sạch của tấm bánh làm tôi bất giác nhớ tới mồ hôi và máu của bà con nông dân đã đổ ra trên những bờ xôi ruộng mật này để có những hạt gạo này.
13 giờ, chúng tôi lên xe ra về. Hòa vào sự lưu luyến, bịn rịn là biết bao gửi gắm, tin yêu, biết bao ý chí, quyết tâm hi sinh đòi lại đất, giữ lấy đất. Riêng tôi, trong tay còn có một “món quà” của bà con nông dân Văn Giang, đó là mấy vỏ đạn có in dòng chữ “Bộ công an” đã được lực lượng cưỡng chế bắn ra trong vụ cưỡng chế hôm nào.
Hỡi ơi, dùng súng đạn này để đàn áp, giết hại dân, sao vẫn mang danh Công an nhân dân?
Theo BVN
Post Top Ad
Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012
Từ khóa tìm kiếm:
# Dân Oan
# Thời Sự Việt Nam
Share This
About
Người Đưa Tin
Thời Sự Việt Nam
Labels:
Dân Oan,
Thời Sự Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Post Bottom Ad
Author Details
Người Đưa Tin - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Người Đưa Tin mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét